Lời người dịch:
“Civil
Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà
văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ
đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở
Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu
luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.
Civil
Disobedience, Henry David Thoreau, 1849
—
Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: “Chính phủ tốt nhất là
chính phủ cai trị ít nhất”, và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế
một cách có hệ thống hơn và càng nhanh càng tốt. Khi phương châm ấy được đưa
vào thực tế thì nhất định cuối cùng nó sẽ đưa đến, tôi tin như thế: “Chính phủ
tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả” và khi mà mọi người sẵn sàng chấp nhận
chuyện đó thì họ sẽ có một chính phủ như thế. Chính phủ, trong trường hợp tốt
nhất, chỉ là một phương tiện; nhưng thường thì đa số các chính phủ, và đôi khi
tất cả các chính phủ, đều là những phương tiện tồi. Lý luận phong phú, vững chắc và có sức thuyết
phục dùng để phản đối việc duy trì một đội quân thường trực; cuối cùng, có thể
cũng được áp dụng để chống lại một chính phủ thường trực. Quân đội thường trực
chỉ là cánh tay của chính phủ thường trực. Chính phủ – tự nó chỉ là một hình thức
để nhân dân thực hiện ý chí của mình – có thể bị lạm dụng và biến chất trước
khi nhân dân kịp dùng nó để thực hiện những điều họ muốn. Bằng chứng là cuộc
chiến tranh hiện nay ở Mexico, đấy là do một nhóm người coi chính phủ thường trực
chỉ là phương tiên trong tay mình gây ra, chứ ngay từ đầu, nhân dân đâu có đồng
ý với cách làm như thế.
Chân dung Henry David Thoreau
Chính phủ Mỹ là gì – chẳng phải đấy chỉ là một truyền thống,
mặc dù chưa lâu, đang tìm cách tự biến mình thành hiện tượng vĩnh viễn, nhưng lại
thường xuyên đánh mất tính chính trực của mình hay sao? Chính phủ Mỹ không có cả
sức sống lẫn sức mạnh của một người đơn lẻ, vì một người đơn lẻ cũng có thể bắt
nó khuất phục ý chí của mình. Đối với nhân dân, đấy chỉ là một loại súng gỗ.
Nhưng, như thế không có nghĩa là không cần chính phủ; vì nhân dân cần một loại
máy móc phức tạp nào đó, nghe thấy tiếng nổ đinh tai nhức óc của nó, để chắc chắn
rằng họ có chính phủ. Như vậy là, các chính phủ đã chứng minh được rằng họ dễ
dàng lừa được dân chúng, cũng như lừa được chính mình nhằm thu lợi cho mình. Thật
tuyệt vời, chúng ta phải công nhận như thế. Nhưng chính phủ của chúng ta chưa
bao thúc đẩy được sự nghiệp gì, ngoài việc nhanh chóng né sang một bên. Chính
phủ không giữ cho đất nước được tự do. Chính phủ không đưa người sang miền Tây.
Chính phủ không làm công tác giáo dục. Tất cả những thành tựu đó đều là do những
đặc điểm cố hữu của nhân dân Mỹ mà ra, thậm chí thành tựu còn có thể lớn hơn, nếu
chính phủ thỉnh thoảng không cản trở họ. Vì chính phủ là phương tiện mà người
dân không dùng để gây phiền hà cho nhau, và như đã nói, nó sẽ là phương tiện hữu
hiệu nhất nếu những người bị trị ít bị nó làm phiền nhất. Nếu thương mại không
đàn hồi như miếng cao su thì nó sẽ không bao giờ vượt qua được những chướng ngại
mà những nhà làm luật thường xuyên tạo ra trên đường đi của nó; và nếu có thể xử
những nhà làm luật này theo kết quả những việc họ làm mà không tính đến ý định
của họ thì họ đáng bị coi là và đáng bị trừng phạt như những kẻ ngỗ nghịch đem
những vật thể lạ đặt lên đường ray xe lửa.
Nếu nói một cách cụ thể và như một công dân, chứ không phải
như những người phủ nhận mọi chính phủ, tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ
ngay lập tức, mà đòi hỏi một chính phủ được cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho
từng người nói rõ anh ta sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào và đấy sẽ
là bước đầu tiên dẫn đến một chính phủ như thế.
Nói cho cùng, một khi chính quyền lọt vào tay nhân dân thì họ
sẽ chuyển cho đa số cai trị và cho nó tiếp tục cai trị trong một thời gian dài;
đấy không phải là do nó cai trị một cách công bằng, cũng không phải là nó có vẻ
công chính nhất đối với thiểu số, mà đơn giản là bởi vì đấy là nhóm mạnh nhất.
Nhưng, chính phủ của đa số, trong mọi trường hợp, không thể dựa vào sự công bằng,
dù là thứ công bằng mà người ta vẫn hiểu.
Chả lẽ không thể có một chính phủ, trong đó lương tâm chứ
không phải là đa số được quyền quyết định đúng sai? Trong đó, đa số chỉ quyết định
những vấn đề mà quy định về phương tiện có thể áp dụng ư? Chả lẽ công dân lại
phải giao lương tâm của mình, dù trong phút chốc hay chỉ một phần nhỏ lương
tâm, cho cơ quan lập pháp ư? Thế thì mỗi người còn cần lương tâm để làm gì? Tôi
nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một thần
dân. Không cần giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật bằng tinh thần tôn trọng
lẽ phải. Bổn phận duy nhất tôi có quyền thừa nhận là luôn luôn làm những việc
mà tôi cho là đúng. Người ta nói đúng rằng đoàn thể không có lương tâm; nhưng
đoàn thể của những người có lương tâm thì có lương tâm. Luật lệ không bao giờ
làm cho người ta trở thành công chính hơn, chính vì tôn trọng pháp luật mà ngay
cả những người đứng đắn cũng thường xuyên, liên tục trở thành tác nhân của sự bất
công.
7DfKwrA_00000
Hậu quả thường thấy và đương nhiên của việc tôn trọng thái
quá pháp luật là đội quân với các đại tá, đại úy, hạ sỹ, binh sỹ, lính tải đạn
và tất cả những người khác, hành quân trong theo đội hình qua núi đồi và thung
lũng để ra chiến trường mặc dù họ không muốn như thế, thậm chí đi ngược lại
lương tâm và lương tri của mình – làm cho cuộc hành quân trở thành cực kì khó
khăn và làm cho mọi người lo lắng. Các binh sỹ chắc chắn biết rằng họ bị lôi
kéo vào một công việc đáng nguyền rủa, tất cả bọn họ đều có thái độ yêu hòa
bình. Thế họ là ai? Họ có phải là người hay không? Hay họ chỉ là những pháo đài
hay kho vũ khí nhỏ, di động được, nằm trong tay một kẻ vô lương tâm có chức có
quyền? Xin hãy ghé thăm một quân cảng và ngắm nhìn một chú lính hải quân: chính
phủ Mỹ đã tạo ra một con người như thế
nào; bằng những trò phù thủy của mình, họ đã tạo ra một con người như thế
nào – không phải là người, mà chỉ một cái bóng, có thể nói là một tử thi biết
đi, một tử thi đã bị chôn với tất cả các nghi lễ của nhà binh,
Chúng tôi chôn anh
Không kèn không trống
Chúng tôi đưa xác anh vào huyệt mộ
Không có tiếng súng giã từ
Quần chúng đang phục vụ quốc gia không phải như những con
người thực sự, mà bằng sức lực của mình, như những cỗ máy. Họ là quân đội thường
trực, là cảnh sát, là cai tù, v.v. Trong đa số trường hợp, họ không cần đến
lương tri hay ý thức đạo đức; họ tự hạ mình ngang bằng với cỏ cây, đất đá; một
lúc nào đó, có thể chế được những người gỗ làm những nhiệm vụ y như thế. Những
người đó không đáng tôn trọng hơn một con bù nhìn rơm hay một đống đất. Giá trị
của họ cũng chỉ ngang với chó, ngựa mà thôi. Nhưng chính những người đó lại thường
được coi là những công dân tốt. Những người khác, thí dụ, đa số các nhà làm luật,
các chính trị gia, các luật sư, tăng lữ, nhân viên văn phòng, phục vụ quốc gia
chủ yếu bằng cái đầu của họ, và vì thường không có khả năng phân biệt về mặt đạo
đức, mà vô tình họ có thể phục vụ cả qủy sứ cũng như Chúa Trời. Chỉ rất ít người,
đấy là các anh hùng, những người yêu nước, những thánh tử đạo, những nhà cải
cách theo nghĩa cao qúy của từ này và những người chân chính là phục vụ quốc
gia với cả lương tâm của mình, và vì vậy mà họ thường phản đối chính phủ và bị
chính phủ coi là kẻ thù. Một người thông thái chỉ có ích khi là một con người
và sẽ không chấp nhận là “cục đất sét” và “lấp kín cái lỗ để cho gió khỏi thổi
vào”, mà sẽ dành việc đó cho nắm tro tàn của mình:
Ta thuộc dòng dõi quý phái
Không là đầy tớ
Không là tay sai
Không là thần dân mù quáng
Của bất cứ quốc gia nào trên mặt đất này
Người hy sinh tất cả cho đồng bào của mình lại thường bị họ
coi là vô tích sự và ích kỉ; nhưng người chỉ hy sinh cho họ một phần lại được
tung hô là ân nhân và nhân đức.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét