Nguyễn Thị Từ Huy
Sự phát triển của phong trào dân chủ tại Việt Nam có lẽ đang
là mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người mong muốn và tham gia
vào quá trình dân chủ hoá đang diễn ra. Liên quan đến điều này, một số người
cho rằng phong trào cần một lãnh đạo có uy tín.
Trước tiên, cần thống nhất ở danh xưng, lãnh tụ hay lãnh đạo.
Danh xưng « lãnh tụ » bao hàm trong nó ý niệm về một cá nhân xuất chúng, với những
phẩm chất phi thường, có khả năng thu hút sự ngưỡng mộ và vì thế mà tập hợp và
quy tụ được đông đảo các tầng lớp xã hội. Danh xưng « lãnh đạo » nhằm chỉ một
cá nhân có một số phẩm chất cần thiết, những kiến thức và những kỹ năng cần thiết
để làm công việc lãnh đạo, những phẩm chất này là những phẩm chất ưu tú, nhưng
có thể rèn luyện được, không phải là phi thường hay xuất chúng.
Vì thế mà một phụ nữ như Aung Sann Suu Kyi, khởi đi từ một
phụ nữ của gia đình, chỉ chuyên về công việc nghiên cứu, nhưng với sự ủng hộ của
đông đảo người Miến Điện, đã chấp nhận đứng vào vị trí lãnh đạo, và đã tự hình
thành cho mình những phẩm chất cần thiết (chứ không hề là phi thường) để trở
thành một lãnh đạo của phong trào dân chủ ở Miến Điện.
Không ít công dân Mỹ đã chọn ủng hộ một người như Donald
Trump trong chiến dịch tranh cử chức tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông
Trump, nếu chẳng may thắng cử, thì ông ấy sẽ là lãnh đạo cao cấp nhất của nước
Mỹ, chứ khó lòng gọi ông ấy là lãnh tụ, sau tất cả những gì ông ta bộc lộ trong
cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Vì thế, có lẽ người Việt không nên chờ đợi sự xuất hiện của
một lãnh tụ xuất chúng, phi thường, mà nên chăng học hỏi người Miến Điện, chọn ủng
hộ một nhân vật mang một số phẩm chất nhất định, và có những điều kiện nhất định
để tự đào luyện qua quá trình hoạt động cụ thể.
Bây giờ có lẽ cần nghĩ đến câu hỏi : trong khu vực nào của
xã hội có thể tìm thấy một lãnh đạo của một đảng chính trị đối lập ở Việt Nam ?
Dễ hình dung rằng câu trả lời sẽ hướng đến các tên tuổi đã
được khẳng định trong phong trào dân chủ. Điều này dễ hiểu, bởi vì việc lãnh đạo
một đảng chính trị đối lập ở Việt Nam đòi hỏi ngoài các phẩm chất cần có của
lãnh đạo, thì còn đòi hỏi thêm các phẩm chất như là khả năng hy sinh, tinh thần
can đảm.
Tuy nhiên, những người có các phẩm chất lãnh đạo lại có thể ở
đâu đó trong các tầng lớp khác của xã hội. Họ có thể ở trong số những người
đang giữ một vị trí trong guồng máy, hay đang hoạt động ở lĩnh vực tư.
Nếu có những người mang khát vọng làm chính trị tại Việt Nam
thì đây là thời điểm thích hợp để họ bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình. Dĩ
nhiên, mấy chữ « khát vọng chính trị » của tôi không phải là được sử dụng một
cách ngẫu nhiên.
Chính trị đích thực, theo Hannah Arendt, là điều kiện cho tự
do của con người, chính trị gắn liền với tự do. Và tôi xin trích lại một nhận định
của Václav Havel, người đã trở nên quen thuộc với giới tranh đấu, kể từ khi các
tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt. Trong một diễn văn đọc tại đại học
New York, năm 1991, một năm sau khi ông được bầu làm tổng thống của nước Tiệp
Khắc dân chủ, Havel có nói như sau : « Bất chấp cái nền chính trị khốn khổ mà
tôi đang phải đương đầu hàng ngày, tôi vẫn tin tưởng một cách sâu sắc rằng
trong nguyên lý của nó, chính trị không phải là một « trò bẩn thỉu ». Đúng là
có những người làm cho chính trị trở nên bẩn thỉu. […] Nhưng chẳng hề đúng nếu
cho rằng chính trị gia buộc phải nói dối hoặc buộc phải gian lận. […] Những
kinh nghiệm mà tôi đã có và những gì tôi quan sát được dường như khẳng định rằng
chính trị chỉ có thể khả thi khi nó là sự thực hành của đạo đức ». Trích lại nhận
định này để nói rằng, chính trị chỉ xấu xa khi người ta làm cho nó trở nên xấu
xa, còn trong nguyên lý của nó, chính trị có thể mang đến những điều tốt đẹp nhất
cho xã hội người.
Nếu có ai đó mang khát vọng làm chính trị như một sự nghiệp
nhằm thể hiện năng lực của bản thân và đóng góp cho dân tộc, cho đất nước, thì
dù người đó đang ở góc nào trong xã hội, cũng nên nghĩ rằng đây là thời điểm
thích hợp để chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình. Và mong rằng đông đảo mọi người
sẽ ủng hộ người đó nếu thực sự người đó đề xuất một chương trình phù hợp với sự
phát triển của Việt Nam.
Paris, 29/10/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét