Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Mùa Đông của con gấu Putin

Hùng Tâm


 
Vladimir Putin không cứu được Nga

Trong khi người Mỹ ngao ngán theo dõi cuộc bầu cử tổng thống, phương trời Đông của Hoa Kỳ lại có một ngôi sao tỏa sáng. Nhìn theo địa dư, “trời Đông” của nước Mỹ ở đây là Liên Bang Nga. Ngôi sao là lãnh tụ Vladimir Putin, tuần qua đã lên trang bìa của tờ Economist dưới dạng quỷ dữ với đôi mắt đỏ lè hình võ khí. Người ta thấy Putin xuất hiện trong cuộc tranh cử Mỹ khi hai ứng viên gán tội cho nhau, là Donald Trump thân Putin, hoặc Hillary Clinton có mắc mứu quyền lợi với Nga qua Clinton Foundation.
Trên phương diện khác, dường như tin tặc của Nga đã xâm nhập, đánh cắp và phổ biến nhiều thông tin nội bộ của Ủy Ban Dân Chủ Toàn Quốc để tác động vào cuộc tranh cử Hoa Kỳ, trong khi quân đội Nga tung hoành và tàn sát tại Aleppo để bảo vệ chế độ độc tài Bashar al-Assad của xứ Syria. Dưới sự lãnh đạo của Putin, vào năm thứ 16, con gấu Nga đã… hỗn như gấu và thò tay gấu ra mọi nơi, từ Trung Đông ra tới tận Đông Á, từ Bắc Cực xuống đến Bắc Âu.

Hồ Sơ Người-Việt xin tìm hiểu về cái thế mạnh của Putin như một huyền thoại, và nói về cái khó của một lãnh tụ có đởm lược mà thiếu thực lực!

Huyền thoại Putin

Sinh năm 1952 tại Saint Petersburg khi thành phố này còn có tên là Leningrad, Vladimir Vladimirovich Putin là lãnh tụ Nga đầu tiên sinh vào thời “Hậu chiến.”

Ông lên cầm quyền năm 1999 và lãnh đạo từ năm 2000 qua các chức vụ tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại tổng thống trong 16 năm liền khi quốc gia bát ngát của ông – hơn 17 triệu cây số vuông, trải rộng từ Âu sang Á, từ Tây sang Đông của Đại lục Âu-Á – đã suy yếu. Ông trực tiếp chứng kiến tình trạng suy yếu đó từ bên trong – và từ bên ngoài khi làm sĩ quan mật vụ tại Đông Đức – nên thấu hiểu sự thật hơn nhiều lãnh tụ khác về đất nước của mình.

Cái chí lớn của Putin là gây ra ấn tượng khác về thực tế. Ấn tượng về sức mạnh không còn của nước Nga. Và ông thành công.

Nhiều chính khách nghĩ rằng ấn tượng có thể ảnh hưởng đến thực tế hoặc thay thế thực tế, theo lối “lấy hư làm thực.” Thật ra, ấn tượng chỉ có ích để mua thời gian, câu giờ hay trì hoãn, hầu có thể bù đắp cho thực tế, chứ không thay đổi được thực tế. Đấy là vấn đề của Vladimir Putin.

Thực tế căn bản nhất của nước Nga vẫn là kinh tế. Thế mạnh của Putin khi lên cầm quyền là giá năng lượng dầu khí, nó tăng vọt và góp phần quyết định cho ngân sách liên bang do trung ương, và bản thân ông, quyết định. Chúng ta sẽ trở lại chuyện này.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 26 tháng 10 năm 2016

Khi giá dầu thô và khí đốt bắt đầu giảm từ 2014 và giảm rất mạnh, ngân sách hao hụt và khủng hoảng tài chánh bùng nổ gây ra suy thoái kinh tế – suy thoái nặng hơn suy trầm vì sản xuất không tăng chậm hơn mà giảm. Bộ Tài chánh của Putin báo cáo cho ông rằng quỹ dự trữ liên bang – kho đạn kinh tế của Putin – từ gần $92 tỷ vào Tháng Chín năm 2014 sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào cuối năm tới, 2017.

Năm sau đó là 2018, Putin phải ra tái tranh cử tổng thống trong một thể chế dân chủ giả hiệu. Tính chất dân chủ ấy cũng chỉ là ấn tượng, thực tế vẫn là chế độ độc tài với nhiều đòn phép ma quỷ. Putin ý thức được sự thật, đó là huyền thoại Putin đang tan loãng. Ông hồi tưởng lại kinh nghiệm bản thân.

Lấy ngắn nuôi dài, lấy hư làm thực

Liên Bang Xô Viết bắt đầu suy yếu từ những năm 1980 trở về sau, rồi bị khủng hoảng trong suốt thập niên 90 cho tới khi tan rã năm 1989 rồi sụp đổ vào cuối năm 1991. Đấy là thực tế.

Trong gần hai chục năm đó, Liên Xô có hai sự thật trái ngược, đời sống có vẻ tương đối khá giả và ổn định tại các trung tâm chính trị là Moscow và St. Peterburg, trong khi rất lầm than vất vả tại hậu phương thật là các thành phố nhỏ và miền quê. Lãnh đạo mọi quốc gia hay đế quốc rộng lớn trên đời đều biết hiện tượng hai mặt đó, và nếu giải quyết được bài toán thật ở những vùng sinh hoạt thâm sâu của xứ sở thì tồn tại, nếu không là gặp loạn, có khi tiêu vong.

Khác với các lãnh tụ tiền nhiệm, như Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev cùng Boris Yeltsin, bản lãnh của Putin là làm cho người dân bình thường ở các vùng thâm sâu nghĩ rằng chính ông là giải pháp cho cuộc sống của họ. Putin đem lại cho họ hai món quà thực hư. Thực là dùng tài nguyên năng lượng đang có giá để cải thiện mức sống người dân, dù chưa thịnh vượng thì cũng khá hơn hai chục năm hỗn loạn khi Liên Xô tan rã. Hư là vuốt ve tự ái của người dân về sức mạnh Đại Nga trên trường quốc tế.

Người dân bình thường ở mọi nơi đều có tinh thần ái quốc, Putin khích lệ tinh thần đó của dân Nga và tạo ra ấn tượng rằng Liên Bang Nga đã tìm lại vị trí cường quốc của mình.

Josef Stalin hay Mao Trạch Đông đều đã khai thác tinh thần ái quốc đó của người dân để họ chấp nhận lầm than và hy sinh khi tưởng rằng các lãnh tụ ở trên đều sống chết với họ cho lý tưởng đó. Nếu người dân biết được sự thật, rằng các lãnh tụ đều có cuộc sống vương giả sa đọa dưới lá cờ cách mạng thì đảng cầm quyền không thành công. Vì vậy đảng mới có chánh sách tuyên truyền đi cùng ách độc tài là “lấy giả làm thật.” Ai nói ra sự thật thì bị tiêu diệt vì tội chống phá chế độ.

Ngày xưa, dân Nga không tin là Tổng Thống Yeltsin, rất anh hùng trong biến động chính trị tại Moscow khi Liên Xô tan rã, lại thiết tha quan tâm đến cuộc sống của họ. Putin làm được việc chứng minh đó, và cho họ nuôi hy vọng rằng sau giai đoạn khó khăn ngắn ngủi thì về dài dân Nga sẽ khá, nước Nga sẽ mạnh. Lấy ngắn nuôi dài là vậy.

Với người dân, Putin muốn cho họ ảo tưởng rằng Vladimir Vladimirovich đang thắng lớn.

Vì vây, Nga đã “lấy lại” bán đảo Crimea, dần dần “thu hồi” Ukraine, tiến sâu vào Trung Đông và làm nhục Hoa Kỳ tại Syria khi bảo vệ chế độ al-Assad mà Tổng Thống Barack Obama lỡ dại tuyên bố là phải tiêu vong. Khi kinh tế suy thoái và mức sống suy sụp, ưu tiên của Putin là “đối nội”, là thuyết phục người dân và cận thần của mình về lẽ tất thắng của chủ nghĩa Putin.

Nếu không xong thì chính là các cận thần của ông, từ hai phe siloviki tới siviliki đến các tài phiệt và tướng lãnh hay lãnh tụ địa phương sẽ đi tìm giải pháp nhân sự khác.

Mối lo của kịch sĩ

Nhìn như vậy thì chúng ta nên hiểu khác về các “thành tích” của Putin trong cuộc tranh cử Hoa Kỳ.

Cho dù là có bàn tay của tình báo Nga, việc tiết lộ những gian ý hay bí mật của đảng Dân Chủ, của nhân vật John Podesta trong ban tranh cử của Hillary Clinton, v.v… chẳng làm thay đổi kết quả bầu cử của nước Mỹ. Việc Putin tỏ vẻ ngợi ca Donald Trump cũng thế, thuộc loại “ưu tiên hạng nhì.” Putin đang lo chuyện khác!

Tin tức về việc Putin dàn quân ra biên giới – chưa thể kiểm chứng và không gây phản ứng từ Minh Ước NATO hay các nước Tây phương – hoặc lời bình luận về nguy cơ chiến tranh Nga-Mỹ như trong thời đối đầu 1980 tới 1988, cũng chỉ gián tiếp chứng tỏ rằng Liên Bang Nga đang là đại gia đáng sợ. Việc dư luận thế giới kết án Putin là quỷ dữ hay đại gian hùng cũng chẳng làm Putin phật ý hoặc mất công cải chính. Ông là con gấu hung đang sợ mùa Đông.

Lý do dễ hiểu mà Putin biết rõ, là ấn tượng và thực tế đang rẽ qua hai ngả.

Quả thật là từ năm 2008, khi Tây phương bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế và một phần lãnh thổ của Cộng Hòa Georgia bị quân Nga khống chế vào Tháng Tám, Liên Bang Nga đã vùng dậy và tìm cách chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Bang Xô Viết. Mối nguy từ nước Nga là chuyện có thật, nhưng rất tương đối, và góp phần đáng kể cho kịch bản “người hùng Putin” trong mưu thuật gây ấn tượng. Tám năm sau, kịch bản ấy dẫn tới không khí “Chiến Tranh Lạnh” mà thiên hạ đang nói tới.

Với Putin, điểm nóng nằm ở nơi khác. Nằm ở nhà, khi mùa Đông giá lạnh cần hơi đốt và thức ăn.

Người dân Nga không cần biết rằng lãnh đạo của họ đang thọc tay vào cuộc bầu cử của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ, họ quan tâm đến xó bếp, bàn ăn, đến đời sống lạnh lẽo đói khổ trước mặt. Lớp người có hiểu biết hơn, kể cả đám cận thần trong ban tham mưu của Putin, thì tự nêu câu hỏi: vào Syria thì được gì? Mà bao giờ ra, làm sao ra?

Tại các nước dân chủ, câu hỏi “vào-ra” như vậy có lời giải đáp là bầu cử. Trong xứ độc tài, câu hỏi đó chuyển thành “lên-xuống,” lãnh tụ phải xuống trong một vụ đảo chánh không tiếng nổ. Từ một năm nay, Putin đã ưu lo về kịch bản đó nên lật đật thay đổi nhân sự trong các vị trí then chốt về an ninh và kinh tế. Cái đèn kéo quân đó chạy bằng dầu mà hình như là bình dầu đã cạn.

Đã từng chứng kiến sự suy vong của Liên Xô, Putin không thể quên rằng không khí đối đầu vào những năm 1980-1988 khi Brezhnev bành trướng sức mạnh ra ngoài, cũng là lúc kinh tế kiệt quệ. Cuộc thi đua võ trang rất giả của Tổng thống Ronald Reagan vào thời đó với kế hoạch được gọi nhảm là “Stars War” đã dẫn đến kết quả thật là làm chế độ Xô Viết tự sụp đổ trên sự bất toàn của hệ thống kinh tế cộng sản. Mười năm sau, khi lên lãnh đạo, Putin vẫn chưa giải quyết được bài toán sinh tử của kinh tế Nga, là hiện đại hóa mà bớt lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên là năng lượng và kim loại. Ngày nay, ông bị bài toán đó đuổi kịp. Nga bị khủng hoảng kinh tế vì năng lượng sụt giá và xuất nhập cảng sa sút trong khi còn bị cấm vận kinh tế vì “thành tích” Ukraine.

Mặc dù Hoa Kỳ suy yếu và nhu nhược không bày ra một cuộc thi đua võ trang như thời trước, việc nước của Putin vẫn là chuyện dầu.

Đã vậy, Putin ý thức được nhược điểm sinh tử ngàn đời của xứ sở: ba phần tư lãnh thổ Nga là vùng thảo nguyên khô cằn khó sống vào mùa Hè và băng giá vào mùa Đông. Đây là vùng đất khó ở và chẳng giúp ích gì cho sự chuyển vận người ngợm và hàng hóa. Sống trên đất Mỹ, dân Mỹ ít biết ưu thế đó của lãnh thổ Hoa Kỳ, Putin thì biết về sự hoang vu bát ngát. Nước Nga cũng khó tìm xuống vùng biển ấm để phần nào giải quyết được nhu cầu kinh tế. Putin có thể chiếm lại Crimea và đưa chiến hạm vào vùng biển của Syria nhưng vẫn khó vượt qua Hắc hải.

Ngày nay, chẳng quốc gia Tây phương nào muốn uy hiếp khu vực bình nguyên từ St Peterburg xuống tới Moscow, như Napoleon hay Hitler trong lịch sử, nhưng các bài toán về an ninh và kinh tế vẫn còn nguyên vẹn cho nước Nga.

Putin đã tạo ra ấn tượng mà chẳng thay đổi được thực tế. Ông có thể đóng kịch với mọi người nhưng biết lo khi sân khấu tự hạ trên màn trình diễn của ông.

Kết luận ở đây là gì?

Sau Putin, nước Nga sẽ tìm lại định mệnh cũ: bành trướng ra ngoài không giải quyết được khó khăn bên trong! Sau đó, tới lượt Tập Cận Bình.


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét