Việc Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN không thể đưa ra một
tuyên bố chung về vấn đề tranh chấp biển Đông tại cuộc họp thường niên vào hôm
25/07 là một điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Vào tháng trước, trong cuộc họp đặc biệt ở Côn Minh, Trung
Quốc, sự chia rẽ trong nội bộ các nước Asean đã thể hiện rõ khi khối này rút lại
bản thông cáo với lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về việc tuyên bố chủ quyền
ở biển Đông, sau khi Trung Quốc tác động lên các đồng minh trong khối để gây cản
trở.
Vấn đề lần này nghiêm trọng hơn nhiều, chỉ sau hai tuần Tòa
Trọng tài thường trực ở The Hague ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ
kiện về Biển Đông.
Gần như cả thế giới đang quan sát xem liệu các Ngoại trưởng
khối Asean có thể có tiếng nói chung đối với vấn đề tôn trọng phán quyết của
Tòa trọng tài và tôn trọng luật pháp quốc tế hay không.
Và một lần nữa, Campuchia được cho là thủ phạm khiến khối
Asean không thể đạt sự đồng thuận. Bóng ma của Phnom Penh lại thêm một lần phủ
lên khối Asean. Khi còn là Chủ tịch của Asean vào năm 2012, Campuchia đã bỏ phiếu
phản đối thông cáo chung về Biển Đông của các Ngoại trưởng khối Asean. Kết quả
là lần đầu tiên trong lịch sử, khối Asean không thể ra một thông cáo chung.
Image copyright Hoang Dinh Nam AFP
Có vẻ như lịch sử đang lặp lại, trừ phi Ngoại trưởng các nước
Asean và các quan chức cao cấp có thể tìm được sự đồng thuận vào hôm nay hoặc
trong ngày mai. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, Asean thà chịu vết nhơ khi không
thể ra một thông cáo chung hơn là nhạt nhòa về vấn đề Biển Đông. Việc này cho
thấy Asean không thể để lợi ích của một nước làm ảnh hưởng cả khối.
Chắc chắn sự đoàn kết của khối Asean sẽ bị rạn nứt, nhưng sự
việc xảy ra lần này là điều cần thiết. Cùng lúc đó, những diễn tiến xảy ra làm
dấy lên câu hỏi về tương lai và hướng đi chiến lược của Asean, khi các nước
không thể thảo luận một cách tin cậy hoặc đóng vai trò chủ đạo đối với một vấn
đề mang tính nghiêm trọng ngay trong nội bộ.
Những sự kiện xảy ra ở Phnom Penh, Côn Minh và bây giờ là
Vientiane cho thấy những gì có thể đạt được với năm thành viên ban đầu của
Asean đã không thể áp dụng khi khối có đến 10 thành viên. Trong khi Trung Quốc
được cho là nhân tố gây nên “những diễn tiến” này, Asean nên xem lại mình trước
khi đổ lỗi lên các yếu tố bên ngoài.
Kẻ phá bĩnh
Trong bối cảnh này, điều làm mọi người chưng hửng nhất là
trong khi nói ủng hộ khối Asean, Campuchia đã không nhìn ra sự nghiêm trọng của
vấn đề và có thể nhìn rộng hơn đối với toàn cục, về mặt chiến lược.
Campuchia không thể cứ tiếp tục xem thường các thành viên
Asean khác thông qua các hành động của kẻ phá bĩnh.
Tuy nhiên, Asean là một tổ chức mang tính quốc tế và vì thế
luôn có sự hiểu ngầm-mang tính bắt buộc- rằng phải có một phản ứng có tính tập
thể và ủng hộ lẫn nhau.
Asean là một “hiệp hội”, không phải một câu lạc bộ cho các
quốc gia. Campuchia cần phải hiểu rằng việc gây cản trở Asean đạt sự đồng thuận
với Trung Quốc gây tác hại nghiêm trọng đến chức năng của Asean như một tổ chức
để giải quyết các thách thức và nhu cầu của khu vực. Campuchia cần phải quyết định
về tương lai của mình, hoặc đứng chung với Asean, hoặc đi theo gã hàng xóm khổng
lồ nhưng giàu có.
Hiện nay, vẫn chưa có gì cụ thể được soạn thảo trong Hiến chương
Asean- được xem như “cẩm nang hoạt động” của khối- về việc rút lui hoặc bãi bỏ
tư cách một thành viên. Nhưng “Cambrexit” không thể là một câu hỏi không có đáp
án nếu Campuchia tiếp tục gây hại cho lợi ích của cả khối.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cho thấy có khả năng vươn tầm ảnh hưởng
trong khối Asean, vượt khỏi tầm Campuchia, mặc dù Phnom Penh có thể sử dụng quyền
phủ quyết.
Để bảo vệ chính mình, Asean cần xem lại qui trình đưa ra sự
đồng thuận. Quyền được phủ quyết của mỗi thành viên cần bị loại bỏ. Cần phải
đưa vào Hiệp ước chung của khối điều luật “Asean – X” – như một công thức để
không cần có sự đồng thuận tuyệt đối- mới có thể loại bỏ yếu tố “con ngựa thành
Troy” (nội gián) trong những vấn đề chính trị và từ đó cải thiện sự hiệu quả của
Asean và qui trình đưa ra các quyết định.
Đây là một cuộc chiến mà Asean phải đối mặt và phải giành
chiến thắng. Việc “giữ thể diện” và duy trì tình đoàn kết sẽ chỉ biến Asean
thành trò hề và tương lai thêm mờ mịt. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ dẫn đầu cuộc
chiến này?
Bài viết thể hiện quan điển của Tang Siew Mun, Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu về Asean, thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở
Singapore, đã đăng trên trang www.todayonline.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét