Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Làm sạch giáo dục văn học thời hậu cộng sản



Tôn Phi


Văn học, được coi là tiền đề của mọi sự phát triển ở mọi quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy, ở những nước nào có nền văn học tự do thì những nước đó, kinh tế và kiến trúc cũng sẽ phát triển, song song với việc bảo vệ môi trường. Nền văn học nước nhà suốt hơn 70 năm qua là một nền văn học kiệt quệ. Trong thời đại mới, làm sao để vực dậy nền văn học đó?

Thay mới từ sách giáo khoa

Nếu đặt giả thuyết  rằng nên làm điều gì ngay sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Việt Nam, tôi nghĩ đó là dốc sức phục hồi lại ngôn ngữ cho dân tộc, bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Từ lớp 1 cho đến lớp 12 ở nước ta hiện tại, chương trình Văn-Sử-Triết, trong tay những người cộng sản không dùng để đào tạo một con người theo hướng khai phóng và nhân bản, mà dùng cho việc tuyên truyền cho đảng phái. Việc tuyên truyền lộ liễu như thế có khá nhiều tác hại: làm du nhập những từ tiếng Hán không cần thiết, hủy hoại tư duy của học sinh bằng lối văn nịnh bợ vô thưởng vô phạt, hủy hoại tính trong sáng của tiếng Việt…

Việc Đảng Cộng Sản bị dân tộc nguyền rủa là điều đang diễn ra trên thực tế. Sau khi chế độ độc đảng sụp đổ, họ cũng vẫn sẽ bị nguyền rủa, cực điểm trong vòng ước tính là 6 tháng đến 9 tháng. Sau đó, không thể cứ dồn toàn lực tinh hoa để chửi bới đảng viên cộng sản, những người bây giờ đang tạm coi là trí thức cấp tiến cần nghĩ ra một chương trình hành động để cứu rỗi ngôn ngữ của dân tộc. Chắc chắn sẽ xảy ra một điều đầu tiên là thu hồi toàn bộ sách giáo khoa văn-sử-địa để viết lại. Lúc đó, cần có một ủy ban cứu nguy giáo dục đứng ra để chọn lựa những tác phẩm có giá trị, giàu tính nhân sinh, nhân bản để thay thế những tác phẩm tuyên truyền.

Cho đến xóa sổ các giáo trình đại học

Trước khi là sinh viên một trường đào tạo ngành văn khoa khá nổi tiếng ở nước ta hiện tại, trước đó tôi đã có thời gian học rất ngắn tại một số trường nữa. Cuối cùng, tôi nghĩ là nên vào trường văn – viết văn thì may có thể thay đổi được điều gì đó. Nhưng mọi thứ đối với tôi gần như tuyệt vọng khi vào học một khoa văn ở trường đại học đào tạo văn khoa nổi tiếng nhất nước. Tôi cứ nghĩ là chỉ có mấy môn chính trị bắt buộc là phải giả vờ công nhận Marx-Lenin và các lãnh tụ cộng sản trong bài thi cuối kỳ. Không ngờ, mọi môn học, dù là chuyên ngành, đều chứa chấp chủ nghĩa Marx-Lenin. Mọi cuốn giáo trình đều phải chêm vào mấy câu “nâng bi” cho chủ nghĩa Marx, cho Bác và cho Đảng thì mới được in.

Xin lấy một ví dụ, cuốn Dẫn luận ngôn ngữ học xuất bản năm 2008 của nhóm tác giả Nguyễn Thiện Giáp – Đoàn Thiện Thuật và Nguyễn Minh Thuyết. Trong trang 11, nhóm tác giả trích dẫn một ý của Mác và Ăng-ghen. Ta chưa cần xét nội dung cuốn sách cũng như nội dung trích dẫn Mác và Ăng-ghen là đúng hay sai, nhưng nếu chứng minh được Mác là tên đồ tề như các nền dân chủ đi lên từ độc tài cộng sản vẫn thường làm, thì số phận gì sẽ xảy ra đối với cuốn sách đó? Trong nỗ lực xóa bỏ tàn dư chủ nghĩa cộng sản, phải xóa tất cả những gì mang tính tuyên truyền. Vậy là, cuốn sách Dẫn luận ngôn ngữ học kia phải bị thu hồi, và các tác giả kia cũng đừng mong viết sách giáo trình mà không bị lên án. Trường hợp kinh tởm nhất với tôi, đó là cuốn Giáo trình Mỹ học đại cương của “nhà giáo ưu tú, tiến sĩ khoa học” Đỗ Văn Khang, khi ông này đem cảnh Hồ Chí Minh câu cá để ví dụ cho cái trác tuyệt, hay công nhận một thứ mà tổ tiên của nó không công nhận: nền Mỹ học Marx-Lenin (Marx-Lenin mù tịt về mỹ học). Hàng trăm cuốn giáo trình có cùng một tội như vậy, trong ngày đó chúng ta phải xóa sổ hết những cuốn sách như vậy.

Xong rồi, những môn khác như Logic học đại cương vốn không có tội tình gì cũng trích dẫn lời của ban tuyên giáo, rằng Mỹ đánh Iraq là để chiếm dầu chứ không phải vì chống khủng bố, cùng vô số lần thêm danh Marx-Lenin vào để minh họa cho các khẳng định. Trong thời đại mới, xin nhấn mạnh rằng những người có trách nhiệm cần phải xóa sổ những cuốn sách như thế ra khỏi giảng đường Việt Nam. Còn rất nhiều, rất nhiều sách giáo trình như vậy sẽ cần phải viết lại.

“Thanh lý môn hộ” ngành văn khoa

Việc tiếp theo, có nên sa thải những tác giả sách giáo khoa trước kia tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản không? Nếu giữ họ lại và cho làm y như trước kia thì rất nguy hiểm, vì trong họ còn tàn dư tư duy cộng sản và hoặc vô tình hoặc cố ý sẽ làm cho các tài năng sư phạm văn học trung lập không ngóc đầu lên được. Trong một môn học phân chia các thời kỳ, thì sẽ có sinh viên phê phán nặng nề thời kỳ văn học cộng sản. Những thầy cô trước đây là cộng sản, chắc chắn sẽ trù dập sinh viên đó. Vậy, có nên làm mạnh tay với những đảng viên cộng sản này bằng cách sa thải họ ra khỏi trường đại học hay không?

Nếu cách chức họ đi thì sẽ phát sinh thù hằn dân tộc.

Do đó, tôi đề xuất một giải pháp là Bộ giáo dục trong chế độ mới không dốc tiền nuôi một ban chuyên đi viết sách nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ dùng giải pháp là mở cuộc thi viết sách. Sách được dùng trong nhà trường phải được qua bỏ phiếu trong quốc hội. Về nhân sự giảng dạy các trường, phải là bầu cử và bỏ phiếu định kỳ để quyết định một giáo sư nào được ở lại, một giáo sư nào phải ra đi.

Văn-sử-triết là ba bộ môn bất phân. Sau khi chế độ cộng sản bị giải tán, nhân lực tuyên truyền của họ nằm vùng trong khoa văn-sử-triết của các trường đại học cũng sẽ bị “thanh trừng”. Đây là một định luật xã hội. Theo định luật, xã hội nào còn tàn dư tư duy cộng sản thì tiến trình hoàn thành thể chế dân trị của xã hội đó càng bị trì hoãn. Kinh nghiệm cho thấy, khi giải tán từ một chế độ độc tài này sang một chế độ dân chủ, thì phải có và nên có một chế độ chuyển tiếp mà tôi tạm là chế độ độc tài – dân chủ.

Chế độ đó sẽ phải làm rất nhiều để thanh lọc nền đào tạo văn khoa. Biện pháp thứ nhất cần làm, tôi thiết nghĩ loại bỏ tất cả những cuốn sách soạn bởi các tác giả từng là đảng viên cộng sản, hoặc các tác giả từng góp phần viết những cuốn sách ca ngợi chế độ cộng sản bất nhân tàn bạo. Những tác giả như thế không xứng đáng để đứng tên trong những cuốn sách trong chế độ mới.

Thực tế thì, tác giả của những cuốn giáo trình như Dẫn luận ngôn ngữ học hay Mỹ học trên đây đã cố tình đem vào trích dẫn Mác-Ăngghen, nếu chẳng phải là để ghi điểm trong lòng ban tuyên giáo và trong khối đảng ủy giáo dục đó sao? Một hành động ngày hôm qua được cho là khôn, thì ngày hôm sau đã là rồ dại. Hôm qua họ ăn uống và hưởng lợi trên sự độc quyền giáo dục, thì hôm nay họ phải chịu đào thải khỏi bánh xe tiến hóa của dân tộc. Số phận của các tác giả như thế, hẳn sẽ không do pháp luật hay lòng nhân từ nào định đoạt. Họ phải được ra xét xử trên tinh thần phổ thông đầu phiếu.  Mà, nếu trên tinh thần phổ thông đầu phiếu, lực lượng dân chủ chiếm đa số hẳn sẽ có số phiếu áp đảo để đẩy các tác giả thân cộng ra khỏi nhà trường và giảng đường.

Một điều nữa nhất định phải làm, theo tôi nghĩ, đó là sa thải tất cả hiệu trưởng các trường đào tạo văn-sử-triết và thay mới hoàn toàn bằng những giảng viên có tư tưởng cải cách. Đây là một điều rất cần kíp, và cần thực hiện mạnh tay. Nếu không, tư duy cộng sản sẽ như con đỉa bám dai trên tâm hồn thanh niên Việt.

Giải tán Hội nhà văn Việt Nam

Một công việc khác, cũng cần làm một cách rất cần kíp, đó là phải giải tán Hội nhà văn Việt Nam. Hội này do Hữu Thỉnh, một người đạo văn làm chủ tịch, suốt mấy chục năm. Đây thực chất là một anh công an, đi sang Hội nhà văn để làm cai văn nghệ. Tiếng kêu oán thán của các nhà văn thành viên hội này đã chất cao lên đến tận trời xanh. Hội nhà văn Việt Nam dưới thời Hữu Thỉnh có mục đích duy nhất là tuyên truyền và kiểm duyệt, do đó đã đánh chết mọi tài năng văn chương của dân tộc. Không còn nghi ngờ gì nữa, Hội nhà văn Việt Nam phải được giải tán dưới chế độ mới. Sau đó hội sẽ mở lại, cũng dưới tinh thần phổ thông đầu phiếu, và không được ăn trên tiền thuế của người dân nữa. Chủ tịch Hữu Thỉnh, tất nhiên, sẽ bị nguyền rủa như những người cộng sản đã và sẽ bị như vậy. Tuy vậy, việc gắp bỏ những con sâu như thế ra khỏi làng văn học vẫn là điều cần thiết. Để xã hội trở về trạng thái ổn định, những nhà văn ca ngợi chủ nghĩa cộng sản phải bị loại bỏ khỏi sân chơi.

Khi đã loại bỏ những con sâu như vậy rồi, những nhà văn chân chính còn lại đối diện với “đống đổ nát” của nền văn chương “cách mệnh xã hội chủ nghĩa”. Ngôn ngữ dân tộc đã bị làm cho bại hoại suốt 70 năm qua.

Gunter Grass, văn hào Đức- Nobel văn chương 1999 là người được mệnh danh là nhà văn vĩ đại nhất của nước Đức trong thế kỷ XX. Ông vĩ đại không chỉ bởi những tiểu thuyết như Cái trống thiếc, người dân Đức tôn vinh ông vì công sức phục hồi ngôn ngữ cho nhân dân Đức. Sau thời đại của đảng độc tài Đức Quốc, ngôn ngữ của dân Đức bị hủy hoại. Cũng vậy, ở Việt Nam, sau thời đại của đảng độc tài Cộng sản,  cần có một một Gunter Grass phục hồi lại lương tri và tính trong sáng cho ngôn ngữ dân tộc An Nam.

Có lẽ, dân tộc Việt Nam lúc đó cần nhiều nhà văn giỏi lắm thay.


Nguồn: www.danluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét