Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại 1 căn cứ
không quân ở thành phố Angeles, Philippines, 5/7/2016.
Hôm 23/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông
trông đợi sẽ bắt đầu đàm thoại với Trung Quốc trong năm nay về tranh chấp lãnh
thổ kéo dài giữa hai nước ở Biển Đông. Ông cũng thúc giục Bắc Kinh cho phép người
Philippines đánh cá ở một bãi cạn có tranh chấp.
Biển Đông có các bên tranh chấp chính là Việt Nam, Trung Quốc,
Philippines và Đài Loan.
Ông Duterte nói ông muốn đối thoại ngoại giao với Trung Quốc
hơn là theo đuổi một lập trường mạnh bạo có thể làm cho giới chức Trung Quốc tức
giận đến mức có thể hủy các cuộc đối thoại.
Khi được hỏi đã xác định được ngày tháng để đàm thoại chưa,
ông Duterte trả lời: “Rồi. Sớm hơn quý vị nghĩ. Có thể trong năm nay”.
Cũng trong ngày 23/8, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương
Triều Dương nói với các phóng viên ở Hà Nội rằng: “Tới lúc này, có cảm giác ông
Duterte đang lựa chọn một giải pháp mang tính chất hòa bình cho các tranh chấp ở
Biển Đông với Trung Quốc. Dù sao điều quan trọng nhất là ông ấy vẫn coi phán
quyết của Tòa trọng tài là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc trong thời gian tới.
Tôi nghĩ rằng đây là một điều rất khôn ngoan”.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, một người hậu thuẫn
chính trị chủ chốt của ông Duterte, mới đây đã gặp các nhà trung gian phía
Trung Quốc để dọn đường cho cuộc đàm thoại, sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh.
Về bãi cạn Scarborough bị Bắc Kinh chiếm giữ vào năm 2012,
ông Duterte nói: “Trung Quốc lúc này cần lắng nghe chúng tôi. Đã đến lúc quý vị
dỡ bỏ lệnh cấm du khách và cho phép người Philippines đánh cá ở đó”.
Sau các phát biểu của Tổng thống Duterte một ngày, hôm 24/8,
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với báo giới rằng tranh chấp lãnh
thổ của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông không làm cho Manila phải tái
cân bằng mối quan hệ giữa họ với đồng minh là Mỹ và nước láng giềng Trung Quốc.
Ông Yasay nói: “Chúng tôi muốn có tình hữu nghị chặt chẽ với
Trung Quốc. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ làm suy yếu tình hữu nghị của
chúng tôi với Mỹ. Chúng tôi chỉ nói rằng cho dù có những tranh chấp, như vấn đề
Biển Đông, vẫn có những khía cạnh khác trong mối quan hệ vẫn có thể tiến tới mà
không cần động chạm đến vấn đề Biển Đông”.
Theo Reuters, AP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét