Nguồn: Melanie Mayne, “The Origin Of The American Democratic
Party”, TodayIfindout.com, 29/03/2013.
Dù rằng hiện tại Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ có vẻ như
cực kỳ đối lập, nhưng nguồn gốc của hai đảng này thì không như vậy. Thực chất,
cả hai đều bắt nguồn từ một đảng duy nhất, Đảng Dân chủ- Cộng hòa
(Democratic-Republican Party), thành lập năm 1791 bởi James Madison và Thomas
Jefferson. Mục đích của Đảng Dân chủ- Cộng hòa khi ấy là nhằm đối lập với Đảng
Liên bang (Federalist Party) trong những cuộc bầu cử sau đó.
Đảng Dân chủ- Cộng hòa ủng hộ quyền của các tiểu bang, và việc
diễn giải chặt chẽ Hiến pháp theo đúng nghĩa đen. Họ cũng ưu tiên hỗ trợ tài
chính và pháp lý cho nền nông nghiệp dựa trên hộ gia đình. Vì sợ Mỹ sẽ giống với
chế độ quân chủ nước Anh, Đảng Dân chủ- Cộng hòa chống lại giới tinh hoa. Họ
xem thường và sợ hãi những người thuộc Đảng Liên bang, những quý tộc cực kỳ
giàu có, những người muốn tạo ra một ngân hàng liên bang, và đề cao sức mạnh của
chính quyền liên bang chứ không phải là chính quyền tiểu bang.
Đảng Dân chủ-Cộng hòa đã cố gắng ngăn chặn chính quyền Mỹ trở
nên tương tự chế độ quân chủ. Chính nhờ nỗi sợ chế độ quân chủ phổ biến trong
giới công nhân và nông dân, uy tín của đảng này ngày một tăng trong suốt những
năm 1790.
Chiến thắng của Thomas Jefferson trong cuộc bầu cử năm 1801
đã đưa Đảng Dân chủ- Cộng hòa lên nắm quyền. Đến sau Chiến tranh Mỹ – Anh
(1812), Đảng Liên bang mất dần sự ủng hộ và đi tới chỗ giải tán, khiến Đảng Dân
chủ- Cộng hòa không còn bị đảng nào đối lập.
Sang giai đoạn 1815 – 1832, tổ chức của Đảng Dân chủ- Cộng
hòa dần dần trở nên lỏng lẻo. Không còn áp lực cạnh tranh, họ cũng chẳng cần đến
một mặt trận thống nhất. Các bang bắt đầu đề cử đại cử tri của địa phương mình,
những người mang nặng lợi ích cá nhân. Điều này khiến nội bộ đảng bị chia thành
nhiều phe phái. Cụ thể, sự chia rẽ này đã dẫn đến việc thành lập Đảng Dân chủ
hiện đại, cùng với một đảng chính trị khác là Đảng Whig vào năm 1828. Đảng Dân
chủ, lãnh đạo bởi Andrew Jackson và Martin Van Buren, bao gồm thành phần nông
dân, người lao động ở thành thị, và người Công giáo Ireland. Dù Đảng Dân chủ
không thực sự giành được nhiều ủng hộ ở các bang thuộc vùng New England, họ lại
có được sự ủng hộ rộng lớn tại New York, Pennsylvania, Virginia, và các bang miền
Tây.
Lúc bấy giờ, Đảng Dân chủ cực lực phản đối tầng lớp quý tộc,
[việc thành lập] một ngân hàng quốc gia, và các chương trình hiện đại hóa công
nghiệp thay vì nông nghiệp hộ gia đình. Thêm vào đó, họ còn ủng hộ chiến tranh
Mỹ – Mexico và việc mở rộng đất nông nghiệp sang phần lãnh thổ phía Tây. Họ
cũng phản đối luật chống nhập cư và độc quyền.
Dù Đảng Dân chủ nhận được ủng hộ nhiều hơn, Đảng Whig lại tiếp
cận được với tầng lớp giàu có, và nhờ đó mà có thêm tài trợ và ảnh hưởng.
Năm 1848, Ủy ban Quốc gia Dân chủ (Democratic National
Committee) được thành lập tại đại hội đề cử đại cử tri. Tướng Lewis Cass đã
giành được đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân Chủ, nhưng sau
đó ông đã thất bại trước ứng cử viên của Đảng Whig, Tướng Zachary Taylor.
Kết quả của cuộc bầu cử này chịu ảnh hưởng rất lớn của Đảng
Đất Tự do (Free Soil Party) ở New York. Đảng này được thành lập chỉ vì một lý
do duy nhất – phản đối việc mở rộng chế độ nô lệ sang các bang miền Tây. Đảng Đất
Tự do bao gồm các thành viên của cả Đảng Whig và Đảng Dân Chủ, những người chủ
trương rằng những người tự do, sống trên những vùng đất tự do, thì sẽ tiếp tục
sống tự do như vậy. Họ cũng đấu tranh cho quyền lợi của những người tự do ở các
bang Trung Tây và các bang miền Bắc. Chính sự chia rẽ nội bộ này khiến nhiều đảng
viên Dân Chủ bỏ phiếu cho Tướng Taylor thay vì Tướng Cass, dẫn đến sự thất bại
của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 1848.
Năm 1850, các Đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã thông
qua “Thỏa hiệp năm 1850” (Compromise of 1850), gồm hàng loạt các dự luật nhằm
ngăn chặn nội chiến nổ ra xung quanh chế độ nô lệ. Về cơ bản thì Thỏa hiệp này
cấm chế độ nô lệ ở các bang miền Tây; tuy nhiên, nó còn bao gồm một dự luật gọi
là Luật Nô lệ Bỏ trốn (Fugitive Slave Act of 1850), trong đó quy định rằng những
nô lệ bỏ trốn lên các bang miền Bắc sẽ được trả lại cho “chủ” của họ ở miền
Nam.
Sau Thỏa hiệp năm 1850, Đảng Dân chủ dần trở nên nổi tiếng,
trong khi Đảng Whig bắt đầu mất đi sự thống nhất và ngày càng bị chia rẽ về vấn
đề nô lệ và chống nhập cư. Năm 1852, Đảng Whig giải tán khiến phe đối lập trở
nên rất yếu so với Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử cùng năm. Nhờ vậy, ứng viên
Dân chủ Franklin Pierce đã được bầu làm Tổng thống, sau đó là James Buchanan
vào năm 1856. Các Đảng viên Dân chủ chống chế độ nô lệ lần lượt rời bỏ đảng này
và gia nhập nhóm thành viên còn lại của Đảng Whig ở miền Bắc để thành lập Đảng
Cộng hòa vào năm 1854.
Từ năm 1840 đến hết năm 1850, một số Đảng viên Dân Chủ đã bắt
đầu ủng hộ cải cách và hiện đại hóa ngành công nghiệp. Họ lập luận rằng hiện đại
hóa sẽ giúp người nông dân tiếp thị và bán sản phẩm một cách dễ dàng. Dù quan
điểm này có vẻ hoàn toàn khác so với tầm nhìn ban đầu của Đảng Dân Chủ, những
người này cho rằng nó vẫn phù hợp với các mục tiêu ban đầu, vì công nghiệp hóa
sẽ gián tiếp dẫn đến sự thịnh vượng cho người nông dân và người lao động.
Cho tới cuộc bầu cử năm 1860, Đảng Cộng hòa chống chế độ nô
lệ đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Trong suốt cuộc bầu cử, Đảng Cộng hòa chỉ tập
trung vào vấn đề nô lệ. Họ cho rằng các chủ nô và những người ủng hộ chế độ nô
lệ đã khống chế chính phủ, và rằng các Đảng viên Dân chủ ủng hộ chế độ nô lệ đã
bỏ phiếu chống lại tiến bộ tự do. Thông điệp cực kỳ mạnh mẽ này đã dẫn đến chiến
thắng của ứng viên Cộng hòa Abraham Lincoln vào năm 1860, vị Tổng thống Cộng
hòa đầu tiên.
Sau khi nội chiến bùng nổ, các Đảng viên Dân chủ ở miền Bắc
bị chia làm hai: phe chủ chiến (War Democrats), những người ủng hộ chính sách
quân sự của Lincoln, và phe chủ hòa (gọi là Copperheads, hay Mãng xà) phản đối
chính sách chiến tranh (với các bang miền Nam).
Để tránh các xung đột làm ảnh hưởng đến sự thống nhất trong
suốt cuộc nội chiến, chính trị đảng phái không được cho phép tồn tại ở các bang
li khai miền Nam (Liên minh miền Nam Hoa Kỳ – Confederacy). Các nhà cầm quyền
Liên minh cho rằng các đảng chính trị sẽ ảnh hưởng xấu đến việc quản lý, nên họ
tránh sự chia rẽ chính trị càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung, phần lớn đảng viên Dân chủ miền Bắc ủng hộ
Lincoln trong suốt cuộc chiến; tuy nhiên, sự ủng hộ của Đảng Dân chủ bắt đầu giảm
xuống sau hai sự kiện quan trọng. Khoảng năm 1862, xu hướng chống chiến tranh
vì hòa bình ngày càng mạnh trong Đảng Dân chủ. Phe chủ hòa (Copperheads) mong
muốn kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Sang năm 1864, Đảng Dân chủ tiếp tục
thua trong cuộc bầu cử, sau khi ứng viên George McClellan đề ra chương trình
tranh cử trên nền tảng hòa bình bất chấp việc phần lớn phe chủ chiến (thuộc Đảng
Dân chủ) vẫn ủng hộ Lincoln.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1866, Đảng Cộng hòa cấp tiến
đã giành đủ số ghế để chiếm đa số 2/3 trong cả hai viện. Đảng Cộng hòa về cơ bản
đã kiểm soát tất cả các chính sách tái thiết vì Đảng Dân chủ chỉ có rất ít phiếu.
Để đối phó với tình trạng bất lực chính trị này, Đảng Dân chủ đã đề ra chủ
trương “Khởi đầu mới” (New Departure) với mục đích là giảm nhẹ vai trò cuộc nội
chiến, cố gắng tách mình ra khỏi lập trường ủng hộ chế độ nô lệ.
Dù các Đảng viên Dân chủ muốn tách mình khỏi lập trường ủng
hộ chế độ nô lệ, họ vẫn nhận được sự ủng hộ từ các cử tri da trắng miền Nam, những
người chống đối Đảng Cộng hòa vì cuộc nội chiến. Năm 1873, nước Mỹ rơi vào suy
thoái kinh tế. Điều này giúp Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện năm
1874, nhưng họ không thắng được cuộc bầu cử tổng thống nào mãi cho đến khi
Grover Cleveland đắc cử năm 1884.
Tổng thống Cleveland là lãnh đạo của một phe trong Đảng Dân
chủ gọi là phe Bourbon. Phe này phản đối việc sáp nhập Hawaii, chế độ lưỡng kim
(bimetallism, tức sử dụng cả vàng và bạc làm tiền tệ), sự tham nhũng của các thị
trưởng thành phố, chủ nghĩa đế quốc, và việc Mỹ bành trướng ở nước ngoài. Họ đấu
tranh và ủng hộ ngành ngân hàng, xây dựng đường sắt, Cải cách Công chức (Civil
Service Reform), và chủ nghĩa tư bản tự do (laissez-faire capitalism).
Cuộc khủng hoảng năm 1893 (Panic of 1893) diễn ra do sự sụp
đổ của ngành đường sắt, xây dựng quá nhiều nhưng lại thiếu kinh phí. Và vì phe
Dân chủ Bourbon đã thúc đẩy xây dựng đường sắt, họ bị đổ lỗi cho chuyện này.
Năm 1894, Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Một yếu tố khác góp phần vào sự tiến hóa của Đảng Dân chủ là
yếu tố tôn giáo. Đảng Cộng hòa miền Bắc chủ yếu là những người theo Giáo hội
Trưởng nhiệm (Presbyterian), Phong trào Giám lý (Methodist), và Công lý hội
(Congregation), trong khi hầu hết các Đảng viên Dân chủ là người Công giáo, Anh
giáo, và người gốc Đức theo Giáo hội Luther. Do chia rẽ sâu sắc như vậy nên các
vấn đề như các luật cấm rất khó giải quyết. Tương tự như bầu không khí chính trị
ngày nay, khi ấy Đảng Cộng hòa cho rằng chính phủ nên can thiệp vào các vấn đề
đạo đức (như uống rượu chẳng hạn) để bảo vệ công dân khỏi tội lỗi, trong khi Đảng
Dân chủ cho rằng chính phủ không được phép đưa ra các đạo luật can thiệp vào
tôn giáo hay đạo đức.
Trong thế kỷ tiếp theo, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa bắt đầu
trở thành hệ thống hai Đảng phân cực như hiện nay. Mặc dù một số tính chất của
hai đảng (chẳng hạn như lập trường đạo đức nói chung và địa vị kinh tế xã hội)
có thể được truy trở lại nguồn gốc ra đời của mỗi bên, nhưng những đặc điểm
khác (như quan điểm kinh tế và lập trường về quyền lực của chính phủ) đã thay đổi
đáng kể. Trong một số trường hợp, hai bên còn đảo ngược hoàn toàn chính sách.
Mặc cho căng thẳng ngày càng dâng cao giữa Đảng Dân chủ và Đảng
Cộng hòa, điều quan trọng cần nhớ là cả hai đều bắt nguồn từ một đảng chính trị,
và do đó, chia sẻ cùng một mục đích là tạo ra một chính phủ do dân và vì dân.
- See more at:
http://nghiencuuquocte.org/2015/12/07/nguon-goc-dang-dan-chu-cong-hoa-hoa-ky/#more-12434
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét