Sau khủng hoảng Thiên An Môn (tháng 6, 1989), nhiều nhà quan
sát cho rằng sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) sẽ sụp đổ. Thế
nhưng, chế độ này lại đưa lạm phát xuống tầm kiểm soát, phục hồi tăng trưởng
kinh tế, mở rộng ngoại thương và thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài. Trung Quốc cũng phục hồi quan hệ với các nước G7 trước đây từng áp
đặt cấm vận lên nước này, tái khởi động các cuộc họp thượng đỉnh với Hoa Kì,
làm chủ quá trình trao trả Hong Kong và giành quyền đăng cai Thế Vận Hội 2008 tại
Bắc Kinh. Nhà nước Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt giam hoặc trục xuất các nhà hoạt
động chính trị chống đối, đập tan Đảng Dân chủ Trung Quốc mới nổi và dường như
đã đàn áp thành công phong trào tôn giáo Pháp Luân Công.
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc và các học giả nghiên cứu dân
chủ, bao gồm cả tôi, trông đợi sự sụp đổ của chế độ này trong “Làn sóng dân chủ
hóa thứ 3”.[1] Thế nhưng, chế độ này đã tự củng cố. Lý thuyết về các chế độ cầm
quyền (regime theory) cho rằng các chế độ chuyên chế tự thân chúng đã yếu ớt vì
tính chính danh (legitimacy) kém, dựa quá nhiều vào áp bức, tập quyền quá độ,
và để cho quyền lực cá nhân áp đảo các chuẩn mực thể chế. Tuy nhiên, hệ thống
chuyên chế của Trung Quốc lại đã chứng minh được sự dẻo dai của mình.[2]
Nguồn gốc của sự dẻo dai này vô cùng phức tạp. Nhiều nguyên
nhân có thể được tóm gọn trong khái niệm “thể chế hoá” (institutionalization).
Khái niệm này có thể hiểu theo nghĩa hiện đại như là việc các hành vi của con
người bị hạn chế bởi các quy tắc chính thức hoặc không chính thức, hoặc có thể
hiểu theo nghĩa cũ hơn được Samuel Huntington[3] gọi là tổng hợp các đặc điểm
bao gồm tính thích nghi, tính tinh vi, tính tự trị và tính gắn kết của các tổ
chức nhà nước. Bài viết này tập trung vào bốn phương diện chính của quá trình
thể chế hoá trong chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc: 1) Quá trình chuyển giao
quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo ngày càng dựa trên các chuẩn tắc; 2) Việc đề
bạt tầng lớp tinh hoa chính trị ngày càng dựa trên thành tích hơn là quan hệ bè
phái; 3) Sự phân công và chuyên môn hoá về chức năng của của các thể chế trong
bộ máy nhà nước; và 4) Sự thành lập các thể chế nhằm gia tăng sự tham gia chính
trị và tính hấp dẫn đối với quần chúng nhằm giúp củng cố tính chính danh của Đảng
Cộng sản Trung Quốc trong toàn dân. Mặc dù những diễn biến trên không đảm bảo rằng
chế độ này sẽ giải quyết được hết các khó khăn gặp phải, chúng cho thấy chúng
ta cần cẩn trọng trước các lập luận vội vàng cho rằng chế độ này không thể
thích nghi và tồn tại.
Chuyển giao quyền lực dựa trên các chuẩn tắc
Khi bài viết này được công bố, chính quyền Trung Quốc đang
chứng minh sự ổn định hệ thống của mình: sự chuyển giao quyền lực hoà bình, trật
tự từ thế hệ lãnh đạo thứ ba, đứng đầu là Giang Trạch Dân, sang thế hệ thứ tư,
đứng đầu là Hồ Cẩm Đào. Rất ít các chế độ chuyên chế (dù là cộng sản, phát-xít,
tập đoàn hay cá nhân) có thể thực hiện được việc chuyển giao quyền lực một cách
hoà bình, trật tự, ổn định và kịp thời như vậy. Trong đa số các trường hợp,
giai đoạn chuyển giao thường diễn ra trong khủng hoảng, trước hoặc sau lịch
trình định sẵn, đi kèm là các vụ bắt bớ, thanh trừng, chia bè kéo phái, thỉnh
thoảng là bạo động và vũ lực, tạo cơ hội cho sự xâm nhập hỗn loạn của quần
chúng hoặc quân đội vào các quá trình chính trị. Sự thành công trong quá trình
chuyển giao lãnh đạo của Trung Quốc thể hiện mức độ thể chế hoá chưa từng thấy
trong lịch sử của các chế độ chuyên chế lẫn lịch sử Cộng hoà Nhân dân Trung
Hoa. Đây là sự kế thừa hoà bình, ổn định, trật tự, có mục đích và hợp pháp nhất
trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, nếu không tính đến sự phát triển của nền dân
chủ đại diện (electoral democracy) gần đây ở Đài Loan.[4]
Tổng bí thư mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người
được bầu trong đại hội toàn quốc lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức
vào tháng 11 năm 2002 đã được xem là người kế vị từ 10 trước. Bốn trong số tám
vị trí chủ chốt (Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo, Tăng Khánh Hồng và La Cán) đã được
chọn sẵn từ 2 đến 3 năm trước. Bốn vị trí còn lại trong Thường vụ Bộ Chính trị
đơn giản cũng được đề bạt từ số các thành viên Bộ Chính trị khóa trước. Trừ khi
có khủng hoảng, quá trình chuyển giao này kết thúc trong ổn định vào tháng 3
năm 2003 khi Hồ Cẩm Đào được bầu làm Chủ tịch nước và Bí thư Quân uỷ Trung
ương, Ngô Bang Quốc trở thành Chủ tịch Quốc hội và Ôn Gia Bảo trở thành Thủ tướng.
Các nhà lãnh đạo mãn nhiệm như Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, Chủ tịch Quốc hội
Lí Bằng và thủ tướng Chu Dung Cơ rời khỏi các chức vụ trong Đảng vào mùa Thu,
và không còn đóng vai trò trực tiếp nào nữa về chính trị.
Cần phải nhìn lại quá trình lịch sử ta mới có thể thấy sự
chuyển giao này là một sự thành công và tiến bộ lớn. Trong những năm Mao Trạch
Đông tại vị, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc hội ít khi tổ chức họp, và nếu có
cũng thường không theo đúng lịch cụ thể. Chúng ta cũng không thấy nhiệm kì cụ
thể hay hạn chế tuổi tác cho vị trí “lãnh đạo tối cao”: Mao Trạch Đông và Đặng
Tiểu Bình đều giữ quyền lực tối cao cho đến cuối đời. Ta cũng không thấy sự kế
thừa quyền lực một cách trật tự của người kế nhiệm: Mao Trạch Đông thanh trừng
chủ tịch nước Lưu Thiếu Kì bằng cách cho Hồng Vệ Binh cầm tù ông cho đến lúc chết.
Người được chỉ định thừa kế chính thức Mao Trạch Đông là Lâm Bưu, bị cho là tìm
cách tiếm quyền Mao, sau khi bị phát hiện đã chết trong một vụ rơi máy bay khi
đang đào thoát. Mao Trạch Đông sau đó bổ nhiệm Hoa Quốc Phong làm người thừa kế
đơn giản bằng cách nói rằng Hoa Quốc Phong là “lựa chọn” của mình. Theo lệnh của
Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong bị cách chức trước khi mãn nhiệm. Đặng Tiểu Bình
cũng loại trừ chính hai người kế tục mà mình lựa chọn, đó là Hồ Diệu Bang và
Triệu Tử Dương. Đặng Tiểu Bình cùng những nhà lãnh đạo lão thành khác vượt mặt
Bộ Chính trị vào năm 1989 khi đặt Giang Trạch Dân vào vị trí kế nhiệm lãnh đạo
Đảng.
Nếu đem so sánh với những tiền lệ trong quá khứ, ta có thể
thấy sự kế thừa chính trị gần đây mang nhiều điểm mới, biểu thị sự thể chế hoá:
Giang Trạch Dân hoàn thành hết toàn bộ các nhiệm kỳ của
mình: Ông được bầu vào vị trí Tổng Bí thư năm 1989, tái đắc cử vào các năm 1992
và 1997, phục vụ tổng cộng hai nhiệm kỳ rưỡi (Giang Trạch Dân cũng lên giữ chức
Chủ tịch Quân uỷ Trung ương vào năm 1989 và Chủ tịch nước vào năm 1992). Người
đỡ đầu cho Giang Trạch Dân không loại bỏ ông (mặc dù Đặng Tiểu Bình từng có ý định
này vào năm 1992). Giang Trạch Dân lên chức Tổng Bí thư qua mặt Lí Bằng và Lý
Thuỵ Hoàn, nhưng hai vị này, dù có những xích mích với Giang Trạch Dân, đã
không tìm cách thay thế ông. Để củng cố quyền lực, Giang sắp xếp loại bỏ quyền
lực của Dương Thượng Côn (1992) và Kiều Thạch (1997), nhưng cả 2 người này cũng
không tìm cách truất quyền của Giang Trạch Dân.
Giang Trạch Dân mãn nhiệm theo đúng thời hạn đã định. Năm
1997, Bộ Chính trị đưa ra một luật bất thành văn rằng các lãnh đạo cấp cao
không được tái bổ nhiệm nếu đã 70 tuổi. Vào thời điểm đó, Giang Trạch Dân đã 71
tuổi nhưng ông tuyên bố mình là một ngoại lệ duy nhất và hứa sẽ nghỉ hưu vào
năm 2002. Lời hứa này cùng với việc Giang Trạch Dân vào năm 2002 đã 76 tuổi khiến
ít người nghĩ tới việc ông ta sẽ tiếp tục tại vị, mặc dù báo chí nước ngoài từng
suy đoán Giang cố gắng giữ ghế. Quy định giới hạn 70 tuổi này cũng bắt buộc
Giang Trạch Dân phải mãn nhiệm vị trí Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, vị trí mà
trước nay chưa hề có nhiệm kì hay hạn chế tuổi tác và quy định năm 1997 cũng
không được áp dụng rõ ràng cho vị trí này. Vị trí thứ 3 của Giang Trạch Dân là
chủ tịch nước đã được Hiến pháp quy định chỉ được 2 nhiệm kì.
Giang Trạch Dân là lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử của nước
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa không chọn người kế vị. Mao Trạch Đông đã chọn Lưu
Thiếu Kì, Lâm Bưu, Hoa Quốc Phong. Đặng Tiểu Bình từng chọn nhiều người kế tục
như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân. Thay vào đó, Đặng Tiểu Bình
chọn người kế nhiệm Giang Trạch Dân bằng cách dọn đường cho Hồ Cẩm Đào trở
thành thành viên trẻ tuổi nhất của Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 1992. Và
trong 10 năm Hồ Cẩm Đào ở trong Thường Vụ Bộ Chính trị với tư cách người kế nhiệm
được chỉ định không chính thức thì Giang Trạch Dân cũng không tìm cách loại bỏ
ông. Thủ tướng sắp lên cầm quyền Ôn Giả Bảo được chọn theo đề nghị của thủ tướng
Chu Dung Cơ, qua mặt Ngô Bang Quốc hoặc Lí Trường Xuân, vốn là những lựa chọn của
Giang Trạch Dân.
Những lãnh đạo về hưu không tìm cách can thiệp vào quá trình
kế thừa cũng như các quyết định khác. Quyền can thiệp của 3 nhà lãnh đạo lão
thành Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lí Tiên Niệm được dựa trên một nghị quyết bí mật
của Bộ Chính trị vào năm 1987 và được củng cố bởi việc Đặng Tiểu Bình nắm chức
Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Quyền can thiệp nói trên thể hiện rõ nhất trong sự
kiện Thiên An Môn năm 1989.[5] Năm 1997, người cuối cùng trong bộ 3 này là Đặng
Tiểu Bình qua đời. Một tầng lớp các lãnh đạo lão thành mới được thành lập khi
Kiều Thạch cùng một số vị khác rời khỏi Thường vụ Bộ Chính trị. Nghị quyết 1987
nói trên không được áp dụng cho lớp lãnh đạo lão thành mới, và không ai trong số
họ tiếp tục có mặt trong Quân uỷ Trung ương. Sau khi về hưu họ vẫn tiếp tục được
nhận những tài liệu nội bộ của Đảng và thỉnh thoảng đưa ra ý kiến,[6] nhưng họ
không được tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị và không được thực hiện quyền
đưa ra quyết định.
Quân đội không can thiệp vào quá trình chuyển giao lãnh đạo.
Mặc dù có một số lãnh đạo cấp cao của quân đội đưa ra ý kiến ủng hộ Giang Trạch
Dân tiếp tục giữ chức Bí thư Quân uỷ Trung ương, các ý kiến này đã không được
xem xét. Các tướng lĩnh trên không đưa ra ý kiến về các lãnh vực khác trong việc
chuyển giao quyền lực. Việc chuyển giao quyền lực giữa các tướng lĩnh quân đội
trong Quân ủy Trung ương cũng được thực hiện gần giống với phía dân sự: Các sĩ
quân cấp cao trên 70 tuổi và có liên quan đến Giang Trạch Dân như đại tướng Fu
Quanyou và Yu Yongbo đều về hưu và được thay thế bởi lớp các sĩ quan trẻ. Cũng
theo truyền thống có từ năm 1997, không có sĩ quan quân đội nào được bầu vào
Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ có một số đại diện của quân đội được tham gia vào Bộ
Chính trị mà thôi.
Việc lựa chọn các thành viên của Bộ Chính Trị mới nhận được
sự đồng thuận của Bộ Chính trị cũ. Quá trình này chắc chắn do các thành viên kỳ
cựu làm chủ, và mỗi người đều cố gắng đưa người thân quen vào Bộ Chính trị nhiệm
kỳ mới. Nhưng những cân nhắc mang tính bè phái này đều diễn ra trong các giới hạn
đặt ra bởi nhu cầu cần có sự đồng thuận giữa các lãnh đạo. Không lãnh đạo cấp
cao nào, bao gồm Giang Trạch Dân, Lí Bằng hay Chu Dung Cơ, đủ quyền lực để áp đặt
người do mình để cử lên các thành viên Bộ Chính trị khác trái với mong muốn của
họ.
Trong lịch sử Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chưa từng xảy ra
việc chuyển giao quyền lãnh đạo được sắp xếp từ sớm đến vậy. Quá trình kế thừa
này cũng diễn ra ổn định và giúp chuyển giao hoàn toàn quyền lực một cách rõ
ràng sang cho thế hệ lãnh đạo mới. Điều này không có nghĩa rằng bè phái đã biến
mất nhưng nó cho thấy quyền lực của các lãnh đạo Đảng giờ ở một trạng thái cân
bằng lẫn nhau nhờ những bài học từ lịch sử. Các nhánh phái quyền lực hiện nay
không đủ mạnh để phá bỏ luật chơi khó khăn lắm mới có thể đạt được này. Và quan
trọng hơn hết là họ cũng không có ý định làm vậy. Hiện nay, tại Trung Quốc cũng
không tồn tại một nhân vật nào với quyền lực tối cao có thể làm đảo lộn các luật
lệ trên, điều này giúp cho các luật chơi càng thêm vững mạnh.
Việc trọng dụng nhân tài dần thay đổi tính bè phái
Tính bè phái đóng một phần vai trò trong việc chuyển giao
quyền lực. Nhưng quá trình sàng lọc nhân tài diễn ra suốt 20 năm cho những đề cử
chủ chốt giúp giảm thiểu chính trị bè phái. Trừ những năm Đại Cách mạng Văn hoá
(1966-76), cả hai yếu tố tài năng và phe phái đều được cân nhắc trong quá trình
đề bạt cán bộ của nhà nước độc đảng Trung Quốc. Trước đây, dù là trong giai đoạn
nhân tài được trân trọng nhất thì yếu tố quyết định trong việc đề bạt lãnh đạo
cấp cao chính là khả năng thích ứng với những biến đổi quyền lực và lòng trung
thành cá nhân với các lãnh đạo tối cao như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.
Dù dàn lãnh đạo mới hiện nay vừa thao lược về chính trị vừa sắc bén về ý thức hệ,
và đa phần có quan hệ gắn bó với một lãnh đạo cấp cao nào đấy, nhưng họ vươn
lên chủ yếu nhờ vào khả năng quản lí, kiến thức kỹ thuật, nền tảng học thức và
lòng trung thành với Đảng hơn là với một cá nhân nào đó.
Quá trình này bắt đầu vào năm 1980 khi Đặng Tiểu Bình chỉ thị
các lãnh đạo cấp cao của Đảng tiến hành “tứ hoá” đối với đội ngũ cán bộ bằng
cách tìm kiếm và trọng dụng những Đảng viên trên dưới 40 tuổi phù hợp với tiêu
chí “cách mạng hoá, thanh niên hoá, trí thức hoá, và chuyên nghiệp hoá”. Thông
qua con đường này mà Hồ Cẩm Đào được Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc, nơi ông làm việc
lúc đó, đề bạt thăng chức qua nhiều cấp, Ngô Bang Quốc được chọn làm bí thư Đảng
ủy của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, Ôn Gia Bảo trở thành phó trưởng
phòng Cục Địa chất tỉnh Cam Túc. Đối với các thành viên mới khác của Bộ Chính
Trị, câu chuyện cũng gần tương tự.
Năm 1983, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lập
một danh sách các đảng viên trẻ hứa hẹn của thế hệ “tứ hoá” để tham khảo mỗi
khi cần đề bạt một cán bộ trẻ vào các chức vụ cấp bộ. Hồ Cẩm Đào được chọn
trong danh sách này để nhậm chức Bí thư tỉnh uỷ Quý Châu, Ôn Gia Bảo nhậm chức
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng,vv… Cũng bằng chính sách trẻ hóa cán bộ
này mà Đặng Tiểu Bình đã ra chỉ thị yêu cầu bầu một đảng viên dưới 50 tuổi vào
Thường vụ Bộ Chính trị nhiệm kì 14 vào năm 1992. Người được lựa chọn là Hồ Cẩm
Đào. Điều này cho thấy việc nhậm chức Tổng Bí thư là kết quả của một quá trình
trật tự được khởi động từ trước đó 20 năm.
Năm trong số chín thành viên mới của Thường vụ Bộ Chính trị
đều là ủy viên hoặc ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm
1982. Điều này cho thấy quá trình kế thừa được thực hiện có chủ ý và theo định
kỳ. Việc chọn lựa các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị từ nhóm nhỏ các ứng
viên đã qua 20 năm rèn luyện và sàng lọc đã hạn chế bớt vai trò của chủ nghĩa
bè phái trong giai đoạn 2000 đến 2002. Giang Trạch Dân có thể chống lưng cho
Tăng Khánh Hồng và Tăng Bồi Viêm, Lý Bằng cho La Cán, và Chu Dung Cơ cho Ôn Gia
Bảo, nhưng phải dựa trên thành tích của những người này trong 20 năm ở các chức
vụ khó khăn về hành chính và kỹ thuật, chứ không phải dựa trên tầm quan trọng
mang tính biểu tượng (như Mao Trạch Đông đề cử Trần Vĩnh Quý) hoặc dựa trên lý
do ý thức hệ (như việc Mao Trạch Đông thăng chức cho Bè lũ Bốn tên).
Quy chuẩn về tính trung lập dần được chấp nhận bởi các lãnh
đạo cấp cao ở Trung ương Đảng, Quốc vụ viện và Quân uỷ Trung ương, nên việc tiến
thân của các đảng viên ưu tú sẽ không bị cản trở bởi tính bè phái ở cấp cao nhất.
Khi Triệu Tử Dương mất quyền vào năm 1989, một vài người thân cận của ông lập tức
bị thanh trừng, nhưng phần lớn trong số đó dần chuyển qua công tác ở cấp hành
chính thứ yếu hơn trong vòng vài năm sau đó. Một vài người thậm chí tiếp tục
thăng tiến. Ví dụ như Ôn Gia Bảo 8 năm liền giữ trọng trách là Chủ nhiệm Văn
phòng Trung ương Đảng dưới cả 3 đời tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và
Giang Trạch Dân. Điều này khác xa với những gì diễn ra trong quá khứ: khi một
lãnh đạo bị thanh trừng, tất cả các nhân vật thân cận đều bị giáng xuống vài ba
cấp trong hệ thống chính trị. Cơ chế mới giúp cho các nhân vật có tài được
thăng tiến, hạn chế mặt trái của tính phe phái.
Sản phẩm của quá trình được chính quy hóa và ít bè phái hơn
này là một lực lượng lãnh đạo có tài năng và tinh thần cao, đại diện cân bằng
cho các phe phái trong Đảng. Vì không có một hoặc hai cá nhân áp đảo nên cơ chế
quyết định tập thể bị hạn chế. Nhóm lãnh đạo này cũng chia sẻ quyền lực tương tự
như các hệ thống lãnh đạo chính trị khác, bởi các cá nhân đều thăng tiến thông
qua quá trình sàng lọc như nhau nên họ cho quá trình đó là tương đối công bằng.[7]
Liệu những sự kiện nói trên có đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực trong
tương lai được ổn định hay không vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng khả năng đó được tăng
lên khi quá trình chuyển giao quyền lực hiện tại giúp củng cố những quy định được
giới lãnh đạo ủng hộ (ví dụ, giới hạn độ tuổi dưới 70) và dựa trên bài học lịch
sử (như các quy định về hệ thống trọng dụng và đề bạt người tài), và sự cố kết
về mặt cấu trúc dựa trên cơ cấu chính trị phi chính thức về cân bằng quyền lực
giữa các phe phái.
Nguồn: Nathan, Andrew J. (2003). “Authoritarian Resilience”,
Journal of Democracy 14 (1), pp. 6-17.>>PDF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét