Mỗi khi đến ngày Lễ Tình nhân, các bạn không nên nghĩ tới
hoa và sô-cô-la nữa. Thay vào đó, nếu muốn có cơ hội tốt hơn để tạo dựng tình yêu
đích thực và bền vững, bạn hãy học cách kiểm soát chi tiêu và hãy cân nhắc kỹ
lưỡng để chọn đúng công việc phù hợp.
Các nhà tâm lý đã khuyên những ai đang muốn cải thiện đời sống
tình cảm cần phải suy nghĩ xem lựa chọn nghề nghiệp và nguyên tắc chi tiêu ảnh
hưởng đến quan hệ tình cảm của họ như thế nào.
Các đôi lứa hiểu rằng tiền bạc luôn là nguồn gốc của mọi
tranh cãi, nhưng họ hoàn toàn bị động trong chuyện làm sao để chi tiêu tài
chính và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với người bạn đời lý tưởng của họ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những quyết định liên quan đến
hai trong số những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời bạn lại đóng vai trò
to lớn trong việc giúp bạn xây dựng được cuộc sống tình cảm hạnh phúc lâu dài.
“Trong một số trường hợp, sự phản bội về mặt tài chính cũng
gần giống như phản bội trong tình yêu,” Fran Davis, nhà tâm lý và tư vấn nghề
nghiệp làm việc cho văn phòng sinh viên và cựu sinh viên của Trường Kinh doanh
Harvard, cho biết.
Sau đây là năm chiến lược giúp cho bạn có những quyết định
công việc và tài chính có ích cho đời sống tình cảm của bạn.
Tránh chọn người cùng nghề
Về lý thuyết thì có vẻ như là yêu người cùng ngành nghề là
điều lý tưởng. Suy cho cùng, bạn sẽ có nhiều thứ để trò chuyện với người yêu và
cả hai đều có những mục tiêu nghề nghiệp chung.
Thế nhưng điều đó chỉ tốt trong giai đoạn yêu đương ban đầu,
và về lâu về dài lại có thể gây tác dụng ngược.
Các cặp vợ chồng làm chung nghề ngay cả khi họ không cạnh
tranh trực tiếp với nhau trong công việc nhiều khả năng sẽ ngày càng xa cách,
trước hết là bởi vì họ không còn theo đuổi những mối quan tâm chung lúc rảnh rỗi
nữa.
Suy cho cùng, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là công
việc thì họ đã chia sẻ với nhau rồi.
Luật sư, nông dân và những người làm trong ngành giáo dục
nhiều khả năng sẽ chọn bạn đời là người cùng ngành với mình trong khi những người
trong ngành tài chính, khai mỏ và xây dựng lại không, theo một nghiên cứu của
Priceonomics, một công ty dịch vụ dữ liệu dùng số liệu của các điều tra dân số
Mỹ để phân tích.
Các cặp vợ chồng cùng ngành nghề sẽ gặp khó khăn nhiều hơn
trong việc tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Gail Kinman, giáo
sư chuyên nghiên cứu về thần kinh học trong các nghề nghiệp tại Đại học
Bedfordshire vốn theo dõi các cặp vợ chồng làm chung ngành nghề, nói.
“Công việc sẽ trở thành chuyện quan trọng trong đời sống vợ
chồng", áp đảo các việc khác trong những lúc họ trò chuyện, Kinman nói.
Thay vào đó, hãy nghĩ đến các công việc tương hỗ cho nhau
Trong những năm vừa qua, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu theo
dõi xem ngành nghề nào khiến cho vợ chồng hòa hợp với nhau nhất.
Chẳng hạn như những người làm quảng cáo và tiếp thị thường
có xu hướng yêu nhạc sỹ còn cảnh sát bị hấp dẫn bởi những người chuyên về lĩnh
vực ngân hàng đầu tư, theo một nghiên cứu của The Grade, một phần mềm hẹn hò
trên điện thoại vốn theo dõi 450.000 lượt ‘thích’ và ‘không thích’ của người
dùng.
Bên cạnh đó, trang web hẹn hò eHarmony.com vốn chọn người để
kết đôi với nhau dựa trên những sở thích, quan tâm và giá trị chung đã phát hiện
ra rằng những người trong một số ngành nghề thường được kết đôi hay thích những
người trong một số ngành cụ thể nào đó.
Chẳng hạn, dữ liệu của eHarmony cho thấy trong số 10 dạng kết
đôi phổ biến nhất có nam luật sư với nữ kiến trúc sư, nữ luật sư với nam phi
công, nam nghiên cứu gia với nữ dược sỹ và nam doanh nhân với nữ doanh nhân.
Lên kế hoạch trước
Chúng ta đều nghe những lời than phiền về những người bạn đời
ít khi thấy mặt bởi vì họ dành nhiều thời gian cho công việc.
Công việc có thể đòi hỏi bạn phải thường xuyên làm việc nhiều
giờ, nhưng điều có thể làm đảo lộn cuộc sống cá nhân là chuyện bạn có thể phải
làm cả những lúc cần làm đột xuất nữa.
Thời gian làm việc bất thường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến
đời sống tình cảm của bạn hơn là thời gian làm việc nhiều nhưng ổn định.
Do đó, có lẽ bạn hãy tính đến một công việc mà bạn phải luôn
về nhà vào khoảng 8 giờ tối, thay vì một công việc mà bạn phải hủy bữa tối kỷ
niệm ngày cưới chỉ trước một giờ chỉ vì bạn đột xuất phải làm việc cho đến nửa
đêm.
Liên tục điều chỉnh lịch trình vào phút cuối có thể khiến việc
bỏ lỡ những sự kiện gia đình ‘gây ra nhiều tổn hại và căng thẳng đối với bạn’,
Davis nói.
Điều này cũng có thể khiến người bạn đời của bạn nghĩ rằng với
bạn, công việc luôn được đặt lên trước tiên, David nói thêm.
Đặc biệt, những người làm trong ngân hàng hay các công ty dịch
vụ chuyên môn rất dễ gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch trước.
Để hạn chế tối đa căng thẳng trong quan hệ tình cảm, Davis đề
xuất nên thông báo cho bạn đời về những xung đột tiềm tàng trong công việc càng
sớm càng tốt và có sáng kiến trong việc điều chỉnh lịch trình.
Tránh việc làm đám cưới đình đám
Để vợ chồng sống với nhau hạnh phúc thì tổ chức một đám cưới
xa hoa là không cần thiết, Andrew Francis-Tan, giáo sư Đại học Emory ở Atlanta,
Mỹ, người nghiên cứu về chi tiêu đám cưới và sự bền vững trong hôn nhân, nói.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 3.000 cặp vợ chồng và nhận ra
rằng những ai bỏ tiền nhiều cho đám cưới thường có hôn nhân ngắn ngủi.
Tất nhiên không thể khẳng định rằng việc chi nhiều tiền là
nguyên nhân chính hay chỉ là nguyên nhân phụ dẫn tới việc ly hôn.
Một khảo sát trên 1.000 phụ nữ đã đính hôn ở Mỹ cho thấy 32%
cặp vợ chồng mắc nợ thẻ tín dụng sau khi làm đám cưới, theo trang web chuyên về
đám cưới TheKnot.
Ở châu Á, chẳng hạn như ở Malaysia và Ấn Độ, các gia đình mắc
nợ sau khi tổ chức đám cưới trong nhiều ngày theo tục lệ là chuyện thường.
Để cẩn trọng, “các đôi lứa sắp kết hôn nên cắt giảm chi phí
đám cưới ở mức có thể kiểm soát được,” Francis-Tan nói.
Tìm người có điểm tín dụng tương ứng
Điểm tín dụng của cá nhân bạn có ảnh hưởng nhiều hơn là bạn
tưởng.
Một nghiên cứu hồi năm 2015 dựa trên dữ liệu của Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ cho thấy những cặp vợ chồng nào có điểm tín dụng tương đương nhau
nhiều khả năng sẽ là một cặp tâm đầu ý hợp. Còn những cặp nào có điểm tín dụng
chênh lệch lớn nhiều khả năng sẽ chia tay.
Điểm tín dụng giúp chúng ta ‘hiểu được mức độ đáng tin nói
chung và trách nhiệm đối với các nghĩa vụ phi tiền bạc của người nào đó,’
nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dựa trên điểm tín dụng của
một người để hiểu hơn về giá trị cá nhân và mức độ đáng tin tưởng của người
đó, nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, khi nói về những vấn đề tài chính tế nhị như mức
điểm tín dụng cá nhân, bạn nên tránh dựa vào tình hình tài chính của bạn hay của
bạn đời.
“Thông báo cho bạn đời biết chuyện gì đang xảy ra nhưng hãy
tránh gây ra lo lắng thái quá,” Kinman nói, và nhận xét là các cặp vợ chồng
nên đặt ra nguyên tắc xử lý các vấn đề tài chính ngay từ khi bắt đầu mối quan
hệ tình cảm.
Nguồn: www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét