Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 4 – Phần 3

Tác giả: Epoch Times - Dịch giả: Daniel Nguyen

H1

Đố kỵ với Chu Dung Cơ

Tuy rằng Giang ra sức câu bè kết phái chiếm cứ địa bàn Thượng Hải, nhưng trong suốt hai năm Giang ngồi ở chức Thị trưởng, dân chúng Thượng Hải cứ ngày ngày kêu khổ. Vào năm 1986, rất nhiều địa phương trên toàn quốc mở ra cảnh tượng phồn vinh an lạc, trong lúc dân chúng toàn quốc đối diện với thị trường cung ứng phong phú, nơi nơi nở mày nở mặt thì dân Thượng Hải vẫn phải lay hoay với tấm tem tờ phiếu.
Số là, năm 1986 Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Diệp Tuyển Bình đã tăng mức thuế lên 250 triệu tệ, cho nên Thị trưởng Thượng Hải Giang Trạch Dân cũng muốn con số thành tích đẹp hơn một chút, con số thuế tăng  lên 12 tỷ 5 trăm triệu tệ, cao hơn Diệp tỉnh trưởng đến 50 lần. Chỉ vỏn vẹn trong vòng hai năm, Giang Thị trưởng đã khiến cho dân chúng Thượng Hải đụng phải “nguy cơ sạch thùng gạo”.

Bất kể Giang Trạch Dân  “vỗ mông ngựa” các đại lão trong đảng kinh thiên động địa đến bao nhiêu, cái mớ bầy hầy do Giang tạo ra là hiện thực “không nhỏ” trước mặt Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình cực chẳng đã phải cập rập phái “Sa hoàng kinh tế” Chu Dung Cơ đến Thượng Hải làm Thị trưởng để dọn dẹp cái mớ bầy hầy đó của Giang, để Giang ngồi vào ghế Bí thư Thành ủy, cái chức vụ ngồi chơi xơi nước chứ không hề có tác dụng thực chất gì. Lúc ấy ĐCSTQ thực hành chế độ “Thị trưởng phụ trách”, lời nói của Thị trưởng vẫn là nhất ngôn cửu đỉnh. Nhưng bất kể Thượng Hải có bầy hầy đến đâu, tháng 11 năm 1987 tại Hội nghị Toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 13, Giang Trạch Dân – người chuyên chạy cửa sau vẫn được thăng chức từ Ủy viên Trung ương lên Ủy viên Cục Chính trị Trung ương, bước chân vào cơ cấu quyền lực cấp cao của ĐCSTQ.

Ông Chu Dung Cơ vốn không phải là thái tử đảng, cũng không phải là “cô nhi”, trong nội bộ đảng cũng không có cái mạng lưới quan hệ như Giang Trạch Dân, lại thêm vào năm 1957 ông ta thuộc phe cánh hữu trong cuộc đấu tranh “chống cực hữu” năm 1957, bị cho đi học tập cải tạo, nhầm lẫn thế nào lại mất hết 20 năm. Có thể nói con đường đi lên của Chu Dung Cơ thực sự dựa vào tài cán và uy tín của chính ông ta.

Ngày 25 tháng 4 năm 1988, ông Chung Dung Cơ mặc một bộ quần áo màu đà, cổ thắt cravat vằn đỏ đen xuất hiện trước mặt hơn 800 đại biểu của thị dân Thượng Hải. Theo quy định của hội nghị,  những người ứng cử vào các vai trò Chủ nhiệm, phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhân dân Thành phố, Thị trưởng, Phó Thị trưởng, Viện trưởng Tòa án Nhân dân và Kiểm sát có thể thực hiện một bài phát biểu không quá 10 phút, dài nhất cũng không được quá 15 phút. Những người lên trước đều nói không quá 10 phút thì đã kết thúc, đến lúc ông Chu Dung Cơ bước lên thì không khí của toàn bộ hội trường đã thay đổi. Lúc thì râm ran tiếng vỗ tay, lúc thì rộn tiếng cười, không khí rộn ràng sinh động. Giang Trạch Dân với cõi lòng đầy đố kỵ nhìn thấy Chu Dung Cơ được hoan nghênh như vậy, trong tâm giống như phát nổ, biểu hiện mười phần khó coi.

Trong trường hợp này, Giang Trạch Dân chỉ còn cách cố gắng đè nén nỗi lòng, nói cười gượng gạo. Lúc người khác vỗ tay, Giang cũng vỗ tay, người khác cười thì Giang cũng cố nhếch mép, bộ dạng còn khó coi hơn là khóc. Lúc bình thời, một tý việc nhỏ Giang cũng không thể dung cho người khác, huống chi Chu Dung Cơ lại chiếm được tình cảm của nhiều người như vậy, hạt giống đố kỵ của Giang đối với ông Chu Dung Cơ đã được gieo mầm từ đó.

Ông Chu Dung Cơ sau khi đến Thượng Hải đã “bắt” được không ít việc nhỏ, như đọc và trả lời thư của quần chúng; đồng thời ông ta cũng “bắt” được những việc to, như quan hệ giữa các huynh các đệ ở tỉnh thị, “công trình thùng gạo”, vấn đề giao thông và việc xây dựng hệ thống hành chính thành phố Thượng Hải. Ông Chu cũng đích thân đến thượng du sông Hoàng Phố để giải quyết vấn đề ô nhiễm, khiến cho chất lượng nước sinh hoạt của dân Thượng Hải dần dần được cải thiện. Những thành công này đã khiến cho ông Chu càng lúc càng được lòng dân.

Đúng là ở những phương diện này thì Giang Trạch Dân bì không kịp, những Phó thị trưởng và các cán bộ cấp cục nhàn hạ thong dong dưới thời Giang làm Thị trưởng thì nay đến tay ông Chu Dung Cơ phải làm việc cho ra trò. Tướng mạo của ông Chu không giống người bình thường, đôi lúc cũng khiến cho người ta sợ. Đặc biệt tính khí ông Chu nóng nảy, đến lúc “giáo dục” phó thị trưởng hay cán bộ cấp cục thì thậm chí khiến họ phải muối mặt. Những người này lập tức chạy đến bên Giang mà khóc lóc kể khổ. Giang Trạch Dân mượn gió bẻ măng “phê” ông Chu là khiến cho nội bộ mất đoàn kết, bành trướng chủ nghĩa cá nhân, khiến cho ông Chu bất đắc dĩ phải nuốt tỳ khí, đi đến trước mặt các cán bộ cấp cục mà làm “kiểm điểm cá nhân”.

Tháng 4 năm 1991, tại phiên thứ 4 hội nghị Đại hội Nhân dân nhiệm kỳ thứ 7, ông Chu Dung Cơ được bầu làm Phó Tổng lý Quốc vụ viện, Đặng Tiểu Bình đặc biệt chỉ vào Chu Dung Cơ mà nói với Giang rằng: “Tôi không hiểu kinh tế, ông ấy hiểu!” Thật ra cái ý ông Đặng muốn nói là thế này: “Anh chả hiểu chi về kinh tế cả, ông ta mới là người biết việc!” Giang nghe xong câu này, trong lòng dội vang tiếng chén vỡ bình rơi, nhưng lại không dám đối đầu với Đặng Tiểu Bình, cơn đố hận với ông Chu Dung Cơ lại ngùn ngụt. Năm 1992, ông Chu Dung Cơ trở thành Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, tiến vào tầng lớp lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. Năm 1998, Chu Dung Cơ trở thành Thủ tướng thứ 5 của Trung Quốc. Lúc ấy một kẻ thiếu năng lực như Giang Trạch Dân đã trở thành Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy đã được 9 năm.

Tử thủ trước trận địa truyền thông

Tuy rằng  Giang Trạch Dân việc chính sự làm không xong, nhưng công phu tâng bốc thì khó ai bì kịp.

Xưa kia Giang từng theo bước người cha Hán gian làm công tác tuyên truyền cho chính quyền Nhật ngụy, Giang đã sớm hiểu được cái sức mạnh của truyền thông. Cho nên đối với Thượng Hải, Giang đặt trọng tâm vào việc tuyên truyền dư luận, hệ thống cơ quan tuyên truyền cũng phải tuyển con em nhà mình.

Ở Thượng Hải phát sóng rất nhiều kênh truyền thông mang tính toàn quốc, bất kể là biểu dương hay phê bình đối với Giang, tất cả đều được các đại lão ở trung ương nhìn thấy. Từ lúc Giang lên làm Thị trưởng đã quan tâm đến ngành truyền thông một cách bất thường, có lúc những người làm truyền thông lúc ấy cảm thấy Giang có phần quá khích. Chương trình “Bản tin Kinh tế Thế giới” được phát trước khi sự kiện “Lục Tứ” nổ ra đối với nhiều người thì là một việc hết sức ngẫu nhiên, nhưng đối với Giang đó là một phản ứng tất nhiên.

Ví dụ thế này, Giang có một lần thể hiện rất tốt trong một buổi họp báo, lúc ấy Giang dùng từ “Face” trong tiếng Anh để biểu đạt thay cho từ “diện mạo” trong tiếng Hán. Ngày thứ hai khi tờ “Nhật báo Giải phóng” đã đổi từ “face” thành “diện mạo” để cho bá tính người người đều hiểu thì Giang lại hầm hầm đại nộ. Vốn xưa nay cứ thích dùng Anh ngữ để múa may, tuy rằng sử dụng chẳng mấy ăn nhập, nhưng ai biết rằng chính giới truyền thông đã tước mất cơ hội đó của Giang. Sau đó, Giang đã đặc biệt lệnh cho thư ký riêng gọi điện cho “Nhật báo Giải phóng”. Vị thư ký này đã “giáo dục” nhà báo như sau: “Anh cứ viết vào ba chữ Face đi, như thế mới hợp ý Thị trưởng”.

Bắt đầu từ năm 1986, Giang thay mặt Cục tuyên truyền của Thành ủy để mở cuộc họp đối với các tổng biên tập cấp cao các tờ báo lớn ở Thượng Hải. Đó là một hành động chưa hề có tiền lệ của các Thị trưởng, nhưng nó lại trở thành một công việc chủ yếu của Giang. Vào tháng 10 cùng năm, một tòa nhà chính quyền địa phương ở bên sông Hoàng Phố xảy ra hỏa hoạn, uy hiếp đến nhà cửa của hơn trăm hộ dân xung quanh. Sau đó mặc dù đám cháy được dập tắt, nhưng vì sức nước sử dụng quá nhiều khiến cho các ống nước cũ của thành phố tại rất nhiều nơi bị nứt vỡ, trên đường Nam Kinh nước ngập lênh láng. Đài truyền hình Thượng Hải hai lần cử nhân viên đến hiện trường, liên tục đưa tin về sự cố. Giang cảm thấy rằng những tin tức này mà thu hút được sự chú ý của dân chúng thì bộ mặt Thị trưởng của Giang sẽ rất khó coi, do đó vô cùng tức giận, do đó trong buổi họp phòng cháy chữa cháy diễn ra một tuần sau đó, Giang đã trách móc Ban tuyên truyền rằng: “những bản tin như thế này không nên chỉ có nhắc nhở người ta, nên cho người ta biết vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng ở Thượng Hải như thế nào, đồng thời nhìn thấy vấn đề đang được giải quyết từng bước”.

Còn có một lần vào ngày 4 tháng 5 năm 1987, Giang Trạch Dân có buổi họp với đại biểu nhân dân địa phương, Giang biết được gần bên nhà ga mới Thượng Hải có một ống nước rỉ nước ra ngoài đường, đã một năm nay mà chưa có ai ngó ngàng chi cả. Có đại biểu còn viết thư mấy lần cho chính quyền địa phương khu Hạp Bắc, mà chỉ luôn nhận được câu trả lời giống nhau như đúc: “vấn đề đang được giải quyết bởi đơn vị có liên quan”.

Giang Trạch Dân vốn thích chứng tỏ bản thân, nên đã một lần ôm luôn 3 dự án nào là sân bay, bến tàu, lại có cả nhà ga, bởi vì những nơi này là bộ mặt của địa phương. Nhà ga mới bị rỉ nước không chỉ ảnh hưởng đến bộ mặt Thượng Hải, mà còn ảnh hưởng cả bộ mặt của Giang, cho nên Giang đã tìm đến cục Cấp nước địa phương, rồi sau đó hô hét những người ở đó: “Tìm người đến sửa cái ống nước đó cho xong!” Nghe nói ống nước đã được sửa trong ngày.

Mấy tuần sau, Phóng viên Hứa Cẩm Căn của tờ Nhật báo Giải phóng đã hỏi đại biểu nhân dân về vấn đề giải quyết tình trạng ống nước bị nứt, kết quả được biết là chính Giang Trạch Dân giải quyết việc vặt này. Hứa Cẩm Căn nhận thấy Thị trưởng thực ra không cần phải đích thân cúi mình giải quyết việc này, do đó đã viết một bài có tựa đề “Một mặt khác của việc tự mình giải quyết việc nhỏ”, và được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo vào ngày 6 tháng 7 năm 1987. Bài viết có đề cập Giang Trạch Dân chơi trội mà xem nhẹ toàn cục, không giải quyết được căn bản vấn đề: “Cán bộ lãnh đạo tham dự một việc nhỏ như vậy là không bình thường, điều này chỉ khiến cho các cán bộ cấp dưới hình thành một thói quen ỷ lại và tác phong chèo kéo”.

Đương nhiên, Giang đọc được bài viết này rồi thì lửa hận xung thiên. Tuy rằng bài viết không nhắc tới tên Giang, nhưng mũi giáo thì rõ ràng là đang chĩa vào người lãnh đạo tối cao của thành phố. Câu kết của bài viết càng khiến cho Giang tức nhảy đổng lên, trong đó nói: “Trên cả nước có một vài tờ báo không ngớt đưa tin, biểu dương có vài thị trưởng nào đó giải quyết vấn đề giá taxi quá cao, nhưng nếu như cứ tiếp tục loại sự việc như thế này thì còn gì cần đến Cục trưởng Cục quản lý Thị trường và Tổng Giám đốc các công ty taxi?”

Bị người ta nói xéo nói xiên trên tờ báo đảng quyền uy nhất nước, sao mà xong cho được! Giang vào ngày 10 tháng 7 đặc biệt triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của toàn bộ các quan chức cơ cấu tuyên truyền ở Thượng Hải. Nắm đấm của Giang cứ nện trên mặt bàn ầm ầm: “Hứa Cẩm Căn chả biết tí gì về việc quản lý thành phố này cả, tác giả này nhận thấy bản thân mình là giỏi, tôi cho rằng anh ta nên ra khỏi văn phòng nhiều hơn để đi đến các nơi mà xem thử!” Những biên tập viên tờ Giải phóng Nhật báo cứ cúi đầu, gương mặt có chút không được tự tại lắm. Kết quả buổi họp này đã trở thành một diễn đàn để chửi bới Hứa Cẩm Căn và các lãnh đạo của ông ta. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ, ngay sau đó Giang còn tiến hành “chỉnh đốn” đối với các kênh truyền thông có liên quan, một lô lớn các Tổng biên tập, lãnh đạo dám nói sự thật đều bị thiên chuyển. Từ đó về sau, truyền thông Thượng Hải đã không dám phê phán gì đến Giang nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét