Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Quan hệ Trung Quốc-ASEAN sau phán quyết Biển Đông

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Nguồn: Chin Tong Liew & Wing Thye Woo, “A new playbook for China and ASEAN”, Project Syndicate, 15/07/2016


Phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với luật pháp quốc tế và là một cảnh báo rõ ràng đối với Trung Quốc về sự lấn lướt chiến lược của nước này ở Đông Nam Á. Trung Quốc nói rằng sẽ không công nhận phán quyết của Tòa, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này không thấy bất an bởi phán quyết này.

Câu hỏi bây giờ là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Liệu nước này sẽ thay đổi cách hành xử thường là hung hăng trong khu vực, hay sẽ tiếp tục nhìn Biển Đông chủ yếu qua lăng kính của cạnh tranh Trung – Mỹ? Nếu Trung Quốc cho rằng một Hoa Kỳ kiệt sức vì chiến tranh và không thích rủi ro sẽ tránh né xung đột, nước này có thể dễ dàng áp đặt những yêu sách ở Biển Đông bằng vũ lực.

Nhưng sự hiếu chiến có thể phản tác dụng theo một vài cách. Đầu tiên, Trung Quốc sẽ ép các thành viên của ASEAN phải chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một quyết định mà các nước này sẽ muốn tránh. Trong khi đó các quốc gia ASEAN – đặc biệt là Philippines, Singapore, Thailand, và Indonesia – nói chung có mối quan hệ quân sự sâu sắc với Hoa Kỳ, và họ cũng coi trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thực tế là các quốc gia ASEAN có thể chọn trở thành các bên tham gia độc lập, thay vì là những quân cờ trong sự cạnh tranh Trung – Mỹ, điều có nghĩa rằng Trung Quốc có lợi ích trong việc duy trì sự nhập nhằng trong quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ.

Thứ hai, bằng cách quân sự hóa các bãi nổi và các đảo nhân tạo tại Biển Đông, Trung Quốc vô tình đang giúp củng cố các nhóm dân tộc chủ nghĩa quá khích tại các quốc gia ASEAN. Xu hướng này buộc các nhà lãnh đạo ôn hòa tại các quốc gia này phải chấp nhận một quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hơn cả quan điểm thực sự của họ, để ngăn chặn sự chỉ trích từ phe cực hữu và xoa dịu các vị tướng. Một ví dụ điển hình là chuyến thăm gần đây của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới đảo Natuna trên một chiếc tàu chiến, một sự phô trương lực lượng để đáp trả những vụ xâm nhập của ngư dân và các tàu hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc phải biết rằng lợi ích vật chất từ những quan hệ kinh tế ngày càng gần gũi giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không đủ để đảm bảo các quan hệ ngoại giao êm đẹp. Đa số thành viên ASEAN là các quốc gia thu nhập trung bình với giới tinh hoa có giáo dục cao, đa dạng về quan điểm. Và thậm chí một Myanmar cực kỳ nghèo khó và thiếu tự do về mặt chính trị cũng đã giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để đáp lại sự chủ động ve vãn của Hoa Kỳ.

Trung Quốc nên suy nghĩ lại tuyên bố của mình rằng đàm phán về những tuyên bố chủ quyền chỉ có thể thực hiện với từng quốc gia ASEAN riêng rẽ, và không phải với cả ASEAN như là một khối – một quan điểm tạo ra ấn tượng rằng Trung Quốc đang nỗ lực làm tan rã khối này. Nhưng Trung Quốc không nên khuyến khích sự tan rã của ASEAN bởi điều đó sẽ khiến một vài quốc gia ASEAN trung lập hiện nay hướng về phía Hoa Kỳ nhiều hơn. Thêm nữa, bởi ASEAN bắt buộc phải đại diện cả mười quốc gia với một tiếng nói thống nhất, và phải đạt được sự đồng thuận trước khi phát ngôn, nên Trung Quốc có ít lý do để lo sợ rằng một quan điểm đàm phán chung của ASEAN là hoàn toàn không thể chấp nhận – đặc biệt là nếu xét tới các diễn biến vừa qua.

Một ví dụ là cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN năm 2012 đã không đưa ra được tuyên bố chung nào, vì Campuchia, một đồng minh của Trung Quốc, đã không đồng ý đề cập đến vấn đề Biển Đông. Và trong một cuộc họp tương tự tại Côn Minh (Trung Quốc) tháng 6 năm 2016, ASEAN đã phải rút lại một tuyên bố chung chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông khi Trung Quốc, một lần nữa, gây áp lực với Campuchia và Lào để phản đối tuyên bố đó.

Điều này thể hiện rằng, để đối phó với ASEAN, Trung Quốc phải đàm phán hai lần – đầu tiên là thông qua các đồng minh thân cận nhất của mình trong ASEAN nhằm tác động đến việc hình thành quan điểm chung của ASEAN, và sau đó là đàm phán trực tiếp với cả khối ASEAN, trong đó có sự góp mặt của ít nhất một trong các đồng minh của mình. Chắc chắn một vài quốc gia ASEAN coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc hơn mối quan hệ với các quốc gia ASEAN khác; vì vậy trừ khi Trung Quốc bác bỏ bất cứ khả năng đàm phán nào về Biển Đông thì quốc gia này không nên bác bỏ việc đàm phán tập thể với ASEAN.

Sự trớ trêu trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là Đảng cộng sản Trung Quốc đã sa vào cái bẫy không chủ đích được đặt ra bởi Quốc dân đảng, tổ chức đã bị họ đánh bại năm 1949.  Một Quốc dân đảng đang tan vỡ đã vẽ ra và ban hành bản đồ gốc “Đường 11 đoạn” năm 1947 – sau đó giảm thành đường chín đoạn bởi Mao Trạch Đông, như một cử chỉ thể hiện tình đồng chí anh em với Việt Nam – trong một nỗ lực vô ích để tập hợp người dân ủng hộ Quốc dân đảng thông qua tham vọng đế quốc.

Bên thắng cuộc trong cuộc nội chiến Trung Quốc không cần phải đi theo con đường của bên thua cuộc. Và nếu Trung Quốc phải theo đuổi yêu sách này để xoa dịu những phần tử dân tộc quá khích, nước này nên làm vậy bằng cách sử dụng các nhà ngoại giao thay vì quân đội của mình.

Dĩ nhiên, một kết quả “hai bên cùng thắng” từ phán quyết của tòa La Haye cũng sẽ phụ thuộc vào hành động của ASEAN và Hoa Kỳ. ASEAN và Hoa Kỳ cực kỳ ngờ vực những lời hứa lặp đi lặp lại công khai của Trung Quốc về một hình thức quan hệ quốc tế không bá quyền; nhưng họ không nên làm ngơ trước những lo ngại an ninh chính đáng của Trung Quốc, điều mà bản thân Trung Quốc sẽ không bao giờ sao lãng. Cả ASEAN và Trung Quốc bây giờ phải tự kiềm chế và bắt đầu đàm phán một cách thiện chí để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông theo một cách có thể giải tỏa được những quan ngại đó.

***

Chin Tong Liew là Thành viên Quốc hội Malaysia.

Wing Thye Woo là Giáo sư tại Đại học California, Davis, Đại học Sunway tại Kuala Lumpur, Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải, và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét