Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

Xuân Nguyên RFA

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng ngày 30/7 đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

100 nhân viên công an chìm, nổi

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng nay đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

Theo người dân trong sáng nay có khoảng 100 nhân viên công an chìm, nổi, xe cứu thương, xe chữa cháy… đã lập hàng rào phong tỏa đường đi ra khỏi làng của ngư dân nơi đây. Việc cảnh sát đánh đập một ngư dân, khi người này xin phép lực lượng chức năng đi rời khỏi nhà để đi bốc thuốc chữa bệnh khiến vụ xô xát nổ ra.
Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân cho biết việc ông bị lực lượng công an đánh đập sáng nay ngày 30, tháng 7:

“Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi.

Tôi mới nói, các chú ơi, cho bác đi chút công việc vì người tôi có bệnh, sau đó bước đi thì bị một cảnh sát đạp vào ngực nên tôi đã ngã xuống đường, cảnh sát cơ động cứ lấy chân giẫm lên người tôi. Tôi mới kêu lên, bà con ơi, dân làng ơi cứu tôi, lúc đó có khoảng 4 – 5 người cảnh sát kéo tôi đi khoảng 100 m. Lúc đó có mấy người công an trong xã bảo, ông này bệnh này đấy, rồi họ buông tôi ra để tôi thở. Tôi nằm nghỉ được khoảng 5 phút thì bị công an tỉnh, cơ động, công an áo vàng lại xô tôi lên xe và đóng cửa lại. Xe chạy được khoảng 1 km thì bị dân đổ ra đường chặn xe yêu cầu thả người, nếu không ông Nồng sẽ chết, đến lúc này có một anh công an mới mở cửa xe thả tôi ra. Bác sĩ trạm xá của xã đến khám và nói rằng tôi bị chấn thương trên lồng ngực vì bị đạp mạnh.”

Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân, bị lực lượng công an đánh đập sáng ngày 30 tháng 7. Citizen photo.

Một ngư dân có mặt tại cuộc đụng độ sáng nay cho biết, có hơn 400 hộ ngư dân tại đây đang phản đối giá cả đền bù chưa hợp lý từ dự án xây dựng nhà máy xi măng và cảng Vissa tại xã Nghi Thiết, cho nên người dân mới xuống đường. Ông xác nhận về việc đụng độ sáng nay:

“Sáng nay một số bà con đã bị công đánh bầm tím, hiện đang được khâu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Người nặng nhất hiện nay đang nằm tại nhà của công ty Xi măng Vissai tại xã Nghi Thiết, gia đình đang yêu cầu mời ông chủ tịch xã Nghi Thiết đến đây để lập biên bản đưa ông ấy đi bệnh viện để điều trị, nhưng ông chủ tịch không đến.”

Chính quyền không trả lời

Phái viên Xuân Nguyên của Đài RFA liên lạc công an xã Nghi Thiết, đơn vị trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng trong sáng nay để tìm hiểu vụ việc này và bị từ chối trả lời:

Xuân Nguyên: Alo, xin chào anh, cho tôi hỏi đây là công an xã Nghi Thiết phải không?

Nhân viên công quyền: “Ờ, anh muốn làm gì.”

Xuân Nguyên: Thưa anh, sáng nay có vụ xảy ra vụ việc đụng độ giữa người dân và lực lượng chức năng ở đây, xin anh cho biết về vụ việc?

Nhân viên công quyền: “Tôi không có thẩm quyền trả lời.”

Một ngư dân khác ở đây kể về diễn tiến của việc tranh chấp bến bãi do giá cả đền bù không thỏa đáng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương với hơn 400 hộ dân:

“Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.

Sau cuộc họp thứ 2, họ đưa về khai trương cảng biển Vissai, không có sự đồng tình của dân ở đây, dân giải quyết chế độ đền bù, họ trả cho dân chưa thỏa đáng.

Cuộc họp thứ 3 họ đưa ra ý kiến là sẽ hộ trợ mỗi một thuyền loại 1 là 48 triệu, thuyền loại 2 thì 24 triệu, thuyền loại 3 thì 6 triệu. Nhưng dân không đồng tình, dân bảo tầm này chưa đủ ăn 1 tháng cho dân, hết tiền rồi thì dân đi đâu, làm gì, chuyển đổi công việc cho dân như thế nào, rồi cho dân đi chỗ khác ở, họ cũng không nghe.

Cuộc họp thứ tư họ quyết định đổ đất để làm. Đổ đất là mất bến bãi đậu thuyền nên dân không cho đổ đất nhưng tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cho công an cơ động về ngăn đường không cho dân ra.”

Nhưng người tham gia trong buổi đụng độ sáng nay với lực lượng chức năng đều cho biết nguyên nhân của sự vụ là do giá cả đền bù chưa thỏa đáng và rất bức xúc trước hành xử của chính quyền địa phương khi đưa công an, cảnh sát đến ngăn chặn, đánh đập người dân. Dân chúng địa phương khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho họ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét