Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

'Không ngạc nhiên khi Thủ tướng Dũng nghỉ'




Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn ở ghế thủ tướng khi Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm vào tháng Năm

Một nhà nghiên cứu Việt Nam từ Hoa Kỳ nói ông không ngạc nhiên khi đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được chọn để tiếp tục ở lại trong guồng máy chính trị tại Hà Nội.

Ông Paul Schuler, đang dạy ở Đại học Arizona, là đồng tác giả của một bài báo hồi tháng Giêng năm 2016, trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản. Bài viết khi đó dự đoán những ủng hộ trước đây cho ông Dũng không chắc đã đồng nghĩa với việc ủng hộ ông vào vị trí tổng bí thư.

Ông giải thích thêm trong trả lời điện thư với BBC:

Paul Schuler: Lịch sử Việt Nam gần đây cho thấy các ứng viên không thể chiến thắng nếu không có sự ủng hộ từ Ban chấp hành Trung ương. Lẽ tự nhiên là Ban chấp hành Trung ương sẽ không muốn chọn một người sành sỏi chính trị như ông Dũng làm lãnh đạo. Một tổng bí thư mạnh và tham vọng sẽ dẫn tới một Ban chấp hành Trung ương ít ảnh hưởng hơn. Đây là điều Ban chấp hành Trung ương muốn tránh, ngoại trừ có lý do gì cấp bách.

BBC: Nhưng Hội nghị Trung ương 10 tháng Giêng 2015 lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị. Khi đó tin đồn đoán nói ông Dũng được phiếu cao nhất. Và hôm 26/3 khi chia tay chính phủ, ông Dũng có nói “Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm dành tỷ lệ tín nhiệm cao nhất với tôi”. Nếu ý ông Dũng ám chỉ cuộc bỏ phiếu 2015, nó chứng tỏ ông vẫn được sự ủng hộ cao của Trung ương Đảng?

Về việc bỏ phiếu trong năm 2015 có hai điều cần để ý. Trước hết giả dụ kết quả được đưa ra là chính xác thì nó cũng không rõ ràng lắm. Dù ông Dũng có nhiều phiếu "tín nhiệm cao" nhất, số phiếu "tín nhiệm thấp" của ông gần ngang bằng với số phiếu tín nhiệm thấp của ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Thực tế là không có ủy viên Bộ Chính trị nào có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn 30% và như thế Ban chấp hành Trung ương đã ủng hộ toàn bộ Bộ Chính trị. Dĩ nhiên số phiếu tín nhiệm cao của ông Dũng là đáng chú ý.

Tuy nhiên điều thứ hai cần để ý là cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng Giêng năm 2015, khoảng một năm trước Đại hội Đảng. Do khoảng cách này nên khó biết liệu Ban Chấp hành Trung ương có nhất thiết bỏ phiếu cho ứng viên tổng bí thư hay không. Có thể các ủy viên bỏ phiếu theo tinh thần chiến dịch phê và tự phê hồi năm 2012. Như vậy việc bỏ phiếu cho ông Dũng đơn giản chỉ cho thấy việc tiếp tục không muốn kỷ luật ông thay vì bỏ phiếu để ông thăng tiến.

BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bác bỏ có sự chia rẽ trong đảng, nhưng đa số giới phân tích cho rằng có bất đồng thực sự giữa ông Dũng và những người ủng hộ ông, với phần còn lại. Ông có cho rằng nhóm của ông Dũng đã thua tại Đại hội 12?

Khó mà biết chắc chắn những ai ủng hộ ông Dũng và lý do của họ. Thiếu điều này thì mọi đánh giá về chuyện ai được, ai thua chỉ là đồn đoán. Người thắng cuộc rõ ràng nhất chính là Ban chấp hành Trung ương vì họ đã giữ được sự tự chủ. Điều này cũng đồng nghĩa với sự tự chủ của các lãnh đạo tỉnh vốn chiếm tỷ trọng lớn trong Ban chấp hành Trung ương.



Không ít nhà phân tích cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng muốn thành tổng bí thư nhưng bất thành

BBC: Việc ông Dũng không còn trên chính trường có ảnh hưởng lớn không đến sự phát triển của Việt Nam, theo ông?

Marx từng nói khả năng tạo ra lịch sử của các nhà lãnh đạo bị hoàn cảnh trói buộc. Theo nghĩa này, tôi cho rằng hoàn cảnh sẽ hạn chế quyền hành của bất cứ ai lên nắm quyền.

Trước khi Đại hội diễn ra, Ban chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu tiếp tục theo đuổi TPP. Điều này cùng với vài chuyến thăm Hoa Kỳ của một số ủy viên Bộ Chính trị trong năm ngoái cho thấy có sự đồng thuận vượt qua ý thức hệ trong Ban chấp hành Trung ương về việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cũng như chuyện cải cách chính trị mà mối quan hệ gần gũi hơn này sẽ mang lại.

Không một ai lên cầm quyền lại có thể phá vỡ đồng thuận này. Dấu ấn cá nhân của tổng bí thư hay thủ tướng sẽ dễ thấy hơn ở những lĩnh vực ít được nói tới nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là cải thiện năng lực đào tạo doanh nhân, cải tạo hệ thống giáo dục và cải thiện dịch vụ công. Hiện chưa rõ các lãnh đạo mới có những sáng kiến nào trong các lĩnh vực này hay không.

Thật không may là xu hướng trừng trị những người vận động tranh cử rõ rệt của Đảng khiến chúng ta khó biết chắc chắn các lãnh đạo mới nói gì về các vấn đề này.
BBC: Ông có nghĩ rằng đa số phân tích trước Đại hội 12 đã sai?

Sẽ không công bằng khi nói các nhà phân tích đã sai. Phân tích các hệ thống chính trị như Điện Kremlin hay các chế độ độc đảng là khoa học không hoàn hảo và cũng đầy khó khăn mà lại khó tránh khỏi.

Một lý do người ta đưa ra để giải thích chuyện ông Dũng sẽ chiến thắng, điều mà tôi luôn nghi ngờ, là sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương đối với ông Dũng hồi năm 2012 sẽ khiến ông có được sự ủng hộ trước thềm Đại hội.

Hoàn cảnh của năm 2012 và 2016 là hoàn toàn khác nhau. Quyết định của Ban chấp hành Trung ương không kỷ luật ông Dũng hồi năm 2012 giữ được sự cân bằng quyền lực trong Bộ Chính trị trong khi bỏ phiếu cho ông vào năm 2016 sẽ dẫn tới việc tập trung quyền lực.

Riêng đối với tôi cuộc bỏ phiếu hồi năm 2012 khiến tôi dự đoán ông Dũng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn những gì các nhà phân tích dự đoán.


Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét