Kỳ 2: Ký ức không quên về Mậu Thân giữa lòng Sài Gòn
Có lẽ đấy sẽ là một
giao thừa mà tiếng nổ thoạt đầu tưởng rằng của tiếng pháo kéo dài nhất, lâu nhất
đến tận sáng mùng 1. Đến lúc ấy , người Sài Gòn mới biết thành phố đã bị tổng tấn
công từ nhiều hướng.
4. Những ngày lêu lổng và…
Ao hồ, đầm lầy, những ruộng rau muống mênh mông… xóm đạo
hình thành từ khung cảnh ấy. Quần cư và mang theo đầy đủ thói quen, tính cách,
giọng nói của người di cư miền ngoài. Giọng Bắc là âm sắc lạ với dân miền Nam,
nó cũng thường khởi đầu cho những xung đột trẻ con “Ê! Thằng Bắc Kỳ con!",
“Bắc Kỳ con, bỏ dzô lon kêu chit chit, bỏ dzô đít hết kêu"... luôn gây
thành những trận đánh nhau, vật nhau huỳnh huỵch trên nền đường bùn đất ngày
mưa. Thiếu gia công tử trắng trẻo đã biến mất, nay là một thằng nhãi lấm lem sẵn
sàng buông cặp uỵch nhau với bất cứ kẻ nào “Ê, Bắc Kỳ” với nó. Bà mẹ trẻ khâu
vá chiếc áo cho con trai thường thở dài “khổ thân con tôi” nhưng trẻ con buồn
ít hơn vui, chỉ hôm sau lại bắn bi, tắm mưa chung một bầy đủ nam đủ bắc ngoài
ngõ ngoài đường.
Dân khu Ông Tạ có 2 điều nổi tiếng: Một thành nhà văn, hai
thành du đãng. Đấy là điều sau này tôi mới biết khi đủ tuổi thành niên. Khi ấy
chỉ nhớ rằng hễ nhập nhoạng tối taxi thường từ chối chở khách về ngã ba Ông Tạ,
ngã tư Bảy Hiền, khu nhà giây thép gió (cách gọi khác của bưu điện).
Những cánh diều đầu tiên trong đời bay lên từ con đê đất nhỏ
ngăn chia những ruộng rau muống mênh mông kia mỗi buổi chiều lộng gió. Những
con cá lia thia, bảy màu sẽ được bắt lên bằng tay, bằng vợt từ những ao, đầm ấy.
Những cánh chuồn chuồn đáp xuống và dính vào đầu chiếc sào tre bôi thứ keo dính
bằng dây thun, bong bóng ngâm dầu hôi. Bắt chúng chỉ như một trò chơi nghèo khó.
A! Những ruộng rau muống xanh rờn. Thứ rau thoạt đầu chỉ người
Bắc mới ăn, thứ rau sẽ trở nên quen thuộc nhiều năm sau nữa với người miền Nam
nhưng nó cũng có một “lịch sử“ qua lời bài hát Tình bắc - duyên nam của Xuân
Tiên được ai đấy cải biên. “Người từ là từ phương bắc đã qua dòng sông mang
vào… một giống rau dài… gọi là rau muống…ơi! Trồng đất nó không lên bèn đem…
bèn đem đi cầm quăng xuống ao… Người từ là từ phương bắc đã qua dòng sông mang
vào một giống rau dài… gọi là rau muống…ơi! Người bắc khen ngon… còn người
nam…người nam nói rằng…heo nó ăn...”.
Mẹ tôi bán căn nhà lá, mua một căn nhà khác đầu ngõ ấp Hàng
Dầu mở một quán cà phê và ở cùng người em gái tôi gọi bằng dì. Hai chị em đóng
góp cho cái danh tiếng “gái An Lạc“ bằng nhan sắc của mình. Mẹ tôi tên Hảo, dì
tên Hán.”Hảo Hán“ nhưng chuyện khôi hài xảy ra khi làm giấy tờ, thủ tục gì đấy,
tên cô Hảo thì đúng, tên cô Hán bỗng được thêm chữ “g“ vào cuối theo cách phát
âm miền Nam. Người ghi hồ sơ, giấy tờ phát âm sao ghi ra vậy. Dì thành cô…Đỗ Thị
Háng. Đành phải làm thêm một thủ tục khác ghi rõ trong căn cước: Đỗ Thị Háng, tự
Mỹ Ngọc.
Mỹ Ngọc mới đúng nhan sắc dì. Còn cô Háng thì nghe…kinh quá!
Căn nhà mới sẽ thành quán cà phê ở khoảnh sân có bóng cây vú
sữa tỏa mát. Nhưng có một nỗi kinh dị của riêng tôi khi rời ngôi nhà lá đơn sơ
chỉ ở vài năm ấy. Nhiều đêm tôi thức giấc nhìn từ màn ngủ ra góc tường tối phía
chái bếp sau nhà, có những đứa trẻ trạc tuổi mình, áo quần nhếch nhác bò ra lổm
ngổm. Mỗi lần chúng xuất hiện trong đêm luôn có một âm thanh báo trước, dường
như chỉ mình tôi nghe thấy. Tôi thường giãy thét giữa khuya, rất nhiều đêm như
thế, đến nỗi nhiều buổi sáng mẹ phải qua hàng xóm nói lời xin lỗi bởi sự phàn
nàn của họ. Căn nhà ấy chỉ tôi biết: có ma!
Tên tôi bây giờ mang họ mẹ: Đỗ Trung Quân.
5. Mùi cỏ ướt, bãi cỏ may và trẻ con đã lớn để thấy...
Ở ngã ba Ông Tạ, xóm đạo Công giáo nhưng lại đi học ở một
ngôi trường của hội thánh Tin lành. Mẹ tôi thường thế, ở đâu tiện trường nào
thì xin học cho con. Không lâu nữa từ ngôi trường của Tin lành tôi sẽ lại thấy
mình ở một ngôi trường nhỏ khác trong sân chùa, toàn áo lam tăng sĩ.
Trường Cơ đốc phục lâm. Đấy là ngôi trường mà sau này tôi mới
biết mục sư cũng là nhà hoạt động văn hóa danh tiếng của Sài Gòn điều hành: Ông
là nhà nhiếp ảnh, nhà giáo, nhạc sư Lê Văn Khoa. Ngôi trường xây dựng kiểu Mỹ,
phòng học, bàn ghế kiểu Mỹ. Mỗi học sinh một bàn nhỏ riêng biệt, không ngồi
chung một băng dài. Sân cỏ mênh mông bằng cả một sân bóng đá (một phần của nó
bây giờ là Bệnh viên Y học dân tộc).
Lại bắt đầu làm quen bằng Kinh thánh. Môn này tôi giỏi bất
ngờ với bạn học dù chả có gì bất ngờ với đứa bé đã rước lễ lần đầu nơi xóm đạo.
Mùi cỏ ướt được cắt tỉa mỗi ngày của sân trường và chỉ thích chạy tuôn qua những
vùng cỏ may cho bám đầy ống quần sẽ đánh thức những mơ mộng đầu tiên của thằng
bé lớp đệ thất.
Mỗi sáng xe đón học trước cổng nhà và con chó nhỏ lại phóng
theo suốt quãng đường dài cho đến khi tôi phát giác hét “lu! về nhà!“.
Chỉ có thế và chỉ 2 cái tết nữa tôi 14 tuổi sẽ đón một giao
thừa đầy mùi lửa đạn: Tết Mậu Thân.
Tết Mậu Thân
Có lẽ đấy sẽ là một giao thừa mà tiếng nổ thoạt đầu tưởng rằng
của tiếng pháo kéo dài nhất, lâu nhất đến tận sáng mùng 1. Đến lúc ấy, người
Sài Gòn mới biết thành phố của mình đã bị tổng tấn công từ nhiều hướng. Ngã tư
Bảy Hiền ngùn ngụt lửa đạn, rất dễ dàng nhìn thấy những chiếc phản lực cắt những
đường vòng cung trên bầu trời để trút bom xuống những vùng ngùn ngụt lửa.
Một cái tết máu lửa nhưng lạ thay, với đám thiếu niên 14, 15
tuổi nó bỗng nhiều khác lạ. Thành phố giới nghiêm sau những hồi còi dài, hỏa
châu sáng rực bay qua những khoảng sân tối, góc trời đỏ bầm. Những chiếc hầm chất
chồng bao cát vội vã dựng lên trong các ngôi nhà. Đấy sẽ là nơi bọn trẻ được
lùa xuống mỗi đêm sau hồi còi báo động.
Và tiếng hát Khánh Ly…
“Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng
chổi đứng nghe… Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng…đại bác nghe quen như câu dạo
buồn, trẻ con chưa lớn để thấy quê hương…” áp tai vào những bao cát, từ hầm cát
những đứa trẻ con bỗng thấy rõ quê hương bằng mùi bom đạn. Hồi chưa lâu, bom đạn
mới chỉ nghe, chỉ đọc biết ở rất xa nơi ruộng đồng nào đó, nay chiến tranh đã
vào tận thành phố. Tai điếc đặc vì tiếng nổ, xác người ngay trong hẻm ngõ, những
ngôi nhà tan hoang vì đạn pháo rót vào...
Cũng không lâu nữa sẽ thấy trên truyền hình đầy hình ảnh bi
thảm khai quật những xác người ở Huế trên nền bài hát Exodus bi thương.
Tiếng hát Khánh Ly giữa khuya từ ngôi nhà nào đó còn để nhạc,
văng vẳng những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Những ca khúc sẽ làm một thế hệ thiếu
niên bỗng mất tuổi thanh niên để vụt thành những người không có tuổi trẻ. Điếu
thuốc sẽ cắm rất sớm trên môi và những đôi mắt sớm rượi buồn nhìn trừng vào
thân phận nhược tiểu, da vàng…
Trẻ con đã lớn ...
để thấy...
quê hương…
(còn tiếp)
Đỗ Trung Quân
Nguồn: motthegioi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét