Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Richard Bernstein, “China: The people’s fury”, The
New York Review of Books, 01/08/2016
Một điều mà chúng ta có thể thấy thường ngày trên các phương
tiện truyền thông chính thức và mạng xã hội của Trung Quốc là một loạt những
phát ngôn bài Mỹ, nhưng ít khi nào mà mức độ giận dữ lại cao đến vậy như trong
những ngày qua. Đã có những lời kêu gọi của người dân Trung Quốc trên các mạng
xã hội nhằm tẩy chay KFC, Starbucks, và iPhone 7, những cáo buộc rằng Mỹ khơi
mào một cuộc chiến mới chống Trung Quốc, và lời đe dọa rằng Philippines, một đồng
minh thân cận của Mỹ, sẽ bị biến thành một tỉnh của Trung Quốc.
Tất cả những điều
này là nhằm phản ứng lại phán quyết chống Trung Quốc của một Tòa trọng tài về
Luật biển ở La Haye, vốn khẳng định rằng Trung Quốc đã có các hành động bất hợp
pháp và vi phạm luật quốc tế khi theo đuổi những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ
ở Biển Đông. Ban trọng tài năm thành viên, được thành lập theo Công ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển, hay còn gọi là UNCLOS, đã được Philippines yêu cầu làm trọng
tài trong tranh chấp với Trung Quốc. Tòa trọng tài tuyên bố rằng việc Trung Quốc
ngăn cấm ngư dân Philippines tiếp cận khu vực, xây dựng 7 đảo nhân tạo, và những
tổn hại họ đã gây ra với các rặng san hô và các loài động vật quý hiếm là những
hành động vi phạm luật pháp.
Ngay sau quyết định của tòa, gần 100 diễn viên, nhạc sĩ,
ngôi sao truyền hình, và các ngôi sao nổi tiếng nhất của Trung Quốc đã lên án
tòa trọng tài kịch liệt trên mạng xã hội, trưng một bản đồ của khu vực đang
tranh chấp, và tuyên bố rằng, “Chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc không phải là chuyện
đưa ra trọng tài.” Một áp phích đã lan truyền khắp mạng internet của Trung Quốc,
trên đó mô tả một trong các hòn đảo nhân tạo và đường băng mà Trung Quốc đã xây
trên lãnh thổ tranh chấp với phụ đề: “Nam Hải, Tổ quốc xinh đẹp, một tấc cũng
không buông.” Phần lớn những bình luận về quyết định của tòa trọng tài đều chống
Mỹ một cách rõ ràng, đầy giận dữ, và thậm chí đáng sợ. Mỹ và Philippines, Tân
Hoa Xã nói, “đã âm mưu từ lâu để tống tiền Trung Quốc” và giờ họ làm như vậy
“thông qua một tòa trọng tài đang giày xéo nền tảng công lý quốc tế.”
Nếu xét nhà nước độc đảng, sự quản lý từ trên xuống, và các
nỗ lực sâu rộng để kiểm soát Internet ở Trung Quốc, rất dễ để coi phản ứng của
cộng đồng nói trên như là một cơn bão mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc mà chính
quyền đã khuấy lên. Nhưng có phải các lãnh đạo Trung Quốc kiểm soát cảm xúc dân
tộc chủ nghĩa sâu đậm của dân thường Trung Quốc, hay là chính họ bị điều đó kiểm
soát? Trường hợp Biển Đông gợi ý rằng câu trả lời có thể pha trộn cả hai.
Dĩ nhiên là chính phủ Trung Quốc đã đóng một vai trò lớn
trong phản ứng. Vài tiếng sau khi tòa trọng tài ra phán quyết, tít trang nhất của
tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật báo, viết rằng
“Âm mưu do Mỹ dẫn đầu đứng đằng sau trò hề này.” Tuần trước, đại sứ của Trung
Quốc ở Luân Đôn, Liu Xiaoming, cáo buộc Washington đang tìm cách để “làm nhục
Trung Quốc về ngoại giao, làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc, và cho Mỹ một nền
tảng pháp lý để thách thức Trung Quốc.” Nói rộng hơn, phản ứng của Trung Quốc
là bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài, coi phán quyết của tòa không chỉ sai,
mà còn “quá khích và đáng xấu hổ”, theo lời Hoàn Cầu Thời báo theo chủ nghĩa
dân tộc. Phán quyết của tòa trọng tài “không gì hơn là một mớ giấy lộn,” thứ
trưởng ngoại giao Liu Zhenmin nói, và vì thế Trung Quốc có lý trong việc phớt lờ
nó.
Những phản ứng mạnh tay và đầy giận dữ về những hành động được
cho là mang tính khinh thường của phương Tay đã là một truyền thống lâu đời tại
nước Trung Quốc cộng sản, nơi mà lịch sử cận đại được mô tả đa phần như là một
câu chuyện về sự cướp bóc Trung Quốc bởi các cường quốc nước ngoài vào cuối thời
phong kiến – hay còn được gọi là “thế kỷ ô nhục”, được tiếp nối bởi thành quả
anh hùng của Đảng Cộng sản nhằm giúp Trung Quốc thoát khỏi những can thiệp của
nước ngoài. Đối với nhiều người Trung Quốc, yêu nước đi chung với ủng hộ Đảng,
và Đảng đã rất thành công trong việc khắc họa mình như là thế lực có thể đảm bảo
rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ bị làm nhục lần nữa.
Và còn gì nhục nhã hơn với một đất nước đã phải chịu đựng những
hiệp ước bất bình đẳng vào thế kỷ 19, nhượng địa cho nước ngoài, những cuộc chiến
tranh đế quốc diễn ra ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, và cuộc chiếm đóng dài 8
năm của Nhật trong Thế chiến II, hơn việc phải nhường chủ quyền lãnh thổ, một
khi Trung Quốc đã tuyên bố bất kể lãnh thổ nào, bao gồm các lãnh thổ đang tranh
chấp, như một phần của “tổ quốc”? Tờ Nhân Dân Nhật báo đã nói như thế trong
bình luận của họ về phán quyết của tòa trọng tài UNCLOS, tuyên bố rằng “Chúng
ta không lấy một tấc đất nào mà không phải của chúng ta, nhưng chúng ta cũng sẽ
không từ bỏ một tấc đất nào của chúng ta.”
Một vài ngày trước, bản tin tối đưa tin rằng hải quân Mỹ
đang có những bước đi gây hấn ở Biển Đông, một phần của một chiến lược lâu dài
nhằm “bao vây” Trung Quốc. Bản tin bao gồm những hình ảnh các tàu Mỹ được cho
là đang di chuyển trong khu vực tranh chấp, và cùng lúc đó tuyên bố hùng hồn sự
sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Trung Quốc. Một nhóm người Trung Quốc
mà tôi xem chương trình chung đã rất mạnh mẽ biểu lộ sự giận dữ với Mỹ và ủng hộ
chính quyền. Trong những ý kiến tôi nghe được có những ý kiến như: Nước Mỹ
không chuyện gì phải duy trì một lực lượng hải quân lớn đến vậy tại vùng biển gần
Trung Quốc. Bằng cách xúi giục Philippines đâm đơn kiện, Mỹ đã gây ảnh hưởng xấu
đến mối quan hệ song phương và đã làm người dân Trung Quốc nổi giận. Dù gì đi nữa,
tòa trọng tài, bao gồm các thẩm phán từ Ghana, Pháp, Hà Lan, Đức và Sri Lanka,
chắc chắn đã bị Mỹ mua chuộc và vì thế họ đã ra phán quyết vụ kiện dựa trên lý
do chính trị chứ không phải cơ sở pháp lý. Đúng là rất khó để người Trung Quốc
tin rằng các quan tòa ở các nơi trên thế giới có thể làm việc mà không bị ảnh
hưởng chính trị.
Thực tế, chính phủ Trung Quốc thấy rằng việc kiểm soát một
phần sự giận dữ dân túy là điều cần thiết. Theo tạp chí Foreign Policy, giới kiểm
duyệt Internet Trung Quốc đã xóa một số những bài đăng mang tính quá khích trên
mạng xã hội, chẳng hạn như những bài kêu gọi chiến tranh với Mỹ và Philippines.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ đã tập trận một vài lần ở khu vực Tây Thái
Bình Dương nhằm phòng tránh những đụng độ bất ngờ. Trung Quốc không muốn chiến
tranh. Trong tuần này, kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng một
loạt phim giờ vàng về cố Thủ tướng Chu Ân Lai, khắc họa vị lãnh đạo già nua và
bệnh tật đã dùng hết những sức lực cuối cùng để đạt được đột phá ngoại giao vào
năm 1972 dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Thông điệp của
những chương trình này – giống như các nhà bình luận Trung Quốc trước kia từng
nói – dường như là hai nước có thể giải quyết được những bất đồng nếu hai bên
công nhận những “lợi ích cốt lõi” của nhau, và Trung Quốc cách đây mấy năm đã gọi
Biển Đông là một lợi ích như thế.
Dù vậy, có một điều rõ ràng là giới lãnh đạo Trung Quốc và bộ
máy kiểm duyệt chưa quan tâm gì mấy đến việc trình bày một cách thành thật về
trường hợp Biển Đông. Hiện tại và có thể trong tương lai sẽ không có những lập
luận công khai cho rằng, dù có thích hay không, thì phán quyết của tòa trọng
tài UNCLOS sẽ có hiệu lực pháp lý ràng buộc với Trung Quốc. Không ai sẽ lập luận
rằng năm vị quan tòa của tòa trọng tài là những chuyên gia được công nhận và
tôn trọng về luật biển và không có gì chỉ ra rằng họ đã bị sức ép chính trị hay
bị hối lộ. Chắc chắn là các phóng viên Trung Quốc sẽ không phát hành các bản
tin nêu rõ các nhận định của tòa trọng tài rằng Trung Quốc đã gây nên những tổn
hại môi trường không thể khắc phục được đối với khu vực tranh chấp.
Dĩ nhiên rất khó để đo lường được toàn bộ ý kiến công luận về
vấn đề này hay là bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào khác ở Trung Quốc. Có thể có nhiều
người tin rằng các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông không có cơ sở, hay ít
ra là đáng nghi ngờ, và Trung Quốc đã nhận được những gì mà họ đáng gặp phải từ
tòa trọng tài quốc tế. Nếu những ý kiến như thế tồn tại thì ngoài một số ít những
người bất đồng chính kiến, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của điều đó. Dường
như không có mấy người Trung Quốc dám đưa ra những lập luận như vậy.
Nhưng bằng cách mở cửa cho một làn sóng chủ nghĩa sô-vanh của
người dân nhằm phản ứng lại phán quyết của tòa trọng tài, chính phủ Trung Quốc
có thể không có nhiều khoảng trống để xoay chuyển trong những tranh chấp đang
tiếp diễn. “Chính phủ Trung Quốc không thể trả lại bãi cạn Scarborough cho
Philippines cho dù họ có muốn bởi ảnh hưởng của laobaixing (lão bá tánh)” –
trong đó lão bá tánh là một cách nói ở Trung Quốc để chỉ những người dân thường.
Điều tương tự cũng chắc chắn có thể được áp dụng cho những tranh chấp giữa
Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài theo tiếng Hoa).
Một lựa chọn vẫn mở ra cho Trung Quốc, theo một số chuyên
gia, là Trung Quốc có thể lẳng lặng tuân theo phán quyết của tòa trọng tài, ví
dụ như không xây thêm đảo nhân tạo, và ngừng cấm ngư dân Philippines tiếp cận
các khu vực đánh cá. Nhưng những cảm xúc mãnh liệt về Biển Đông, cũng như về những
vấn đề khác như Đài Loan, Tây Tạng, và việc lên án Trung Quốc về tình hình nhân
quyền, đã khóa Trung Quốc vào một tinh thần dân tộc dựa trên những oán hận,
cũng như việc nhấn mạnh sự ô nhục của quốc gia trong quá khứ, qua đó ngăn không
cho phép Trung Quốc thỏa hiệp. Điều này sẽ làm bất cứ sự giải quyết nào đối với
các tranh chấp vốn đang gây hại cho quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng
và Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét