Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát, ngay cả
việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy
được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu ráo
máng như với Tây Sơn?
Đôi nét lịch sử
Sau 25 năm chiến đấu kiên trì và gian khổ, ngày mồng 3 tháng
5 năm Tân Dậu (13/6/1801) Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô cũ Phú
Xuân, đuổi vua tôi Cảnh Thịnh chạy dài ra Bắc. Một năm sau, ngày mồng 2 tháng 5
năm Nhâm Tuất (1/6/1802), tuy chưa chính thức lên ngôi hoàng đế (1) nhưng theo
lời đề nghị của bầy tôi, vua ban hành niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại mới
của nhà Nguyễn.
Vào đầu thế kỷ XX, vua Khải Định đã chọn ngày này (mồng 2
tháng Năm âm lịch) làm ngày quốc khánh của nước Đại Nam, đặt tên là ngày Hưng
quốc khánh niệm. Những ai ở lứa tuổi trên 70 ở Trung kỳ, từng cắp sách đến trường
có thể còn nhớ đôi chút về ngày này, nhất là ở Huế. Đó là ngày mừng đất nước thống
nhất. Niên hiệu Gia Long bao hàm trong ý nghĩa đó – vua muốn nói ông là người
đã đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành để thống nhất đất nước (Võ
Hương-An, Thăng Long và Gia Long).
Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và trong khi vua Cảnh Thịnh
của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền Bắc thì Nguyễn Vương đã cho “Phá hủy mộ giặc
Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Thực lục I,
tr.473).
Sau khi chiếm được Bắc Hà, bắt được trọn gói vua tôi, anh em
vua Cảnh Thịnh, hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia
Long khải hoàn về kinh. Ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11
Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu. Hiến phù
là lễ trình diện tù binh trước bàn thờ tổ tiên, và Thái Miếu là nơi thờ 9 đời
chúa Nguyễn.
Sau lễ, “Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực,
Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh]
và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì,
cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi
vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng
Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình,
sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi).
Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu
cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài” (Thực lục I, tr.531).
Trong chiếu bố cáo cho toàn dân được rõ về lễ hiến phù ngày
7 háng 11 Nhâm tuất, có câu mở đầu: “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa
lớn kinh Xuân Thu…” và kết thúc bằng câu “Nhạc Huệ trời đã giết rồi, cũng đem
phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân” (Thực lục
I, tr.532,533).
Theo tài liệu của Bissachère, trước khi nhận lãnh cái chết
thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt phải chứng kiến cảnh lính tráng tiểu
tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyễn Nhạc) (theo hồi
ký của Bissachère) trước khi hài cốt bị đem “giã nát rồi vất đi”.
Phẩm bình của lịch sử
Tại miền Nam trước 1975, có hai bộ thông sử tiếng Việt thông
dụng là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn
Sơn. Viết về vua Gia Long, cả hai bộ sử đều giống nhau ở một điểm: có phê phán
sự hẹp lượng của vua Gia Long qua việc giết hại công thần (vụ án Nguyễn Văn
Thành và vụ án Đặng Trần Thường), có kể rõ việc hành hình trả thù Tây Sơn nhưng
hoàn toàn không bình luận, phê phán gì đến sự “quá tay” trong việc này. Tại
sao?
Hoa Bằng, tác giả Quang Trung, Anh hùng dân tộc (Nxb Bốn
Phương, Saigon, 1953) khi kết luận thiên biên khảo đầu tiên bằng tiếng Việt về
đề tài này đã ngậm ngùi viết: “Vậy mà Nã Phá Luân [Napoléon I] được gởi nắm
xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm; còn Quang
Trung: mả phải đào, xương phải tán, dòng dõi bị chu di, sự nghiệp liệt liệt
oanh oanh gói tròn trong một chữ ‘Ngụy’”.
Nhà viết sử Trần Gia Phụng trong Nhà Tây Sơn (Nxb Non Nước,
Toronto, 2005) cũng đã có lời bình phẩm nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc: “Cuộc trả
thù được vua Gia Long xem là ‘nghĩa lớn Kinh Xuân Thu’ nhưng hành hạ di cốt địch
thủ trước mắt con cái họ trái hẳn với đạo lý cổ truyền của dân tộc” (tr.240).
Phê bình mạnh tay, mạnh mẽ hơn có Quách Giao:
Nhà Nguyễn đối với
nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết
dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền
đào mồ mả của cha ông hai nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà
Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.
Còn đối với Nhà
Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng [Cảnh Thịnh],
cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái
Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục
thất trong Hoàng Cung để làm lọ đi tiểu.
Ðể nhổ cỏ cho sạch
gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây
Sơn, và những Tướng Tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã. Hai người con Vua
Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương
náu nơi Mộ Ðiểu, vùng An Khê.
Vua tôi Nhà Nguyễn
biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12
(1832) thấy tình thế đã yên, ba chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ.
Bọn bất lương đi mật báo. Quân Nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.
Ngót 150 năm, Nhà
Nguyễn cố làm cho người người quên Nhà Tây Sơn. Những người yêu nước vẫn luôn
nhớ đến Nhà Tây Sơn, ngọn bút yêu nước vẫn chép đi chép lại, vẫn tìm tòi trong
nơi khuất tịch những tài liệu còn dấu cất, để viết về Nhà Tây Sơn.
Và tiếng Anh hùng
Áo Vải, Anh Hùng Dân Tộc mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước
Việt Nam, từ Nam chí Bắc. Còn Nhà Nguyễn đã làm được gì?
Có người bảo rằng
đã thống nhất Bắc Nam. Ðó là quên rằng chính Nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam,
rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Ðông Ðịnh Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao
phen bể nổi dâu chìm Nhà Nguyễn còn để lại tiếng Rước voi, cõng rắn.
Trăm năm bia đá thời
mòn
Nghìn năm bia miệng
mãi còn trơ trơ.
Trong văn hóa phương Tây, đánh nhau là đánh nhau nhưng không
có chuyện trả thù kẻ chiến bại một cách tàn nhẫn, nhất là đối với người đã chết.
Do đó, khi bắt gặp hành động “dã man” này của vua Gia Long, Stanley Karnow, tác
giả tiếng tăm bộ sử VietNam, A History (Penguin Book, 1984) đã viết:
“Ông ta tỏ ra chẳng
khoan dung chút nào đối với kẻ thù đã chiến bại, dù đã chết hay còn sống. Binh
sĩ của ông đã quật xương cốt của một cặp vợ chồng cầm đầu Tây Sơn đã chết [Nguyễn
Huệ], tiểu tiện vào xương cốt đó trước sự chứng kiến của con cái họ và những
người này sau đó tay chân bị trói vào 4 con voi và xé nát.” (p.65)
Nếu Nhà Tây Sơn không có Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng
quân Thanh và quân Xiêm vang dội trong lịch sử thì hành động “vì 9 đời mà trả
thù” của vua Gia Long chưa chắc đã bị búa rìu dư luận nhiều như đã xảy ra.
Ngoài việc ghi chép khá rõ ràng của Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn
thì hồi ký sống động của giáo sĩ De la Bissachère về việc hành hình trả thù của
vua Gia Long đối với anh em và vua tôi Cảnh Thịnh (2), đã gây tác động tâm lý
không nhỏ trong giới sử học Đông Tây (Thực ra ông này không chứng kiến cuộc
hành hình mà chỉ nghe ai đó kể lại).
Thử đi vào mạng lưới toàn cầu, gõ mấy từ khóa như Gia Long,
Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thì tha hồ đọc công luận phẩm bình, đa số đều chê Gia Long
về việc này. Điều này cũng dễ hiễu thôi vì hào quang chiến thắng quân Xiêm và
quân Thanh của vua Quang Trung rực rỡ quá, đã che mất sự thật thê thảm ở bên
trong.
Thêm vào đó, với mấy chục năm lịch sử triều Nguyễn do Gia
Long khai sáng, đã bị miệt thị thậm tệ, đã ảnh hưởng không ít trên sự nhận thức
của người đọc, nhất là giới trẻ. Mặc dầu ngày nay gió đã đổi chiều, đã bắt đầu
có sự chuyển biến trong nhận thức về sự nghiệp của Nhà Nguyễn (3) nhưng không
thiếu chi người vẫn tư duy trong nếp cũ.
Câu hỏi đặt ra
Các sách sử Việt Nam viết về hành vi “tàn ác” trả thù Tây
Sơn của vua Gia Long đều lấy tài liệu từ các bộ chánh sử của Nhà Nguyễn (Đại
Nam Thục lục đệ nhất kỷ, Đại Nam Liệt Truyện ), trước khi biết đến các chi tiết
khác do nguồn sử liệu Tây phương cung cấp. Sử thần Nhà Nguyễn trong Quốc Sử
Quán đã không giấu diếm gì cả, viết trắng chuyện này ra cho hậu thế cùng biết,
người sau chỉ lặp lại, chỉ thêm lời bình phẩm nặng nể mà không có bớt.
Riêng người viết, trong niềm ngưỡng mộ chiến thắng oanh liệt
hào hùng của vua Quang Trung trước quân Xiêm và quân Thanh xâm lăng, ban đầu
thì cũng đồng ý với những bình phẩm chê trách hành động của vua Gia Long đối với
Tây Sơn là thái quá, tàn nhẫn, nhưng sau đó, khi được biết những nguồn tin
khác, không khỏi đắn đo tự hỏi và tìm lời giải đáp.
Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát (4) .Ngay
cả việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã
lấy được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu
ráo máng như với Tây Sơn?
Sau khi làm chủ Bắc hà, vua “Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh
để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai
ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: ‘Tiên đế ta với
họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn
cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong
ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ
người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy
một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời” (Thực lục I,
tr.508).
Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp
500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha
thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch).
Ai cũng biết La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, được coi như một
Gia Cát Lượng của vua Quang Trung, một cố vấn tối cao, được vua quan trên dưới
đều kính nể (4 lần vua khẩn khoản mời ra giúp, cuối cùng nhận chức Viện trưởng
Viện Sùng Chính năm 1790, giúp vua chấn chỉnh việc giáo dục, văn hóa, giúp vua
chọn đất Nghệ An làm Phượng Hoàng trung đô…).
Khi Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân, ông đang ở Huế giúp vua
Cảnh Thịnh nhưng không chạy theo khi vua đào thoát (hay chạy theo không kịp?)
và dường như không bị bị bắt mà chỉ quản thúc tại gia, dù phía Nguyễn Vương biết
rõ lý lịch, sau đó Nguyễn Vương đã ra lệnh:
“Thả xử sĩ ở Nghệ
An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, đậu Hương tiến
đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời
của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng.
Vua [Nguyễn Vương] dụ rằng ‘Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta
trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo léo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức
phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta.’ [người
viết in đậm]. Bèn sai quan quân đưa về” (Thực lục I,tr.445).
Lại năm 1803, phái đoàn do vua Cảnh Thịnh phái đi sứ Nhà
Thanh (gồm Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Duy Nghi) bị trả về nước, bị quan
Bắc thành bắt giải về Kinh, vua Gia Long tha hết cho về quê. Lại khi Bộ Hình
tâu xin vua định đoạt số phận của người vợ lẽ Nguyễn Nhạc cùng 2 người em họ
tên Đại và Vạn bị bắt thì vua nói: “Vợ lẽ Nhạc là một người đàn bà thôi. Bọn Đại
tuy là thân đảng của giặc Nhạc mà không dự binh quyền, nay Nhạc chết rồi, giết
đi thì có ích gì?” (Thực lục I, tr.544).
Những chứng dẫn nho nhỏ đó cho thấy vua Gia Long là con người
phải chăng, tùy theo người, theo trường hợp mà có quyết định tha hay phạt, chứ
không phải bạ đâu giết đó, thà giết lầm hơn bỏ sót. Vậy tại sao giết Tây Sơn
chưa đủ, phải hành hạ mới hả, kể cả nắm xương khô. Thù chi mà dữ vậy?
Sự thật là đây
Về chuyện vua Gia Long trả thù Tây Sơn, nhà viết sử Trần Gia
Phụng đã đi xa hơn các học giả đi trước khi lần đầu tiên ông phân tích chính
xác rằng:
“Không kể cá nhân
ông bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù
nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần
[chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và
Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai
người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về
tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc
Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790” (Việt Sử Đại
Cương, Tập 2, tr.445).
Chừng đó nợ máu nghe đã nặng (5 người cật ruột), nhất là món
nợ thứ 3, nhẹ vật chất mà nặng tâm linh và đạo đức, ít người biết. Nhưng kể vậy
cũng chưa đủ.
Khi đọc câu mở đầu của chiếu bố cáo lễ hiến phù: “Trẫm nghe,
vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…” (5) (Thực lục I, tr.532)
tôi không khỏi mỉm cười một mình với ý nghĩ: thiệt mấy ông đời xưa văn chương lớn
lối quá, cái chi cũng lôi điển tích với sách vở ra, tô vẽ cho long trọng. Nhưng
sau đó, khi đọc kỹ Thực lục mới biết mấy chữ vì 9 đời mà trả thù mang một ý
nghĩa rất thực, rất cụ thể, bên cạnh màu sắc điển tích văn chương tô điểm.
Ngày 13/6/1801, Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh
đô Phú Xuân, nơi ông đã vội vã ra đi khi mới 13 tuổi (ta), và ròng rã 27 năm mơ
ước được trở về. Tuy đã làm chủ được Phú Xuân nhưng lực lượng hùng hậu của Tây
Sơn Cảnh Thịnh vẫn còn ở bên kia lũy Trường Dục (Quảng Bình), vậy mà đến đầu
tháng 8 năm đó đã lo sửa sang lăng mộ tổ tiên và cấp tốc hoàn tất ngay trong
tháng.
Sao việc này lại làm gấp rút còn hơn cả công tác sửa sang
thành trì, xây đồn đắp luỹ để phòng chống Tây Sơn? Xin đọc kỹ đoạn ghi chép của
Thực lục sau đây, có thể thấy được lý do thúc đẩy (những chữ in đậm là do người
viết, chữ ghi giữa hai ngoặc đứng [x] là chú giải của người viết):
“Tháng 9, ngày Ất
hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.
Trước kia giặc Tây
Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức
lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt
vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ
cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay
thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút,
nghiệp đế tất dấy.
Huệ bực tức, sai đồ
đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa
[lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc
Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng
phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên
cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy
đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên.
Vua thương xót vô
cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn
ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên.
Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều
khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng.
Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ
ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về
hậu thưởng cho” (Thực lục I, tr.466).
Gạt ra ngoài những chi tiết hoa lá cành như hai con cọp
trong bụi rậm nhảy ra, đang đào mả thì nhà cháy, v.v., đoạn sử ngắn ngủi do Thực
lục ghi lại tiết lộ hai điều quan trọng mà ít người biết đến hoặc biết mà vì một
lý do nào đó đã lơ đi hoặc chỉ phớt nhẹ nói qua:
– Thứ nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đào hết lăng tẩm của 8
đời chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, lấy hài cốt ném xuống sông. Việc này cộng với
việc giết chết vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần tại Long Xuyên năm
1777 thì quả nhiên vua Gia Long tính sổ 9 đời không sai chậy chút nào. Vì vậy
có thể nói được rằng chữ 9 đời có một ý nghĩa rất cụ thể.
Đây là 8 đời chúa Nguyễn:
Chúa Tiên Nguyễn
Hoàng (1558-1613);
Chúa Sãi Nguyễn
Phúc Nguyên (1613-1635);
Chúa Thượng Nguyễn
Phúc Lan (1635-1648);
Chúa Hiền Nguyễn
Phúc Tần (1648-1687)
Chúa Ngãi Nguyễn
Phúc Thái (1687-1691);
Chúa Minh Nguyễn
Phúc Chu (1691-1725);
Chúa Ninh Nguyễn
Phúc Thụ (1725-1738);
Võ Vương Nguyễn
Phúc Khoát (1738-1765);
Về ông tổ Nguyễn Kim, có lẽ vì không biết đích xác mộ phần nẳm
ở đâu trong cái bát ngát của núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, nên vua Quang Trung
đành phải cho qua mà không tính sổ.
Tám đời chúa Nguyễn này không có hận thù gì với anh em Tây
Sơn, đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở nước về
phương Nam, đến tận Cà Mau, Châu Đốc, cống hiến cho tổ quốc non một nửa nước,
trài dài từ Phú Yên trở vào Nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng
hơn lãnh thổ nam tiến của các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê cộng lại. Không có sự
nghiệp này thì hậu thế ngày nay lấy chi để khoe với thế giới rằng “nước ta hình
cong như chữ S” với “rừng vàng biển bạc”?!
– Thứ hai: Phần mộ của ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua
Gia Long cũng bị quật lên và hài cốt ném xuống sông.
Ông Nguyễn Phúc Côn là con thứ hai của Võ Vương Nguyễn Phúc
Khoát, mất năm 1765, khi con là Nguyễn Phúc Ánh đang còn bé. Khi vua Gia Long
lên ngôi Hoàng đế (1806) mới truy tôn cha làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, chứ
cho đến khi chết dưới tay quyền thần Trương Phúc Loan, ông chẳng làm vua làm
chúa gì. Chỉ vì con ông là Nguyễn Phúc Ánh dám chống lại Tây Sơn mà ông đã
không được ngủ yên, lâm vào cảnh con làm cha chịu!
Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho biết thêm một chi tiết khác:
“Theo truyền thuyết,
khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc
Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ
của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi,
đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc
Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào
sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục
giữa hai người)” (tr.193).
Thực lục có nói khi Nguyễn Ngọc Huyên chết thì được lập đền
thờ và phong làm An Ninh bá. Ở thượng lưu sông Hương có một ngôi miếu, tục gọi
là miếu Ông Chài, chính là miếu ông Huyên vậy.
Trong văn hóa Việt Nam, phận làm con cháu là phải lo gìn giữ
mồ mả tiên tổ cha ông. Do đó chúng ta thông cảm với vua Gia Long chỉ trong 2
tháng sau khi tái chiếm Phú Xuân đã vội vã hoàn tất việc tu sửa lăng mộ bởi khi
đã biết tình trạng lăng mộ bị phá tanh banh thê thảm như thế thì không một ai
có thể chờ đợi được nữa.
Trong lịch sử Việt Nam, việc tranh giành quyền lực dẫn đến
những hành động giết hại nhau tàn nhẫn không phải là hiếm. Điển hình, để cướp
ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ không ngần ngại dồn Lý Huệ Tông vào chỗ chết, với ý đồ
nhổ cỏ tận gốc, mặc dù Huệ Tông đã biết thân phận, bỏ ngai vàng, vào tu ở chùa
Chân Giáo. Đã thế, Trần Thủ Độ còn bày mưu sập bẫy tôn thất Nhà Lý chôn sống trọn
gói (may mà Hoàng tử Lý Long Tường nhanh chân thoát qua tị nạn ở Cao Ly, trở
thành thuỷ tổ họ Lý của xứ Đại Hàn ngày nay).
Nhưng có lẽ trong cuộc tranh chấp quyền lực chưa có ai trong
lịch sử phải trả cái giá 5 mạng người ruột thịt và 9 ngôi mộ cha ông tiên tổ
tanh banh với xương cốt không biết đâu tìm như trường hợp vua Gia Long trong
khi đối đầu với Tây Sơn để phục hồi cơ nghiệp của ông cha đã tốn công xây dựng.
Ở đời, có vay thì có trả. Nợ nào cũng có tính lãi suất, chỉ
có khác là nặng hay nhẹ, không hình thức này cũng hình thức khác. Nếu Quang
Trung Nguyễn Huệ không tạo nhân ác thì có thể đã không gặp quả ác. Hận thù luôn
luôn vẫy gọi thù hận là chuyện thường của thế gian, huống chi lại có yếu tố
tranh giành quyền lực trong đó, tham lam và sân hận hẳn phải bốc lên ngùn ngụt.
Phải chăng nên thử tự đặt mình vào địa vị của vua Gia Long để
có nhiều thông cảm và có lời phẩm bình phải chăng hơn.
Một vài cảm nghĩ
Là hậu thế, có lẽ không mấy ai vui khi biết sự thật của tấn
thảm kịch Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long. Cả hai, đối với chúng ta, đều
có chỗ đáng tôn vinh lẫn chỗ bất cập. Riêng ngưởi viết, từ tấn thảm kịch lịch sử
này, học hỏi được một đôi điều, xin gọi là chia sẻ.
1/ Qua việc điện thư của bạn bè và thân hữu gởi đến tới tấp
kèm chuyện “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ, tôi nhận ra rằng té ra
loại “lịch sử tiểu thuyết” dễ đi vào lòng người hơn là chính sử khô khan. Đồng
ý khi tiểu thuyết hóa lịch sử thì tha hồ cho trí tưởng tượng vẽ vời nhưng cái
căn bản của nó xin đừng đổi trắng thay đen.
Thực lục ghi rõ vụ hành hình vua tôi anh em Cảnh Thịnh diễn
ra ngày giáp tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 tức ngày 7 tháng 11 Nhâm Tuất,
1/12/1802. Làm chi có ngày Vu Lan trong đó? Có lẽ tác giả muốn gây ấn tượng cho
ngưởi đọc về sự tàn ác khó dung tha của vua Gia Long nên mới lựa một ngày như
thế. Tội nghiệp cho vua! Vua chỉ dự lễ hiến phù, không dự cuộc hành hình, chỉ
sai quan thi hành, nên cuộc đối thoại tay đôi giữa vua và bà Bùi Thị Xuân cũng
chỉ là cơ hội bày ra để mạt sát thoải mái. Tội nghiệp.
2/ Việc cải táng mộ ông Nguyễn Phúc Côn có thể hiểu được, vì
tìm được hài cốt và hài cốt này đã được vua Gia Long xác tín rằng đó là di cốt
của người đã sinh thành ra ông. Nhưng với 8 chúa thì sao? Sử nói Các lăng đều
theo nền cũ mà xây cao lên. Đồng ý là xây lên cao, làm cho to lớn đẹp đẽ hơn
xưa, nhưng hài cốt không tìm thấy thì chôn cái gì trong đó? Chẳng lẽ chỉ là một
ngôi mộ trống không? Một cái mả gió?
Trong một dịp về thăm Huế sau 7 năm “đi học làm người tốt”
(!), tôi được biết sau năm 1975, do đói quá, người ta đã làm bậy. Việc đào trộm
mồ mả lăng tẩm giới quyền quí đã xảy ra với ý đồ tìm vàng bạc châu báu tùy
táng. Người bạn kể cho nghe (tôi chưa có cơ hội kiểm chứng) khi cụ Vương Hồng Sển,
nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của Miền Nam, biết được kẻ gian đã kiếm được nữ
trang trong lăng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và đem
bán thì cụ đã kêu trời.
Dưới cái nhìn cơm áo của kẻ trộm, đó là vàng, tính theo thời
giá của chỉ và lượng. Dưới cái nhìn của cụ Vương, đó là đổ cổ vô giá của quốc
gia! Nhưng đó không phải là chi tiết tôi quan tâm, vì bảo vật quốc gia người ta
bán ra nước ngoài nhiều rồi. Chi tiết lý thú mà tôi nghe được đã giúp tôi hiểu
biết thêm và lý giải thắc mắc nêu trên. Chi tiết đó là, bọn kẻ trộm, khi đào đến
quan tài của một ông chúa nào đó đã không thấy hài cốt mà chỉ thấy hình người
ta bằng gỗ! Điều này xác nhận giả thiết mà tôi đã nghĩ trong đầu nhưng không biết
cách nào để kiểm chứng, ấy là tục chiêu hồn nạp táng.
“Chiêu hồn nạp táng” là gì?
“Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu.
Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: “Chiêu hồn nạp táng”. Đó là những
ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ…
không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an
táng thông thường.
Được nghe các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa
phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch
ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai,
lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có
địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.
Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình
chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân
khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào
áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành.
Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến,
nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy
cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân. Lễ an táng và các lễ
các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.
3/ Hình như có một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Làm thầy thuốc
lầm thì chết một người; làm thầy địa lý lầm thì giết một họ; làm chính trị lầm
thì giết một nước, làm làm văn hóa lầm giết cả một đời”.
Dưới ảnh hưởng của môn phong thủy Trung Hoa, người Việt từ
vua cho chí dân đều tin rằng âm phần tổ tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh
và tương lai của con cháu. Bởi vậy ai cũng mong muốn tìm cho được một huyệt mả
tốt để được kết phát, để con cháu được hưởng phước vinh hoa phú quí dài lâu. Bởi
vậy, để tận diệt kẻ thù không gì bằng triệt long mạch, phá huyệt mộ, đào mả cha
ông nhà người ta lên.
Làm thế thì chắc chắn con cháu không thể nào ngóc đầu lên được,
lấy gì mà chống trả. Quang Trung Nguyễn Huệ, ngoài việc sử dụng binh lực đánh
Nguyễn Vương chạy dài ra biển, trốn qua đến Xiêm La hai lần, vẫn không quên sử
dụng chiêu thức này để hỗ trợ. Và để cho chắc ăn, thà phá lầm hơn bỏ sót, đã
không những quật mồ thân sinh vua Gia Long là huyết thống trực hệ mà còn quật mồ
cả 8 đời chúa Nguyễn xa lắc. Thật là một sự tính toán chu đáo.
Tuy toan tính chu đáo như vậy nhưng Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ
chỉ tồn tại có 14 năm (1788-1802, 1788 là năm vua Quang Trung đăng quang trước
khi ra Bắc phá quân Thanh), trong khi Nguyễn Vương, mặc dầu bị đánh trúng tử
huyệt (theo quan niệm phong thủy) nhưng sau 25 năm bền bĩ chiến đấu nhọc nhằn,
đã thống nhất đất nước, phục hưng được cơ nghiệp tổ tiên, lập ra triều đại mới,
tồn tại 143 năm (1802-1945).
Vậy là thế nào? Chẳng lẽ phong thủy hoàn tòan là một thứ tin
mê tín dị đoan? Không, không thể vì vậy mà kết luận phong thủy một cách hồ đổ
như thế được. Cái nước Mỹ của khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới này cũng
đang chạy theo Feng Shui (Phong thủy) của nền văn minh cổ Trung Hoa, có thua
chi Việt Nam xưa và nay đâu, có điều họ chú trọng đến dương cơ hơn âm phần. Như
vậy phải có một yếu tố gì khác làm cho độc chiêu do vua Quang Trung phát ra đã
không có hiệu quả. Tôi chợt nhớ đến chữ Đức trong câu ca dao: Người trồng cây hạnh
người chơi/ Ta trồng cây đức để đời về sau.
Trong 8 đời chúa Nguyễn, không thấy ông nào làm điều gì thất
đức. Ông nào cũng lo làm cho dân giàu nước mạnh. Lịch sử cuộc nam tiến đi từ
Phú Yên đến Cà Mau-Châu Đốc chứng minh điều đó. Hậu thế đã được thừa hưởng biết
bao phúc lợi từ sự nghiệp nam tiến đó!
Có 3 ông chúa mang danh hiệu khác người: Chúa Sãi, chúa Hiền,
chúa Ngãi. Nghe nôm na và thân tình biết mấy. Nếu cai trị mà không được dân
thương mến và biết ơn thì làm chi có những cách gọi kém vương giả nhưng giàu
tình cảm như thế?
Có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo
nhân, như Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Vân Tuyền đạo nhân
(chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) hay Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát),
Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần). Đó cũng là một nét đặc biệt.
Nhiều ông chúa xây chùa (chúa Tiên lập chùa Thiên Mụ, Long
Hưng, Bảo Châu, Kính Thiên; chúa Hiền lập chùa Túy Vân) hay trùng tu chùa, đúc
chuông, thỉnh sư giảng Pháp (chúa Minh).
Có lẽ nhờ biết tu nhân tích đức mà Đức năng thắng số, Số bất
cập đức nên tai qua nạn khỏi, như câu tục ngữ mà ông bà xưa thường nói để dạy
khôn cho con cháu: Trời hại mới lo, người hại như phấn nhồi. Đó là nói nôm na,
cho có vẻ chính xác và minh triết hơn thì đấy chính là nhân quả nghiệp báo.
Theo thiển ý, có lẽ hiểu theo cách này mới giải thích được chỗ bất cập của
phong thuỷ.
————-
Chú thích:
(1) Mãi đến mùa hạ năm 1806 (Bính Dần) vua mới chính thức
làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hoà.
(2) Có thể xem: La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine,
hồi ký của Bissachère viết năm 1807 do Charles B. Maybon biên tập và xuất bản
năm 1920, từ trang 118 đến trang 120 trong
http://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up
(3) Ngày 18 và 19/10/2008 tại Thanh Hóa có một cuộc hội thảo
“Đánh giá lại chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn” được phóng viên ghi nhận là “một
hội thảo lịch sử”, có lẽ vì phải chuẩn bị tài liệu đến 20 năm và tỉnh Thanh Hóa
đã tài trợ gần một tỉ đồng VN để tổ chức, Có hai nhận xét quan trọng được ghi
nhận:
“Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận
thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”.
“Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch
sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng
rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận
thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử
dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa”
(http://www.thethaovanhoa.vn/133N20081020034945468T0/danh-gia-lai-chua-nguyen-va-vuong-trieu-nguyen-mot-hoi-thao-lich-su.htm
(4) Vua Gia Long có một thanh gươm mang tên Qui Y. Sử ghi rằng
thanh gươm này có tính ưa giết người (hiếu sát), Tối hôm nào gươm tự động thoát
ra khỏi vỏ thì hôm sau thế nào cũng có người phạm tội bị chém bằng thanh gươm
đó. Vua Gia Long ghét tính hiếu sát của gươm bèn đem qui y cửa Phật và đặt tên
là Qui Y (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu).
(5) “Xuân Thu, Công Dương truyện: Trang công năm thứ 4 chép:
Tề Tướng công giết nước Kỷ, vì ông tổ xa đời là Ai công mà phục thù, đời gọi là
mối thù 9 đời” (Chú thích của dịch giả Thực lục I, tr.532).
Nguồn: Nhà nghiên cứu lịch sử Võ Hương An
(Khamphahue.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét