Báo Tuổi trẻ
ngày 22/03/2016 đăng một bản tin khiến người Việt Nam choáng váng: “Trên
6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng dân Việt” - http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160...
Dù rằng hai
thập niên qua người Việt Nam vẫn ngày ngày phải xơi thực phẩm độc, từ
rau, thịt, cá ướp hóa chất đến mọi loại thực phẩm nhiễm độc khác với một
mức độ ngày một tăng dần, thậm chí đôi lúc người ta đành tặc lưỡi chấp
nhận vì hình như chẳng còn lựa chọn nào khác, tuy nhiên bản tin trên vẫn
gây một tâm lý thảng thốt đến mức gây sốc: Cuộc diệt chủng và thoái hóa
giống nòi của người Việt Nam đang diễn ra với quy mô công nghiệp, sức
khỏe người dân bị tàn sát bởi các hành vi mang tính hàng loạt, quy mô
cực lớn chứ không còn là đơn lẻ.
Salbutamol
là một loại hóa chất cấm, hầu hết các nước đều kiểm soát và cấm buôn
bán tự do, phải có giấy phép của cơ quan chuyên trách. Ở Việt Nam là Bộ Y
Tế. Theo kết quả điều tra của Cục cảnh sát C49 như đã dẫn trong bài
báo, thì năm 2015 Bộ Y Tế đã cấp giấy phép cho 20 công ty nhập khẩu về
9.140 kg Salbutamol. Có hơn 6 tấn đã được bán ra thị trường, và kết quả
điều tra cho thấy chỉ có 10 kg được sử dụng đúng mục đích, là chế biến
thuốc chữa bệnh. Số còn lại, đều chui vào bụng lợn và sau đó là chui vào
bụng con người. Ước tính có trên 6 triệu con lợn đã được vỗ béo bằng
chất cấm. Và bài báo trên cũng dẫn lời ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch
hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai: “Gần như toàn bộ thịt heo sử dụng chất cấm
đều được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”. C’est la vie? Hoàn toàn
không. Đó không phải là cuộc sống, đó là một cuộc diệt chủng hàng loạt
làm thoái hóa giống nòi ở quy mô công nghiệp.
Người ta cho
rằng nguồn Salbutamol cũng là một hóa chất cấm bị kiểm soát ở Trung
Quốc, nên cho rằng số đàn lợn sử dụng chất cấm được phỏng đoán chỉ đến
từ nguồn chính ngạch. Tuy nhiên, từ thực tế mà rất nhiều loạt độc chất
có nguồn gốc TQ được nhập về bằng mọi ngả đường và sử dụng bừa bãi trong
nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Việt Nam nhiều năm qua, có thể nói
rằng việc đoan chắc Salbutamol chỉ nhập chính ngạch mà không nhập lậu là
điều rất đáng nghi ngờ. Nhất là trong bối cảnh, buôn Salbutamol hiện
nay có tỷ lệ lợi nhuận còn hơn buôn Heroin: “Theo bài báo trên, một kg
Salbutamol nhập giá 1,5 tr và được bán với giá 15 triệu, gấp đúng 10
lần”. Lợi nhuận gấp vài lần đã đủ những kẻ buôn ma túy bất chấp án tử
hình, thì lợi nhuận gấp 10 lần mà chế tài luật pháp nhẹ không liệu có
chặn nổi những kẻ phạm pháp dừng lại bàn tay nhớp nhúa của chúng? Câu
hỏi này dành gửi cho Bộ Công An, Bộ Y Tế và các cơ quan khác các vị tự
suy ngẫm và trả lời.
Ngoài ra, nên
hiểu rằng Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, và TQ thực
tế đang xâm lược Việt Nam, dù ai đó có muốn che đậy hoặc làm nhẹ hành
vi này đến mức nào đi chăng nữa. Khi một quốc gia muốn làm suy yếu một
quốc gia đối địch và nó có công cụ hữu hiệu để làm điều đó, thì việc có
những thành phần chuyên trách được giao nhiệm vụ “đặc biệt” để tuồn chất
cấm vào nước đối địch là chuyện hợp logic một cách tự nhiên. Còn cách
nào suy yếu kẻ thù hiệu quả hơn nữa bằng việc làm thoái hóa giống nòi
dân tộc ấy? Một cách từ từ, khó phát hiện dấu vết, khó lên án nhưng đạt
hiệu quả rộng khắp một cách chắc chắn?
Một nghiên cứu
về kinh tế công gần đây đã chỉ ra, Việt Nam có khoảng 2,8 triệu công
chức và viên chức trong bộ máy nhà nước. Riêng lực lượng công an, tính
riêng có tới 328 nghìn người. Một lực lượng cực kỳ hùng hậu và đông đảo
đang sống bằng tiền thuế của dân. Và hệ thống ấy đang làm gì hữu hiệu để
chặn lại cuộc diệt chủng đang làm thoái hóa giống nòi của người Việt
Nam?
Có mấy vấn đề cần phải được hệ thống chính trị làm ngay, vì đã quá cấp bách rồi:
(1) Bộ công an
khẩn cấp điều tra làm rõ và truy tố hành vi mua bán sử dụng hóa chất
trái mục đích gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với 20 công ty nhập
Salbutamol đã được phát hiện. Cần lần theo các đường dây mua bán, xác
định các trang trại chăn nuôi đầu cuối đã sử dụng chất cấm, khởi tố vụ
án và truy tố những đối tượng dùng chất cấm với hành vi gây hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Khởi tố vụ án và điều tra làm
rõ các hành vi của các viên chức Bộ Y Tế trong việc cấp phép nhập khẩu
và hậu kiểm việc sử dụng Salbutamol do thiếu trách nhiệm gây hậu quả
nghiêm trọng. Làm rõ xem có dấu hiệu tham nhũng của các đối tượng này
hay không dẫn đến hậu quả xấu đã diễn ra.
(2) Bộ Y Tế ra
soát lại toàn bộ quy trình cấp phép nhập khẩu các hóa chất cấm, gồm
Salbutamol và các chất cấm khác có khả năng sử dụng trong công nghiệp
thực phẩm. Xác định chính xác nhu cầu sử dụng thực tế và hợp pháp để cấp
phép, đồng thời tăng cường hậu kiểm việc sử dụng chất đã nhập sau cấp
phép để đảm bảo chúng không bị tuồn ra ngoài làm hủy diệt cộng đồng. Bộ Y
Tế cũng cần nghiên cứu, tổ chức một cơ quan đặc biệt trong việc cung
cấp các trang thiết bị kiểm định xét nghiệm nhanh các thành phần hóa
chất có trong các loại thực phẩm để cung cấp cho các cơ quan chức năng
và cả các hệ thống tiêu thu hàng tiêu dùng đầu cuối, giúp cộng đồng
phòng tránh.
(3) Bộ Nông
nghiệp & Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý thị trường, quản lý
an toàn vệ sinh thực phẩm và các cơ quan khác cần tổ chức ngay và khẩn
cấp các đoàn thanh tra chuyên trách, tập trung thanh tra giám sát tất cả
các trang trại chăn nuôi và trồng trọt quy mô lớn, kịp thời phát hiện
việc sử dụng hóa chất cấm để thông báo với cơ quan công an khởi tố điều
tra và truy tố các đối tượng phạm pháp. Đồng thời phải phát ra cảnh báo
phù hợp và ngay lập tức với cộng đồng về những nguồn cung cấp bị phát
hiện vi phạm và khuyến cáo về những nguồn cung có thể an toàn. Thà bữa
ăn của người dân thiếu đi một miếng thịt, còn hơn là nhiều lên một thìa
độc chất.
(4) Quốc hội
hãy thôi bàn về những chuyện trên trời dưới biển. Thậm chí là chấm dứt
luôn việc xem xét miễn nhiệm rồi bầu mới Chủ tịch nước, thủ tướng và chủ
tịch quốc hội mà các vị đang tất bật xung quanh. Người dân không quan
tâm gì lắm tới chuyện đó đâu khi đang chết dần trong cuộc diệt chủng
mềm. Việc của Quốc hội là ngay lập tức phải đưa vào một chương trình
nghị sự khẩn cấp, ra một dự luật khẩn cấp về các chế tài pháp lý đối với
các hành vi buôn bán sử dụng hóa chất cấm mang tính hủy diệt cộng đồng.
Mức án cao nhất phải là tử hình, vì đây có thể quy vào tội ác mang tính
diệt chủng.
Các vị ít ra
hãy một lần hành động đặt sống chết của người dân vào vị trí trung tâm,
thay vì những vấn đề được các vị cho là “đại sự”
Và cuối cùng,
những người Việt Nam, hãy nhìn rõ thực tế này: Chúng ta đang chết dần
bởi thực phẩm độc. Con cái các bạn đang lớn dần lên và dị dạng dần bằng
hóa chất. Nó có thể chưa diễn ra ngay vì mức tác động từ từ. Nhưng thực
tế là cuộc diệt chủng ngầm này đang diễn ra. Con người là sức mạnh nòng
cốt của một quốc gia. Sức mạnh ấy liệu có còn không khi giống nòi đang
dần bị đầu độc và thoái hóa? Đây là vấn đề giữa sống và chết, giữa phát
triển và suy tàn. Nó không phải câu chuyện về Nam và Bắc, về phương đông
và phương tây, càng không phải chuyện về dân chủ hay độc tài. Nó là
chuyện sống chết của từng người, chứ không còn là chuyện tận đâu đâu
ngoài xã hội để trông chờ rằng hậu quả ấy sẽ chừa mình ra.
Cần một sự đấu
tranh rộng khắp để tạo áp lực xã hội. Hãy nói về câu chuyện này hàng
ngày, trên mạng xã hội, trong các câu chuyện giao tiếp với người quen,
hãy đưa ra các lời cảnh báo và lời khuyên, hãy nói với nhau để câu
chuyện không bị quên lãng và để có thể tạo thành sức mạnh đồng thuận xã
hội. Các nhà báo và các viên chức còn lương tri, các vị cũng hãy lên
tiếng tích cực và sâu sát về câu chuyện này. Đây là chuyện sinh tồn,
không phải của chỉ riêng ai. Và nếu cả hệ thống chính trị và công chức
nhận lương hùng hậu không làm được gì để chặn đứng cơn ác mộng này, thì
chính người Việt Nam phải hành động. Phải tính đến việc gây áp lực tập
thể, thậm chí là hành vi xuống đường tuần hành để buộc cái hệ thống trên
phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đã nêu ở trên.
Còn điều gì đáng sợ hơn cái chết nữa? Nhất là khi đó là một cái chết đau đớn từ từ trong bệnh tật?
25/03/2016 - Một ngày nắng.
Lãng
(FB Lãng)
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét