Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Dư luận những ngày gần đây nổi lên câu hỏi tại sao Quốc hội
Việt Nam lại gấp gáp miễn nhiệm ba vị trí cao nhất nước trong khi thời gian tại
chức của họ theo hiến pháp quy định là chưa hết hạn. Việc làm này dấy lên nhiều
nghi ngờ rằng có sự cô lập đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để vô hiệu hóa
những dự tính nếu có của ông này. Mặc Lâm theo dõi và lấy ý kiến của đại biểu
Quốc hội cũng như các cán bộ cao cấp ghi nhận vấn đề này theo ý kiến riêng của
họ nhằm đưa ra được phần nào bức tranh chính trị đương thời. Loạt bài chia làm
hai phần, phần đầu là bài phỏng vấn GS-TSKH Nguyễn Minh Thuyết, hai lần là đại
biểu Quốc hội để tìm hiểu thêm nhận định của ông.
Mặc Lâm: Thưa GS, trong vài ngày qua dư luận rất quan tâm tới
việc Quốc hội đưa ra quyết định là sẽ miễn nhiệm ba vị trí cao nhất nước hiện
nay vào ngày7 tháng 4 thay vì tháng 7 là ngày hiến pháp quy định thời gian mà
ba vị này đương nhiên tại chức. Việc miễn nhiệm trước ngày mãn nhiệm của họ
theo ông có đúng với tinh thần của hiến pháp hay không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được biết chương trình làm việc
của Quốc hội lần này sẽ miễn nhiệm một số các vị đương nhiệm mà vừa qua không
tham gia vào Bộ chính trị hoặc Ban chấp hành Trung ương và bầu một số vị mới. Nếu
như chúng ta so sánh với quy định tại một số điều của hiến pháp ví dụ như điều
87 quy định như thế này: Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì Chủ tịch nước tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi Quốc
hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. Điều 97 quy định là nhiệm kỳ của Chính phủ
theo nhiệm kỳ của Quốc hội, khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì Chính phủ tiếp tục
nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập chính phủ. Nếu so sánh với hai
điều mà chúng tôi vừa đọc thì đúng là không phù hợp lắm.
Mặc Lâm: Không phù hợp! có phải ý GS nói là trái với hiến
pháp?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói rằng nó trái với hiến pháp thì
cũng không hẳn bởi vì khoản 6 điều 74 của Hiến pháp quy định Ủy ban thường vụ
Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội bầu miễn nhiệm bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ
tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch
hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia,
Tổng Kiểm toán nhà nước. Và theo khoản 3 điều 88 thì Chủ tịch nước có quyền đề
nghị Quốc hội bầu miễn nhiệm, bãi nhiệm chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện Kiềm sát nhân dân tối cao và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ
nhiệm miễn nhiệm, cách chức thẩm phán v. . .v. . .Ông Chủ tịch nước cũng có quyền
đề nghị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng.
Trong trường hợp này nếu không có đơn xin từ chức của Chủ tịch
nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội mà các chức danh quốc hội bầu thì
chỉ cần Ủy Ban thường vụ Quốc hội có tờ trình đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch nước
đương nhiệm để bầu Chủ tịch nước mới, và Chủ tịch nước có tờ trình miễn nhiệm
Thủ tướng đương nhiệm để bầu Thủ tướng mới là được.
Khi Thủ tướng chính phủ đã bị miễn nhiệm thì toàn bộ nội
các coi như được miễn nhiệm luôn.
Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm hai lần là đại biểu quốc hội có
bao giờ Quốc hội từng bãi nhiệm các chức vụ cao nhất trong chính phủ như lần
này không, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong những năm gần đây cũng đã từng
có những lần bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khi
các vị này chưa hết nhiệm kỳ. Ví dụ tháng 6 năm 2001 thì Quốc hội đã miễn nhiệm
chức Chủ tịch của ông Nông Đức Mạnh vì ông Mạnh đã được đại hội lần 9 của Đảng
Cộng sản Việt Nam bầu làm Tổng bí thư vào tháng 4 năm 2001 tức là trước đó hai
tháng và Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Văn An thay thế. Tháng 6 năm 2006 thì Quốc
Hội đã miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Văn An bởi vì sau Đại hội
Đảng lần thứ 10 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng thay thế.
Cũng thời gian này thì Quốc Hội đã bầu ông Nguyễn Minh Triết
thay ông Trần Đức Lương làm Chủ tịch nước và bầu Nguyễn Tấn Dũng thay thế ông
Phan Văn Khải làm thủ tướng chính phủ.
Thế nhưng các trường hợp nói trên nó được miễn nhiệm và bầu
khi nhiệm kỳ của các vị đang ở các chức vụ đó theo quy định của Hiến pháp là
còn một năm vì vậy một năm mà chờ thì nó dài quá. Đến nhiệm kỳ khóa 12 của Quốc
hội thì nhiệm kỳ Quốc hội được rút lại còn 4 năm thôi cho sát với thời gian kết
thúc Đại hội đảng hơn.
Sau đại hội vào tháng Giêng năm 2011 ông Nguyễn Phú Trọng
được bầu làm Tổng Bí thư và được tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội và ông
Nguyễn Minh Triết không tiếp tục vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch nước cho đến
khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới bầu các vị lãnh đạo. Tức là có lúc bầu
giữa nhiệm kỳ, có lúc đợi cho hết nhiệm kỳ mới bầu.
Đến kỳ này thì Quốc hội quyết định miễn nhiệm các vị để bầu
người mới thì tôi thấy cũng có quy định trong hiến pháp cho phép làm như vậy,
nhưng kể ra đáng lẽ phải sắp xếp như thế nào đó để thời gian tổ chức đại hội đảng
và bầu cử Quốc hội nó sát nhau hơn để tránh chuyện bầu chức danh lãnh đạo nhà
nước hai lần trong vòng ba tháng như lần này.
Mặc Lâm: Cả thế giới đều biết vị trí của ba lãnh đạo sau
khi Đại Hội 12 chấm dứt đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân là chủ tịch Quốc hội, ông
Trần Đại Quang với chức vụ Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử làm
Thủ tướng, vậy mà Quốc hội còn bầu cho ba vị trí này nữa thì hóa ra hình thức
quá hay không thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, thường thì ở Việt Nam cũng như
ở các nước do đảng cộng sản lãnh đạo thì nhân sự do đảng cộng sản quyết định.
Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng đã giới thiệu các vị mà ông nói để mà quốc
hội xem xét để bầu vào các chức vụ lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Thế nhưng việc
trung ương giới thiệu như thế thì cũng chỉ xuất hiện trên báo chí thôi chứ tôi
cũng chưa đọc một thông tin chính thức nào nói như vậy cả. Vả lại chúng ta phải
chờ quyết định cuối cùng là quyết định của quốc hội. Về cơ bản tôi chắc rằng
quyết định của Quốc hội chắc cũng không khác so với đề nghị của đảng, thế nhưng
gầnđây có thay đổi gì không trong quyết định của đảng thì cũng chưa biết được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn GS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét