Trần Khải
Tiến sĩ Subhash Kapila viết như thế trên tạp chí Eurasia Review.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Ông Duterte muốn Mỹ rút khỏi Philippines trước năm 2018.
Lần thứ nhì trong hai ngày liên tiếp, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại đe doạ cắt đứt các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
Phát biểu hôm Thứ Tư 26/10 tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo trong ngày thứ nhì của chuyến công du chính thức 3 ngày tới thăm Nhật Bản - đồng minh chủ yếu của Mỹ trong khu vực, ông Duterte tuyên bố trong vòng 2 năm tới, ông muốn nước ông “sạch bóng các binh sĩ nước ngoài”, cho dù ông phải “tái xét hay huỷ các hiệp ước đã có.”
Một số ít binh sĩ Mỹ đang trú đóng trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố nhắm vào một phong trào nổi dậy Hồi giáo địa phương.
Theo chương trình đã định, ông Duterte sẽ gặp Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vẫn mạnh mẽ ủng hộ các quan hệ chặt chẽ với Washington như một lực đối trọng với Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong Biển Đông.
Nhà lãnh đạo 71 tuổi của Philippines hồi gần đây đã tung ra những phát biểu giận dữ và những lời đe doạ liên tục nhắm vào Hoa Kỳ để trả đũa việc Mỹ chỉ trích chiến dịch chống ma tuý đầy bạo động của ông đã giết chết gần 4000 người kể từ khi ông lên nhậm chức vào ngày 30/6 năm nay.
VOA nhắc rằng trong một chuyến công du chính thức đi thăm Trung Quốc tuần trước, ông Duterte tuyên bố ý định muốn cắt đứt tất cả các quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng sau đó ông lật ngược những phát biểu của chính ông.
Những lời lẽ giận dữ chống Mỹ của ông Duterte tương phản hẳn với lập trường của ông, theo đuổi các quan hệ với Trung Quốc, với những bước nhượng bộ và hợp tác.
Trước khi ông lên đường sang Bắc Kinh, ông đã tuyên bố sẽ không nêu lên phán quyết của toà án trọng tài quốc tế, bác bỏ những tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông, và cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Manila khi ngăn cản ngư dân Philippines hoạt động và cấm các hoạt động dò tìm dầu hoả của Philippines trong khu vực.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines đã tìm cách trấn an cử toạ tham dự diễn đàn kinh tế hôm thứ Tư, rằng ông chỉ muốn thắt chặt các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chứ không mưu tìm các quan hệ quân sự.
Sau đó, Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tìm cách giải thích những phát biểu của ông Duterte, ông nói với các nhà báo rằng Manila sẽ tiếp tục tôn trọng tất cả các hiệp định đã ký với Washington, bởi vì, theo lời ông Yasay, “các quyền lợi quốc gia của hai nước vẫn hội tụ về một điểm.”
Có phải TT Duterte nóng lạnh bất thường, hay thực sự đang có một chiến lược độc đáo và khó hiểu nào chăng?
Cô đơn như thế, tất nhiên Việt Nam phải sang Mỹ du thuyết. Lần naỳ, là ông Đinh Thế Huynh sẽ gặp Ngoại Trưởng John Kerry của Hoa Kỳ. Điều này cũng cho thấy vị trí tương lai của Huynh sẽ vươn cao thêm trên bậc thang quyền lực.
BBC ghi lời Ngoại trưởng John Kerry nói Hoa Kỳ "cam kết phê chuẩn" thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong họp báo chung với ông Đinh Thế Huynh hôm 25/10 tại Washington D.C.
Ông Kerry cho biết sẽ thảo luận với ông Huynh về nhiều vấn đề, trong đó có nhân quyền, quyền lập nghiệp đoàn và vấn đề luật pháp trên Biển Đông.
BBC ghi thêm:
“Trong cuộc họp báo, ông Đinh Thế Huynh cũng cảm ơn và ca ngợi vai trò của Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong mối quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định hai bên sẽ đối thoại "thẳng thắn"....”
Trong khi đó, bản tin RFI tường trình về Biển Đông qua chuyến đi của ông Huynh.
Vào lúc Philippines ngày càng tỏ ý hướng xa rời Mỹ, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một chuyến công du Hoa Kỳ (24-30/10/2016) với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Mỹ-Việt trong đó có vấn đề Biển Đông. Phát biểu vào hôm 25/10/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rằng hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đều có quyết tâm bảo đảm việc tôn trọng luật pháp tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ đã cho biết như trên khi ông cùng với khách mời Việt Nam tiếp xúc với báo chí trước cuộc hội đàm song phương tại Washington. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cho biết ngoài hồ sơ Biển Đông, hai bên cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khác, trong đó có « vấn đề nhân quyền và quyền tự do thành lập công đoàn và bảo vệ các quyền của mình trong tư cách là con người ». Hai bên cũng sẽ đề cập đến Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Hãng tin Mỹ AP đặc biệt lồng chuyến công du Mỹ của người được báo chí phương Tây mệnh danh là «nhân vật số 2 trong đảng Cộng Sản Việt Nam» vào trong bối cảnh Philippines - đồng minh lâu đời của Mỹ ở Đông Nam Á - đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Dấu hiệu «bỏ Mỹ theo Tàu» của Philippines được cho là bắt đầu khiến Việt Nam lo ngại trước nguy cơ bị đơn độc trong việc chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
RFI ghi rằng trên vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ đã cố trấn an Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam, trích dẫn tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam, trong cuộc hội đàm với ông Đinh Thế Huynh, ông Kerry đã xác định rằng chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á Thái Bình Dương vẫn sẽ tiếp tục với chính quyền mới, và Hoa Kỳ vẫn coi trọng quan hệ với Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN trong đó có Việt Nam.
Riêng vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ khẳng định là Washington luôn dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông, bảo đảm hòa bình, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Trong khi đó, báo Người Lao Động cho biết rằng khá lâu trước khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã phát tín hiệu với hàm ý "biển Đông là của Trung Quốc", theo trang Qz.
Bản tin NLĐ ghi lời nhà khoa học chính trị Richard Javad Heydarian thuộc Trường ĐH De La Salle (Philippines) rằng “ông Duterte đang nói chính xác những gì đã nói. Ông ấy không giấu bất cứ điều gì. Chỉ là người dân Philippines không chú ý”.
Báo Người Lao Động viết:
“Bằng chứng mà ông Heydarian đưa ra là một đoạn video do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải trên mạng hồi tháng 5, trong đó ông Duterte lưu ý rằng bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đều không thể thi hành.
“Nếu chúng ta không thể thực thi và nếu Liên Hiệp Quốc không thể thực thi phán quyết thì mọi chuyện đi tới đâu? Chúng ta phải làm gì? Chỉ ngồi một chỗ, chờ đợi ai đó bảo vệ và tiến hành chiến tranh hoặc đòi hỏi sự tuân thủ từ Trung Quốc? Để làm gì?” - ông Duterte nói trong đoạn video...
...Trong đoạn video, người dẫn chương trình của CCTV thuật lại lời ông Duterte rằng nếu ông có quyền quyết định, ông sẽ không trông chờ Mỹ giúp đỡ, thậm chí có thể cân nhắc hủy bỏ vụ kiện do Tổng thống Philppines khi đó là ông Bengino Aquino tiến hành...
...CCCC Dredging - một công ty con của Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) - vừa được chính phủ Philippines chọn để thực hiện dự án cải tạo 208 ha đất tại một cảng ở Davao, nơi Tổng thống Duterte từng làm thị trưởng hàng chục năm. Đáng chú ý, CCCC Dredging là công ty từng bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo Beijing Youth Daily hôm 26-10, CCCC sẽ đắp dải đất dọc 8 km đường bờ biển ở Vịnh Davao nhằm phục vụ các văn phòng chính phủ, doanh nghiệp, cảng biển, nhà ở và ngành công nghiệp.”(hết trích)
Vậy là xong... cũng như bị tình phụ... Bi thảm là VN nằm sát biên giới TQ, cơ nguy bị nuốt trộng như Tây Tạng, Tân Cương là có thể, nếu không giữ thân đu dây cho khéo.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét