Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Ngày 30/10/1941: Roosevelt phê duyệt viện trợ Lend-Lease cho Liên Xô

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

30-10-1941-fdr-approves-lend-lease-aid-to-the-ussr

Vào ngày này năm 1941, Tổng thống Roosevelt, người luôn cố gắng để nước Mỹ đứng ngoài Thế chiến II nhưng vẫn giúp đỡ những đồng minh bị sa lầy, đã phê duyệt khoản vay 1 tỷ USD cho Liên Xô theo Chương trình Lend-Lease. Cụm từ “Lend-Lease” ở đây mang nghĩa là cho vay không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Chương trình Lend-Lease được Tổng thống Roosevelt đưa ra và được Quốc hội thông qua vào ngày 11/03/1941. Ban đầu, nó dùng để trợ giúp quân Anh chống lại Đức bằng cách cho Tổng thống quyền “bán, chuyển giao, trao đổi, cho thuê mượn, hoặc định đoạt” bất kỳ nguồn lực quân sự nào mà Tổng thống cho rằng ít cần thiết nhất đối với quốc phòng Mỹ. Lý do đằng sau đó là “Nếu láng giềng của một quốc gia bảo vệ thành công đất nước của mình, thì an ninh của quốc gia đó cũng được nâng cao.”

Dù trước đó Liên Xô đã nhận vũ khí quân sự từ Mỹ, và giờ còn được hứa hẹn 1 tỷ USD viện trợ tài chính, Quốc hội Mỹ vẫn chưa chính thức tuyên bố mở rộng chương trình Lend – Lease sang Liên Xô. Bởi tư tưởng chống cộng đồng nghĩa với nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Nhưng cuối cùng Quốc hội cũng đã chấp thuận việc mở rộng vào ngày 07/11.

Tính đến khi Thế chiến II kết thúc, hơn 50 tỷ USD tiền mặt, vũ khí, máy bay, và tàu chiến đã được viện trợ cho 44 quốc gia. Sang thời hậu chiến, Chương trình Lend-Lease trở thành Kế hoạch Marshall, nhằm giúp các nước dân chủ “thân thiện” phục hồi, ngay cả khi họ đã từng là kẻ thù trong chiến tranh.


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét