Dự án Hồ Tràm Strip cùng các vị trí xung yếu khác ở Nam Bộ
mà Trung Quốc đã hoặc đang tìm cách kiểm soát. Ảnh: Lê Anh Hùng
Một siêu dự án mờ ám
Công ty Asian Coast Development Ltd. (ACDL) được thành lập
ngày 18/7/2006 tại thành phố Toronto, bang Ontario, Canada và hiện đặt trụ sở tại
Vancouver, bang British Columbia.
Ngay sau đấy, ACDL bắt tay vào chuẩn bị các thủ tục cho việc
đầu tư xây dựng một dự án nghỉ dưỡng kiêm sòng bài ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Và thật
kỳ lạ, một doanh nghiệp mới toanh với vài thành viên, vốn liếng chưa sẵn
sàng,[i] chưa có bất kỳ hoạt động gì mà chỉ hơn một năm sau, ngày 12/3/2008,
ACDL đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một siêu
dự án với tổng mức đầu tư cam kết lên tới 4,2 tỷ USD tại Hồ Tràm, xã Phước Thuận,
huyện Xuyên Mộc. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam vào thời điểm
đó. Tổng diện tích dành cho dự án lên tới hơn 162ha, kéo dài hơn 2,2km dọc theo
bãi biển Hồ Tràm.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án gồm các khu A, B, C, D, E
với năm khách sạn năm sao có tổng cộng 9.000 phòng, một trung tâm hội nghị quốc
tế, một khách sạn căn hộ, một khu biệt thự cao cấp cho thuê, một sân golf và
hai khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại khu A và khu
B.
Ngày 7/7/2010, tạp chí BCBusiness của Canada cho biết: Theo
Tổng GĐ ACDL Lloyd Nathan, ACDL không dính dáng gì với Stanley Ho, vua sòng bài
Macao, mặc dù ông ta từ chối bình luận về việc liệu có ai đó trong gia đình
Stanley Ho tham gia vào MGM Grand Hồ Tràm hay không. Tạp chí này viết tiếp:
“Câu hỏi có lẽ là quan trọng nhất và hầu như bị lãng quên trong âm mưu phức tạp
này là: tiền ở đâu ra? Nathan vẫn im lặng về số vốn mà ACDL đã huy động được,
chỉ nói rằng giai đoạn thứ nhất – MGM Grand Hồ Tràm 550 phòng 400 triệu USD –
đang diễn ra đúng kế hoạch để khai trương vào đầu năm 2013.”
Tờ Asian Pacific Post tại Vancouver ngày 28/4/2010 đăng bài
“An alliance of the rich, the powerful and the suspicious” (“Liên minh của kẻ
giàu, kẻ mạnh và kẻ khả nghi”), trong đó có đoạn: “Một gia đình Á Châu [Stanley
Ho] hùng mạnh dính líu đến mafia Trung Quốc, một cựu thủ tướng Canada và một
công ty phát triển khu nghỉ dưỡng đến từ Vancouver [ACDL] thì có điểm gì chung?
Câu trả lời nằm trên một bãi biển hoang sơ ở Biển Đông vốn một thời là nơi đồn
trú của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống cộng sản rồi trở thành bãi tập kết
cho các ‘thuyền nhân’ Việt Nam đào thoát khỏi Tổ quốc.”
Tờ The Wall Street Journal ngày 23/5/2008 đưa tin: “Hồ Tràm
sẽ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam từ trước tới nay – đó là khẳng
định của Michael Aymong, Chủ tịch ACDL, nhà đầu tư chính của dự án, với 30% cổ
phần. Đối tác chính trong dự án là quỹ đầu tư mạo hiểm Harbinger Capital LLC ở New
York, với 25% cổ phần.”
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: 45% cổ phần còn lại
trong ACDL là của ai nếu không phải là ai đó trong gia tộc Stanley Ho, nhân tố
quan trọng đảm bảo cho sự tham gia của Philip Falcone, ông chủ của quỹ đầu tư mạo
hiểm Harbinger Capital Partners? (Pansy Ho, con gái ông trùm Stanley Ho, có quốc
tịch Canada nên có thể thành lập công ty ở đây.)
Tờ Vancouver Sun ngày 10.12.2012 cho biết: Michael Aymong là
một doanh nhân Vancouver dính líu đến một loạt công ty đại chúng tai tiếng; ông
ta từ chức Chủ tịch ACDL vào tháng 4/2010.
Kể từ khi thành lập đến nay, Hồ Tràm Strip là dự án duy nhất
của ACDL; họ không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì ở Canada hay ở nơi nào
khác.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là chúng tôi cũng đã từng
vạch mặt việc Trung Quốc lập công ty ma Silver Shores Ltd. ở California rồi lấy
pháp nhân công ty ma ở Mỹ này đầu tư vào dự án khu nghỉ dưỡng và sòng bài rộng
30ha nằm bên bờ biển Đà Nẵng và ngay trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn. Chưa hết,
các ông chủ Trung Nam Hải còn cho nặn ra công ty ma Cattigara One ở Singapore rồi
dùng pháp nhân công ty ma này để đầu tư vào 2 dự án đặc biệt nhạy cảm về an
ninh quốc phòng khác là dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối trên đèo Hải Vân và dự
án khu nghỉ dưỡng Lập An ở thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế.
Khu vực dự án Hồ Tràm Strip nhạy cảm như thế nào?
Hồ Tràm chỉ cách trung tâm Sài Gòn – trung tâm kinh tế,
chính trị và văn hoá của Miền Nam – theo đường bộ chừng 120km, nhưng khoảng
cách theo đường chim bay thì còn ngắn hơn thế rất nhiều. Đây là địa điểm đổ bộ
lý tưởng của đội quân Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 40 năm trước.
Vì thế, xung quanh khu vực này quân Mỹ từng cho gài rất nhiều mìn, và theo cựu
Chủ tịch ACDL Michael Aymong thì công việc đầu tiên của họ ở đây chính là rà
phá mìn.
Người TQ sẽ còn xây dựng nhiều toà pháo đài như thế này dọc
theo hơn 2,2km bờ biển án ngữ mặt phía Đông của Sài Gòn. Ảnh: Lê Anh Hùng
Người TQ sẽ còn xây dựng nhiều toà pháo đài như thế này dọc
theo hơn 2,2km bờ biển án ngữ mặt phía Đông của Sài Gòn. Ảnh: Lê Anh Hùng
Với các căn cứ quân sự trá hình ven biển như dự án Hồ Tràm
Strip, Trung Quốc có thể kiểm soát được hoạt động của quân đội Việt Nam cả trên
biển lẫn trên đất liền. Các toà nhà với chiều cao hàng chục tầng của dự án Hồ
Tràm Strip trở thành những đài quan sát khổng lồ, giúp đối phương theo dõi mọi
di biến động quân sự của Việt Nam đến tận Trường Sa cũng như khu vực Sài Gòn. Họ
có thể lắp đặt các thiết bị nhằm gây nhiễu loạn hoạt động thông tin liên lạc của
hệ thống phòng thủ bờ biển và lực lượng phòng không - không quân.
Khi chiến sự nổ ra, các khu vực xung quanh và thậm chí cả
Sài Gòn đứng trước nguy cơ phải phơi mình hứng chịu các đợt ném bom và tấn công
bằng hoả tiễn từ lực lượng không quân và tên lửa Trung Quốc trên các căn cứ và
chiến hạm ngoài khơi, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở quân sự và cơ quan đầu
não, trước khi bị tiếp quản bởi lực lượng đổ bộ từ Hồ Tràm ồ ạt đánh lên và lực
lượng TQ nằm vùng, hoặc quân đội Campuchia, từ bên kia biên giới Việt –
Campuchia đánh sang.
Nguy cơ này lại càng lớn bởi Trung Quốc đã và đang chiếm
lĩnh được rất nhiều vị trí xung yếu dọc theo bờ biển VN để sẵn sàng cho phương
án chia cắt VN thành nhiều phần khi hữu sự, trong bối cảnh Campuchia đã trở
thành đồng minh công khai của Trung Quốc, còn Lào thì đang ngả dần về phía Bắc
Kinh. Hiện người Tàu cùng các “dự án” của họ đã hiện diện nhan nhản ở cả Lào lẫn
Campuchia, đặc biệt là dọc theo tuyến biên giới với Việt Nam.
Sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ
Giống như những dự án Trung Quốc trá hình khác, trong dự án
Hồ Tràm Strip, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt khi
xuất hiện trong ít nhất là hai diễn biến quan trọng.
Đầu tháng 3/2008, trước khi dự án được trao chứng nhận đầu
tư, ông Dũng đã dành cho các nhà đầu tư ACDL một cuộc tiếp đón trọng thị.
Tháng 4/2012, đích thân Thủ tướng Dũng đã chỉ đạo UBND tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh giấy phép đầu tư để ACDL đưa sòng bài tại khu A1
đi vào hoạt động, mặc dù nhà đầu tư không thực hiện đúng như cam kết ban đầu,
liên tục điều chỉnh nhiều lần và các công trình thì chưa hoàn thiện.
Thủ tướng Dũng mà rất nhiều người ca ngợi là “chống Trung Quốc”
này cũng dành cho Formosa Hà Tĩnh một tình cảm đặc biệt: đồng ý với mọi quyết định
của Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải liên quan đến việc cho ra đời một “tiểu
quốc” của Đại Hán trên đất Việt Nam; bảo lưu thời hạn cho Formosa Hà Tĩnh thuê
đất 70 năm, thay vì 50 năm theo luật định; xuất 300 tỷ VNĐ từ ngân sách quốc
gia để xây nhà cho công nhân Trung Quốc; hay thậm chí đích thân đến dự lễ khánh
thành của một tổ máy trong nhà máy nhiệt điệt Formosa, v.v.
Với dự án Silver Shores ở Đà Nẵng thì ông Nguyễn Tấn Dũng
đích thân chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét để nhà đầu tư “made in Trung
Nam Hải” này mở rộng thêm bàn chia bài. Dự án Bauxite Tây Nguyên cũng là một
minh chứng thuyết phục nữa cho tinh thần “quyết liệt chống TQ” của ông ta.[ii]
Người Trung Quốc đã công khai xuất hiện hay chưa?
Harbinger Capital Partners của tỷ phú Mỹ Philip Falcone là một
quỹ đầu tư mạo hiểm, với một nhúm người, chứ không phải là một công ty chuyên
hoạt động trong ngành du lịch giải trí - nghỉ dưỡng. Ông ta có thể rút khỏi dự
án Hồ Tràm Strip bất cứ lúc nào để chuyển giao cho gia tộc Stanley Ho, người từng
hợp tác với nhà cầm quyền Bắc Kinh và là Ủy viên Thường trực Hội nghị Chính trị
Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khoá IX.
“Treo cờ America & Canada, bán thịt China.” Ảnh: Lê Anh
Hùng
“Treo cờ America & Canada, bán thịt China.” Ảnh: Lê Anh
Hùng
Khi dự án đi vào hoạt động bình thường, tỷ suất lợi nhuận
không còn tăng giảm đột biến nữa, Falcone sẽ bị thôi thúc để rút vốn và tìm đến
những dự án mạo hiểm nhưng đầy hứa hẹn khác. Ông ta cũng có thể tiếp tục ở lại
làm “bình phong” cho nhà Stanley Ho, như thoả thuận tiền đầu tư của họ, miễn
sao có lợi là được. (Bản thân Falcone hiện đang bị Uỷ ban Chứng khoán và Hối
đoái [SEC] Mỹ cấm tham gia hoạt động chứng khoán 5 năm, từ 2013 đến 2018, kèm
theo khoản phạt 18 triệu USD vì những khuất tất trong việc điều hành Harbinger
Capital Partners.)
Thậm chí, người Trung Quốc đã công khai xuất hiện ngay khi
Harbinger Capital Partners vẫn còn hiện diện trong dự án Hồ Tràm Strip. Trong một
thông cáo báo chí vào tháng 7/2014, ACDL đã loan báo việc NewCity Capital LLC
trở thành đối tác tài chính mới của dự án. Ông chủ của hãng đầu tư cổ phiếu tư
nhân NewCity Capital LLC là Chien Lee, một người Mỹ gốc Hoa có hàng loạt cơ sở
kinh doanh ở Macao (Trung Quốc).
Trung Quốc mà không nham hiểm, quỷ quyệt thì họ không còn là
chính họ. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là cả một bộ
máy an ninh khổng lồ ở Việt Nam lại không nhìn thấy những âm mưu thâm độc của Bắc
Kinh trên khắp dải đất hình chữ S, mà chỉ nhăm nhăm thẳng tay đàn áp bà con dân
oan, những nạn nhân bị đẩy vào đường cùng buộc phải vùng lên đòi quyền sống,
cũng như giới đấu tranh dân chủ, những người sẵn sàng hy sinh tất cả vì tương
lai đất nước.
_____________
Ghi chú:
[i] Ngày 6/10/2008, tức hơn 7 tháng sau khi được trao chứng
nhận đầu tư, Reuters đưa tin là ACDL hy vọng sẽ thu được 1 tỷ USD khi chào bán
cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở thị trường Hồng Kông trong 2 năm tới. Ngày
22/11/2008, Michael Aymong cho Bloomberg News biết là họ sắp đạt được khoản vay
780 triệu USD cho dự án. Hai kế hoạch này cuối cùng đều không diễn ra.
[ii] Từ năm 2008 đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng bị tố cáo là
tay sai ngoan ngoãn dưới sự điều khiển của Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải
cũng như Bắc Kinh. Dù 8 năm đã trôi qua nhưng vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng
đó vẫn chưa được nhà chức trách Việt Nam giải quyết đúng pháp luật. Ông Hoàng
Trung Hải nay đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư
Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Nguồn: www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét