Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trần đời chẳng có ai là hoàn hảo, Nguyễn Xuân Phúc cũng thế.
Dưới thời Thủ tướng Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tiếng
là người nhẫn nhịn đến mức có lúc còn bị xem là “mất tích”. Chỉ mới từ sau Đại
hội XII của đảng cầm quyền ông mới được bình yên “mở miệng”, nhưng nay ông lại
phải bắt đầu giải quyết hậu quả của những sai lầm trong hành chính và phong
cách chính trị.
Cho tới nay, Thủ tướng Phúc là quan chức cao cấp duy nhất
đang lặp lại lý thuyết “Nhà nước kiến tạo” của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- nhân vật mà khi đưa ra thông điệp đầu năm 2014 - trong đó có chủ trương “Nhà
nước kiến tạo phát triển” - rất có thể đã không biết dàn tham mưu vẽ vời cái gì
trong đó.
Không biết do ngẫu nhiên hay vận số, kể từ lúc Nguyễn Xuân
Phúc bất ngờ nói về mô hình “Nhà nước kiến tạo” gần kỳ bầu bán lẫn tuyên thệ nhậm
chức thủ tướng lần thứ hai liên tiếp vào giữa năm 2016, những sự cố - hoặc điều
được gọi là “tai nạn nghề nghiệp” - cứ thi nhau ập lên quãng đời ông.
Một trong những sự cố như thế là Nghị định 72 do ông ký vào
tháng 7/2016.
Nghị định 72: không đọc hay bị gài?
Tháng 7/2016, nghị định mang số 72/2016/NĐ-CP do Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc ký đã khiến dư luận Việt Nam và quốc tế kinh ngạc với định
nghĩa: "Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu,
trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh
trên mạng Internet." (Điểm 9, Điều 3)
Vào thời buổi một nửa dân số Việt Nam dùng Internet và “mỗi
người là một trang Facebook”, rất nhiều người đã phản ứng với cái điều khoản lạ
lùng của Nghị định 72 nói trên. Theo nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu ở Hà Nội thì
nghị định này “rất vô lý”. Ông nói: “Thế mà tự nhiên lại xuất hiện một nghị định
thế này, không phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bởi vì nếu mà đúng làm
theo nghị định này thì cứ mỗi khi chúng ta phải đưa một chia sẻ ảnh lên mạng xã
hội thì chúng ta phải xin phép. Tôi nghĩ theo xu hướng phát triển xã hội thì
người ta cần phải cởi bỏ hơn để luồng thông tin được trôi chảy một cách thuận
tiện hơn thì bây giờ người ta lại bóp lại”.
Nhiều người khác cũng cho rằng với quy định mới của nghị định
72/2016/NĐ-CP, những người chụp ảnh và đưa lên Facebook có thể bị phạt tù nếu
cơ quan công an muốn như thế.
Không biết do ngẫu nhiên hay bởi “trời định”, Nghị định 72
năm 2016 lại trùng số với Nghị định 72 được Chính phủ ban hành vào năm 2013 nhằm
“siết” các blog và trang web “lề trái”. Thậm chí 2 văn kiện này cũng trùng thời
gian ban hành: tháng Bảy. Chỉ khác người ký: Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7/2013
và Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2016.
Một bằng chứng hiển nhiên là hai năm sau ngày Nghị định 72
được ban hành (năm 2013), tại Đại hội đảng XII, người trở thành Bộ trưởng Bộ
Thông tin - Truyền thông - ông Trương Minh Tuấn - đã lần đầu tiên tuyên bố:
“Tôi thừa nhận thực trạng mà chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp là việc quản
lý mạng xã hội. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam, mà các quốc gia khác
cũng vậy”.
Nếu nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã không thể hạn
chế được hoạt động của mạng xã hội thì một nước còn đang phát triển như Việt
Nam chỉ nên đứng nhìn.
Nếu Nghị định 72 (năm 2013) của Thủ tướng Dũng đã bị cộng đồng
nhân quyền quốc tế phản ứng quyết liệt, thì Nghị định 72 (năm 2016) của Thủ tướng
Phúc cũng không tránh khỏi số phận tương tự.
Một câu hỏi không thể không đặt ra là khi ký Nghị định 72
năm 2016, Thủ tướng Phúc có đọc kỹ nội dung về cấm đoán “triển lãm hình ảnh
trên Facebook” không? Nếu ông Phúc đã “vô tình” ký văn kiện đang làm mất mặt
ông, thì cơ quan nào đã làm tham mưu trực tiếp cho ông trong việc này - Bộ Công
an hay Bộ Thông tin và Truyền thông, hay cả hai?
Hội An tiếc Nguyễn Sự
Sai lầm rõ ràng nhất và không thể bào chữa được của Thủ tướng
Phúc đã xảy ra vào ngày 9/8/2016, khi đoàn xe hơi sang trọng đến 30 chiếc của
ông lừ lừ tiến và chiếm lĩnh con đường chỉ dành tiêng cho người đi bộ tại Phố cổ
Hội An. Lâu lắm rồi, không gian văn hóa dân tộc tĩnh mịch được UNESCO công nhận
này mới bị phá vỡ bởi tiếng còi hụ dẹp đường của lớp cảnh sát giao thông kiêu
binh. Cũng lâu lắm rồi, người dân Phố cổ mới ngơ ngác và kinh ngạc trước đoàn
xe bất chấp biển hiệu đường cấm xe hơi. Ngay lập tức, những hình ảnh của đoàn
xe Thủ tướng Phúc cùng ý kiến bày tỏ sự bất bình của nhiều du khách nước ngoài
xuất hiện lên trên mạng xã hội, gây nên một làn sóng công phẫn và phản đối dữ dội.
Hành vi phạm luật đã quá rõ: ông Nguyễn Xuân Phúc bị điểm âm ngay sau khi tuyên
thệ lần thứ hai liên tiếp “thượng tôn pháp luật” trong vai trò thủ tướng trước
Quốc hội vào tháng Bảy năm 2016.
Ai đó có thể cho rằng do bận trăm công ngàn việc nên Thủ tướng
Phúc không thể quán xuyến được từng việc và có thể không biết về đường cấm ở Phố
cổ Hội An. Nhưng chính ông Phúc đã đến Hội An để chủ trì hội nghị toàn quốc về
phát triển du lịch, chẳng lẽ ông không ý thức được rằng con phố dành riêng cho
người đi bộ là một đặc trưng văn hóa trong du lịch cần được triệt để tôn trọng?
Còn nếu ông quên mất điều sơ đẳng ấy, lẽ nào bộ tham mưu của ông lẫn chính quyền
địa phương cũng quên nốt?
Cách đây hơn một năm, Bí thư thành ủy Hội An là ông Nguyễn Sự,
một người đàn ông gầy gò với dáng dấp nông dân, đã xin nghỉ hưu sớm. Với việc
ra đi của ông Sự, quốc gia mất đi nhân vật bí thư thành ủy duy nhất tay không bắt
cướp, cũng mất đi cái trí tuệ “tri túc” và cái tâm bộc trực thẳng thắn của một
người dám nói.
Khi không còn kẻ sĩ Nguyễn Sự và lại đứng trước một thủ tướng
“vinh quy về làng” là Nguyễn Xuân Phúc, tất cả thuộc cấp trở về trạng thái răm
rắp quy phục, bất kể phải làm điều trái luật. Bầu không khí “uy quyền trên pháp
luật” ấy đã bộc lộ trở lại trong con người vừa chắc ghế thủ tướng và dẫn ông đến
sai lầm nghiêm trọng trước cả người dân Việt lẫn cộng đồng quốc tế.
An ủi còn lại đối với Nguyễn Xuân Phúc là sai lầm trên chỉ xảy
ra sau khi ông được Quốc hội chính thức bầu làm người đứng đầu chính phủ. Nếu
không, hẳn ông Phúc đã mất đi nhiều phiếu.
Nhưng với “sự cố Formosa” thì nguy hiểm đối với Thủ tướng
Phúc không chỉ là mất phiếu…
Formosa: một tác nhân lật đổ
Khác nhiều với sự trùng lặp ngẫu nhiên về Nghị định 72 hay
“tai nạn nghề nghiệp”, vụ xe công và đường đi bộ Phố cổ Hội An, vụ “cá chết
Formosa” hoàn toàn nằm trong phần hành và trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc.
Người ta còn nhớ, chỉ một tuần sau khi được bầu lần thứ nhất
vào chức vụ thủ tướng vào tháng 3/2016, ông Phúc đã phải đối mặt với thảm cảnh
cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016. Trong suốt hai tháng
sau đó, Thủ tướng Phúc đã tỏ ra bất lực trước nạn quan chức các bộ ngành quản
lý liên quan như Tài nguyên và Môi trường thi nhau phát ngôn bừa bãi, còn chính
quyền địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình đã cực kỳ quan liêu và tắc
trách trước thân phận mất biển và mất luôn kế sinh nhai của ngư dân.
Thế nhưng “tội” lớn nhất của thủ tướng Phúc là lần xuất hiện
chính thức của ông vào tháng 6/2016 để công bố về nguyên nhân cá chết cùng “500
triệu USD bồi thường của Formosa”. Điểm lạ lẫm là đây cũng là thời điểm mà ông
Phúc bắt đầu nhắc lại mô hình “Nhà nước kiến tạo” của thủ trưởng cũ của ông là
Nguyễn Tấn Dũng. Kể từ đó, công luận và phản ứng xã hội đã chĩa thẳng mũi dùi
vào Nguyễn Xuân Phúc về chuyện “đi đêm với Formosa”, thay cho việc công kích ác
liệt đối với Tổng bí thư Trọng trước đó.
Bây giờ thì đã rõ: người đứng đầu khối hành pháp ở Việt Nam
không chỉ phải đối diện với một thử thách lớn, mà vụ “cá chết Formosa” là tác
nhân có thể tiêu diệt hoặc lật đổ bất kỳ quan chức cấp cao nào.
Duy tâm Dũng - Phúc?
Từng là một cấp dưới quen im lặng dưới thời Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ được đức tính khôn khéo, thận trọng và
kiệm lời khi thế vào chỗ thủ tướng cũ. Nếu so sánh với Bí thư thành ủy Đinh La
Thăng liên tục hô hào trong một tháng rưỡi đầu tiên chấp nhiệm ở thành phố Hồ
Chí Minh nhưng sau đó lặng tăm và dần biệt tăm, ông Phúc tỏ ra khiêm tốn hơn hẳn.
Cũng bởi lẽ đó mà cho tới nay, trong khi đang có những đồn đoán về khả năng
Đinh La Thăng không thể “trụ” được ở thành phố Hồ Chí Minh mà sẽ bị “rút” ra
trung ương cho một cái ghế vô thưởng vô phạt, vị trí chính trị của Nguyễn Xuân
Phúc vẫn có vẻ an toàn.
Trừ một dấu hỏi “phản nghịch” đang nổi lên trong bộ máy tham
mưu của ông Phúc…
Nếu không thấy được chuyện đoàn xe hơi của mình vi phạm con
đường chỉ dành riêng cho người đi bộ ở Phố cổ Hội An, rõ ràng Thủ tướng Phúc
hoàn toàn có thể nhận ra được điều cốt tử: dàn tham mưu của ông quá tệ.
Thủ tướng Phúc sẽ còn phải đi nhiều nơi, làm nhiều việc, ký
nhiều văn bản, nhưng với một dàn tham mưu quen cậy thần thế và xu nịnh, chưa
tính đến việc có thể có thuộc cấp nào đó muốn “gài” tân thủ tướng, thì liệu ông
Phúc có sẽ tiến xa trên con đường chính trị đầy tham vọng của mình?
Những đối thủ vừa ẩn vừa hiện của Thủ tướng Phúc cũng vì thế
đang khấp khởi hy vọng…
Nếu nhìn sự việc theo quan niệm vận số thì có thể xác định
là sau khi ký Nghị định 72 vào năm 2013, đường công danh của Thủ tướng Dũng đã
trở nên trắc trở và sụp đổ trong hai năm tiếp theo.
Liệu ông Phúc có khôn khéo hơn với hình thái “Nhà nước vì
dân” - nhưng phải thực tâm và thực chất hơn rất nhiều so với thói mị dân hiện
thời - hay sẽ lại đi vào con đường “bất tri túc” cùng bất thành của Nguyễn Tấn
Dũng trong mô hình “Nhà nước kiến tạo” và chỉ để lại âm hưởng của một cái thùng
rỗng?
Nguồn: www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét