Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

LÀM SAO ĐỂ THOÁT NGHÈO?



Nguyễn Đình Cống



Trang Ba Sàm đăng liên tiếp 4 kỳ bài “Tại sao đất nước ta mãi nghèo”của FB Cao Bao Do (số 9594; 9619; 9663 và 9687) và đưa ra các biện pháp khắc phục. Ngày 21/8 có bài hưởng ứng của Nguyễn Hồng Hải: “Con đường nào cho VN thoát nghèo”. Xin có vài lời trao đổi.
Tôi không phản bác những điều 2 tác giả trên nêu ra, nhưng cho rằng thoát nghèo chưa phải là vấn đề cấp thiết nhất, mà nếu quá quan tâm đến nó có khi còn đi sai đường. Vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất của dân tộc Việt hiện nay là thoát ra khỏi NỖI BẤT HẠNH, trong đó nghèo chỉ là một phần phụ.
Mục tiêu cơ bản và lâu dài của mọi nỗ lực, mọi hy sinh của toàn dân là sự tự do và hạnh phúc. Để có nó thì sự giàu sang là cần nhưng chưa phải cần nhất. Tấm gương của nước Bhutan là một dẫn chứng sinh động, một nước không giàu nhưng nhân dân thật sự có hạnh phúc.

Hai lực lượng chính quyết định sự phát triển của xã hội là: 1- Quần chúng nhân dân đông đảo, bị trị, hoặc được lãnh đạo. 2- Thế lực thống trị, cầm quyền, hoặc lãnh đạo.

Trong lực lượng quần chúng thì vai trò quan trọng nằm ở số ít thuộc giới tinh hoa.  Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng thống trị và bị trị. Một xã hội giải quyết tốt mâu thuẫn trên sẽ đạt đến trình độ dân chủ cao, phát triển, ngược lại mâu thuẫn đó càng sâu thì xã hội càng rối loạn. Giải quyết mâu thuẫn là nhiệm vụ của cả hai bên, nhưng trách nhiệm chính thuộc những người cầm quyền.

Trong bài của mình, Cao Bao Do chỉ ra một số tính cách tiêu cực của dân Việt và cho rằng để thoát nghèo thì phải nâng cao dân trí, khắc phục các điểm yếu cố hữu, Nguyễn Hồng Hải cho rằng trước hết cần hình thành một nhóm trí thức thực tâm (Người Miến Điện làm được thì người Việt cũng làm được). Hai tác giả trên đã thấy đúng tình cảnh của đất nước, nhưng cách nhìn hơi nghiêng về phía nhân dân, quy kết nguyên nhân yếu kém chủ yếu cho truyền thống dân tộc, đòi hỏi nhiều từ phía đại chúng, nhưng nhẹ về phía thống trị. Nên thấy rằng những tệ nạn gây ra cho xã hội thì cả nhân dân và người thống trị đều phải chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm chủ yếu, nặng hơn thuộc về chính quyền.

Nỗi bất hạnh của dân tộc Việt hiện nay là sự thoái hóa, sự xuống cấp, sự tàn phá từ môi trường thiên nhiên đến đạo đức, văn hóa của con người, là lãnh đạo mắc vào mưu mô của bọn bành trướng Trung quốc, đi sai đường, là nguy cơ đất nước bị lệ thuộc, dân tộc bị hủy hoại. Các nguy cơ ấy đều thể hiện rõ trong mâu thuẫn vừa nêu giữa thống trị và nhân dân. Mâu thuẫn càng ngày càng sâu, càng gay gắt. Khi chưa giải quyết tốt mâu thuẫn đó thì mọi kế hoạch cải cách, đổi mới, mọi ý tưởng tốt đẹp về nâng cao dân trí, về cải cách giáo dục, phát triển kinh tế … đều chỉ nói cho vui mà thôi, chỉ tiêu phí một số tiền của và năng lực để thu được lợi ít, hại nhiều, lợi trước mắt cho một số ít người, hại lâu dài cho dân tộc, phần lớn là sửa cái sai này để phạm cái sai khác lớn hơn.

Ngày 23 tháng 8 một số trang mạng (Ba sàm, Bauxite…) đăng bài của GS Chu Hảo: “Đã đến lúc cần phải đối thoại”. Trong bài GS Chu Hảo chỉ ra: “Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ , phản dân chủ của Cương lĩnh đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCNVN. Chừng nào hai văn kiện chính trị ấy không được thay đổi thì chừng đó con đường phát triển của đất nước ta vẫn không có lối ra. Hai văn kiện lạc hậu ấy đang gây ra điểm tắc nghẽn, tạo ra mọi bê bối trong các lĩnh vực, bóp nghẹt mọi tiềm năng và cơ hội phát triển của dân tộc ta”.

Trước GS Chu Hảo cũng đã có một số trí thức nêu lên mong muốn được đối thoại với đại diện của Đảng CSVN, cũng đã có nhiều kiến nghị, rằng để phát triển đất nước trước hết cần thay đổi thể chế chính trị. Thể chế lạc hậu, độc tài mà phần lớn người đại diện vừa ngu vừa tham là nguyên nhân đẻ ra tham nhũng, mua quan bán tước, lợi ích nhóm, quan liêu hống hách và rất nhiều những đường lối chính sách sai lầm. Đó là thế lực to lớn, nặng nề, ngăn cản nhiều công việc phát triển theo quy luật. Thể chế đang tồn tại đã gây ra nhiều tai họa, nhiều bất hạnh cho dân tộc mà một trong những tai họa lớn là làm thui chột, làm kiệt quệ, làm hạn chế năng lực  tầng lớp tinh hoa trong nhân dân. Để phát triển xã hội phải có sự đóng góp của tầng lớp tinh hoa này.

Cần phải làm gì, làm như thế nào để thay đổi thể chế thì còn phải suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, hiện nay chưa thấy rõ một con đường khả thi nào. Vấn đề quan trọng là từ lãnh đạo (thống trị) đến mọi người dân (bị trị) đều phải thấy đó là việc cần thiết đầu tiên để đưa dân tộc tiến lên trên con đường tươi sáng. Mọi mưu toan ngăn trở việc đó đều là có tội với dân tộc. Một vài trong những mưu mô làm người dân không nghĩ đến thay đổi thể chế là việc ca ngợi một số thành tích tạm thời (số liệu về tăng trưởng kinh tế, xử vài vụ án tham nhũng, huy chương vàng …), lôi kéo tuổi trẻ vào một số phong trào (làm sạch rác trên bờ biển, thi hoa hậu…), đặc biệt là nêu cao vấn đề nghèo đói và từ thiện, bàn nhiều đến phát triển kinh tế. Những việc làm như vậy có ẩn chứa ý đồ nhằm né tránh điều gốc rễ, điều cốt lõi của xã hội là nhu cầu thay đổi thế chế.

Tôi rất hoan nghênh đề xuất tổ chức đối thoại của GS Chu Hảo. Tốt nhất là đối thoại công khai, nhưng ban đầu Đảng có thể tổ chức đối thoại trong phạm vi hẹp.

Quay lại với câu hỏi, làm sao để VN thoát nghèo.  Có 2 điều kiện. Điều kiện cần trước hết là thay đổi thể chế. Điều kiện đủ là những vấn đề như các tác giả Cao Bao Do, Nguyễn Hồng Hải và một số người khác đề nghị. Chưa đạt được điều kiện cần thì các điều kiện đủ chỉ là ảo ảnh, chỉ để ngắm và bàn cho vui mà thôi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét