Trong vùng Biển Đông
tranh chấp, Trung Quốc thời gian qua sử dụng biện pháp bồi đắp đảo đá nhân tạo
và quân sự hóa như triển khai tàu chiến, tên lửa đất đối không và radar tần số
cao.
Viễn cảnh tương lai gần,
liệu Trung Quốc sẽ ngưng chiến lược quân sự hóa để mặc cả và thương lượng với
các nước láng giềng? Hay Bắc Kinh sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền trên các hòn
đảo đã bồi đắp với tham vọng kiểm soát Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, hoạt
động bảo vệ tự do hàng hải của hải quân Mỹ có được các nước trong khu vực
chào đón> Đâu là chiến lược tốt nhất cho các nước ASEAN trước khả năng đối đầu
giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc?
Trung Quốc thắng chiến
thuật, thua chiến lược?
Theo ông Richard J.
Heydarian, đang dạy Chính trị học tại Đại học De La Salle, Philippines, việc
Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo tại Biển Đông bao gồm cả hai mục đích dân sự
và quân sự.
“Trung Quốc liên tục
khẳng định mục đích dân sự của mình trong việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển
Đông. Nhưng các quốc gia khác đều lo ngại rằng Trung Quốc đang dần thiết lập
chủ quyền trên thực tế một cách không chính thức trên những hòn đảo này,” ông
nói.
Ông Heydarian nói với
BBC rằng những đụng độ đẫm máu tại Biển Đông như trận Gạc Ma năm 1988 hiếm có
cơ hội lặp lại. Mục tiêu hiện tại của Trung Quốc là gián đoạn khai thác năng
lượng, hoạt động tuần tra trên biển, hay hoạt động đánh bắt của ngư dân các
nước lân cận như Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Là tác giả cuốn sách
Mặt trận mới ở Châu Á: Mỹ, Trung Quốc và xung đột tại Tây Thái Bình Dương,
ông này cảnh báo “không thể phủ nhận so sánh lực lượng giữa Trung Quốc và các
nước láng giềng Đông Nam Á hiện tại là rất chênh lệch”.
Theo ông, các nước
trong khu vực hoan nghênh sự hiện diện và chương trình bảo vệ tự do hàng hải
(FONON) của hải quân Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc.
“Mặc dù Trung Quốc
đang có lợi thế về mặt chiến thuật, nhưng lại đang thua về mặt chiến lược,”
theo lời ông Richard J. Heydarian.
Nguyên nhân là do rất
nhiều nước trong khu vực, e ngại sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông nên
xoay trục gần hơn với Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ
cam kết thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và
Sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN, còn Nhật Bản cam kết cung cấp thêm 100 tỷ đô
la cho những dự án phát triển tại Đông Nam Á.
Những động thái của
các nước này, theo ông Haydrian, được coi là chính sách “chế ngự”, là sự kết hợp
giữa “ngăn chặn” và “giao thiệp”.
Trong khi đó, ông
Anders Corr, giám đốc Công ty tư vấn chính phủ Corr Analytics, nhận xét với BBC
chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông là sự tiếp nối chủ nghĩa bành trướng của
nước này.
“Trong lịch sử, Trung
Quốc đã làm điều tương tự với Tân Cương và Tây Tạng; và nay tiếp tục chính sách
này tại vùng Biển Hoa Đông, Biển Đông, và khu vực Himalaya”.
Theo ông, công bằng
mà nói hiện tại Biển Đông đang bị quân sự hóa bởi tất cả các bên, không chỉ có
Trung Quốc, bởi vì chủ quyền của những hòn đảo này vẫn đang bị tranh chấp.
Ông cũng cho rằng hoạt
động hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ có lợi cho các nước ASEAN đang tranh chấp
với Trung Quốc.
“Hoạt động này cho
thấy Hoa Kỳ không chấp nhận hay ủng hộ lập trường của Trung Quốc về chủ quyền
đường chín đoạn”, ông nói.
Bình luận về chiều
hướng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, ông Corr nói “Tranh chấp này đã kéo
dài nhiều thập niên và khó có thể có bước tiến đột phá trong thời gian tới.
Nguyên nhân là do vẫn còn bế tắc trong cách giải quyết hợp lý cho tất cả các
bên”.
Trong khi đó, nữ tiến
sĩ Elena Atanassova-Cornelis, giảng viên chính trị Đông Á tại Bỉ, lo ngại về
tính diễn biến trong ván bài quân sự ở biển Đông.
Bà đưa ra dẫn chứng:
“Trung Quốc đã chỉnh sửa Sách trắng nước này vào năm 2015, trong đó cho phép
tăng cường đầu tư quân sự mở rộng khả năng phòng thủ kiểm soát cả vùng thềm lục
địa (biển gần) và ngoài khơi (biển xa)”.
Mục tiêu được cho là
nhằm thiết lập các vùng cấm bay, cũng như củng cố chính sách “chống xâm nhập,
chống tiếp cận”.
Về chính sách hiệu
quả nhất cho các nước Đông Nam Á vào thời điểm này, bà Elena
Atanassova-Cornelis gói gọn trong thuật ngữ “rào giậu kép”.
“Phần lớn các nước
ASEAN muốn thi hành chính sách cân bằng và rào giậu với cả hai siêu cường
Trung Quốc và Mỹ. Đây là điều dễ hiểu.”
“Một mặt, ASEAN muốn
hạn chế sự phụ thuộc và tính dễ bị tổn thương trong trường hợp Hoa Kỳ bỏ rơi
hoặc quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc ấm lên. Mặt khác, các quốc gia đang phát
triển ở Đông Nam Á cũng cần ngăn ngừa ưu thế vượt trội và các động thái không
mong muốn của Trung Quốc,” bà giải thích.
Chiến lược lâu dài
Theo ông Anders Corr,
chiến lược tốt nhất đối với các nước vừa và nhỏ ở Đông Nam Á là phát triển kinh
tế và dân chủ hóa từng bước. Những hình mẫu tốt là Nhật Bản và Hàn Quốc, vì những
quốc gia này là dân chủ và có nền kinh tế khá phát triển có thể hỗ trợ được cho
lực lượng quân sự quốc gia.
Về việc liệu Trung
Quốc có đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn , ông Corr nói Trung Quốc sẽ không
muốn ảnh hưởng xấu tới quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN do Trung Quốc
cũng phụ thuộc nhiều và các mặt hàng xuất và nhập khẩu với các quốc gia này.
“Nền kinh tế của
Trung Quốc có tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn so với nhiều nước Đông
Nam Á. Trong khi đó, Mỹ cũng không muốn leo thang căng thẳng với Trung Quốc vì
hệ quả tốn kém và khả năng đứt quãng thương mại quốc tế.”
Các biện pháp cụ thể
cho các nước Đông Nam Á, theo tiến sĩ Elena Atanassova-Cornelis, nhận định có
thể chia thành ba hướng cơ bản.
Một là tăng cường khả
năng tự vệ, đối thoại với Trung Quốc và sự cam kết của Hoa Kỳ tại khu vực.
Hai là đa dạng hóa
chiến lược thể hiện ở chỗ thiết lập và củng cố các hiệp ước đối tác nâng cao
khả năng thích nghi với biến đổi chiến lược.
Ba là củng cố các tổ
chức đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN.
Còn ông Anders Corr
nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc thỏa hiệp được với tầng lớp tinh hoa và
doanh nghiệp tại Hoa Kỳ quay sang ủng hộ Trung Quốc.
Ông nói: “Những nhà
tài phiệt và tập đoàn kinh doanh lớn của Hoa Kỳ không muốn hy sinh lợi ích
kinh tế với Trung Quốc, và họ có thể gây ảnh hưởng với chính phủ Mỹ thông qua bầu
cử dân chủ”.
Năm 2015, thương mại
hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức kỷ lục là 590 tỷ đô la. Trung Quốc cũng
có quan hệ thương mại rất tốt với các nước Châu Âu như Anh và Pháp.
“Như vậy, đến một
thời điểm nào đó, Hoa Kỳ có thể không còn khả năng bảo vệ các quốc gia đồng
minh thân cận nhất của mình tại châu Á”, ông này dự đoán. Đến lúc đó, Trung Quốc
có thể sẽ đưa ra những động thái mạnh mẽ hơn về quân sự tại Biển Đông.
Sắp tới Hoa Kỳ chuẩn
bị bước vào chuyển giao quyền lực thông qua kỳ bầu cử Tổng thống.
“Chính quyền Obama có
chính sách tương đối mềm mỏng với Trung Quốc và Nga, vì thế hai nước này gần
đây có được lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Tổng thống kế nhiệm có thể
sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc,” theo lời ông Corr.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét