Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

TP. HCM thiếu cái gì? - Lưu Trọng Văn


 

              Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải sang) được bầu vào Bộ Chính trị khóa 12


“TP. HCM thiếu cái gì?”, đó là câu hỏi rất thú vị, rất cấp thời, rất chiến lược của ngài Đinh La Thăng tại cuộc hội nghị các lãnh đạo chủ chốt cao nhất của thành phố.

Hỏi xong ngài nói: “Chúng ta có đủ điều kiện về dân số, con người cần cù sáng tạo, truyền thống cách mạng kiên trung từ bao đời. Không thể chấp nhận TP. HCM không đứng số 1”.

Rồi ngài hỏi như là trả lời câu hỏi “TP. HCM thiếu cái gì?” của chính ngài: “Phải chăng thành phố đang thiếu chí khí quật cường, sự đoàn kết, lòng dũng cảm đã có từ thời chiến tranh. Vì vậy phải tạo ra sức mạnh tinh thần, khí thế hừng hực như thời chiến tranh, đồng thuận xã hội để dẹp mọi gian khó, đưa thành phố tiến nhanh, mạnh hơn”.


Trật.

Ngài Đinh La Thăng mà gã vô cùng trân trọng ơi, lần này ngài trật lất rồi.

Vì, ngài hỏi nhưng chưa nói được là thành phố mà ngài và những người lãnh đạo muốn nhất là nhất cái gì?

Vì, ngài và những người lãnh đạo thành phố chưa hề có được cuộc trưng cầu ý người dân để biết đa số người dân thành phố muốn cái gì chứ chưa nói chuyện muốn nhất cái gì. Chính ý muốn, khát vọng của 10 triệu người dân thành phố mới là ý kiến quyết định chứ không phải ý muốn chủ quan của các ngài.

Thưa ngài, những “phải chăng” của ngài chỉ là câu chuyện tinh thần duy ý chí của thời chiến tranh. Chiến tranh chỉ là một lát cắt của cuộc sống. Những gì là thế mạnh của chiến tranh không thể tiêu biểu và trở thành công thức thành công cho cuộc sống như nó vốn có, như nó bắt buộc phải có, cuộc sống của hòa bình. Cái tức thời, cái một thời luôn là cái nhỏ bé trong cái muôn thời, thưa ngài.
Vậy thì, ai sẽ trả lời câu hỏi rất hay của ngài “thành phố thiếu cái gì?” để phát triển, để là thành phố đáng sống, nghĩa tình, giàu có?

Gã không “xin” vì bản thân ngài rất ghét chữ “xin” này mà gã đề nghị ngài trước mắt hãy như đức thượng hoàng Trần Thánh Tông năm 1284 trước bước ngoặt lịch sử liên quan đến mất còn dân tộc đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng để lắng nghe tiếng nói của những đại diện của dân.

Gã theo dõi từng cuộc gặp gỡ của ngài với đủ các tầng lớp. Gã theo dõi các cuội hội nghị của ngài với lớp trẻ do lãnh đạo Đoàn tổ chức, chọn lựa, và cả cuộc hội nghị lãnh đạo thành phố vừa xong, thì thưa ngài đó không hề là Hội nghị Diên Hồng vì ở đó còn thiếu vắng quá nhiều những người ưu tú, tài năng, tâm huyết nhất trong 10 triệu người dân thành phố.

Còn những ai là những con người đó và tìm họ ở đâu, thì gã muốn kể cho ngài nghe một câu chuyện liên quan tới một nhân vật mà có thể ngài biết đó là kĩ sư Lý Trọng từng là người tài năng, năng nổ trên công trường Thủy điện Hòa Bình mà chính ngài từng có thời là kế toán trưởng cũng rất năng nổ và tài năng ở công trường đó.

Khi cha gã là một văn nghệ sĩ đi thực tế tại công trường, đi đâu ông cũng nghe công nhân, kỹ sư, chuyên gia Liên Xô ngợi khen kỹ sư Lý Trọng. Cha gã đã tìm gặp con người của công trường đó và ông với cảm nhận tinh tế của mình đã không khó nhận ra tài năng và tấm lòng cũng như tình thương yêu đồng đội, niềm say mê công việc của chàng kỹ sư trẻ này. Nhưng ông ngạc nhiên là Lý Trọng không thể được lên những vị trí lãnh đạo quan trọng nhất chỉ vì không phải là đảng viên.

Tại sao Lý Trọng không được kết nạp Đảng?

Bản thân gã có nhiều lần gặp và trao đổi với Lý Trọng, ông thú thật với gã rằng: Cái tội của tớ là không chấp nhận được mấy thằng cha dốt lại muốn đòi chỉ đạo tớ. Cái tội của tớ là không biết... nịnh.

Thành phố đang thiếu một Cơ chế Diên Hồng (chứ không chỉ là một hội nghị) dành cho các tài năng thật sự và có tâm huyết với thành phố thật sự, bất kể họ có nguồn gốc thế nào, chính kiến ra sao.
Cha gã có lần gặp ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng đem chuyện Lý Trọng ra kể rồi than phiền với ông Thọ rằng lãnh đạo của nước ta quá thiếu tài năng và cũng không biết trân trọng các tài năng. Ông Thọ nói: Chả kiếm đâu ra tài năng. Cha gã bảo, các anh không kiếm đâu ra vì các anh chỉ để ý đến những người xung quanh các anh, những người các anh thấy vừa lòng mình, không nói trái ý mình làm tiêu chuẩn đầu tiên. Nếu các anh mở rộng vòng tìm kiếm ra, lấy hiệu quả công việc làm tiêu chuẩn đầu tiên thì tôi tin đất nước này không thiếu những tài năng lãnh đạo, cũng như không thiếu những tài năng đóng góp cho đất nước.

TP. HCM thiếu cái gì? Và làm thế nào để TP. HCM trở thành một thành phố đáng sống?

Với tư cách một người dân thành phố, gã sẽ trả lời những câu hỏi này một cách đầy đủ hơn theo chủ quan của gã, nếu ngài muốn nghe. Nhưng trước hết gã thấy rõ cái điều mà bất cứ người dân nào như gã cũng thấy đó là thành phố đang thiếu một Cơ chế Diên Hồng (chứ không chỉ là một hội nghị) dành cho các tài năng thật sự và có tâm huyết với thành phố thật sự, bất kể họ có nguồn gốc thế nào, chính kiến ra sao.

Ngài Lê Nin lãnh tụ vĩ đại của ngài từng nói: Hãy cho tôi 1.000 tài năng tôi sẽ thay đổi toàn bộ nước Nga.

Đó là lời nói rất đúng. Chỉ tiếc là 1.000 tài năng đó xuất hiện thì ngài Lê Nin đã không còn nữa để người kế tục là Stalin biến họ thành công cụ cho mục đích độc tài của mình dẫn đến thui chột và bị tiêu diệt gần hết những tài năng đó.

Bài học ấy chắc ngài có thể không khó để học được từ nước Nga thời Stalin và từ cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.


Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét