Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Trang Hạ và việc “Đấu tranh cho quyền bình đẳng” của phụ nữ Việt Nam



 Hạ Vũ, thông tín viên RFA



Nhà báo, nhà văn, bloger Trang Hạ có thể nói là một phụ nữ nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực văn học, báo chí đấu tranh cho “quyền phụ nữ” ở Việt Nam. Mọi phụ nữ Việt ủng hộ và tìm thấy chính mình trong những bài viết của cô. Cô được xem như người phụ nữ bị đàn ông ghét nhất Việt Nam. Mọi kênh truyền thông chính thống ở Việt Nam, từ báo chí tới truyền hình, truyền thanh... đều có hình ảnh của cô với những phát ngôn “gây sốc”, “để đời” thi thoảng lại trở thành những chủ đề “nóng” trên mạng xã hội cũng như các quán trà đá vỉa hè.

Cô đã phát ngôn những gì, vì sao chúng lại “gây sốc” và câu chuyện này, cho chúng ta thấy điều gì về phụ nữ Việt Nam hiện đại?


Đây là đề tài trên trang phụ nữ kỳ này.

Trang Hạ  sinh năm 1975, từng tốt nghiệp khoa Tiếng Trung, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và đã tốt nghiệp Thạc sĩ truyền thông tại Đài Loan. Cô từng là phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Đài Bắc. Công việc chính của Trang Hạ là viết văn, làm báo, phụ trách chuyên mục trên các tạp chí, viết kịch bản và quảng cáo. Năm 2002, Trang Hạ tiếp cận với blog và sau đó 1 năm khi cô sang Đài Loan, cô viết blog hằng ngày. Với nguồn văn học mạng vô tận ở Đài Loan, cô bắt đầu dịch truyện ngắn trên mạng và trở thành nhà văn, blogger nổi tiếng. Rất nhiều truyện dịch nổi tiếng do Trang Hạ thực hiện như: “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, “Mẹ điên”, “Những đống lửa trên vịnh Tây Tử”… Các tác phẩm dịch này của Trang Hạ thường đề cập đến thân phận phụ nữ, những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặc dù được đông đảo bạn đọc đón nhận, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, các tác phẩm mà Trang Hạ dịch không mang tính chất nghệ thuật, mà là những tác phẩm rẻ tiền.

Vượt qua tầm ảnh hưởng thông thường của một nhà văn, nhà báo, bloger nổi tiếng thông thường, Trang Hạ đối với phụ nữ Việt Nam giống như một “thần tượng”, người phụ nữ duy nhất dám “đấu tranh” cho quyền lợi của họ. Những “phát ngôn gây sốc” của cô như “chồng có là con chó, con lợn đâu mà phải giữ chân”; “ngoài chén rượu, đàn ông chẳng có gì hơn”; “đàn ông về nhà chỉ ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn”; “tôi thấy thương cho đàn ông mỗi dịp 8 – 3”; “tết – nỗi khổ nhục của phụ nữ”; “thà chồng ngoại tình còn hơn chơi gái”... thường xuyên trở thành đề tài bàn tán trên các mạng xã hội.

Cuộc tranh luận “nảy lửa” năm 2012 giữa cô và đạo diễn Lê Hoàng về đề tài “phụ nữ - đàn ông, ai rửa bát” không chỉ được cư dân mạng dành nhiều thời gian theo dõi, mà còn tiêu tốn không biết bao nhiêu là giấy mực, tiền bạc và công sức của các tòa báo chính thống.

Nói về việc lựa chọn đề tài Phụ nữ, Trang Hạ chia sẻ:

“Thực ra khi đó, là thời điểm năm 2009, Trang Hạ quyết định sẽ ở hẳn Việt Nam. Lúc đó mình không biết mình sẽ làm gì ở Việt Nam bởi vì sau khi học truyền thông ở nước ngoài thì đã thay đổi rất nhiều nhận thức về truyền thông. Trước đây, mục đích mình đi học thạc sỹ về truyền thông là để mình viết báo cuốn hút hơn. Thế nhưng sau khi học xong, mình tin rằng mình khó có thể làm được những thứ mà mình đã được học. Khi đó, mình nghĩ mình sẽ làm gì. Khi ở Đài Loan, mình đã làm một việc là trả lại giải thưởng cho nhà xuất bản Thanh niên của Hội nhà văn Việt Nam, khi đấy là giải thưởng văn học viết cho thanh niên. Họ trao giải thưởng về giá trị văn học nhưng họ không đồng ý xuất bản vì nó viết quá nhiều về tình dục đồng giới (LGBT), đó là cuốn “Những đốm lửa bên vịnh Tây tử”. Mình trả lại giải thưởng để mình in sách. Lúc đó, mình thấy xã hội Việt Nam đang thiếu một cái gì đó mà khi mình sống ở nước ngoài, mình thấy thực sự tự do, tự tại, mình được người ta nhìn vào rất nhiều ưu điểm của mình mà khi mình về Việt Nam, mình được nhìn thấy rất nhiều khuyết điểm.

Năm 2003 – 2008, mình đã làm rất nhiều thứ với từ khóa làm việc của mình là từ cảm động. Cho nên mình viết rất nhiều thứ như “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” rồi những “Bài báo triệu người rơi nước mắt”, “Em bé 8 tuổi lo hậu sự” hay là “Mẹ điên”. Trong đó có một số phận mà mình nghĩ rất nhiều, đó là một cô xuất khẩu lao động sang Đài Loan, sau đó cô bị tai nạn, trở thành một người tàn tật, rồi cô ấy về nước nhưng chỉ muốn tử tự thôi vì rất nhiều người dèm pha. Sau đó mình có hỗ trợ một chút học bổng để cô ấy học đại học tại chức ở Hà Nội. Mình cho là nên học để trốn cái nghèo. Và chỉ sau đó khoảng 4 – 5 năm thôi, cuộc đời của cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Với một người tàn tật ở quê, chỉ ra giếng giặt quần áo thôi đã là một nỗi đau khổ vì bị mỉa mai, thế mà cô đã lên Hà Nội làm tất cả mọi thứ để đi học và sau đó đã có một nghề lương thiện, giúp đỡ những người phụ nữ khác và có một mái ấm. Và mình biết ngay rằng người phụ nữ, người ta không sợ nghèo, không sợ khổ, không sợ tàn tật, không sợ dốt, vượt lên được số phận, nhưng người ta chỉ sợ mỗi một thứ là thị phi, miệng lưỡi của người đời hoặc cái nhìn của xã hội hay những lời nói cay đắng của cộng đồng. Và mình tin rằng mỗi một người phụ nữ Việt Nam, trong đó có cô Trang Hạ, luôn có một sức mạnh ở bên trong, làm cho chúng ta luôn có thể vượt qua được tất cả và có thể nhìn thấy được sức sống rất mạnh mẽ, chỉ có điều chúng ta luôn thua đám đông, thua lối sống theo quán tính. Chúng ta luôn sợ những lời dèm pha hơn là sợ cụt tay, tàn tật, không bằng cấp, ế chồng... chúng ta không sợ  hoàn cảnh mà chúng ta chỉ sợ những người ở ngoài cuộc đời chúng ta.

Trang Hạ biết là nếu vậy thì từ khóa cho 5 năm tiếp theo, sau 3 năm làm các tác phẩm về đề tài cảm động, thì từ khóa của Trang Hạ là phụ nữ. Mình muốn có những người phụ nữ nghĩ theo nhiều cách, nhiều lựa chọn trong đời sống, sống theo nhiều cách khác biệt và được tôn trọng. Đó là lý do vì sao mình viết, đến bây giờ, là khoảng chừng 500 tản văn về phụ nữ và 6 – 7 quyển sách trong đó có quyển gần đây nhất là “Lấy chồng xứ lạ”. Trong đó có rất nhiều cách sống nhưng chúng ta luôn luôn tìm cách nào đấy để kháng cự lại một đời sống và một lối tư duy theo quán tính. Trang Hạ nghĩ là mình sẽ cố gắng để có được một lớp độc giả mà họ càng ngày càng nới rộng biên độ tiếp nhận của họ đối với đời sống, đấy, tất cả nó chỉ có giản dị thế thôi.”


Trang Hạ và phát ngôn gây sốc của cô.

Sự nổi tiếng đến từ việc viết lách và phát ngôn các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng của phụ nữ đã đưa Trang Hạ vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của một nhà văn, trở thành một nhân vật trong giới showbiz, được mời làm diễn giả, giám khảo, nhà bình luận trong rất nhiều show truyền hình, và các cuộc thi... Cô cũng trở thành nhân vật quảng cáo được nhiều nhãn hàng, tòa báo lựa chọn mỗi khi muốn thu hút một cuộc tranh luận nảy lửa về một vấn đề nào đó liên quan đến phụ nữ. Việc này đối với những người hoạt động vì nữ quyền, cô giống như một nỗi “bất lực” của họ bởi không ai hiểu vì sao, những bài viết không mấy trau chuốt về những đề tài “tầm thường”, những phát ngôn không có gì mới mẻ, chỉ được đưa ra với giọng điệu một chút “ngông cuồng” đó lại khiến phụ nữ Việt hả hê, đàn ông Việt tức tối, trong khi biết bao chiến dịch, xuất bản phẩm... đầy tính “nghiêm túc” của họ lại bị khán giả thờ ơ.

Trang Hạ cho hay:

“Có người hỏi Trang Hạ là có phải viết về phụ nữ vì đề tài này rất nhiều nhà quảng cáo sẽ trả tiền cho Trang Hạ, nhất là những quảng cáo về mỹ phẩm hay là nước rửa bát như là họ đã trả tiền trong một số năm vừa qua. Cũng có người hỏi Trang Hạ phải chăng viết về phụ nữ vì nó dễ viết, vì mình chỉ biết mỗi đề tài đó thôi. Có người cho rằng đó là bẩm sinh, giống như năng khiếu ấy, mỗi người một mảng. Trang Hạ tin rằng đề tài mình lựa chọn nó không xuất phát từ bẩm sinh, năng khiếu, nó xuất phát từ sự thay đổi trong nhận thức và Trang Hạ sẽ còn thay đổi nhận thức nữa, trong những thời gian tiếp theo. Trong một năm vừa qua thì Trang Hạ đã thay đổi đề tài và làm khá nhiều về người cao tuổi. Mình hầu như không làm gì về phụ nữ nữa. Và gần đây, khi chúc tết, mình có làm đề tài “nhận diện bạo lực với người cao tuổi tại Việt Nam” nhưng có lẽ là độc giả Việt Nam khá thờ ơ với người cao tuổi. Họ chẳng quan tâm đến võ cổ truyền, đến những người già đang làm gương sáng trong xã hội, nhiều người chẳng quan tâm đến những tuyến bài “người già hẹn hò trong cô đơn” hoặc là “bạo lực đối với cha mẹ” hoặc là “người già đi Phượt”... nên những tuyến bài về người già của Trang Hạ không được nổi tiếng như những tuyến bài của mình về phụ nữ.”

Trang, một “bà mẹ bỉm sữa” chia sẻ lý do vì sao cô “khoái” Trang Hạ:

“Tại vì chị ý Thẳng – Thô và Thật. Em thích những cái đơn giản, không cần phải uốn lượn. Em thích nhất bài nói “đàn ông Việt Nam là con lợn”. Thật luôn, chỉ có ngồi yên một chỗ thôi, chả làm cái gì cả thì khác gì con lợn, chỉ ăn rồi nằm trong khi có thể giúp đỡ vợ. Em thấy chị ấy là một người bảo vệ nữ quyền nhưng rất công tâm, có những phản ánh rất công bằng, không phải theo kiểu mù quáng.”

Thu – một phụ nữ trẻ mới từ quê lên Hà Nội làm nhân viên tạp vụ trong một quán ăn, không có nhiều thời gian và cơ hội tiếp cận báo mạng, truyền hình, mạng xã hội... cũng biết đến Trang Hạ, cô chia sẻ:

“Em biết qua chương trình “Giai điệu tự hào”, cô ấy tham gia mấy lần ở ghế bình luận viên hay sao ấy. Hình như là chị ấy cũng có nhiều phát ngôn trên mạng nhưng em cũng ít đọc. Nhưng mà em cũng biết chị ấy là một nhà văn tiêu biểu, tham gia báo Hoa Học Trò, chị cũng là cây bút xuất sắc, hình như sinh năm 1975, có nhiều tác phẩm dịch thiên về bên tiếng Trung. Em nghĩ, ngày xưa nghe thì có vẻ hơi quá nhưng ngày nay thì là đúng. Nam nữ thì bình đẳng, con trai – con gái như nhau, con gái làm việc nhà được thì con trai cũng làm việc nhà được. Rồi những cái hủ tục có thể giản lược đi thì giản lược đi. Em khá là thích cô ấy và mong chị ấy đứng lên đòi quyền lợi của phụ nữ nhiều hơn.”

Mỗi phụ nữ ủng hộ Trang Hạ đều vì cô đã dám đưa bản thân ra trước dư luận để đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, và họ đều mong muốn cô đấu tranh nhiều hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi về “quyền nhiều hơn của phụ nữ, ngoài những điều Trang Hạ đã nói, là những quyền gì”, Thu – cũng như rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác – đều gãi đầu “Quyền gì được nhỉ?”. Có lẽ nào, các cô không biết mình còn có những quyền gì, khi mà chúng chưa được Trang Hạ viết hoặc nói ra?

Nói về vấn đề này, Trang Hạ chia sẻ:

“Bạn biết rằng chúng ta dựa vào truyền thông để chúng ta tác động đến nhận thức của mọi người. Và qua rất nhiều kênh khác nhau đó, khi mà bạn đang ở Việt Nam, khi bạn viết các tuyến bài về phụ nữ thì bạn rất khó đề cập đến những vấn đề khác hơn ngoài việc ăn uống, chồng con... những thứ rất là vai trò liên quan đến phụ nữ. Trong khi đó nói về nữ quyền thì đó là một nội dung nằm trong nhân quyền, ví dụ như là LGBT – là một trong những nội dung về nữ quyền và nữ quyền cũng không phải chỉ có nội dung là được sống theo ý mình thích mà phải trở thành một người phụ nữ có trách nhiệm đối với cuộc sống, với xã hội này và thậm chí là đảm đương được vai trò dẫn dắt xã hội. Trang Hạ phải học, phải đọc rất nhiều tài liệu và phải gặp gỡ khá nhiều chuyên gia và làm việc với các tổ chức phi chính phủ để xác quyết rằng những điều mình làm, ít nhất về lý thuyết là không sai chứ không phải mình thích gì thì viết đó. Vì thế nên trong một giai đoạn mới, Trang Hạ hy vọng rằng khi nhận thức của xã hội được nhân cao lên, đơn giản nhất là trân trọng bản thân và yêu bản thân, sau đó Trang Hạ tin là sẽ có những điều kiện hoặc là môi trường tốt hơn để mình có thể truyền thông được những thông điệp mới mẻ và đầy đủ hơn về vai trò của một người phụ nữ trong xã hội.”

Nói chuyện Trang Hạ và việc đấu tranh cho nữ quyền ở Việt Nam ngày nay, lại nhớ Hồ Xuân Hương xưa đã “dơ tay với thử trời cao thấp – xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài” rồi bà huyện thanh quan “nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc, thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia” mà tiếc cho mấy trăm năm phát triển của văn minh nhân loại, của các phong trào đấu tranh vì nữ quyền trên khắp thế giới… Ở đây, trên đất nước ngàn năm văn hiến, khi những phong trào đấu tranh cho nữ quyền trên thế giới đang cổ vũ cho việc gia tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao nhất trong các nhà nước, cho các chính sách tạo thuận lợi cho việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc của phụ nữ và nam giới... những người phụ nữ của chúng ta, không hiểu vì sao, đã tự mình thu gọn những giấc mơ, tham vọng, quan niệm về “bình đẳng” của mình xuống gần với việc đấu tranh cho quyền được chia sẻ việc nhà, chung thủy một vợ một chồng… vốn là những điều từ lâu đã được xem là “đương nhiên”.


RFA Tiếng Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét