"Nhân kỷ niệm 40
năm tròn xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa quân xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974,
thì công chúng đã công khai nhắc đến 74 tử sĩ vốn là binh sĩ thuộc
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình trong trận chiến năm đó. Họ là
những liệt sĩ, dĩ nhiên, vì sự hy sinh của họ là vì mục đích bảo vệ từng tấc
đất, biển đảo cha ông để lại, nhưng họ không phải là những liệt sĩ được
‘Tổ quốc ghi công’ ở bất kỳ đài tưởng niệm nào đang tồn tại suốt
từ bắc chí nam, trên xứ sở mà họ đã bỏ mình gìn giữ! Đó là sự bất công, thiếu sót … thì dù
vô tình hay hữu ý đều là sự không nên có!"
_____
FB Mạnh Đặng
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, để bảo vệ nền độc
lập nước nhà và mở mang bờ cõi được như ngày nay, thì đã có biết
bao nhiêu thế hệ người Việt phải bỏ mạng ngoài sa trường …
Liệt sĩ, Tử sĩ, Chiến sĩ trận vong, Vị quốc vong
thân, Anh hùng vô danh … đều là những danh từ để chỉ về họ, những
người đã hy sinh tính mệnh của mình vì xứ sở. Tên tuổi của họ không
được lưu truyền trong sử sách, hầu như người đời sau chỉ nhớ đến các
chủ soái của họ như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Nguyễn Huệ … nhưng không có sự hy sinh của họ, thì những vị chủ
soái họ đã không thể làm nên những chiến công hiển hách tại sông Như
Nguyệt, tại Bạch Đằng Giang, tại Chi Lăng, tại Đống Đa … nhưng vĩnh viễn,
họ chỉ là những anh hùng vô danh.
Ngày nay, đi suốt từ bắc chí nam, ở mỗi địa phương,
chúng ta lại thấy những cột đài bê tông cao nghễu nghệu, đường nét
kiến trúc xa lạ, trên đó khắc ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công” … đây
là những công trình được chế độ đương thời xây dựng để ghi nhớ công
ơn những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho chế độ.
Hàng năm, vào ngày 27/07, ngày được đặt định là
“Ngày thương binh liệt sĩ”, trong ngày này, chế độ cho tiến hành các
hoạt động kỷ niệm như thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, viếng tại
các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ và tổ chức nhiều chương trình văn nghệ kỷ
niệm…
Việc chế độ ghi công như thế đối với những người hy
sinh vì chế độ là nghĩa cử tốt đẹp … Cho dù, ngày nay đã có ý
kiến cho rằng chỉ những binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến vì nền độc
lập của xứ sở, quyền lợi của dân tộc mới là liệt sĩ mà thôi ! Thế nên,
điều đó vô hình chung đã loại những binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến vì mục
đích ý thức hệ hoặc mục đích khác, không phải vì nền độc lập của xứ sở,
hay quyền lợi của dân tộc, thể theo đó, danh từ liệt sĩ đối với họ chỉ còn là
sự thậm xưng mà thôi !
Chỉ có điều, những người được “Tổ quốc ghi công”
bởi chế độ đương thời chưa bao giờ bao gồm những anh hùng vô danh của
các triều đại quân chủ hay chính quyền trước đó, cho dù sự hy sinh
của họ có khác nhau về thời điểm, nhưng vẫn chỉ cùng một mục đích vì
nền độc lập của xứ sở, hay quyền lợi của dân tộc !?
Vào trung tuần tháng 01/2014, nhân kỷ niệm 40 năm tròn
xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa quân xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, thì công
chúng đã công khai nhắc đến 74 tử sĩ vốn là binh sĩ thuộc chính
quyền Sài Gòn cũ đã bỏ mình trong trận chiến năm đó. Họ là những
liệt sĩ, dĩ nhiên, vì sự hy sinh của họ là vì mục đích bảo vệ từng tấc đất,
biển đảo cha ông để lại, nhưng họ không phải là những liệt sĩ được “Tổ
quốc ghi công” ở bất kỳ đài tưởng niệm nào đang tồn tại suốt từ
bắc chí nam, trên xứ sở mà họ đã bỏ mình gìn giữ !
Đó là sự bất công, thiếu sót … thì dù vô tình hay
hữu ý đều là sự không nên có ! Sự bất công với người sống thì quen
thấy, vì đa phần người sống đang hụp lặn trong sự sợ hãi chung thân,
nhưng sự bất công với người hy sinh nay đã hòa thành hồn thiêng sông núi,
ắt phải thấy ngại ngùng ? Hay vô thần thì có thể tự tin để nghiến
răng, giẫm đạp lên lịch sử, lên hồn thiêng sông núi mà đi?
Ở đâu đó có sự bất công, vị kỷ … nhưng lòng dân thì
không bất công, thiếu sót bao giờ. Sau hơn 40 năm không được chính thức
ghi công, vinh danh … kể cả trong ngày 27/07 hàng năm, ngày được mệnh danh là
“Ngày thương binh liệt sĩ”. Chẳng sao cả, sự hy sinh của 74 liệt sĩ Hoàng
Sa và hàng triệu triệu những anh hùng vô danh khác của nước Việt qua bao thời đại
vẫn được nhắc nhớ vẹn nguyên trong con tim, khối óc của mỗi con dân Việt
yêu nước trong suốt 365 ngày trong năm đến muôn đời sau …
Ai đó đã nói rằng lịch sử được viết bởi những người chiến
thắng, cho nên, hãy cứ chờ cho đến khi men say chiến thắng đã giã, đối diện trước
sự thật trần trụi, những sử gia không còn bị lệ thuộc vào những hạn
chế, định kiến làm lu mờ lý trí, thì lịch sử sẽ được viết lại một cách công bằng,
để biết ai Hữu Cầu ? Ai Đình Trọng ? Khi ấy, ta có thể tin rằng sẽ có
những tượng đài “Tổ quốc ghi công” chung cho tất cả các liệt sĩ từ
trong lịch sử hồng hoang dân tộc cho đến nay, hết thảy họ đã bỏ mình
vì nền độc lập dân tộc, vì quê hương, xứ sở thương yêu này …
Mong lắm một ngày …
Manh Dang
Nguồn: FB Manh Dang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét