Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Nga công bố vũ khí 'bí mật' mà Việt Nam đang nhắm tới



Khánh An-VOA

Giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông gia tăng khiến nhiều quốc gia trong khu vực lao vào cuộc đua vũ trang, Nga vừa công bố những thông tin liên quan đến các sản phẩm ‘bí mật’ mà nước này xuất khẩu trong năm qua và cho rằng khả năng thắng lớn trong các hợp đồng bán vũ khí sắp tới là rất cao. Một trong những khách hàng tiềm năng của Nga là Việt Nam, với chi tiêu tăng gấp đôi vào việc nhập khẩu vũ khí của Nga trong năm qua.




                           Chiến đấu cơ Su-35 của Nga tại triển lãm hàng không Paris.

Theo số liệu mà Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (FCS) vừa công bố, tổng doanh thu các sản phẩm trang thiết bị vũ khí được xem là ‘bí mật’ mà Nga đã xuất khẩu năm 2015 đạt 9,4 tỷ đôla.

Những nước chi tiền mạnh tay nhất vào vũ khí Nga là Iraq với 1,52 tỷ đôla, Ấn Độ với 1,18 tỷ đôla và Algeria với 906 triệu đôla.

Trong số những khách hàng truyền thống của Nga, Việt Nam trong năm ngoái đã tăng gấp đôi nhập khẩu hàng ‘bí mật’ từ Nga với 568 triệu đôla.

Các chuyên gia thế giới cho rằng tranh chấp ở Biển Đông đã biến Việt Nam trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí táo bạo nhất khi Hà Nội trong thời gian qua đã chi mạnh tay hơn cả các láng giềng giàu có như Hàn Quốc hay Singapore trong việc mua sắm vũ khí.

Thống kê gần đây của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy Việt Nam đứng hàng thứ 8 trên thế giới về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2011-2015, trong khi 5 năm trước đó chỉ đứng hàng thứ 43.

Trong khi bị giới hạn bới lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam của Hoa Kỳ (chỉ mới dỡ bỏ một phần), Nga trở thành nhà sản xuất vũ khí mà Việt Nam dốc hầu bao vào. Việt Nam trong những năm qua đã mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo, 36 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2, 6 tàu khu trục tàng hình và nhiều loại vũ khí khác.

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, nhận xét việc sắm vũ khí của Việt Nam để chống Trung Quốc là “chẳng ăn thua gì”.

“Mua vũ khí như vậy cũng chẳng ăn thua gì, bởi vì nếu mà nói để chống Trung Quốc thì vũ khí của Trung Quốc trong vùng Biển Đông gấp 40, 50 lần vũ khí của Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ mua chỉ là để chứng minh cho dân chúng Việt Nam là chính phủ Việt Nam có lo đến vấn đề phòng thủ.”

Theo GS. Ngô Vĩnh Long, việc chạy đua vũ trang không thích hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam khi đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề nan giải ảnh hưởng đến kinh tế, bao gồm cả nạn hạn hán và xâm nhập mặn đang hoành hành trong nước.

“Việt Nam bây giờ nợ công rất cao. Ngoài nợ công, viện trợ ODA trên thế giới ngày càng ít đi. Cho nên thay vì bỏ tiền vào mua vũ khí, mà có thể không sử dụng được tốt lắm bởi vì ví dụ như một chiếc tàu ngầm cũng phải mất 5 – 10 năm mới có thể biết cách sử dụng, mặt khác Nga cũng bán những vũ khí này cho Trung Quốc hay bán những vũ khí tối tân hơn cho Trung Quốc. Tôi thấy rằng chi tiêu vào quốc phòng kiểu này thì chỉ là vấn đề tâm lý, nhưng tôi thấy xài tiền như thế này là vô ích.”

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia, được Wall Street Journal dẫn lời nói Việt Nam có phần chắc sẽ tiếp tục là một trong những nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới khi căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục gia tăng. Máy bay giám sát trên biển, máy bay không người lái và các hệ thống vệ tinh và cảm biến tiên tiến sẽ là những mặt hàng nằm trong danh sách đặt hàng của Hà Nội sắp tới, chuyên gia về Biển Đông này nhận xét.

Trong khi đó, GS. Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam chỉ nên dừng lại ở mức độ trang bị phòng vệ. Chuyên gia về Việt Nam này cũng đề nghị Hà Nội nên chú trọng tăng cường quan hệ với các nước để bảo vệ an ninh chung trong khu vực, thay vì tiêu tốn tiền của vào cuộc đua vũ trang.

“Vũ trang, trang bị để phòng vệ thì tôi nghĩ cũng nên, nhưng mua những vũ khí như một vài chiếc tàu ngầm thì đâu ăn thua gì với 40, 50 chiếc tàu ngầm hay tiền thủy đỉnh của Trung Quốc trong khu vực. Thành ra tôi nghĩ phải suy nghĩ cách dùng tiền như thế nào cho có lợi dân, lợi nước. Việt Nam làm sao có liên hệ với các nước khác trong và ngoài khu vực để bảo vệ an ninh chung, chứ còn một mình Việt Nam thì tôi nghĩ có mua vũ khí đến đâu cũng chẳng ăn thu gì.”

Kênh truyền hình RT của Nga trích nguồn từ nhật báo Kommersant cho biết các khách hàng tiềm năng thường có khuynh hướng mua những loại vũ khí đã chứng minh được hiệu năng trên thực tế. Nguồn thông tin này nói tại Syria, Nga đã đạt được 2 mục tiêu. Một mặt chứng minh được khả năng giao chiến của kỹ thuật quân sự Nga và thu hút sự chú ý của khách hàng, mặt khác thử nghiệm các thiết bị vũ khí mới của Nga trong điều kiện chiến sự thực tế.

RT dự đoán số tiền 500 triệu đôla mà Nga chi ra cho các hoạt động quân sự ở Syria sẽ sớm thu hồi và sinh lãi khi Moscow ước tính sẽ đạt được 6 tỷ đôla – 7 tỷ đôla hợp đồng vũ khí mới trong thời gian tới.

Báo Nga nói cùng với Indonesia và Pakistan, Việt Nam cũng hứng thú với chiến đấu cơ Su-35 của Nga, loại chiến đấu cơ đa năng mà Nga đã bán cho Trung Quốc trước đây, được đánh giá là có khả năng vượt trội so với các máy bay cùng thế hệ. Nga dự đoán sắp tới sẽ có được những hợp đồng vũ khí mới từ Việt Nam trị giá đến 1 tỷ đôla.

VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét