Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân
Nghĩa, RFA
Ngay sau khi Trung Quốc
chính thức ban hành kế hoạch Kinh tế Năm năm từ kỳ họp vừa qua của Quốc hội
Khóa 12 lại có tin bạo động bùng nổ tại tỉnh Hắc Long Giang khi công nhân của một
doanh nghiệp nhà nước sản xuất than đá đã biểu tình trong ba ngày liền vì không
lương. Loại tin tức xã hội ấy khiến người ta nên chú ý đến một quyết định cải
cách khác, là Lực lượng Cảnh sát Võ trang. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu khía cạnh
đàn áp và thanh trừng đi cùng nỗi khó khăn của cải cách kinh tế.
Mục tiêu thanh trừng
chính trị?
Nguyên Lam: Nguyên
Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau khi Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc
là Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày báo cáo tình hình kinh tế chính trị trước
kỳ họp vừa qua của Quốc hội Khóa 12, người ta biết thêm nhiều chi tiết về Kế hoạch
Năm năm Thứ 13 của Trung Quốc trong thời khoảng 2016-2020. Qua các chi tiết được
công khai hóa, quốc tế chú ý đến việc sẽ sa thải hay dời công tác của nhiều triệu
công nhân viên từ các ngành than thép vì nạn sản xuất thừa. Chưa biết quyết định
này sẽ thi hành ra sao thì tuần qua lại có tin là nhiều công nhân của một doanh
nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Hắc Long Giang biểu tình trong ba ngày vì lao động
trong ngành than mà chẳng có lương và bạo động đã bùng nổ. Vì vậy, kỳ này,
chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về những khó khăn xã hội trong
tiến trình cải cách kinh tế của Trung Quốc. Ông Nghĩa nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để
chúng ta thấy ra toàn cảnh, tôi xin phân tích một khía cạnh khác của cải cách
kinh tế, là cải cách bộ máy đàn áp của Trung Quốc, có tên là Lực lượng Cảnh sát
Võ trang Nhân dân, nhưng trong mục tiêu thanh trừng chính trị của lãnh đạo.
Trước hết là về bối cảnh
thì Trung Quốc vừa hoàn tất hai phiên họp song hành, được gọi là “Lưỡng Hội”.
Đây là hội nghị của hai cơ chế dân chủ giả hiệu. Thứ nhất là “Hội nghị Nhân dân
Hiệp thương Chính trị”, gọi tắt là “Nhân Dân Chính Hiệp” hay Chính Hiệp. Hội
nghị quy tụ đại biểu của tám đảng giả được mời vào làm tư vấn cho một đảng thật,
là đảng Cộng sản Trung Hoa. Cơ chế kia được tôn là quyền “lập pháp tối cao của
quốc gia” là “Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”, gọi tắt là Nhân Đại, quy tụ
gần ba ngàn đại biểu mà hai phần ba được đảng cử cho dân bầu. Thiên hạ cứ gọi
cơ chế ấy là “Quốc hội”. Màn Nhân Đại hay Quốc hội có sự dàn dựng công phu hơn
Chính Hiệp vì có quyền thông qua các nghị quyết của đảng.
Về các nghị quyết thì
từ Tháng 10 năm ngoái, Hội nghị kỳ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 18 đã họp
để đại diện cho 88 triệu đảng viên là 205 ủy viên chính thức và 171 ủy viên dự
khuyết “thảo luận” về đường hướng kinh tế do Bộ Chính trị gồm có 25 ủy viên đề
ra qua sự trình bày của Thường vụ Bộ Chính trị có bảy người. Theo phép “dân chủ
tập trung”, từ hơn một tỷ 350 triệu dân đến 88 triệu đảng viên lên tới Thường vụ
Bộ Chính trị, thì Tổng bí thư Tập Cận Bình là người tập trung nhiều quyền hạn
nhất hiện nay, hơn cả Đặng Tiểu Bình và gần bằng Mao Trạch Đông, để đích thân vạch
ra đường hướng kinh tế ấy.
Thứ ba, vì biết quốc
tế theo dõi nên Tháng 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương và Quốc vụ viện, là
Hội đồng Chính phủ, mới thừa chỉ thị của Bộ Chính trị mà triệu tập “Hội nghị
Công tác Kinh tế của Trung ương”, dưới sự chủ trì của hai ông Tập Cận Bình và
Lý Khắc Cường, để rà kỹ bài bản trước khi cho Nhân Đại trình diễn việc phê chuẩn.
Đấy là bối cảnh chính trị của quyết định sẽ sa thải công nhân viên ở các khu vực
bị nạn sản xuất thừa.
Nguyên Lam: Thưa ông,
phải chăng là từ các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Hội
nghị Kinh tế Trung ương mà hôm 29 Tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nhân lực, Tài
nguyên và Bảo vệ Xã hội của Bắc Kinh là Doãn Úy Dân loan báo việc sa thải một
triệu 800 ngàn nhân công từ hai khu vực sản xuất than thép của Trung Quốc? Sau
đấy, hôm mùng một Tháng Ba, thông tấn xã Reuters đưa tin là theo lời tiết lộ của
hai viên chức thân cận với giới lãnh đạo nhưng xin giấu tên, thì trong hai ba
năm tới, Trung Quốc sẽ sa thải năm sáu triệu công nhân viên từ khu vực nhà nước.
Mục tiêu là để giải quyết nạn sản xuất thừa. Nếu vậy thì có lẽ chúng ta không lạ
với chuyện công nhân Hắc Long Giang biểu tình, là điều đã xảy ra khá thường
xuyên ở nhiều nơi khác, nhưng ngạc nhiên vì lý do biểu tình là họ không được trả
lương. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Chúng ta có thấy ra sự kiện mới là lần đầu tiên mà Bắc Kinh nói ra nhu cầu sa
thải nhân viên từ khu vực kinh tế nhà nước để xác nhận nạn sản xuất thừa. Trước
đây và gần 15 năm qua họ cố che giấu và chỉ nói đến mức thất nghiệp thấp và dĩ
nhiên là giả tạo. Chi tiết thứ hai mà ta cần kết hợp với chuyện ấy là Bắc Kinh
cũng chỉ thị cho các doanh nghiệp nhà nước phải ưu tiên tuyển dụng bộ đội phục
viên, tức là họ e sợ nguy cơ động loạn xã hội xuất phát từ quân đội, được gọi
là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trong khi ấy và đây là chi tiết thứ ba,
nhiều khu vực rộng lớn là công nghiệp nặng hay sản xuất phù trợ cho xây cất đều
bị ế ẩm, lỗ lã và mắc nợ nên thiếu tiền trả lương nếu không được vay tiền đắp nợ
và tài trợ vốn luân lưu. Khi tổng kết lại thì ta có thể hiểu ra tình trạng động
loạn xã hội nay bùng nổ với cường độ rất đáng lo ngại.
Ảnh minh họa chụp ở
Tân Cương trước đây.
Nguyên Lam: Và thưa
ông, có phải đấy mới là bối cảnh rộng lớn của việc lãnh đạo Bắc Kinh đang cải
cách cả lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Thuần về ngữ học thì tôi xin phép dùng chữ Võ thay cho Vũ khi nói về võ khí hay
quân sự và dành chữ Vũ cho nghĩa khác, thí dụ như khiêu vũ hay vũ công là thợ
múa! Có dùng từ Võ Trang thì ta mới thấy hết chức năng có tính chất bạo lực của
cơ chế này.
Số là khi theo dõi
khóa họp vừa qua của Quốc hội Bắc Kinh, ta thấy các đại biểu Quốc hội thảo luận
về việc cải cách Lực lượng Cảnh sát Võ trang mà người dân Trung Quốc hay gọi tắt
là Cảnh Võ. Cho tới nay, cơ chế võ trang này nằm dưới sự điều động song song của
Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ và của Ủy ban Quân sự Trung ương, là thể chế
cao cấp nhất về quân sự và võ trang, do Thường vụ bộ Chính trị chỉ định thành
phần nhân sự dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư trong vai trò Chủ tịch. Nói vắn tắt
thì lực lượng Cảnh Võ cùng được đảng và nhà nước điều động căn cứ trên Hiếp
pháp và Đạo luật Cảnh sát Võ trang do Quốc hội ban hành cuối Tháng Tám năm
2009, khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch. Thế rồi, gần đây, Chính ủy của Lực
lượng Cảnh Võ là Tướng Tôn Tư Kính lại đề nghị tu chỉnh đạo luật này để tăng cường
vai trò lãnh đạo của Chủ tịch tập Cận Bình và Quân ủy Trung ương.
Quân đội là công cụ của
Chủ tịch Tập Cận Bình?
Nguyên Lam: Thưa ông,
từ cuối năm ngoái lãnh đạo Trung Quốc đã có đợt cải tổ quân đội và cả tổ chức lẫn
chiến lược quân sự. Như vậy, đề nghị cải cách Lực lượng Cảnh Võ đó có nằm trong
chiều hướng này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kỳ
này, chúng ta không nói về cải cách tổ chức quân đội và chiến lược quân sự mà
chỉ cần nhớ rằng Quân đội có nhiệm vụ chủ yếu là hướng ngoại, lo về chiến
tranh, trong khi Cảnh Võ thì lo dẹp nội loạn, với sự yểm trợ của quân đội nều cần
thiết. Bên phía Quân đội thì việc cải cách không chỉ giảm số quân khu, lập ra
hai quân chủng mới và tăng cường vai trò của bộ Tổng tham mưu mà còn tập trung
quyền lực vào tay ông Tập Cận Bình với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Khi viên tướng Chính ủy của Lực lượng Cảnh Võ đề nghị tu chỉnh Đạo luật Cảnh Võ
thì đấy là động thái thứ nhì để củng cố quyền lực của Chủ tich Tập Cận Bình
trên cả quân đội lẫn cảnh sát mà ta có thể gọi là “bộ đội nội an”.
Nguyên Lam: Thưa ông,
vì sao ông lại đặc biệt chú ý đến chiều hướng tập trung quyền lực này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước
hết, đạo luật Cảnh Võ ra đời vào cuối năm 2009 là để nâng cao khả năng dẹp loạn
của lực lượng cảnh sát võ trang sau nhiều biến động từ năm 2008 vì các lý do
như người Hồi giáo nổi loạn, dân Tây Tạng đòi tự trị và nhất là tình trạng động
loạn xã hội, thiên tai hay nhân họa vì tai nạn. Năm năm trước, ngân sách quốc
gia cho lực lượng võ trang dẹp nội loạn này còn cao hơn ngân sách quốc phòng, đấy
là chi tiết rất đáng chú ý.
Được thành lập từ năm
1982 và cải tiến qua Đạo luật Cảnh Võ vào năm 2009, lực lượng võ trang này có
quân số là 660 ngàn, với nhiệm vụ dẹp loạn khi lực lượng cảnh sát hay thành quản
của các địa phương bị tràn ngập và không ổn định được trật tự xã hội. Những khó
khăn kinh tế dồn dập từ năm 2009 có thể giải thích nhu cầu tăng cường phương tiện
bạo lực ấy. Nhưng vì nằm dưới sự điều động dân sự là Quốc vụ viện lẫn quân sự
là Quân ủy Trung ương, lực lượng Cảnh Võ chịu trách nhiệm trước Bộ Công An của
Quốc vụ viện lẫn Quân ủy Trung ương. Trong thực tế thì ngân sách và nhân sự của
Cảnh Võ là do Bộ Công An phụ trách nên đây là lực lượng võ trang duy nhất còn nằm
trong tay nhà nước, trong khi quân đội đã trở thành công cụ không phải của đảng
mà của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuối năm 2014 thì hai
viên tướng chỉ huy lực lượng này là Chính ủy Tôn Tư Kính và Tư lệnh Vương Ninh
được Tập Cận Bình đưa từ Quân đội Giải phóng qua, hiển nhiên là với nhiệm vụ cải
cách theo hướng thâu tóm quyền lực về Quân ủy Trung ương. Nếu đề nghị tu chỉnh
được Thường vụ Quốc hội thông qua sau khi khóa họp kết thúc hôm 16 vừa rồi thì
Quốc vụ viện hay Chính phủ và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ mất nhiệm vụ điều động
lực lượng võ trang duy nhất trong tay mình. Từ nay, tất cả đều về tay ông Tập Cận
Bình và vụ khủng bố tại Bruxelles sáng 22 vừa qua có thể là lý cớ tự nhiên nhất.
Nguyên Lam: Ông kết
luận thế nào về chuyện ấy vì trong khi động loạn đang lan rộng thì tại sao nhà
nước dân sự lại mất quyền điều động cái lực lượng mà ông gọi là “bộ đội nội an”
và ông Tập Cận Bình lại thâu tóm quyền lực vào trong tay mình?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Tôi nghĩ sự kiện ấy mới đáng chú ý hơn cả. Sau khi tiến hành kế hoạch “đả hổ đập
ruồi” tiếng là để thanh lọc đảng viên bị biến chất vì tham nhũng mà thực tế là
nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị, ông Tập Cận Bình lại tập trung thêm quyền
lực vào trong tay thì hẳn là phải có những mục tiêu khác. Trước hết, việc cải
cách kinh tế đã gây phản ứng mạnh từ tầng lớp đảng viên cao cấp tại Trung ương
lẫn các địa phương. Rồi việc tập trung quản lý kinh tế vào trong tay mình lại
gây phản tác dụng qua những lúng túng và lụp chụp từ năm ngoái càng khiến Tập Cận
Bình thấy bất an. Năm tới lại có Đại hội đảng Khóa 19 với quyết định bổ nhiệm
năm Ủy viên mới vào Thường vụ Bộ Chính trị thay năm người sẽ quá tuổi, trong số
này có những người sẽ lên lãnh đạo sau Đại hội 20 vào năm 2022. Khung cảnh ấy
có thể cho thấy nhiều trận đấu đá nội bộ để giành quyền lực. Với tâm trạng bất
an, Tập Cận Bình không thể để xảy ra rủi ro chính trị. Vì vậy, lực lượng Cảnh
Võ sẽ là phương tiện bạo lực phụ trội để đàn áp chính trị ngay trong đảng hơn
là để dẹp nội loạn trong xã hội. Có cái gì đó rất lạ đang xảy ra tại Bắc Kinh
mà người ta cần theo dõi.
Nguyên Lam: Ban Việt
ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
Nguồn: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét