Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Minh bạch kê khai tài sản


Chí Hiếu

Trong một thể chế cầm quyền vừa độc quyền vừa thiếu minh bạch mọi thứ thì chuyện 'kê khai tài sản' chỉ là chuyện vẽ bùa tự đeo của hàng hàng lớp lớp cán bộ nhà nước nhám nhúa nhưng giỏi mánh lới che giấu



 ***

Trong báo cáo Chính phủ gửi đến các đại biểu hồi đầu kỳ họp, có tới hơn 1 triệu người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015, đạt tỷ lệ 99,1% so với số người phải kê khai. Trong số này, có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Kê khai tài sản là một trong những biện pháp được chú trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng qua kê khai là điều vô cùng hy hữu, trong khi số bản kê khai được xác minh lại cũng không phải là nhiều. "Việc xác minh chủ yếu phục vụ công tác cán bộ, bổ nhiệm. Chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực. Qua xác minh tài sản, chưa phát hiện trường hợp vi phạm", báo cáo của Chính phủ thừa nhận.


Cần lưu ý rằng, đây là báo cáo thống kê của năm 2015. Tuy nhiên, nếu đặt những con số như vậy bên cạnh những vụ việc gần đây trên báo chí như câu chuyện Giang Kim Đạt, quyền trưởng phòng tại Công ty Vinashinlines có hàng chục biệt thự, nhà đất cả trong và ngoài nước đứng tên người thân; hay chuyện dư luận đang xì xào về khối tài sản lên đến hàng trăm tỉ của một cán bộ cấp phòng một tỉnh miền Trung thì quả là điều đáng để suy nghĩ.


Hiện nay, trên thực tế, việc kê khai tài sản và niêm yết chủ yếu diễn ra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, việc quyết định có xác minh hay không vẫn phụ thuộc phần lớn vào người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Trong khi tâm lý "không vén áo cho người xem lưng", lại không có "mắt giám sát" của người dân, nhất là những người trong khu dân cư, nơi cư trú, thì việc kê khai tài sản và giám sát không khác gì một “quy trình khép kín nội bộ".


Kê khai xong công khai còn khó, thì nói gì đến trách nhiệm giải trình. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng gặp trở ngại, khi mà báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết trong 10 năm qua, tổng số tiền bị thiệt hại của các vụ án tham nhũng lên đến gần 60.000 tỉ đồng nhưng số thu hồi được chỉ dừng ở mức hơn 4.670 tỉ đồng, tức chưa đầy 8%.


Cho nên, dù có 1 triệu bản kê khai hay 10 triệu bản kê khai đi nữa, mà không có sự giám sát của người dân, không "dựa vào dân", không đi kèm với trách nhiệm giải trình thì chẳng khác nào động viên người ta tự viết báo cáo nhận trách nhiệm mình tham nhũng. Khi ấy, điệp khúc "qua xác minh kê khai tài sản, chưa phát hiện trường hợp vi phạm" chắc chắn sẽ còn lặp lại trong nhiều báo cáo nữa.

Tuy nhiên, hôm qua (27.10), một thông điệp đáng chú ý đã được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) về phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát đi: Thực tiễn đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải thực hiện cho được việc kiểm soát thu nhập. Do đó, cần sửa đổi thể chế và pháp luật theo hướng phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tố tụng, cả hệ thống chính trị với sự giám sát của nhân dân, của truyền thông đối với công tác này.


Một khi tư tưởng này được cụ thể hóa tới đây, thì rõ ràng sẽ sớm chấm dứt cái thời những bản kê khai tài sản như những “nàng công chúa ngủ trong ngăn bàn”.





Theo báo Thanh Niên Online


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét