Quang
Nguyên
“Một bộ phận không nhỏ” công chức bị bóp mồm, hay tự bóp miệng nói, chỉ còn miệng ăn, nhậu. Đôi lúc lương tâm của những người này tỉnh ngủ, chỉ muốn "ẳng lên một tiếng" nhưng lại nghe như tiếng nhóp nhép nhai lại. Đáng thương!
Sự ra đi đột ngột bởi một
sát thủ chưa xác định của 3 đồng chí, đồng hội, đồng thuyền: Bí Thư, chủ Tịch
HDND thành phố Yên Bái và ông Chi Cục Trưởng Chi Cục Kiểm Lâm là một mất mát to
lớn của đảng v..v như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, hay là một "cơn bão
lòng" của nhân dân Yên Bái như bà chủ tịch UBND tỉnh này phát biểu. Nhưng
truyền thông, truyền hình và báo chí lề phải của Việt Nam chỉ được đưa tin như
về một cơn bão trong ly nước.
Một vụ ám sát nghiêm trọng,
hai người đứng đầu tỉnh và người thứ ba cũng là một cán bộ quan trọng của tỉnh
đã chết. Từ trước đến nay chưa bao giờ ở VN có vụ án đặc biệt như vậy, trên thế
giới hình như cũng chưa có vụ tương tự, thế mà tin tức chỉ rộ lên được 3 ngày rồi
đến hôm nay, thứ Bẩy 20/8 đã không còn được thấy trên mặt báo. Những vụ sát thủ
máu lạnh như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, kể cả vụ hai kẻ bắt trộm chó bị
đánh, một chết một trong thương, báo chí đã tranh nhau đưa tin, ngày này qua
ngày khác, báo bán như tôm tươi.
Báo chí nước nào cũng vậy,
các phóng viện ở đâu cũng vậy, những vụ án kiểu như "cơn bão lòng"
này là cơ hội cho họ trổ hết tài để tìm kiếm thông tin, để đưa tin nóng hổi đến
mỗi buổi ăn sáng cho độc giả. Thông tin vụ án có bị cố tình bưng bít thế nào,
báo chí cũng cố khui ra trình làng, đó là nhiệm vụ của phóng viên. Tin phải
nhanh, chính xác, rõ ràng, đầy đủ và khách quan. Càng điều tra đến nơi đến chốn,
càng khui được các uẩn khúc tối tăm chừng nào càng chứng tỏ tài năng, phẩm chất
của phóng viên.
Hầu hết phóng viên truyền
thông "lề phải" Việt Nam làm tốt việc tin phải nhanh, khui được các uẩn
khúc tối tăm qua các vụ án hình sự xảy
ra hàng ngày và nhan nhản khắp nước. Vì các vụ cướp, hiếp, giết có tính phổ biến
ở VN, nên các phóng viên càng thi nhau chứng tỏ nghiệp vụ, "tìm đến ngọn
nguồn của sự thật", có được nhiều chi tiết giật gân càng tốt (đây không
nói về nguồn tin cung cấp, người viết đúng hay dựng chuyện) để mua nước mắt sụt
sùi của mấy chị bán dưa lê, trát thêm máu đỏ cho tờ báo, câu thêm độc giả và quảng
cáo. Chẳng đáng trách vì đấy cũng là một phần "nghề của chàng", phần
thêm cá thịt cho nồi cơm gia đình. Các vụ án tham nhũng bị đưa ra tòa, báo chí
cũng cố luồn lách tiếp cận những thông tin đáng chú ý. Thế nhưng trong vụ án đặc
biệt nghiêm trọng ở Yên Bái, chưa hề có vụ nào như thế xảy ra, một vụ rất đáng
thử tài của phóng viên, một vụ có thể làm nổi tiếng một cách chính đáng cho
mình thì các anh chị phóng viên đang phải ngậm hột thị. Người đọc báo chỉ thấy
chuyện vụ án hai, ba ngày, với các tin, chi tiết giống y xì nhau trên các trang
báo. Sau tin lễ an táng hai vị lãnh đạo không còn thấy tin gì về ba người trong
vụ. Y như một vở kịch bị kéo màn!
Người đọc tự hỏi:
Nhà báo VN vô cảm,
không lưu ý đến vụ việc?
Nhà báo Việt Nam coi vụ
này nhẹ tựa lông hồng, không đám để ý, không coi là tin như chó cắn người? Hay là
tin không quan trọng?
Các nhà báo VN coi vụ
này không được xã hội lưu tâm?
Đây không phải loại tin
dễ câu khách?
Đây là loại tin dễ đụng
chạm? Tránh voi chẳng xấu mặt.
Các nhà báo VN thấy đây
không là sự đau buồn của nhân dân cả nước?
Tại sao và tại sao…
Nhà báo Việt Nam được
đào tạo bài bản từ nhà nước, ăn lương nhà nước. Một vài người "là nhà báo
nhưng cũng được", "là đảng viên nhưng cũng khá", nhưng nhiều người
từng nhúng tay vào những vụ đánh hội đồng, theo lệnh nhà nước, số đối tượng đã
mất lòng đảng, nhất là đối tượng chống đảng, phản cách mạng. Chuyện đưa tin sai
sự thật, thêu dệt, bịa chuyện không khó thấy trong làng báo VN, thậm chí nhà
báo còn hành xử không khác bọn Mafia tống tiền, đòi phong bao người khác, ngay
cả các doanh nghiệp nhà nước, bằng đủ loại hình thức.
Ai cũng biết nghề báo
là nghề nguy hiểm, người chọn nghề báo cũng "dễ chết". Nhượng Tống, Từ
Chung, Chu Tử cả ba đều bị ám sát, hai chết , một may mắn thoát được, rồi sau
di tản cũng nhận trái B40 bắn theo, ra đi mang hận ngàn thu. Các nhà báo VN dù
chỉ được đào tạo qua trường lớp quốc doanh, hầu hết đã bước vào nghề bằng một bầu
nhiệt huyết cống hiến, có lẽ đã từng hẹn với lòng sẽ có ngày:"Chỉ ngang ngọn
giáo vào ngàn hang beo"(**), nhưng như cây quýt trồng nơi này thì ngọt,
nơi kia thì chua, cái thổ nhưỡng, môi trường họ được ươm, trưởng thành đã biến
họ, nếu may mắn còn giữ được lương tâm, thành những con người đáng thương, những
nhà báo công chức chỉ biết làm theo lệnh trên. “Một bộ phận không nhỏ” công chức
bị bóp mồm, hay tự bóp miệng nói, chỉ còn miệng ăn, nhậu. Đôi lúc lương tâm của
những người này tỉnh ngủ, chỉ muốn "ẳng lên một tiếng" nhưng lại nghe
như tiếng nhóp nhép nhai lại.
Đáng thương!
Nguồn: www.ijavn.org
Nguồn: www.ijavn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét