Nguồn: “How to Avoid War With Russia“, The National
Interest, 29/01/2016
Thời gian gần đây người ta nói nhiều về sự khó đoán của chính
sách đối ngoại Nga và sự không chắc chắn là kết quả của việc đó. Trên thực thế,
những lợi ích của Moskva khá giới hạn và chỉ tập trung vào những nước bên ngoài
gần kề. Hiểu cách nước Nga ưu tiên những thách thức an ninh của mình và cách nước
này đánh giá tình hình an ninh biên giới là điểm khởi đầu để làm rõ phần lớn sự
không chắc chắn ở lục địa Á-Âu ngày nay. Phân tích này tập trung vào những tình
huống quan trọng mà năm nay có thể phát triển thành những thách thức thiết yếu
với lợi ích của Nga, gây ra phản ứng của Moskva.
Đã hai năm kể từ khi nước Nga thấy mình ở giữa cơn lốc địa
chính trị. Liệu Nga có thể tránh cơn lốc này một cách có chủ tâm không?
Chúng tôi nghĩ là không. Về bản chất, gió nổi lên do áp lực
chênh lệch giữa các vùng. Trong chính trị cũng tương tự như vậy, xung đột nổi
lên từ một thay đổi trong cân bằng quyền lực và sự phá hủy hiện trạng. Sự sụp đổ
của các chế độ tại Ukraine và Trung Đông tạo ra các vùng áp suất thấp, kéo các
quốc gia láng giềng vào trận bão khu vực. Sau khi thấy mình ở trong một cơn bão
mạnh, Moskva đã có sự lựa chọn. Nga đã có thể hạ thấp các lá buồm của mình và
đi xuôi chiều gió, nhưng Nga muốn giữ hướng đi của mình cho dù điều đó nghĩa là
phải đi ngược chiều gió.
Sự tấn công của Moskva đã đạt được thành công: Nước Nga đang
nắm giữ thế chủ động và xử lý khủng hoảng một cách khôn ngoan cho mục đích
riêng của mình. Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, Nga đánh trượt ít nhất hai
cú đòn nhạy cảm. Cú thứ nhất, tính sai hậu quả của những sự phản kháng của quần
chúng ở Kiev vào cuối năm 2014; cú thứ hai, đánh giá thấp nguy cơ một sự khiêu
khích quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch của Nga tại Syria. Dù Moskva có cẩn
trọng đến mấy chăng nữa trong chính sách đối ngoại, thì những điểm mù vẫn cứ
gây rắc rối cho bất kỳ người điều hành có kinh nghiệm nào.
Trong thế giới quan của mình, Nga là nước lớn theo chủ nghĩa
sô-vanh và là đấu thủ có quyền lực cứng. Nước Nga hiện đại là một bên tham gia
duy trì hiện trạng, tập trung chủ yếu vào các nước gần nhất. Không phải những
ưu tiên về an ninh cũng như tài nguyên buộc Moskva phải triển khai sức mạnh vượt
ra ngoài biên giới quốc gia hàng nghìn km. Cơ sở cho chiến lược an ninh của Nga
rất đơn giản: giữ vành đai láng giềng ổn định, làm NATO yếu, giữ Trung Quốc ở gần
và khiến Mỹ tập trung vào nơi khác. Nga ủng hộ và tuân thủ các quy tắc quốc tế,
nhưng chỉ đến khi một bên thứ ba làm hỏng hiện trạng và làm tổn hại đến các lợi
ích an ninh của Moskva. Khi thấy môi trường an ninh xung quanh ổn định và có thể
tiên đoán được, thì Nga không có nhu cầu can thiệp. Nhưng khi nảy sinh sự bất ổn
và khủng hoảng xuất hiện, thì Nga phản ứng mạnh mẽ.
Lôgích của đường phân giới Mỹ-Nga
Nga nhìn vị thế của mình trong địa chính trị ngày nay như thế
nào? Rõ ràng là sự cạnh tranh giữa hai trung tâm địa chính trị trọng yếu – là Mỹ
và Trung Quốc – trong việc xác định các quy tắc của trật tự quốc tế là một quá
trình minh định của thế kỷ XXI. Và khi khối Đại Tây Dương đang dần mất đi trọng
lượng của mình, Mỹ đã dịch chuyển từ mở rộng sang bảo vệ chỗ đứng của mình. Chiến
lược này của Mỹ có thể được gọi là “vùng khép kín mới”, nghĩa là, tạo ra các
vùng riêng biệt được bao bọc chống lại các đối thủ (đầu tiên và quan trọng nhất
là Trung Quốc) bằng các rào cản kinh tế, chính trị và các loại khác.
Kết quả là Moskva đánh giá chính sách của Mỹ đối với Nga như
một cuộc tấn công phòng ngừa được thực hiện trước khi Nga khôi phục vị thế lịch
sử của mình sau thời kỳ khủng hoảng. Theo đánh giá của Moskva, Washington nhìn
thấy khả năng của Nga, bị kẹp sâu trong lục địa, khó trở thành một đối thủ kinh
tế quan trọng và do đó không thể thành lập một trung tâm quyền lực thay thế tại
lục địa Á-Âu. Một nước Nga suy yếu sẽ khiếp sợ sự bành trướng của Trung Quốc,
và buộc phải trở thành một đối tác của Mỹ trong dự án lớn của Washington ở thế
kỷ XXI: Kiềm chế Trung Quốc. Và chừng nào giới tinh hoa Mỹ còn hướng tới mục
tiêu lãnh đạo toàn cầu, thì không có sự thay thế cho chiến lược làm suy yếu Nga
của Mỹ. Và tìm kiếm một âm mưu trong chiến lược này là vô ích – Nga chỉ tình cờ
xuất hiện trong kế hoạch của Mỹ. Dù giới tinh hoa Nga thân Mỹ hoặc chống Mỹ
cũng không quan trọng với Washington; quan điểm của họ chỉ ảnh hưởng đến cách Mỹ
giành được mục tiêu. Khi Putin là tổng thống Nga, Washington không khen đối thủ
để tránh rắc rối, và có thể dễ dàng ngáng chân Moskva.
Do giới tinh hoa Mỹ không từ bỏ ý định lãnh đạo toàn cầu,
nên Moskva không thể cứ ở thế yếu. Nga luôn luôn phải chịu áp lực ngày càng lớn
từ các nền văn minh đối thủ ở phía Tây và phía Nam. Mục tiêu của cuộc chiến trừng
phạt hiện nay là làm Nga kiệt quệ, khiến Nga sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên
có giới hạn của mình, tạo ra những cảm giác về sự tuyệt vọng và tất yếu sụp đổ
trong công chúng. Trong hoàn cảnh này, Nga lựa chọn né tránh các cuộc tấn công
trực diện và đánh lạc hướng người tấn công, chuyển tiền tuyến ra xa lãnh thổ của
mình.
Nỗ lực đầu tiên của Nga giành thế chủ động là “chuyển hướng
về phương Đông” và Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2015 tại Ufa, nhằm huy động các đồng
minh. Nhưng nỗ lực này chỉ thành công một phần. Các nước BRICS không sẵn sàng
hy sinh mối quan hệ của họ với Mỹ, và “chuyển hướng” đã không thể mang lại kết
quả nhanh chóng làm ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực hiện tại.
Nỗ lực thứ hai thành công hơn là chiến dịch của Nga ở Syria.
Sự kiệt quệ của châu Âu vì Ukraine và khủng hoảng di cư đóng góp vào thành công
này. Nhưng lý do chính là sự bế tắc trong chính sách của Mỹ, giữa mục tiêu được
tuyên bố là lật đổ Bashar al-Assad và không thể cho phép IS chiến thắng. Trong
khi cố gắng tìm một lối ra, Mỹ tạm thời quyết định chấp nhận đề nghị của Nga
thay đổi trò chơi. Nhưng mục tiêu chung bắt Moskva đầu hàng không bao giờ mất.
Và mặc dù đây không phải là một mục tiêu ngắn hạn chủ chốt, nhưng Washington sẽ
luôn sử dụng các khả năng có thể nhằm làm suy yếu Moskva.
Khủng hoảng ở Syria và xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ
Theo quan điểm của Nga, cho phép IS giành quyền kiểm soát
Syria và Iraq đồng nghĩa với một dòng mới những kẻ khủng bố được đào tạo kỹ đổ
vào Bắc Kavkaz và Trung Á trong 5 năm. Theo một số ước tính, trong số 70 nghìn
chiến binh IS, có đến 5.000 hoặc là người Nga hoặc công dân của các nước SNG.
Khi trở về nhà họ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình vốn đã mong manh trong
các nước cộng hòa của Nga ở Caucasus và Trung Á. Trong bối cảnh này, Moskva tin
rằng chống lại người Hồi giáo ở Trung Đông đỡ tốn kém hơn tại Nga.
Chiến lược của Nga tại Syria đang thuận lợi, giành nhiều thắng
lợi với nguồn lực tối thiểu và mức độ liên quan tương đối thấp. Để có cái mình
muốn, Nga sẽ không hủy diệt hoàn toàn mà chỉ cần làm rối loạn cơ sở hạ tầng của
khủng bố. Nga có thể bảo vệ chế độ thân thiết tại Damascus dưới hình thức này
hay hình thức khác, tăng cường căn cứ hải quân lớn đầu tiên của mình ở Địa
Trung Hải và duy trì vai trò lãnh đạo trong các dự án khí đốt ở ngoài khơi
Syria, Cyprus và Israel.
Nga sẽ củng cố vị trí của mình tại Trung Đông với tư cách là
một quốc gia có thể thực hiện các chiến dịch quân sự viễn chinh. Chiến dịch tại
Syria thể hiện tính hiệu quả, độ chính xác và độ tin cậy về khả năng vũ khí của
Nga, liên lạc bằng vệ tinh và hệ thống định vị GLONASS. Tất cả điều này chứng tỏ
rõ ràng Moskva giữ đầy đủ chủ quyền trong chiến tranh ở thế kỷ XXI.
Lợi ích tiềm tàng Nga có được từ chiến dịch Syria là rất lớn,
nhưng rủi ro cũng lớn như vậy. Nga vô tình đã gây ra sự đối đầu với một cường
quốc khu vực quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan tâm của Ankara là lật đổ Bashar
al-Assad, và sử dụng cuộc chiến với IS chống lại các nhóm vũ trang người Kurd ở
Syria. Đây không phải lần đầu tiên sự khác biệt khu vực phát sinh giữa Nga và
Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng đã một thế kỷ trôi qua kể từ khi họ sử dụng vũ lực chống
lại nhau.
Kịch bản xấu nhất là Ankara và Moskva có thể trở thành những
bên đầu tiên tham gia một cuộc cách mạng rơi vào chiến tranh, nơi không có biên
giới hoặc hàng nghìn nạn nhân, nhưng là nơi thiệt hại nặng nề về các vệ tinh
không gian, hệ thống thông tin liên lạc, các trung tâm hậu cần và cơ sở hạ tầng
Internet.
Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn lớn nhất của Nga là bị kéo vào cuộc
đối đầu Sunni-Shiite của Iran, đang bị liên minh các quốc gia theo dòng Sunni
do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại. Khi tính đến việc đa số người Hồi giáo Nga
là người Sunni, Moskva nên đặc biệt thận trọng.
Trong bối cảnh này, Nga sẽ khó đảm bảo ủng hộ người Sunni ở
Syria hiện đang chống IS. Dựa trên kinh nghiệm ở Chechnya, Nga sẽ hướng đến giải
quyết cuộc xung đột Syria bằng cách cho phép chế độ này hợp tác với các nhà
lãnh đạo của cộng đồng người Sunni hiện đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống
khủng bố. Trong trường hợp thành công, họ sẽ là người lấp đầy khoảng trống quyền
lực sau khi IS thất bại, giống như những gì đã xảy ra với gia đình Kadyrov ở
Chechnya.
Căn bệnh ung thư khủng bố thánh chiến
Các khu vực nơi các nhóm thánh chiến vũ trang hoạt động dĩ
nhiên liên kết chặt chẽ với nhau. Dòng chảy các chiến binh từ Palestine, Libya,
Syria và Afghanistan đến Caucasus và Trung Á và trở lại đang là một vấn đề cấp
bách. Thậm chí nếu các liên minh chiến đấu chống khủng bố ở Syria thành công
thì cũng không phải là họ thắng chủ nghĩa khủng bố nói chung. Hầu hết các chiến
binh thiện nghệ nhất và chỉ huy của họ chỉ cần di chuyển từ Syria đến các nước
khác (Iraq, Libya, Mali, Afghanistan, Somalia và v.v.). Cuộc khủng hoảng không
thể khắc phục được đang đe dọa các thể chế nhà nước ở Trung Đông và châu Phi
cũng khuyến khích khả năng phục hồi của lính đánh thuê thánh chiến. Hơn nữa,
trong vài năm qua lính đánh thuê như vậy đã đến để tổ chức các mạng lưới kinh tế
tội phạm toàn cầu và tìm sự hỗ trợ của một số giới chức nhà nước. Các nhóm như
vậy mất rất ít chi phí để duy trì và có thể đủ để gây mất ổn định toàn bộ một
khu vực.
Giống như một căn bệnh ung thư, chủ nghĩa khủng bố quốc tế
là nguy hiểm vì nguy cơ di căn, và đúng là khó dự đoán sự xuất hiện của nó ở một
nơi nào đó hoặc trong một thời gian nhất định. Kịch bản tồi tệ nhất đối với Nga
sẽ là sự sụp đổ của một quốc gia Trung Á yếu và nghèo, và sự biến đổi của nó
thành một lãnh thổ không thể kiểm soát do các nhóm vũ trang có cách giải thích
riêng về luật Sharia cai trị. Triển vọng này là đặc biệt nguy hiểm lúc này, khi
mà Nga không có nhiều nguồn lực hỗ trợ các đồng minh như đã làm bốn năm trước;
việc giảm mạnh đầu tư cho Kyrgyzstan là triệu chứng đầu tiên.
Trụ cột chính chống lại kịch bản Trung Á này là nền kinh tế
Nga. Các cuộc cách mạng và nội chiến đều có động lực nhân khẩu của chính chúng,
và chừng nào những người đàn ông trẻ tuổi từ Tajikistan, Uzbekistan và
Kyrgyzstan có thể đến và làm ăn sinh sống tại Nga, họ sẽ không tham gia phong
trào thánh chiến để lật đổ chế độ chính trị ở nước mình. Triệu chứng đầu tiên của
mối đe dọa mới xuất hiện sẽ không phải là các sự kiện chính trị trong nước ở
các nước cộng hòa hậu Xô Viết nghèo, mà là sự tăng trưởng qua thống kê trong
các lĩnh vực của nền kinh tế Nga vốn vẫn dựa vào lao động không có tay nghề
đông đảo, như xây dựng, bán lẻ và bán buôn thương mại, nhà ở và dịch vụ cộng đồng.
Cùng với việc giảm tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng của
Nga, tình huống khó khăn nhất trong năm 2016 sẽ ở Tajikistan, nơi các nhà lãnh
đạo hiện nay đang làm các căng thẳng trầm trọng hơn qua việc thẳng tay đàn áp
phe đối lập Hồi giáo. Biện pháp này bị coi là vi phạm hiện trạng, một bộ quy tắc
hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1997 tại nước này. Vào thời điểm đó, cho
phép người Hồi giáo tham gia đời sống chính trị là một trong những điều kiện
quan trọng nhất để kết thúc đối đầu. Sự chống đối đảng Phục Hưng Hồi giáo của
các nhà chức trách Tajik đã leo thang, tạo ra mối đe dọa về một liên minh chiến
thuật với nhiều nhóm cực đoan hơn. Khả năng về một cuộc nội chiến mới ở
Tajikistan tất yếu sẽ buộc Nga phải can thiệp.
Tình hình tại Nagorny-Karabakh
Cuộc xung đột Nagorny-Karabakh vẫn là một trong những thách
thức nguy hiểm nhất ở vùng Caucasus. Đã sang năm 2016 mà mỗi bên xung đột vẫn
không có bất kỳ dấu hiệu thỏa hiệp nào về các vấn đề mấu chốt như: vị thế của
Nagorny-Karabakh và một số vùng lãnh thổ Azerbaijan khác do lực lượng Armenia
kiểm soát cũng như vấn đề người tị nạn.
Khả năng cuộc xung đột Nagorny-Karabakh trầm trọng thêm làm
cả Nga và phương Tây lo sợ. Việc làm “tan băng” có thể dẫn đến triển khai quân
gìn giữ hòa bình quốc tế lại khiến Iran lo lắng, dù nước này tuyên bố xung đột
phải được giải quyết không có sự tham gia của bất kỳ quyền lực bên ngoài nào.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hợp tác chiến lược giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng
như giữa Armenia và Nga, cuộc đối đầu Nga-Thổ làm tăng nguy cơ xung đột lây lan
vượt xa khu vực Caucasus.
Đối với Nga, sự tan vỡ của hiện trạng mong manh này sẽ mang
lại những hậu quả kinh khủng. Trước hết, nó đưa ra câu hỏi về triển vọng của
các dự án tích hợp Á-Âu (Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể – CSTO và Liên minh
kinh tế Á-Âu – EEU), vì không có sự đồng thuận giữa các thành viên về hỗ trợ
chính trị và quân sự cho Armenia. Thứ hai, nó có khả năng làm sâu sắc xung đột
về lợi ích giữa Moskva và Baku, và thậm chí có thể lặp lại kịch bản của Gruzia
năm 2008. Thứ ba, sự suy yếu vị thế của Nga chắc chắn sẽ dẫn đến một số người đề
nghị quốc tế hóa rộng hơn tiến trình hòa bình, điều này tất yếu sẽ làm giảm ảnh
hưởng của Nga.
Hai điều kiện chính cần có cho kịch bản tiêu cực phát triển
tại Nagorny-Karabakh là sự xấu đi của cuộc đối đầu Nga-Thổ, và sự leo thang vô
cớ là kết quả của các vụ xô xát ngày càng tăng trên biên giới. Cuộc xung đột với
Moskva có thể đẩy Ankara đến chỗ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan nhằm
tăng sức ép lên cả Nagorny-Karabakh không được công nhận lẫn chính Armenia. Tuy
nhiên, cán cân quân sự và chính trị giữa Yerevan và Baku sẽ không cho phép bên
nào đạt được lợi thế áp đảo, và sẽ kiềm chế xung đột.
Ukraine năm 2016
Động lực của một cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Ukraine năm
2016 sẽ được xác định bằng tình hình chính trị ở Kiev. Trong việc thực hiện các
Hiệp định Minsk, quả bóng từ lâu đã nằm ở phía Ukraine. Trong nửa đầu năm nay,
Ukraine sẽ sửa đổi hiến pháp mà sẽ thiết lập một vị thế đặc biệt cho vùng
Donbass trong quốc gia và thiết lập các quy tắc cho các cuộc bầu cử địa phương ở
một số khu vực vùng Donetsk và Luhansk. Về mặt lý thuyết, ban lãnh đạo Ukraine
có thể đồng ý giải quyết xung đột, mặc dù suốt năm qua, giới lãnh đạo đã cố gắng
hết sức tránh điều này. Trên thực tế, vẫn rất không có khả năng họ sẽ làm điều
đó.
Các cuộc bầu cử thành phố mới nhất cho thấy Tổng thống Petro
Poroshenko đã bỏ lỡ việc này khi ông được toàn quyền ban hành các cải cách. Giờ
đây tỷ lệ ủng hộ ông đang giảm dần, liên minh cầm quyền đang yếu đi và vị thế của
đồng minh chủ chốt tại nghị viện của ông Poroshenko là Thủ tướng Yatsenyuk đang
bị lung lay. Dù có muốn, tổng thống cũng sẽ không thể đạt được sự ủng hộ cần
thiết trong Quốc hội Ukraine (Rada) về một thỏa hiệp cho Donbass. Nền chính trị
của Ukraine chắc chắn sẽ trở nên quá khích với sự suy yếu về chính trị đang diễn
ra của chính phủ trung ương.
Hai triệu chứng của cuộc khủng hoảng Donbass sẽ kéo dài cho
đến nửa sau của năm 2016. Triệu chứng đầu tiên là sự thất bại về sửa đổi hiến
pháp do Tổng thống đề xuất. Những sửa đổi này không tuân thủ các Hiệp định
Minsk; tuy nhiên, các nhà chức trách Ukraine đã đề cập đến chúng như là bằng chứng
cam kết của họ với Minsk. Nếu không thông qua chúng trong phiên họp hiện tại,
Rada sẽ không thể thảo luận về sửa đổi hiến pháp thêm một năm nữa.
Triệu chứng thứ hai là một cuộc bỏ phiếu cho dự luật về bầu
cử tại Donbass, mà hai bên xung đột (Kiev và các phiến quân) cần phải thông
qua. Xét theo tình hình hiện nay, thì vị thế của hai bên không tương thích, và
thật khó hình dung dự luật sẽ được chấp thuận – chưa tính đến việc bỏ phiếu của
Rada, vốn là nơi các yếu tố tương tự đã phát sinh và cản trở việc đưa ra cải
cách hiến pháp của tổng thống.
Nhiều khả năng nhất trong tháng Hai hoặc tháng Ba sẽ rõ được
là một giải pháp, hoặc ít nhất các bước đi quan trọng tiến tới giải pháp đó, sẽ
không có được trong nửa đầu của năm 2016. Điều này ngụ ý vấn đề then chốt sẽ là
liệu Ukraine có sẵn sàng tiếp tục các hành động thù địch hay không.
Người ta hầu như không mong đợi một cuộc chiến tranh toàn diện
mới tại Donbass. Kết quả của các cuộc đụng độ vũ trang trước đây giữa Kiev và
các nước Cộng hòa Nhân dân không để lại nhiều hy vọng cho Kiev. Bên cạnh đó,
Nga đặc biệt quan tâm không để mất Donetsk và Luhansk. Các đối tác Tây Âu trong
“Bộ tứ Normandy” cũng chống lại chiến tranh, điều mà Paris và Berlin xem như mối
đe dọa với an ninh của châu lục này. Tuy nhiên, do các cuộc đấu tranh chính trị
nội bộ mới ở Ukraine, nên có khả năng Kiev sẽ quyết định phát động một cuộc tấn
công mới ở Donbass.
Trong trường hợp chiến tranh tiếp tục, các nước Cộng hòa
nhân dân Donetsk và Luhansk (DNR và LNR) có một mục tiêu chính trị rõ ràng:
giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của vùng Donetsk và Luhansk. Đối với
Kiev, nguy cơ quân sự chính là mất các thị trấn mới ở Donbass, nếu chiến dịch mới
thất bại. Quyết định của Moskva hạn chế sự phản kích của lực lượng dân quân
Donbass sẽ phụ thuộc vào hai điều kiện. Thứ nhất, Nga thấy được vị trí giá trị
của các đối tác Ukraine mà Nga có xu hướng lắng nghe trong thời điểm quan trọng.
Thứ hai, liệu Moskva có đạt được hiểu biết chung với Berlin và Paris trong việc
công nhận trách nhiệm của Kiev đối với việc tiến hành các hoạt động thù địch.
Chúng ta cần nhấn mạnh là cả Donbass lẫn Moskva đều không muốn
một cuộc chiến tranh mới. Nó sẽ gây ra rủi ro rất lớn và thiệt hại khủng khiếp
không thể tránh khỏi. Nhờ chiến dịch tại Syria, Nga bắt đầu tìm một cách làm mới
trong quan hệ với Tây Âu và rất biết giá trị của thành công này. Các nhà chức
trách Kiev vẫn còn được lòng Tây Âu đến mức nó không thể công nhận trách nhiệm
của họ đối với cuộc nội chiến. Nhận ra vị trí ngoại giao của mình đang xấu đi,
Ukraine khó dám bắt đầu một cuộc chiến mới trong những điều kiện không chắc chắn
như vậy.
Cùng lúc, Kiev sẽ nỗ lực tìm đồng minh không phải Mỹ mà ủng
hộ một cuộc chiến như vậy chống Donbass. Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang bị
tranh cãi nhiều ở Ukraine vẫn còn gây nghi ngờ. Đương nhiên, Ankara sẽ làm mọi
thứ để dọa Moskva bằng cách hỗ trợ các tổ chức cấp tiến Tatar ở Crimea hoặc phe
diều hâu Kiev. Tuy nhiên, thật khó tin rằng sự dính líu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở
Ukraine được Washington ủng hộ; đây là điều mà liên minh này có thể không cần.
Rất khó giải quyết nhanh cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chiến
tranh thì được. Có vẻ như tình hình của năm 2015 sẽ lặp lại vào năm 2016: Kiev
sẽ tiếp tục gây sức ép lên Donbass bằng cách bắn phá và bao vây, tránh các cuộc
đàm phán có ý nghĩa về một giải pháp. Những người kiên nhẫn nhất sẽ thắng thế.
Xung đột tiềm tàng ở châu Á
Cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ quyết định các mối đe dọa an ninh
trong khu vực Đông Á. Căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và
các đồng minh quân sự quan trọng nhất của Washington trong khu vực là Nhật Bản
và Úc. Những điểm an ninh dễ bị tổn thương nhất của Đông Á năm 2016 sẽ là vấn đề
Đài Loan và bất đồng ngày càng tăng ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Chiến thắng của đảng Dân Tiến (DPP) trong cuộc bầu cử tổng
thống tại Đài Loan đã để lại nhiều bất ổn. Nếu DPP công khai bác bỏ nguyên tắc
một quốc gia hoặc tuyên bố nền độc lập của Đài Bắc, Bắc Kinh sẽ không có gì để
làm ngoài sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp cái mà họ nhìn nhận là những kẻ
ly khai. Lần đầu tiên trong bốn năm qua nguy cơ của kịch bản này đã khiến
Washington tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Đài Loan: năm 2016 kế hoạch cung cấp
vũ khí lên đến 1,8 tỷ USD. Bắc Kinh coi bước này là tín hiệu trực tiếp về việc ủng
hộ các nhà chức trách Đài Loan, và đảm bảo sẽ có phản ứng gay gắt. Người ta chắc
rằng Trung Quốc sẽ không chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà
cung cấp vũ khí lớn cho Đài Loan, mà còn gây áp lực cho các công ty Mỹ đang hoạt
động tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn gốc thường xuyên của sự bất đồng ở Đông Á là sự can dự
tích cực của Washington vào các xung đột lãnh thổ ở các vùng biển Hoa Đông và
Biển Đông. Tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen bắt đầu tuần tra trong khu vực
12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, và trong
tháng 12, các máy bay ném bom của Mỹ đã bay gần quần đảo Trường Sa. Phản ứng của
Bắc Kinh với những hành động như vậy có thể rất cứng rắn. Để thể hiện sự nghiêm
túc trong các ý định của mình, ngày 17/12/2015, một tàu ngầm Trung Quốc đã tiến
hành cuộc tấn công mô phỏng vào tàu sân bay USS Ronald Reagan. Nếu hai bên tiếp
tục kiểu hành vi quân sự nguy hiểm này, thì rủi ro của một vụ va chạm là cao.
Hai bên đã có một vụ tương tự năm 2001, khi một máy bay phản lực của Trung Quốc
đâm vào một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ có khả
năng gia tăng các hoạt động thù địch trả đũa nhau trên không gian mạng trong
năm 2016.
Các hoạt động của Úcvà Nhật Bản ở các vùng biển Hoa Đông và
Biển Đông gây thêm một thất vọng nữa cho Bắc Kinh. Tokyo dự định đặt các khẩu đội
pháo và tàu dọc theo hai trăm hòn đảo trên một dải đất rộng 1.400 km để cản trở
tàu quân sự Trung Quốc di chuyển về phía Tây Thái Bình Dương. Tháng 8/2015, Nhật
Bản đã thông qua ngân sách quân sự lớn nhất trong lịch sử sau Chiến tranh thế
giới thứ hai (27 tỷ USD). Và trong Hội nghị thượng đỉnh APEC, Thủ tướng Shinzo
Abe nói rằng nước ông sẵn sàng xem xét tham gia tuần tra các vùng lãnh thổ
tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời, các chuyến bay của Úc qua các đảo tranh chấp
làm Trung Quốc khó chịu nhiều hơn lo ngại. Tuy nhiên, khả năng một vụ va chạm
vũ trang với tàu quân sự Nhật Bản hoặc Úclà cao. Bắc Kinh tin rằng Washington
chưa muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột toàn diện với Trung Quốc, dù là vì lợi
ích của các đồng minh chủ chốt, trong khi hình ảnh của Nhật Bản là kẻ thù lịch
sử của Trung Quốc vẫn có thể kích thích sự leo thang.
Những rủi ro chính của Nga năm 2016
Các tác giả có quan điểm tiêu cực về tương lai của lệnh trừng
phạt chống Nga trong năm 2016. Lệnh này sẽ không được dỡ bỏ vì phải đáp ứng một
số điều kiện sau: Hiệp định Minsk-2 phải được thực hiện đầy đủ, các hành động
khiêu khích quân sự ở Donbass phải dừng lại, những người phản đối lệnh trừng phạt
của EU phải thắng những người ủng hộ và chính EU phải sẵn sàng từ chối hợp tác
với Mỹ trong vấn đề trừng phạt, hoặc cách khác là Tổng thống Obama phải ủng hộ
EU và xóa bỏ lệnh trừng phạt nửa năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Tất
cả điều này không thể đạt được trong năm 2016. Do đó, lệnh trừng phạt sẽ vẫn
còn, và Nga cần phải làm quen với trạng thái bất lợi trong các vấn đề đối ngoại.
Mặc dù Tây Âu mệt mỏi với Ukraine và xung đột Donbass đóng
băng, Mỹ sẽ không giảm hỗ trợ chế độ Kiev trong năm 2016, và trong trường hợp xấu
nhất, Mỹ sẽ chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Trên mặt trận Syria, những rủi ro
ngắn hạn của Nga do choáng váng với thành công có thể dẫn đến leo thang không
kiểm soát trong các mối quan hệ Nga-Thổ và khả năng va chạm trực diện với
Ankara. Kết quả là, Nga bị mắc bẫy những người muốn nhìn thấy Nga bị kẹt ở
Trung Đông và quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục xấu đi. Mặc dù mong muốn
biểu dương sức mạnh mỗi khi có dịp, Nga có thể không rơi vào những cái bẫy như
vậy trong tương lai: Syria không phải là tuyến đầu chính của Nga.
Năm 2016, làn sóng phá hủy từ Trung Đông sẽ làm tăng nguy cơ
leo thang xung đột ở vùng Caucasus, Nagorny-Karabakh và ở Trung Á, đặc biệt là
bất ổn gia tăng ở Tajikistan. Tình trạng náo động trong dân chúng bên trong các
đồng minh SNG của Nga có thể dấy lên câu hỏi về sự dính líu của Moskva.
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục không tiến triển,
giữ giá dầu ở mức thấp kỷ lục. Nhưng việc mở rộng khu vực hoạt động quân sự ở
Trung Đông, sự trầm trọng thêm các căng thẳng Saudi Arabia-Iran hay bất ổn tại
Saudi Arabia có thể làm thay đổi hoàn toàn những tính toán này.
Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi sẽ kiệt sức với các vấn
đề quốc nội. Và mặc dù đồng cảm với vị thế của Nga ở châu Á và khu vực Mỹ
Latinh, các ngân hàng và các doanh nghiệp của những nước này sẽ không làm bất cứ
điều gì gây rắc rối trong quan hệ của họ với Mỹ.
Lựa chọn giữa hai điều tồi tệ
Rõ ràng là trong năm 2016, Nga sẽ phải chọn giữa những thay
thế xấu và rất xấu. Người ta dự kiến một thay đổi tích cực trong chưa đến 7 hay
8 năm tới khi thế hệ lãnh đạo mới lên nắm quyền tại Mỹ và châu Âu có thể một lần
nữa xem Nga là một đồng minh chiến lược và đối tác kinh doanh.
Moskva có thể làm gì để hiện thực hóa khả năng này và để
tăng các cơ hội của chính mình?
Trước hết, Nga cần thận trọng bảo vệ quyền lực của mình và
tránh bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh quy mô toàn diện và đối đầu kéo dài.
Cho đến giờ Nga đã thành công.
Thứ hai, Nga phải kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ với Tây Âu
mà các nước này đang dần nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại
chính trị và quan hệ kinh tế với Nga. Các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước châu
Âu chủ chốt và Mỹ mang đến hy vọng rằng tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương sẽ
không còn là một chân lý đương nhiên và châu Âu cuối cùng sẽ lấy lại được tiếng
nói của chính mình.
Thứ ba, Nga không thể để có những bất đồng và hiểu lầm với
các nước láng giềng gần nhất và các đồng minh, cụ thể là Trung Quốc, Belarus,
Kazakhstan và Armenia. Đây không phải là một vấn đề về quan hệ giữa các quốc
gia, mà là sự cần thiết phải làm sâu sắc thêm hiểu biết chung giữa các giới
tinh hoa, dù là doanh nghiệp, quân đội hay thanh niên.
Cuối cùng, các ưu tiên của Nga trong năm 2016 bao gồm mục
tiêu chiến lược là ổn định hóa lục địa Á-Âu lớn hơn như một sự bảo đảm cho sự tồn
tại và thịnh vượng của Nga. Điều cực kỳ quan trọng với Nga là hợp tác với Trung
Quốc, Ấn Độ, Iran, các đối tác trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và các nước
ASEAN tạo ra một hệ thống an ninh tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và
năng lượng Liên Á, và đảm bảo sự hình thành một thị trường Âu-Á trị giá 4 tỷ
USD đang phát triển nhanh chóng./.
Tác giả Andrey Bezrukov
là cố vấn chiến lược tại Rosneft và Phó Giáo sư tại Đại học MGIMO (Nga);
Mikhail Mamonov là nhà phân tích cao cấp thuộc Nhóm Phân tích Chính sách Đối
ngoại và có vấn của Quỹ Đầu tư Nga – Trung; Sergey Markedonov là nhà phân tích
cao cấp thuộc Nhóm Phân tích Chính sách Đối ngoại và Phó Giáo sư tại Đại học Quốc
gia Nga; Andrey Sushentsov là Phó Giáo sư tại Đại học MGIMO, giám đốc chương
trình tại Valdai Club và giám đốc thuộc Nhóm Phân tích Chính sách Đối ngoại.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông - nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét