Nhóm hacker Trung Quốc phủ nhận cáo buộc tấn công sân bay và
hàng không Việt Nam trong lúc lãnh đạo tập đoàn công nghệ BKAV nói với BBC Tiếng
Việt rằng “sự việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông
tin”.
Vụ tin tặc tấn công sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và website
Vietnam Airlines chiều 29/7 được cho là ảnh hưởng đến hơn 100 chuyến bay nội địa
và hàng ngàn hành khách bị hoãn chuyến bay.
Dường như sự cố cũng khiến dữ liệu về danh sách hơn 400
ngàn khách hàng bị rò rỉ.
Cục hàng không đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp
(A85) và Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an xử lý sự cố.
Vietnam Airlines sau đó đã gửi email thông báo cho khách
hàng: “Đến 17:45 hôm 29/7, tình hình đã được khôi phục, đang được theo dõi và
kiểm soát chặt chẽ.”
“Vietnam Airlines đã bước đầu kiểm soát được dữ liệu của hội
viên Chương trình Bông Sen Vàng và sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo tốt nhất
lợi ích của hội viên.”
“Quý hội viên vui lòng thay đổi mật khẩu tài khoản sau khi
nhận được thông báo hệ thống kết nối trở lại từ Vietnam Airlines,” email viết.
Tin tặc đã tấn công và kiểm soát được màn
hình của Vietnam Airlines trong một thời gian hôm 29/7
Hôm 30/7, có thêm tin là website Đại học Kinh tế Quốc dân
cũng bị tấn công.
Cùng ngày, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh
mạng của tập đoàn công nghệ BKAV hẹn trả lời phỏng vấn BBC qua email nhưng sau
đó ông gửi phản hồi:
“Do hiện tại, sự việc đang trong quá trình điều tra, chúng
tôi chưa thể cung cấp thông tin trong lúc này. Rất xin lỗi phóng viên và chúng
tôi sẽ cung cấp thông tin sớm nhất khi có thể.”
'Trút giận'
Hôm 29/7, các báo Việt Nam đồng loạt phát đi cáo buộc nhóm
hacker 1937cn của Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công này.
Tuy nhiên, hôm 30/7, website được cho là của nhóm 1937cn lên
tiếng phủ nhận trách nhiệm.
"Tổ chức chúng tôi liên tục bị chỉ trích và quy chụp về
các vụ tấn công trên mạng. Điều này không hợp lý, thiếu tính khoa học," bản
thông báo viết bằng tiếng Hoa ghi, tuy không nhắc cụ thể tới các sân bay Việt
Nam hay trang mạng của Vietnam Airlines.
Image caption Nội dung đăng trên trang 1937cn.net nói nhóm
này không thực hiện vụ tấn công hôm 29/7/2016 (từ bị xóa trong dòng chữ khổ lớn
trên cùng là từ có nội dung tục tĩu)
"Chúng tôi nhã nhặn đề nghị người dân Việt Nam trong
những ngày hè nóng nực này, hãy bình tĩnh, hãy uống trà, bật quạt lên, lên xe
máy đưa gia đình ra biển," thông báo này viết thêm, trước khi kết thúc bằng
đoạn: "và hãy hô to, Biển Nam Trung Hoa thuộc về Trung Quốc."
Trong bài viết trên trang Diplomat hôm 22/7, tác giả Anni
Piiparinen nhận định vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông là các cuộc tấn
công mạng.
“Sau khi thua cuộc trước Philippines trong cuộc chiến pháp
lý tại The Hague, các chiến binh mạng Trung Quốc trút giận bằng các vụ tin tặc,”
bài báo viết.
“Chỉ trong vài giờ sau Phán quyết PCA, ít nhất 68 website của
chính phủ Philippines bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).”
“Bên cạnh Philippines, Việt Nam cũng là mục tiêu của hacker
Trung Quốc. Năm 2014, Việt Nam trở thành quốc gia bị nhắm mục tiêu tấn công nhiều
nhất của hacker nước láng giềng.”
Tác giả nhắc tới hai đợt tấn công trong năm đó, một xảy ra
vào hồi tháng Năm, "sau các cuộc biểu tình phản đối giàn khoan Trung Quốc",
và một vào tháng Mười, khi Hà Nội "mua vũ khí tăng cường khả năng an ninh
hàng hải”.
“Thời điểm đó, các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng tình
báo Việt Nam và lấy được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và
quân sự của nước này”.
“Hiện chưa rõ về mức độ các hacker được chính phủ Trung Quốc
chỉ đạo, khuyến khích, hay nhắm mắt làm ngơ trong các vụ tấn công trên mạng,”
Diplomat nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét