Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Bến Tre mặn chát vì khô hạn


Khu vực miền Tây Nam Bộ (Đồng Bằng Sông Cửu Long) của Việt Nam hiện đang đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. Trong số 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, có 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh. Phóng viên báo Người Việt đã về 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Cà Mau để ghi nhận cuộc sống của người dân và gởi đến độc giả qua loạt bài này.

 Văn Lang/Người Việt

BẾN TRE (NV) - Chúng tôi đi thẳng xuống thị xã, nay là thành phố Bến Tre. Vì muốn kiểm chứng câu nói của bộ trưởng Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, nói với báo giới: “Không cần phải đi Vũng Tàu tắm biển, mà có thể cảm nhận độ mặn của biển ở ngay tại thành phố Bến Tre.”


Chúng tôi ngồi quán cà phê với một người bạn, tại đường bờ sông, như dân thành phố Bến Tre quen gọi. Gió sông Hàm Luông vẫn thổi lồng lộng, những rặng dừa bên kia sông vẫn xanh một màu trong nắng vàng rực, tuy màu xanh ấy không còn mấy mướt mắt.


Ðâu đâu cũng đồng khô-lúa cháy vàng, khắp vùng Ba Tri-Bến Tre. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Người bạn của chúng tôi, nói: “Câu chuyện của mọi người trong cả tỉnh Bến Tre lúc này, chỉ có một chữ 'nước!' Ai cũng vì nước mà quên hẳn những chuyện khác! Vậy mới biết dân mình bây giờ thật là yêu... nước!”

Bà chủ quán nghe chuyện cười ròn tan, còn tranh thủ “đế” vô: “Sẵn nghe mấy chú nói, tui cũng thông báo luôn, cà phê bữa nay tôi sẽ tăng thêm giá mỗi ly một ngàn đồng, để bù vô tiền nước tôi phải mua, giá nước ngọt sinh hoạt lúc này tính bằng bình, mắc lắm!”

Anh bạn dân Bến Tre cười buồn, lắc đầu: “Thủa nào, giờ mới nghe dân xứ tôi ‘phụ thu’ tiền cà phê, vì giá nước sinh hoạt quá cao.” Nói rồi anh chỉ tay ra phía sông, nơi một chiếc sà lan đang đậu: “Ðó là sà-lan chở nước bên sông Tiền qua bán cho bà con, lúc cao điểm có thể lên tới 200 ngàn một 'tẹc', tức một thước khối nước. Còn nước bình thì tùy loại, phụ thuộc vào phẩm chất.”

Rồi anh kể thêm: “Tuần rồi, nhín tiền mua bình nước 30 chục ngàn, để dành tưới cho cây mai quý. Sợ nước bốc hơi, phải lấy bìa cạc-tông che phủ kín gốc cây, tối xuống mới giở bìa ra, cho cây mai quý 'uống' đúng một ly nước. Hôm qua, tự nhiên không phụ lòng người, cây mai ra thêm hai cái lá non. Mừng quá, chụp hình định đưa lên facebook khoe với mọi người, nhưng chợt nghĩ - xung quanh mình mọi người ai cũng đang khổ vì nước, mà mình khoe lá non, coi kỳ quá, đành thôi!”


Người dân thị trấn Ba Tri đi mua nước về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Vì theo như anh kể, những người bạn của anh, là chủ những vườn cây kiểng, những vườn mai quý, những vườn cây ăn trái giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng, lấy đâu ra nước ngọt mà tưới. Tất cả bọn họ đều như ngồi trên đống lửa, vì hạn hán còn kéo dài, mà hầu như tất cả con sông bây giờ đều nhiễm mặn...

Anh kể, báo nói 160 xã trên 164 xã ở Bến Tre bị nhiễm mặn. Nhưng theo anh đi kiểm tra thì chỉ còn 2 xã là chưa bị, về lên facebook thông báo. Ai dè, mấy tiếng sau nhận được phản hồi từ hai xã còn lại, “dưới này tụi em mới đo lại, cũng bị nhiễm mặn luôn rồi!”

Chưa bao giờ Bến Tre bị mặn xâm nhập sớm và trên diện rộng như vậy. Không kịp trở tay, từ nước sinh hoạt cho tới sản xuất đều bị động. Câu chuyện thời sự bây giờ là mọi người thông báo độ nhiễm mặn nơi này, nơi kia cho nhau: “2 phần ngàn, 4 phần rưỡi, 8 phần ngàn...!”

Như nước máy cung cấp cho dân tại thành phố Bến Tre, mấy bữa trước mặn chát, mấy bữa nay nhờ pha thêm nước ngọt lấy từ sông Tiền, độ mặn giảm xuống còn hai phần ngàn, xài tạm. Nấu cơm ăn liền thì được, để quá hai tiếng bị thiu, nấu canh thì khỏi cần nêm nước mắm.

Rồi anh thở dài, “Thành phố Bến Tre đây còn đỡ, còn có nước bị nhiễm mặn mà cầm cự, chớ vùng biển vùng xa như Thạnh Phú, Ba Tri còn cực dữ nữa!”

Ngồi cà phê bờ sông mới hơn một tiếng đồng hồ tại thành phố Bến Tre, đã nghe gió thổi hơi nắng nóng rát trên da mặt, nghe mặn môi, càng đắng lòng khi nghe những câu chuyện kể của người dân.

Một nhà thơ của tỉnh Bến Tre đã cảm khái, viết câu thơ mô tả hiện tình: “Nếm nước dòng kênh nghe vị mặn bờ mi.”

Dân số đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): 18 triệu người. Chiếm hơn 19% dân số cả nước, chiếm 13% diện tích cả nước, tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Chỉ riêng trồng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước.

Xét về thu nhập dân vùng ĐBSCL lại nghèo hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người với mức 40.2 triệu đồng (cả nước là 47.9 triệu đồng/người/năm). Một trong những lý do chính khiến nông dân vùng này nghèo là vì quá nhiều thứ thuế và phí đánh trên nông sản khiến họ sống như những nông nô của chế độ.

* Về Giồng Trôm, Ba Tri

Trước khi về Ba Tri, huyện ven biển của Bến Tre, nơi nắng hạn và nhiễm mặn gay gắt nhất của tỉnh. Chúng tôi đi ngang qua huyện Giồng Trôm. Những con đường làng với những bóng dừa, hàng cây xanh mát. Nếu không hiểu thực trạng của sự nhiễm mặn do hạn hán, thiếu nước thì vẫn cứ ngỡ như đang đi trong vườn địa đàng của vùng miền Tây sông nước.
Ghé nhà anh Tám, một người quen ở Giồng Trôm. Anh cho biết, người con của anh làm trên Bến Tre, cách nhà hơn 20 cây số. Nhưng chiều nào cũng chịu khó về nhà chở theo một thùng nước cho gà uống. Nhà anh có nuôi mấy trăm con gà thả vườn, lại còn ấp trứng để bán gà giống. Theo anh, cho gà uống “nước mặn” anh cũng xót xa lắm, nhưng dù gì nước máy trên Bến Tre còn xài đỡ được. Chứ nước dưới anh mặn chằn phải tới 5-6 phần ngàn.

Anh dắt chúng tôi ra vườn, chỉ cho chúng tôi thấy dòng mương đầy nước bao quanh khu vườn cây ăn trái, rồi nói: “Nước đó, nhưng không xài được, bị nhiễm mặn nặng lắm!'

Hỏi thăm anh Tám về chuyện con cá, con tôm, anh cho biết, từ lúc nhiễm mặn, mấy loại cá nước ngọt bỏ đi đâu không rõ. Riêng giống tôm càng xanh thì vẫn “trụ” được, nhưng lạ một cái, lóng rày chỉ bắt được rặt thứ tôm “đèo,” con loại lớn cũng biệt tăm.

Chuyện nước sinh hoạt, anh cho biết, khó khăn lắm, nhà nào cũng có trữ nước mưa, nhưng chỉ dùng nấu ăn thôi. Còn nước sinh hoạt thì phải mua, tùy theo vị trí gần hay xa, mà có giá từ 80 ngàn tới 100 ngàn đồng một thước khối nước. Còn kẹt quá, thì cũng tắm tạm bằng nước “lợ.”

Anh kể, bữa trước nhỏ con gái lớn của anh dắt thằng con trai nhỏ mới ba tuổi từ Sài Gòn về chơi. Ðang đêm, thằng nhỏ bỗng bật dậy, khóc bông bông và chạy cùng nhà. Hết hồn, nghĩ trời nóng thằng nhỏ bị rôm sảy cắn. Sau mới nhớ, chiều cho thằng nhỏ tắm nước “lợ,” da nó mỏng, chịu không quen. Bà xã anh phải đi lấy thau nước mưa, thấm khăn lau để “tẩy mặn” trên da thịt thằng cháu ngoại, mãi hồi thằng nhỏ mới nín khóc mà đi ngủ lại được.

Thấy chúng tôi tần ngần đứng ngó mấy cây bưởi da xanh đang bắt đầu cụp lá vì nắng gắt mà không được tưới. Anh Tám cười buồn, kể: “Thằng cháu tui, trồng được mấy công bưởi da xanh, là thứ cây được dân vườn dưới này kêu là cây 'xóa đói giảm nghèo.' Năm rồi, vụ đầu mùa mà nó bán thu về trên trăm triệu. Tưởng chừng chỉ vài ba năm là nó trả dứt nợ ngân hàng, chuộc lại căn nhà đã cầm cố. Ai dè, gặp đợt nắng dữ, nhiễm mặn, cả vườn bưởi héo hắt, hai vợ chồng nó 'rên' như bọng. Chắc kỳ này tiêu quá!”

Trước khi chia tay, để chúng tôi đi Ba Tri. Anh Tám mời chúng tôi uống nước dừa vườn nhà. Nước dừa mát, thơm, ngọt lịm... quả không hổ danh là dừa Bến Tre. Anh cứ giục chúng tôi uống thêm, còn nói: “Ráng uống đi, chứ mai mốt mấy anh xuống không biết vườn dừa của tụi tôi còn không nữa.”

Nghe anh Tám nói, giữa vườn dừa xanh nắng vàng gay gắt, lòng chúng tôi chợt chùng xuống. Nghe buồn buồn, vị mặn bất chợt dâng nhòa trên mi mắt.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét