Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Trẻ Thơ và Yên Bái; Formosa và Thiên An Môn?



FB Đỗ Đức


Tôi còn nhớ rõ câu chuyện với con gái cách đây hơn chục năm khi cháu chỉ khoảng ba tuổi. Đó là ngày mồng một Tết cổ truyền, thời tiết rất đẹp, trong căn hộ tập thể tôi hỏi: “Hôm nay ngày đầu xuân năm mới, con ước điều gì?”. Nó trả lời luôn, lúc đó buồn cười nhưng càng ngẫm lại thấy đau: “Con ước mai sau lớn hơn bố, con đánh cho bố một trận!” Đấy là "điều ước" của đứa con gái duy nhất của chúng tôi. Mới ba tuổi, ai xui khiến nó, cái gì đã ảnh hưởng đến nó, tôi và vợ cùng gia đình… đã dạy con ra sao vv và vv mà ngày mồng một Tết con trả lời bố như vậy?

***
Vụ bạo lực kinh hoàng ở Yên Bái tốn khá nhiều bút mực. Có lẽ không cần viết gì thêm, chỉ cần điểm lại vài bài tiêu biểu cả lề đảng, lề dân và không lề.

Nguyễn Anh Tuấn đặt một giả thuyết và tự trả lời: “Nếu có một nhóm quân nhân đảo chính định xử toàn bộ quan chức chóp bu như Thổ Nhĩ Kỳ thì dân chúng có đổ xuống đường biểu tình, và có ai nằm xuống lấy thân mình cản bước xe tăng như ở đường phố Ankara để bảo vệ chính quyền dân sự không? Có vẻ là không. Vì sao vậy? Đơn giản thôi, chả ai chuốc lấy nguy hiểm để bảo vệ những thứ không phải của mình. Dân sẽ không bảo vệ chính quyền nếu họ thấy chính quyền đó không phải của họ. Nghĩa là, không phải là một chính quyền dân chủ.Và trong nghĩa này, sẽ không quá phóng đại nếu nói rằng tiếng súng Yên Bái qua hàn thử biểu dư luận trên mạng xã hội đã làm rúng động toàn bộ Ba Đình.” Hết trích.

Nền chính trị VN thường nói “ý đảng, lòng dân” và Song Chi bàn luận: “Lòng dân như thế nào qua vụ các “đồng chí quan chức cộng sản” bắn nhau này thì quá nhiều ý kiến, lời bình cho tới các bài blog, bài báo trên các blog cá nhân, các trang mạng xã hội đã thể hiện quá rõ. Không cần phải nói lại. Nhất là sau khi VTC News đăng tải bài báo “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”, chỉ trích, lên án những người đang “hả hê” trước “sự mất mát quá lớn về cán bộ lãnh đạo cho địa phương cũng như cho hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền nói chung.”, và cho rằng “Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh.” Ngay lập tức sau đó hàng loạt bài viết đã trả lời bài báo này, nhưng tựu trung đều nói lên một ý, trước khi trách người dân vô tình, thậm chí hả hê trước cái chết của các quan chức cộng sản thì hãy tự đặt câu hỏi tại sao lại như thế.” Hết trích.

Còn rất nhiều các ý kiến đáng đọc khác như “Từ vụ Yên Bái, nhìn lại tiêu chuẩn Người bảo vệ Nhân Quyền” - Thảo Nguyên; “Phát súng tội ác và tham- sân- si”- Kỳ Duyên.

Huy Đức kết luận: “Đấy là hành động của những con người không còn tin chính quyền này có thể mang đến cho mình công lý.”. Phúc Lai nhận định: “Một dân tộc mà chỉ biết trông chờ vào việc lập lại công bằng nhờ hành động kiểu Chí Phèo thì là dân tộc bất hạnh. Hành động kiểu Chí Phèo được tung hô là anh hùng thì tung hô đó là sự u tối. Còn thời đại chứa đựng cả hai yếu tố trên là thời mạt.”

***

Ngày 02/05/2016 nhân vụ Cá chết tôi đã chia sẻ trên facebook. “Qua vụ khủng bố đẫm máu ở Brussles thủ đô nước đang sống, tôi thấy rõ sự minh bạnh, công khai của chính quyền ở mọi cấp là sống còn khi một thảm họa xảy ra. Brussels đã làm cho dân tin tưởng gần như tuyệt đối là chính quyền, dù phạm phải sai lầm chủ quan, đang làm hết sức mình ngày đêm để giải quyết thảm họa. Nhưng Brussles đã chủ quan ra sao? Họ đã báo động cấp quốc gia nhiều lần rồi. Nhưng khi Brussles bắt được thằng cầm đầu vụ khủng bố ở Paris làm bọn còn lại hoảng hốt vì biết chắc sẽ bị túm cổ! Dù điều tồi tệ đã được cảnh báo vẫn xảy ra, Brussles nhanh chóng đưa ra hướng dẫn, nên Dân buồn sốc nhưng không hề hoang mang, sợ hãi. Ai vẫn làm tốt việc mình đang làm. Quan chức các cấp từ TW đến địa phương và nhà Vua đã đứng thẳng người, ngày đêm không ngủ đối mặt với thảm họa, giải quyết mọi việc, đề ra các loại phòng ngừa sự lặp lại, rồi khi êm xuôi thì xin lỗi Dân và vài Bộ trưởng từ chức. Vụ khủng bố Brussles có thể ví von như sau. Nó giống nỗi đau buồn khi Mẹ ta mất ở tuổi 90, ta rất có hiếu với Mẹ và Mẹ đã được các bác sỹ cao cấp nhất điều trị và họ đã dự báo là Mẹ ta sẽ chỉ thọ 85 tuổi! Các bài học quý khác có thể nhìn ra thế giới qua vụ khủng bố gần đây ở Paris hay của nước Mỹ 11/9. Mỗi quốc gia một thể chế chính trị khác nhau nhưng bất luận là thảm họa do thiên tai hay do con người và bất luận thể chế chính trị nào thì An Dân là việc số một.” Hết trích.

Vụ Formosa dẫn đến thảm họa Cá chết sắp bốn tháng rồi. Hôm qua, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài nguyên môi trường và Viện Hàn lâm khoa học VN đã “Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế”. Tin công bố nhưng lòng dân vẫn chưa An. Chẳng hạn Văn Huân có bài báo có tít bởi một câu hỏi: Ngư dân Hà Tĩnh cần biết “cá ăn được chưa”, chứ không phải là “biển tắm được chưa”?

Ở mức độ nghiêm trọng hơn trước khi công bố kết quả của Bộ và Viện, các cuộc tuần hành ôn hòa của ngư dân/giáo dân miền Trung lên đến hàng nghìn người vẫn diễn ra vào các ngày Chủ nhật liên tiếp. Bài hát thắp nến cầu nguyện“Trả lại cho dân - Cộng đồng giáo xứ Kẻ Đọng (giáo phận Vinh)” trên youtube là những chuyện động trời, không thể nhắm mắt làm ngơ!

Bởi vậy, sau khi đọc bài “Chết trong “cơn lốc tiền” Formosa” tôi đã viết: “Phải copy bài này của Tiền Phong vào đây đề phòng mai lại bị gỡ xuống! Nhưng Formosa là thảm họa quốc gia nên không thể quy hết trách nhiệm cho Quan huyện như ông Bổng hay Quan tỉnh như ông Cự hay Bộ trưởng được! Coi như Không có chuyện kinh hoàng ở Yên Bái trong ba người thiệt phận có Quan đầu tỉnh chết thảm thương đúng ngày sinh nhật, làm Quan để có quyền lực, giàu có, cả họ được nhờ...nhưng Dân căm ghét như bài này vậy thực ra có sung sướng, hạnh phúc không hả bạn?”

***
Câu chuyện của "Trẻ Thơ, Yên Bái và Formosa" có điểm gì chung? Ba câu chuyện đó đều liên quan đến các mâu thuẫn và bạo lực. Lời nói cũng có thể là bạo lực vì thân, khẩu, ý luôn đi liền cùng nhau! Khi một bất hòa xảy ra ta không biết cùng nhau ngồi xuống hít thở cho sâu để bình tĩnh mà đối thoại; khi một nỗi khổ, niềm đau của kẻ khác chúng ta cùng nhau nhắm mắt làm ngơ; khi tranh luận ta không biết dùng lời ái ngữ của cha ông xưa, rồi lời Phật, lời Chúa có tự ngàn đời; khi ta không chấp nhận tự do nhận thức và ý kiến phản biện của kẻ khác khư khư với vốn hiểu biết hữu hạn của chính mình; khi ta không biết được Con là Cha mà Cha cũng chính là Con hay tương tự Quan là Dân mà Dân cũng chính là Quan; khi ta không hiểu sâu sắc một từ vô cùng đẹp đẽ trong tiếng Việt là Đồng Bào… thì chính lúc đó ta đã cùng nhau bước chân vào con đường bạo lực. Hãy cùng nhau tự hỏi và tự trả lời vì sao số đông chúng ta hôm nay tôn sùng bạo lực?

Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Tạo Công Thương, Thuyền Nhân ở VN là những chương thê lương điển hình. Còn Cách Mạng Văn Hóa, Pháp Luân Công, Thiên An Môn ở Trung Quốc sẽ mãi là những vết nhơ bẩn không thể rửa sạch. Chính quyền Trung Quốc có tổ chức được 100 cái Thế vận hội nữa như năm 2008, hay đứng nhất thế giới liên tục 10 năm liền ở đấu trường quốc tế cũng không bao giờ xóa được những vết nhơ bẩn như Thiên An Môn! Không bao giờ! VN ta thì chưa biết đến bao giờ mới vào vòng gửi xe đăng ký tổ chức Thế vận hội. Vậy chúng ta có muốn thấy một Thiên An Môn ở nước ta trong tương lai gần từ Formosa hay không?

***
Nếu không muốn điều tồi tệ đó xảy ra thì các bên nên/phải cùng nhau đối thoại ôn hòa. Chắc mọi người còn nhớ bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội cách đây chưa lâu. Tổng thống của một siêu cường đã khiêm nhường nhưng đầy trí tuệ, từ bi mà nói với người VN: Chúng tôi đã rút ra một bài học từ lời răn dạy của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, rằng “Bằng đối thoại chân thành, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi”/ We learned a lesson taught by the venerable Thich Nhat Hanh, who said, “In true dialogue, both sides are willing to change.”


Nguồn: FB Đỗ Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét