Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO
NAM KỲ là tư liệu mà tôi có ý thức
tìm kiếm từ mấy chục năm trước, và mới đây, thực may mắn, được Đoàn
Lê Giang- chủ nhân của kho tư liệu đồ sộ, sẵn sàng cung cấp văn bản
khi tôi tỏ ý muốn đưa ra cho công chúng rộng rãi trên nguyenducmau.blogspot.com và trên
vanhoanghean.com.vn – Nhân đây xin cảm ơn Đoàn Lê Giang, người bạn luôn
luôn hào phóng và nhiệt tình với những ý tưởng vì cộng đồng.
Nhưng vì lí do thời gian nên bản vi tính này, do một
người bạn khác của tôi giúp đỡ, không được hoàn hảo như bản gốc,
một vài chỗ vẫn còn lỗi đánh máy, mong muốn có thời giờ sửa chữa
trong tương lai.
Tôi cũng đã thử đưa chữ Hán vào văn bản như bản gốc
đã có, nhưng nhiều chữ bị thiếu trong Từ điển Việt Hán Nôm 2004,
không đáp ứng được đầy đủ các chữ mà văn bản đòi hỏi, và do khả
năng kĩ thuật hạn chế, nên tôi đành gác công đoạn này lại, sửa sau,
chỉ vì lí do muốn sớm đưa ra cho bạn bè xa gần có tư liệu dùng tạm.
Những chữ trong ngoặc ( TQ) là chỗ người đánh máy đánh dấu chỗ
nguyên gốc là chữ Hán để điền sau.
Mong rằng sẽ có nhiều tư liệu đến được với giới
nghiên cứu và những người có nhu cầu tri thức.
Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2011
Nguyễn Đức Mậu
__
Nhà văn Đào Trinh Nhất gửi ông Nguyễn- Đình- Phẩm, chủ
nhà Yến-Mỹ, Hà nội
Ông Nguyễn Đình Phẩm.
Chắc ông cũng vui lòng nhận mấy lời trong bức thư
này mà tôi để lên trên trang đầu quyển sách của tôi, tức là để cảm
ơn ông vậy.
Ông với tôi thuở nhỏ là bạn học một trường, có
tình chí thiết, đến sau ra đời, mỗi người đi một ngả; ông thì dọc
ngang trên đàn thực – nghiệp, như có ngày nay, tôi thì lênh đênh mãi
trên bể văn – chương, chưa biết đâu là bờ bến. Tôi vẫn lấy việc trước
– thuật là nghề – nghiệp mà cùng là phận – sự của mình, thường ngỏ
ý ấy cùng ông; ông nói rằng: “ Quốc văn trong lúc này đang cần có
nhiều tay thợ khéo để xây dựng lên, những trước – thuật gì có bổ
ích cho đời hãy nên làm, chớ có xuất bản những sách văn thơ nhảm
nhí, tiểu – thuyết dâm bôn, mà rắc độc ra trong xã hội đó!”. Ý tôi
vốn nghĩ như thế, lại được ông khuyến- khích thêm, thành ra tôi khái
nhiên, không chiều tâm- lí của người đời, cùng là khuynh – hướng của
xã- hội, mà mạnh bạo xuẩt bản quyển sách này vậy.
Ông là người có thịnh – danh trong thương – trường,
lại cũng có thịnh – danh trong công việc từ thiện công- ích nữa;
nhiều người biết ông đã từng mở đường cho trong làng, lấy chỗ đi
lại, đã từng đào cừ cho dân trong vùng ông lánh nạn tiêu-khô, lại đã
từng lập một trường học, ở trong hàng tổng, cho con em có chỗ học, sự nghiệp ấy của ông không cần gì tôi phải tán
dương mới có người biết, duy chỉ cảm vì
ông là một nhà thực nghiệp, mà nền quốc văn trong buổi bấp bênh này, ông cũng lấy
công phu khuyến khích, giúp đỡ vào công việc bồi đắp cho thành, tuy kết quả sau
này chưa ai biết đâu, nhưng một chỗ đó, đủ biết ông cũng có tâm địa đáng khen lắm.
Phương chi tôi viết quyển sách này, bàn về một vấn đề kinh tế
trong nước ta, thì ông cũng lấy tri thức chuyên trường về thương nghiệp, mà góp
nhặt cho tôi được nhiều tài liệu tốt, mách bảo cho tôi nhiều ý kiến hay, mà nên
một sự nghiệp nhỏ mọn này, có thể nói là do ở công phu chung của đôi ta mà ra
được. Tôi cảm ơn ông trong bức thư này là vì thế.
Quyển sách này ra đời, nếu như có được một vài ý kiến nào khả
thủ, có ích cho đồng bào, mà được bạn trí thức trong nước khen, thì tiếng khen ấy
tôi với ông cùng hưởng; nếu như là ý kiến chưa nhằm, nghị luận chưa xác, mà phải
có người chê, thì tiếng chê ấy, tôi với ông ta cùng chịu. Nhưng thiết nghĩ ở đời,
ta làm việc gì cứ mạnh bạo mà làm, miễn là biết đến xã hội và không phụ lương
tâm thì thôi, cái tiếng khen chê, chẳng lấy gì làm quan hệ cho ta lắm. Có phải
chăng, ông?
Hanoi, ngày 1 Novembre 1924
ĐÀO – TRINH – NHẤT
ĐẠI – Ý QUYỂN SÁCH NÀY
Xứ Nam – kỳ tức là một cuống họng của ta, đối với trong là
một kho tàng to, quay ra ngoài là một thị trường lớn, công phu cha ông khai
thác mấy trăm năm, mới có ngày nay, để cho con cháu làm của gia tài, đáng lẽ ta
không nên dễ cho ai phạm vào quyền lợi ấy của ta mới phải.
Thế mà bị 20 vạn người Tầu là một dân – tộc có tài thực dân
kéo nhau sang hạ cái thủ – đoạn kiếp – lược dần dần, bây giờ nghiễm nhiên làm
ông chủ – nhân trong trường thương mại công nghệ của ta, thôi thì trên bến dưới
thuyền, thượng vàng hạ cám, nhất thiết lợi quyền đều vào tay họ lũng đoạn hết,
ta cam tâm để họ đè nén: khó nhọc ta gánh, miếng ngon họ ăn, bao nhiêu lâu nay,
ta chịu mãi cái nỗi “cường tân áp chủ” như thế.
Ôi! Vận mạng của ta ở xứ Nam kỳ, tương lai của ta ở xứ Nam kỳ,
không có lẽ ta cứ điềm nhiên để họ kiếp lược chiếm ta như vậy mãi được, chắc phải
tìm cách nào tước bớt cái thế lực họ đi, và thu lại những mối lợi mà mình có
quyền chính đáng được hưởng mới được. Song lẽ, muốn tước bớt cái thế lực họ đi,
và thu lại những mối lợi mà mình có quyền chính đáng được mới được, thì phải
làm thế nào? Quyết không phải chỉ cau mày trợn mắt, làm truyện như tẩy chay năm
nào, mà thành công được đâu! Vì phải xét họ gây được cái thế lực to lớn vững
vàng ở Nam kỳ như ngày nay, nào là di dân, nào là bỏ vốn, nào là tốn sức nhọc
lòng, nào là mở mang xếp đặt, công phu tích lũy đã mấy thế kỷ nay rồi, thì tất
không phải là thế lực mà đụng chạm vào là làm nghiêng đổ ngay được “a bây giờ”
muốn đi đánh lui một toán đại dịch trong thương trường ấy, không nói gì là phải
trí lực, phải phí thì giờ, mà trong khí cụ cần dùng thì xứ Nam kỳ ta thiếu hẳn
một thứ, là nhân công, tức là một khí cụ cần nhất trong trường kinh tế chiến
tranh vậy.
Nam kỳ thiếu nhân công thật, còn non hai triệu mẫu đất hoang
bỏ chưa khai khẩn, bao nhiêu nguyên liệu vật sản, bỏ chưa đem dùng, đến ngày tiện
nghệ khổ công cũng không có người làm, nhất thiết công nghệ buôn bán gì, đều
vào tay Hoa kiều hết, cũng chỉ vì không có người làm. Bởi vậy, bây giờ nói việc
mở mang xứ Nam kỳ, tức là cách phá cái thế lực Hoa kiều, mưu cuộc phú cường nay
mai, thì nhân công chính là một tài liệu mà xứ Nam kỳ đang phải cần đến lắm.
Nhân công ấy lấy ở đâu ra được? Người Trung Bắc – kỳ cất tiếng
lên mà đáp rằng: “Tôi đây”.
Thật ra, cái hiện tính sinh hoạt của dân hai xứ ngoài này đã
thấy chen chúc, khổ sở lắm: rừng núi tứ tung, địa thế chật hẹp, dân số ngày một
đông thêm, mà mọi nghề nghiệp chưa được rộng rãi, dân không đủ làm, ruộng đất hầu
đã vỡ hết, nhưng nghề canh nông thật gian nan, mùa thường bị mất, nói tóm lại mọi
công việc làm ăn, tuy đã mở mang ra nhiều nhưng so sánh với số dân, không được
tương đương cho nên bọn dân lam lũ khốn cùng, không nghề không nghiệp, hãy còn
nhiều lắm. Lại thêm một nỗi, thường bị nhiều cái tai vạ bất kỳ, thí dụ như mưa
tràn nước lụt, thì dân tình càng thấy khổ già: ruộng vườn ngập hết, nhà cửa
trôi băng, ở không có nơi, ăn không có miếng, bấy giờ cha con vợ chồng giắt díu
nhau đi bơ vơ kiếm ăn, trông tình cảnh rất là ái ngại, dù có hưng công dù có
phát chẩn đều là cách tạm thời, chẳng có hiệu quả gì chắc chắn cả. Xét lại thì
hai xứ này, đường sinh hoạt hẹp mà số sản dục ngày tăng, e rồi có cái vạ nhân
mãn, chẳng đáng lo cho cuộc tiến hóa lắm ư? Ta phải bớt đi mới được.
Có người nói sao người Bắc kỳ không lên mạn ngược mà khai
hoang, người Trung kỳ không vào miền Mọi mà doanh nghiệp, nhưng không biết đâu
sự lý đã dành mà tình thế lại khác, mạn ngược thì khí hậu không lành, nên với
việc làm ăn hơi khó, miền Mọi tuy nguồn lợi vốn sẵn, nhưng luật cấm không cho
vào; vả chăng hai chỗ ấy cũng chẳng lợi dụng được hết nhân công Trung, Bắc kỳ,
như thế bảo lên những chỗ ấy mà thực dân, là một điều chẳng xong rồi, tất phải
đi một nơi khác.
Di đi ngoại quốc chăng? Không, trường hành động trong nước
ta còn có chỗ rộng thênh thang, cần gì phải đi đâu xa xôi cho cực khổ. Trong
khi ngoài Trung, Bắc kỳ đông người, muốn di đi như vậy, thì trong Nam kỳ đang cần
nhân công vậy thì đi ngay vào Nam kỳ chẳng cũng phải là một việc hợp thời, một
việc nên làm, một việc có lợi hơn hay sao?
Vấn đề di dân vào Nam kỳ bời đó mà xuất hiện ra vậy.
Vấn đề nay xuất hiện đã lâu, không những gì là dư luận của
phần đông người, mà lại là một nghi án của chính phủ, thế mà bản thế hệ nọ thảo
ra, vẫn xếp só ở ngăn bàn, lời thỉnh cầu kia đệ lên, rồi nằm vò trong sọt giấy,
một việc đáng lẽ phải thực hành từ bao giờ, mà đến nay chẳng thấy gì cả; hoặc bảo
là chưa tiện đường giao thông, phải chờ bao giờ xong con đường Đông pháp thiết
lộ (Le Transindochinois) đã, hoặc bảo lo nắng thì đã có máng nước, giữ lụt thì
đã có đê điều, cứ ở nhà mà cày cấy làm ăn, cần gì phải đi đâu vội, thành ra dân
còn loanh quanh nấn ná trong khu đất chật hẹp khốn nạn của mình, giơ lưng ra mà
đỡ lấy tai vạ lụt lội đói kém hằng năm; cái sức gánh vác lâu nay, nghe chừng đã
bị quyện lắm rồi, thế việc di dân chẳng thực hành ngay đi, còn đợi đến bao giờ
nữa.
Duy có điều việc di dân chưa đến lúc phải là một vấn đề thuộc
quyền chính trị, thì còn có nhiều nỗi khó khăn, ngăn trở sự tiến hành; từ khi
ra đi cho đến lúc vào tới nơi, ăn ở thế nào cho hợp vệ sinh, làm việc thế nào
cho xứng tài năng, sinh mệnh lấy gì chở che, toàn là những việc khó nói, mà bấy
lâu dư luận bàn mãi chưa xong, cho nên ta phải xin chính phủ tán thành mà giúp
đỡ cho mới được. Vả chăng, Nam kỳ cũng phải là xứ toàn là đất hoang rừng rậm,
phố vắng đường không, mà nay cần đem nhân công Trung, Bắc kỳ chỉ để rẫy cỏ phá
rừng, mở xưởng lập tiệm đâu! Cũng có cần thế, nhưng mà Nam kỳ đã có chủ nhân rồi,
là Hoa kiều, cho nên nhân công ngoài này có vào, lại cần đem tài năng, đem tính
nhẫn nại mạo hiểm là tính cách sẵn có vào giải quyết đấu với Hoa kiều, là những
người ta đi đâu cũng gặp họ như gai góc cản đường, những muốn cho mình chìm đắm
trong vòng nô lệ mãi mãi, để họ chiếm lấy quyền lợi một mình, ta không được phạm
đến. Bởi vậy, việc di dân vào Nam kỳ, không những là mưu sự hạnh phúc an lạc
cho đám nhân công Trung Bắc kỳ, mà lại là một việc phải tranh đấu với Hoa kiều,
để đoạt lại cái chủ quyền kinh tế và gây cuộc phú cường sau này, thành thế ra
việc ấy, từ vấn đề cá nhân, tiến lên thành vấn đề của xã hội. Vậy, nếu như chẳng
có ý nghĩa như thế, thì sang Lào mà làm ăn còn hơn, sang Nouvelle – Caledonie
làm cu-li cũng được, cần gì phải vào Nam kỳ.
Tất cả Đông – Pháp này, có 35 vạn Hoa kiều thì mình xứ Nam kỳ
20 vạn, người đông, của nhiều, công nghệ to, buôn bán lớn nhất thiết đều tụ cả ở
đó, thành ra một cái thế lực đồ sộ vững vàng thế thì có muốn cạnh tranh với họ
tưởng trước hết, phải biết thế lực của họ ra làm sao mới được. Có biết thế lực
của họ, hễ điều hay là theo, điều ác là tránh, nói tóm lại mới biết đường mà đối
phó với họ, nếu không thì không khỏi bị họ tìm cách thâm hiểm mà hại mình, xưa
nay những việc gì ta làm, hễ có ý cạnh tranh với “các chú” ở trong, thường bị họ
dùng độc thủ mà phá hoại mình ngả nghiêng, ấy tức là một chứng cớ vậy.
Di dân được vào Nam kỳ, còn có hai ý nghĩa cao hơn nữa:
Một là tư bản và nhân công hợp với nhau, tư bản và nhân công
là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường, tất phải tương tư tương trợ lẫn
nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay, xướng
lên cái chủ nghĩa tư bản, và cái chủ nghĩa lao động, có ý nghĩa phản đối nhau,
xong kết quả chỉ thấy là phá hoại, thường khi bọn thợ đình công, mà công nghệ
phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng, mà bọn thợ đến nỗi
mất việc làm, chứng cớ rành rành, là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông,
mà trong nước tan tành ra đó, chỉ nay mai đất ta thấy nước ấy phải quay về chế
độ thường nghĩa là nhân công phải đi đôi với tư bản. Như thế thì đủ hiểu rằng
tư bản với nhân công, không thể bỏ nhau mà làm nên việc được. Nước ta, Nam kỳ sẵn
của mà làm việc thiếu người, Trung, Bắc kỳ sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy
lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc gì to tát cả, vậy
nay di dâm vào Nam kỳ, tức là cách kết hợp nhân công và tư bản vậy. Vả chăng ta
cũng nên biết rằng: muốn đạt bao nhiêu cái hy vọng lớn lao của ta sau này, thì
phải lấy đất Nam kỳ làm trường hành động mới được.
Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là
việc cực chẳng đã, vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam, sinh cùng một nòi, nói
cùng một tiếng, theo cùng một văn hóa, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu
mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch
sử, mà mỗi xứ phục theo dưới một chỉnh thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với
nhau, không khỏi có chỗ ngăn trở, đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau
một lịch sử chung, một nguồn gốc chung tiếc thay sự gặp nhau lại rất hiếm hoi,
vì chẳng có dịp thì chẳng thấy đằm thắm gì, như thế còn nói đến sự đồng lao cộng
tác với nhau làm sao được. Phận sự làm dân một nước không cho ta ghe lạnh ghen
ghét nhau như thế, mà khiến phải thân yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng làm việc với
nhau thì mới sách nổi tồn ở đời khó khăn này, vậy một điều cần là làm sao cho
người Nam, Bắc được xúc tiếp với nhau luôn, để hiểu tính cách tâm lý của nhau mới
được. mà muốn tiếp xúc với nhau luôn, nếu trông ở ngoài Nam ra Bắc thì không ăn
thua, vì người nam có ra đây, không phải là ra làm việc công nghệ buôn bán, mà
chỉ ra đi học và làm ở các công sở, số người đã ít mà chỉ ở những nơi thành thị,
thì sự gặp gỡ truyện trò với nhau, không rộng rãi và thường thường, thì không
hiểu nhau được, cho nên phải trông ở người Bắc vào Nam, thì sự liên lạc mới có
hiệu quả, vì dân ngoài Bắc vào trong Nam làm ăn, tản tác ra khắp từ kẻ chợ ở
nhà quê, đồng bằng mặt nước, gặp gỡ anh em Nam kỳ ta luôn, thật dễ lấy cái tinh
chủng tộc, nghĩa quốc dân mà hiểu biết nhau lắm. Bởi thế nói di dân vào Nam kỳ,
lại có mục đích liên lạc Bắc nam này.
Bấy nhiêu điều quan niệm, sự trông mong, khiến cho tác giả
tuy sức vóc còn non, tầm mắt chưa rộng, mà cũng mạnh bạo sốt sáng bàn về vấn đề
này, do ở một phần lịch duyệt, một bầu nhiệt huyết của mình, đem bày tỏ ra để
cùng anh em đồng bào bàn bạc, ý kiến hoặc có hẹp hòi, mà sơ tâm thì là trịnh trọng
lắm.
Sách chia ra làm hai phần. Một phần đầu thì nghiên cứu cái
thế lực của các chú trong Nam kỳ là nơi “đệ nhị quốc gia” của họ, xét từ lai lịch
cho đến dân số, tư bản thương mại, công nghệ, học thuật cùng là mọi tính cach
hay, thủ đoạn khác của họ vân vân, chưa dám nói là tường tế gì, nhưng cũng đủ
những điều ngạch khái, để cho ta biết thực lực của họ, mà mưu cuộc doanh nghiệp
cho mình. Phần thứ hai trước chứng tỏ rằng việc di dân vào Nam kỳ là nên, là lợi,
sau thì xem xét việc này bấy lâu khó khăn trăn trở gì? Bây giờ phải tìm cách gì
giải quyết? cùng là giới thiệu để anh em ta ngoài này biết rằng vào trong ấy sẽ
có nhiều nghề nghiệp làm ăn, sẽ được an cư lạc nghiệp, tội gì loanh quanh ở chỗ
đất chật hẹp của mình, mà chịu cái vạ đói rét rách rưới cho khổ hàn, phương chi
việc di dân đi, lợi cho cá nhân, mà lợi cho cả xã hội, không những tình thế giục
đi, mà nghĩa vụ cũng bắt đi nữa.
Hai phần, tuy tựa như phân biệt, nhưng vẫn là hai cái tiếng
thật có hộ ứng với nhau, vì tôi tin rằng: việc di dân vào Nam kỳ là việc phải
làm đã đành rồi, nhưng có biết cái thực lực của Hoa kiều mà để kháng họ, thì việc
di dân ấy mới có lợi ích, cho nên cuốn sách tầm thường này, lấy tên là “Thế lực
khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” là thủ nghĩa như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét