Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Thế nào là lãnh tụ…?

Nguyễn Tường Thụy


Ngày 01 tháng 07 năm 2016, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị định số 72/2016/NĐ-CP, về hoạt động nhiếp ảnh. Trong đó, điều 5, khoản 4 có qui định: Không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Khoản này có 3 ý:

1.Không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng;

2.Không xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa;

3.Không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Dễ dàng thấy ý 2 là thừa vì ý 3, chữ “của cá nhân” đã bao gồm tất cả, gồm cả vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa . Nhưng có lẽ vì muốn tách lãnh tụ, vĩ nhân … ra thành một tầng lớp đặc biệt nên Nghị định xếp riêng thành một hạng người không bình thường (tức là khác thường), khác với đám đông quần chúng bình thường, được hưởng qui chế đặc biệt của luật pháp.

Nhưng thôi, ở đây chỉ bàn đến tính khả thi của Nghị định.

Một số trang báo đặt tít “Cấm cắt ghép, xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ”. Cách hiểu như thế này là không đúng. Căn cứ vào lời văn của khoản 4 thì không có nội dung cấm cắt ghép, xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ… mà là cấm xúc phạm lãnh tụ, vĩ nhân…

Có thể tinh thần của nghị định là cấm cắt ghép hình ảnh để xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ, nhưng lời văn đã thế thì phải hiểu theo lời văn. Tuy nhiên, chuyện cắt ghép cũng có thể được coi là xúc phạm lãnh tụ, vĩ nhân rồi.

Vấn đề đặt ra trước hết là thế nào là xúc phạm? nếu cắt ghép để xuyên tạc thì đã rõ. Còn ảnh thật (không qua cắt ghép) nhưng nó lại làm cho hình ảnh lãnh tụ xấu xí như lãnh tụ ngủ gật trong hội nghị, hoặc có những hành vi thô thiển không đẹp mắt thì có bị tội không. Bức ảnh vốn không có lời, nó phản ảnh một khoảnh khắc của sự thật thì không gọi là xúc phạm được. Bức ảnh và tác giả không có tội gì.

Thứ hai là phải có văn bản qui định rõ thế nào là vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa. Vì từ trước đến nay, nói đến lãnh tụ, vĩ nhân… là nói theo thói quen thôi. Chẳng hạn một bài báo, một công trình nghiên cứu hay môt bài diễn văn đưa ra đánh giá người này người nọ xứng đáng là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ… sau đó nhiều người cứ thế gọi theo, chứ không thấy có quyết định nào cả.

Một số tờ báo như báo điện tử Chính phủ, Thanh niên xác nhận ‘cho đến nay, Việt Nam đã có 2 “Danh nhân Văn hóa thế giới” là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du’ (được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận).


Ngoài hai ông, chưa thấy nhân vật nào của Việt Nam được các tổ chức quốc tế hay Nhà nước Việt Nam ra quyết định công nhận là lãnh tụ, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Thứ ba là phải ra luật qui định cấp nào được phép ra quyết định công nhận lãnh tụ, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Nếu luật Việt nam qui định cấp được phép công nhận, ra quyết định không có UNESCO thì cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cũng… đành chịu. Không phải tờ báo hay tổ chức nào vinh danh thì Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận, vì có những tờ báo, trang mạng bình chọn các nhà độc tài hay tội đồ trên thế giới, trong đó có cả người Việt Nam.

Thứ tư là phải thông báo danh sách lãnh tụ, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (đã có quyết định công nhận) tính đến thời điểm này nọ để mọi người biết. Nếu có một lãnh tụ hoặc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc mới xuất hiện thì phải liên tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc dán ở bảng tin phường xã để các nhiếp ảnh gia biết mà tránh.

Nếu không có những qui định chặt chẽ ấy thì rõ ràng không có căn cứ qui tội các nhiếp ảnh gia nếu họ vi phạm điều khoản đã dẫn trên đây, không thể bỏ tù hay phạt hành chính họ theo điều khoản này được. Ví dụ có nhiếp ảnh gia nào đó cắt ghép ảnh ông Trọng hay bà Ngân với dụng ý bôi nhọ, nhà chức trách qui cho anh ta xúc phạm “lãnh tụ” vi phạm khoản 4 điều 5; nhưng đến khi luật sư đòi “quyết định lãnh tụ” của hai vị này thì lại không tìm thấy thì cũng khó.

Điều cần nói là, khi ra một văn bản qui phạm pháp luật, cần phải tính đến tính khả thi của nó. Điều 4 nghị định 72/2016/NĐ-CP rõ ràng là không đảm bảo tính chất ấy. Trong khi đó, nghị định này chỉ còn 12 ngày nữa là có hiệu lực thi hành.

NTT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét