“Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách 10 nước hạnh phúc nhất
thế giới”. Đây là kết quả đánh giá về Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc do Quỹ Tân
Kinh tế học (NEF) - một quỹ không mấy ai biết ở Anh - bình chọn và đưa ra. Chỉ
số này đo lường mức độ hạnh phúc của một nước dựa trên sự no đủ, tuổi thọ và bất
bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước. Báo
Independent của Anh hôm 21.7 đưa tin và sau đó nhiều báo trong nước lập tức đưa
lại. Cần nói thêm, năm 2012 cũng chính NEF đã xếp Việt Nam đứng hạng thứ 2 thế
giới và tất nhiên cũng được nhiều báo trong nước hồ hởi đưa lại.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Phát triển Xã hội tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn VOA, chỉ ra rằng phương pháp phỏng
vấn, lấy mẫu ở Việt Nam của NEF có thể không đúng.
“Tôi cho rằng tất cả các tiêu chí đó của Việt Nam đều có vấn
đề. Tuổi thọ của Việt Nam cũng không phải là cao. Về môi trường thì rõ ràng là
có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên của Việt Nam từ trước đến nay rất
là không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà cái phân tầng xã hội nó
càng ngày càng lớn. Ở Việt Nam có một số những người rất giàu, còn lại có những
người rất nghèo. Cái bất bình đẳng tôi nghĩ nó khá là rõ. Nếu mà nói về bình đẳng
thì cũng rất là khó để xếp Việt Nam ở một cái top cao của hạnh phúc. Tôi cảm thấy
những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp”, bà nói
với đài VOA.
Theo Tiến sỹ Hồng, để biết người Việt có cảm nhận hạnh phúc
hay không, cần tập trung vào các yếu tố sau: “Hiện nay có lẽ thiết thực nhất là
chữ an toàn. An toàn đây là nói an toàn trong thực phẩm, an toàn giao thông, an
toàn trong môi trường xã hội. Những cái mâu thuẫn xã hội hiện nay rất dễ dàng
bùng nổ. An toàn nói chung ở Việt Nam bây giờ tôi nghĩ là rất là có vấn đề. Tôi
nghĩ đối với người Việt Nam thì có lẽ đấy là một trong những vấn đề hết sức là
ưu tiên. Thế rồi là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cái môi trường sống hiện nay
cũng không an toàn. Môi trường tự nhiên đang bị phá hủy”.
Cũng cần chú ý đến các dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ
giáo dục, y tế. Các khảo sát của chính một số cơ quan ở Việt Nam gần đây đã chỉ
ra rằng người dân Việt Nam “hoàn toàn không hài lòng” về các dịch vụ này. Bà Hồng
kết luận: “Nếu mà các vấn đề an toàn như tôi vừa nói đang có vấn đề, rồi những
dịch vụ xã hội cơ bản cũng chưa đáp ứng thế thì khó có thể nói là người Việt
Nam cảm thấy hạnh phúc được”.
Nói “sùng bái” có lẽ hơi quá, nhưng việc một số phương tiện
truyền thông trong nước hào hứng với các xếp hạng kiểu như của NEF cho thấy
không ít người Việt rất sính danh hiệu, hám danh hiệu, tìm mọi cách để có được
danh hiệu này danh hiệu kia và dễ dàng tự sướng về một danh hiệu nào đó được
trao. Thực chất ra sao không quan trọng, miễn có danh hiệu.
Những danh hiệu như của NEF trao cho Việt Nam có vẻ “vô hại”,
ngoài tác dụng ru ngủ. Nhưng có những thứ danh hiệu mà người muốn có phải bỏ tiền
ra mới có được, như rất nhiều thứ danh hiệu thượng vàng hạ cám mà không ít
doanh nhân Việt Nam đang bị cuốn vào, bỏ tiền mua lấy. Hoặc những danh hiệu
“văn hóa” (như gia đình, khu phố, ấp, xã văn hóa) hay “nông thôn mới” đầy tính
hình thức mà nhiều địa phương đeo đuổi và có khi không phải không tốn tiền, thậm
chí mang nợ mới có được để rồi chẳng làm gì với những danh hiệu ấy.
Đang nổi đình nổi đám hiện nay là vụ chạy danh hiệu ở Tổng
công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) của ông Trịnh Xuân Thanh, người đã phải từ bỏ chức
Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và không được công nhận là đại biểu Quốc hội dù đã
đắc cử, vì vụ bê bối gắn biển số xanh cho chiếc xe Lexus tư nhân của ông và bê
bối chạy chức từ Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), nơi ông làm thua lỗ
đến 3.200 tỉ đồng, về văn phòng bộ Công Thương rồi từ đó “đá” về Hậu Giang để
lên chức phó chủ tịch. Ông Thanh đã chạy danh hiệu cho PVC với tốc độ
"chóng mặt": năm 2009, PVC nhận Huân chương Lao động hạng nhì, năm
sau (11.2010) lên luôn hạng nhất, rồi chỉ 2 tháng ngay sau đó, lại được nhận
danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới (1.2011).
Những trường hợp chạy danh hiệu như PVC còn nhiều. Và chuyện
không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là nhờ vào những danh hiệu chạy được cho
đơn vị đó mà không ít người đứng đầu đơn vị được cất nhắc, thăng tiến, thậm chí
chạy khỏi tội như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Như vậy, sính danh hiệu, hám
danh hiệu cũng có lý do của nó.
Ngoài trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, mọi người chắc còn nhớ
trường hợp ông Hồ Xuân Mãn, một cựu Bí thư Tỉnh ủy đã gian lận để chạy cho được
danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang và chỉ bị lộ khi bị đồng chí, đồng đội tố
cáo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương buộc phải vào cuộc điều tra để rồi Chủ tịch nước
ra quyết định thu hồi danh hiệu trong sự bẽ bàng trước nhân dân địa phương, nơi
ông từng “hét ra lửa”.
Còn bà Trương Thị Tuyết Nga (55 tuổi, giám đốc Công ty TNHH
đầu tư xây dựng Vũ Lan) vừa bị đưa ra tòa xét xử và kêu án 15 năm tù về tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản, từng mang danh hiệu “Hoa hậu quý bà thành đạt”, “Á hậu
Phu nhân Việt Nam toàn cầu” tại Mỹ. Không ít thì nhiều, hẳn bà Nga đã dựa vào
“hào quang” từ những danh hiệu ấy để đi lừa đảo. Theo cáo buộc, bà Nga đã thuê
người vẽ thiết kế khu chung cư cao cấp - tháp văn phòng trên diện tích đất
35.000 m2 thuộc phường Bình Khánh, quận 2. Dự án này không được cơ quan chức
năng cấp phép vì thuộc khu quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm. UBND TP HCM cũng có chỉ
đạo không giải quyết cho sang nhượng, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, bà Nga vẫn
quảng cáo chào bán. Và đã lừa được nhiều người số tiền lên đến hàng triệu USD
và hàng trăm tỉ đồng. Cuối cùng, dù có bao nhiêu danh hiệu, bà Nga cũng bị bắt
và phải đền tội trước pháp luật.
Phúc đâu chưa thấy, họa luôn đi kèm gian dối, chạy chọt, mua
danh hiệu, kể cả những danh hiệu hão, là vậy.
(Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét