Trần Gia Phụng
Cuộc tổng tấn công của CS nhân dịp Tết Mậu Thân (1968) diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), từ Quảng Trị đến Bạc Liêu, sớm nhất tại Quảng Nam và Nha Trang, vào đêm giao thừa ở Nam Việt Nam (NVN) tức đêm 29 rạng 30-1-1968, và rút lui trễ nhất tại Huế vào ngày 25-2-1968. Như vậy cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS diễn ra trong gần một tháng. Trong suốt tháng nầy, CS tấn công 44 địa điểm tại các thị trấn, tỉnh lỵ và thành phố trên toàn miền Nam Việt Nam.
1.- Vùng I chiến thuật
Vùng I Chiến thuật (CT) gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, thành phố Đà
Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi. Cuộc chiến tại Quảng trị và
Thừa Thiên sẽ trình bày sau.
Tại tỉnh Quảng Nam, vào khoảng giao thừa, tức tối 29 rạng 30-1-1968, CS
pháo kích trại định cư Trà Kiệu ở phía nam thành phố Đà Nẵng khoảng 30
cây số, bắn vào phi trường Non Nước (một phi trường quân sự nhỏ gần Ngũ
Hành Sơn, và Đà Nẵng, bên sông Hàn) và bắn vào phi trường Đà Nẵng.
Sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), CS đột nhập bộ Tư lệnh QĐ I ở Đà
Nẵng. Các đợt tấn công nầy đều bị đẩy lui. Cộng sản xách động dân chúng
tập họp trước chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (đường Ông Ích Khiêm) để
biểu tình, liền bị dẹp yên.
Cũng sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết, CS tấn công thị xã Hội An, nhưng quân
VNCH được các đại đội Đại Hàn và Hoa Kỳ trợ lực, đến giải tỏa ngay.
Cũng trong ngày mồng 1 Tết, cộng quân pháo kích vào bộ chỉ huy Trung
đoàn 51 Bộ Binh ở gần Vĩnh Điện trên quốc lộ 1, giữa Đà Nẵng và Hội An,
và tối hôm đó, CS tấn công tiền đồn quân lực VNCH trên đèo Hải Vân
(thuộc quận Hòa Vang, Quảng Nam), nhưng bị đẩy lui.
Tại tỉnh Quảng Tín, trước đây là phần phía Nam của tỉnh Quảng Nam tách
ra, từ 4 giờ sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), cộng quân đồng loạt pháo kích
các đơn vị quân sự, hành chánh tỉnh lỵ Tam Kỳ và vùng phụ cận, tung 4
tiểu đoàn từ nhiều mặt tấn công Tòa hành chánh và Tiểu khu Quảng Tín,
nhưng thất bại trong ngày hôm đó.
Quảng Ngãi là nơi đóng bản doanh bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh thuộc Quân
đoàn I. Được tin quân CS tấn công các nơi khác vào sáng mồng 1 Tết
(30-1-1968), nên Sư đoàn 2 BB chuẩn bị phòng thủ cẩn thận. Lúc 4 giờ
sáng mồng 2 Tết (1-2-1968), CS bắt đầu pháo kích, rồi xung phong tấn
công các cứ điểm hành chánh và quân sự Quảng Ngãi. Sư đoàn 2 BB sử dụng
thiết vận xa đẩy lui các đợt tấn công của CS. Tuy nhiên, bộ đội CS xâm
nhập được vào lao xá, thả trên 500 tù nhân. Gần sáng, phi cơ can thiệp
kịp thời, quân CS phải rút lui.
2.- Vùng II chiến thuật
Vùng II CT gồm các tỉnh duyên hải Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh
Thuận, Bình Thuận và các tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn,
Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức (Đà Lạt), Lâm Đồng.
Tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là nơi chính quyền VNCH bắt được
10 cán bộ CS ngày 29-1-1968 (30 tháng Chạp đinh mùi) trong đó có một
tỉnh ủy viên CS cùng nhiều tài liệu quan trọng báo hiệu CS sẽ tổng tấn
công trong dịp Tết.
Sáng hôm sau (30-1-1968 tức mồng 1 Tết) khoảng sau 4 giờ, quân CS tấn
công Khu 22 An ninh Quân đội, giải thoát những người bị bắt, chiếm ty
Thông tin và Đài phát thanh Quy Nhơn. Tiểu khu Bình Định phối hợp cùng
Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Hàn) phản công và ngày 3-2-1968, quân CS hoàn toàn
rút khỏi thị xã Quy Nhơn.
Đêm mồng 1 Tết, quân CS pháo kích và sau đó tấn công thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhưng bị đẩy lui trong ngày mồng 2 Tết.
Tại Nha Trang, hơn nửa giờ sau giao thừa (qua sáng 30-1-1968), quân CS
pháo kích vào Trường Hải Quân, nhưng bị máy bay Không đoàn 62 chận đứng.
Đến 2 giờ sáng, CS tấn công cùng một lúc vào Đài phát thanh, Tiểu khu
và Tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận, và Tiểu đoàn
Truyền tin 651.
Bộ đội cộng sản không tấn công vào bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt đặt tại
Nha Trang. Tư lệnh LLĐB là chỉ huy trưởng Yếu khu kiêm quân trấn trưởng
Nha Trang, nắm vững tình hình, và tổ chức phản công hữu hiệu. Tối mồng 2
Tết (31-1-1968), sau một cuộc ác chiến, CS rút lui. Hai bên đều thiệt
hại nặng. Quân VNCH và Đồng minh tiếp tục tảo thanh vùng phụ cận Nha
Trang.
Phía nam tỉnh Khánh Hòa là tỉnh Ninh Thuận, hoàn toàn vô sự trong Tết
Mậu Thân. Thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ tỉnh Bình Thuận, bị tấn công nhiều
đợt. Quân CS tấn công đợt đầu từ mồng 1 (30-1-1968) đến mồng 7 Tết
(5-2-1968). Đợt thứ hai, quân CS tấn công tối 17 rạng 18-2 và bị đẩy lui
ngày 20-2. Sau đó, CS còn tấn công Phan Thiết hai lần, nhưng cuối cùng
hoàn toàn bị đẩy lui ngày 12-3-1968.
Dãy Trường Sơn và cao nguyên Nam Trung phần với rừng núi bạt ngàn là nơi
CS hoạt động mạnh mẽ. Lực lượng VNCH và Hoa Kỳ đóng quân ở một số thị
trấn trên các cao nguyên.
Tại tỉnh Kontum, bộ đội CS tấn công thành phố Kontum bốn lần: Rạng sáng
mồng 1, tối mồng 1, rạng sáng mồng 3 và rạng sáng mồng 4. Qua ngày mồng
5, CS rút lui.
Tại thị trấn Tân Cảnh, phía bắc và cách Kontum 50 km trên quốc lộ 14, CS
tấn công từ 2 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), nhưng bị đẩy lui ngay
trong ngày mồng 1.
Pleiku, nơi Quân đoàn II VNCH đóng bản doanh, giữ một vị trí chiến lược
quan trọng. Pleiku nằm về phía nam Kontum trên quốc lộ 14, và phía bắc
Ban Mê Thuột cũng trên quốc lộ 14. Nếu theo quốc lộ 19 về phía đông là
Quy Nhơn và theo quốc lộ 7-B về đông nam là Phú Bổn (Cheo Reo), Củng
Sơn, Tuy Hòa.
Một tiểu đoàn CS tấn công Pleiku vào ban ngày, lúc 9G. sáng mồng 1 Tết,
nên bị Thiết giáp VNCH loại ngay trong ngày. Sáng mồng 4 Tết, hai trung
đoàn CS tấn công Pleiku lần thứ hai, bị phi cơ VNCH và Mỹ đánh đuổi cũng
ngay trong ngày. Quân cộng sản thất bại nặng tại Pleiku, phải rút lui.
Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ tỉnh Darlac. Darlac nằm về phía nam của Pleiku
và Phú Bổn, phía bắc của Quảng Đức và Tuyên Đức. Khoảng 1G.35 sáng mồng 1
Tết, CS tung khoảng 3,500 quân tấn công cùng một lúc các căn cứ quân sự
và cơ sở hành chánh Ban Mê Thuột, nhưng bị quân đội VNCH chận đứng.
Cộng sản tiếp tục xâm nhập trong ngày mồng 2, nhưng cuối cùng phải rút
lui hoàn toàn vào ngày mồng 6 Tết. Thiệt hại hai bên tại đây: CS 924
chết, 143 bị bắt trong khi VNCH 148 chết, 22 mất tích.
Lực lượng CS tấn công thành phố du lịch Đà Lạt, tỉnh lỵ của tỉnh Tuyên
Đức khá trễ, vào lúc 1G.45 sáng mồng 4 Tết (2-2-1968), chiếm Biệt điện
(Bảo Đại), Đài phát tuyến, Khu chợ Hòa Bình. Ngày 9-2-1968, Liên đoàn 2
Biệt Động Quân được gởi tới Đà Lạt, nhanh chóng giải tỏa Đà Lạt. Các thị
trấn thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Phú Bổn và Quảng Đức không bị tấn công.
3.- Vùng III chiến thuật
Cuộc chiến tại thủ đô Sài Gòn sẽ trình bày sau. Có lẽ để hỗ trợ cho cuộc
tấn công Sài Gòn, cộng quân đưa hai trung đoàn đánh ba cứ điểm quan
trọng ở Biên Hòa: phi trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn III - Vùng III Chiến
thuật, và trại Frenzel Jones (tức căn cứ Long Bình, tổng kho hậu cần của
quân đội Mỹ).
Trận đánh bắt đầu lúc 3 G. sáng mồng 2 Tết (31-1-1968). Quân CS pháo
kích rồi vượt rào kẽm gai, tràn vào phi trường Biên Hòa. Trực thăng VNCH
phản công; quân CS rút lui.
Đồng thời với cuộc tấn công phi trường Biên Hòa, quân CS tấn công Bộ chỉ
huy QĐ III, nhưng bị kháng cự mạnh mẽ, phải bỏ trốn vào nhà dân.
Bộ đội CS còn tấn công trại Frenzel Jones (căn cứ Long Bình) thuộc Lữ
đoàn 199 Mỹ, nhằm hỗ trợ cho toán đặc công lẽn vào phá hủy kho đạn khổng
lồ nầy. Tuy nhiên, toán đặc công CS bị phát giác. Phi cơ và chiến xa
nhanh chóng đẩy lui cuộc tấn công của CS.
Ngày hôm sau, mồng 3 Tết (1-2-1968), liên quân Việt Mỹ mở cuộc tảo thanh
chung quanh thành phố Biên Hòa, ổn định tình hình. Tổng kết, CS tử
thương 527 người và 40 bị bắt. (Khối Quân Sử Phòng 5 Bộ Tổng Than Mưu,
Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, Sài
Gòn: 1968, tr. 340.)
Bộ đội CS còn tấn công một vài địa điểm gần Biên Hòa trong dịp Tết như
Xuân Lộc thuộc Long Khánh (Bộ tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh), Tân Uyên
thuộc Bình Dương và tấn công lực lượng Úc ở Bà Rịa. Trễ hơn, cộng sản
đánh Tây Ninh ngày 6-2-1968 và Long An ngày 8-2-1968.
4.- Vùng IV chiến thuật
Vùng IV Chiến Thuật gồm 14 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong dịp
Tết Mậu Thân, CS tấn công mạnh ở ba tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre), Vĩnh Long
và Phong Dinh (Cần Thơ).
Tại Kiến Hòa, quân CS đột nhập vào thành phố Bến Tre rạng sáng mồng 3
Tết (1-2-1968), bao vây các khu quân sự và chiếm các khu dân sự. Sau đó,
khoảng 4G. sáng, CS pháo kích vào Tòa hành chánh tỉnh, Bộ chỉ huy Trung
đoàn 10/SĐ 7 BB và vị trí pháo binh ở Sân vận động. Trong ngày mồng 3,
các cứ điểm quân sự đã đẩy lui CS nhanh chóng. Do việc CS chiếm nhà dân
để chiến đấu, tử thủ trong khu dân sự, nên khi liên quân Việt Mỹ tảo
thanh CS, 90 thường dân bị chết, và 50% nhà cửa dân chúng bị hư hại
nặng.(Cuộc tổng công kích..., tr. 344.)
Cộng sản trốn trong khu dân sự, vì vậy việc đánh nhau diễn ra trong khu
dân sự. Đáng lẽ phải kết án hành động của CS cố tình lấy dân làm bia đỡ
đạn, trong buổi thuyết giảng ngày 25-9-2001 tại nhà thờ Riverside
Church, New York, trước một cử tọa đông đảo cả ngàn người Mỹ, sư Nhất
Hạnh lại nói rằng Không quân Hoa Kỳ đã thả bom tiêu diệt 300,000 ngôi
nhà tại Bến Tre. (Nguyên văn: "When we learned of the bombing of the
Bentre village in Vietnam, where 300,000 homes were destroyed ...”)
(Nhật báo Người Việt, Orange County, California, ngày 16-10-2001.) Lúc
đó, dân số thành phố Bến Tre khoảng 80,000 người. Không biết thầy Nhất
Hạnh lấy ở đâu ra con số 300,000 ngôi nhà? Việc thầy Nhất Hạnh nói không
đúng sự thật ảnh hưởng rất tai hại với người Tây phương. Ví dụ: Báo
Maclean's, Canada, số ngày 24-9-2012, tr. 28, đăng bài “Trudeau's Big
Leap”, tác giả Peter Newman viết rằng để cứu tỉnh Bến Tre, Mỹ đã phải
“destroyed it to save it”. Đây là kết quả nguồn tin sai lạc từ thầy Nhất
Hạnh.
Cộng sản sử dụng ba tiểu đoàn tấn công Vĩnh Long hai lần vào đầu năm Mậu
Thân. Lần đầu lúc 3G. sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), CS đánh khám đường
(để giải thoát tù binh), Tòa hành chánh tỉnh, phi trường và khu vực Bến
Đá - Nhà lồng chợ. Cộng sản bị đẩy lui và thiệt hại nhiều, nhất là tại
phi trường. Riêng tại khu vực khám đường và Nhà lồng chợ, CS trốn trong
dân chúng, mãi đến mồng 6 Tết (4-2-1968) mới bị đẩy lui hoàn toàn. Nhà
lồng chợ bị CS đốt cháy. Mười ngày sau (14-2-1968), CS trở lui tấn công
Vĩnh Long lần thứ hai và bị đánh đuổi hoàn toàn ngày 17-2-1968.
Thủ phủ của Vùng IV CT và là tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh là Cần Thơ. Lúc 3G.
sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), tiểu đoàn Tây Đô 303 CS tấn công Bộ tư
lệnh QĐ IV (gần trường Trung học Phan Thanh Giản) và trại Truyền tin QĐ.
Trong khi đó, tiểu đoàn U Minh CS tấn công Đài phát thanh, khu Đại
học.
Trong ngày mồng 2 Tết, hai bên đánh nhau giành từng căn nhà. Đêm mồng 2,
CS tạm thời rút quân. Ngày mồng 6 Tết (4-2-1968), CS tái xuất hiện,
chiếm khu Đại học. Phi cơ oanh kích gây thiệt hại nặng cho khu vực nầy.
Cuộc giải tỏa ở Cần Thơ cho đến tháng 4-1968 mới chấm dứt.
Kết luận
Tuy CS lợi dụng dịp hưu chiến nhân lễ Tết cổ truyền của dân tộc, bất ngờ
mở cuộc tấn công trên một mặt trận rộng lớn, nhưng Quân đội VNCH khắp
nước đã phản ứng kịp thời và có nơi được quân đội Đồng minh giúp đỡ, đã
đẩy lui nhanh chóng các lực lượng CS. Có hai nơi chiến trận kéo dài và
gây thiệt hại nặng là Sài Gòn và Huế. (Còn tiếp bài 4: Cuộc chiến ở Sài
Gòn.)
(Toronto, 20-3-2016)
http://danlambaovn.blogspot.fr/2016/03/cuoc-chien-mau-than-tren-toan-lanh-tho.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét