Quốc Toản - GDVN
Trước đó, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức hôm 4/3, Cục trưởng Đạt cho rằng, tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho: “Chúng tôi chống lại có khi ‘chết’ trước”, ông Đạt chia sẻ.
Phân tích thêm về ý kiến này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 13/2, Cục trưởng Đạt nói: “Người dân tỏ ra lo lắng cho công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Họ tự đặt câu hỏi, bây giờ chống ai? chống thế nào? Có chống được không?
Băn khoăn này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, tham nhũng là người có chức có quyền, có khi những đối tượng tham nhũng có quyền quyết định đến vị trí công tác của mình ấy chứ!
Do đó, khi phát hiện là cán bộ đảng viên, giữ vị trí lãnh đạo, có dấu hiệu tham nhũng thì phải thực hiện theo quy trình. Làm không tốt, không theo quy định có khi ảnh hưởng tới cả mình”, ông Đạt cho biết.
Lo lắng của vị Cục trưởng Cục chống tham nhũng là có cơ sở, bởi lẽ một mình ông Đạt cũng chẳng làm nên chuyện khi “quốc nạn” tham nhũng đã trở thành hệ thống, bao gồm một bộ phận cán bộ đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến cơ sở”, như nhận định của ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh hóa (GDVN hôm 31/1/2016).
Thậm chí đã có Đại biểu Quốc hội từng chỉ rõ đối tượng dễ tham nhũng nhất, nhưng để bắt được “chuột tham nhũng” không phải là chuyện đơn giản.
“Đối tượng dễ “sa ngã” nhất đó là giới quan chức: “Ai tham nhũng được? Đấy là những người có chức có quyền.
Ai có thể có chức có quyền?
Nhưng số đó chỉ một số ít có quyền lực, có chức vụ, có quyền động, chạm đến ngân sách quốc gia, công sản quốc gia”, Đại biểu Dương Trung Quốc chi rõ (GDVN 22/2/2015).
Minh chứng cho sự bế tắc ấy là phát biểu của Tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP. Hồ Chí minh tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức hôm 8/3, khi ông được hỏi vì sao án tham nhũng do Công an thành phố phát hiện qua trinh sát ít?
Tướng Minh thẳng thắn: “Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15.
Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà Công an không được tổ chức trinh sát đảng viên”.
Hóa ra, không phải TP. Hồ Chí Minh không có tham nhũng như báo cáo số liệu về xử lý tham nhũng 9 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, mà là họ không biết “bắt” tham nhũng bằng cách nào?
Lời nói thẳng thắn, của Tướng Minh về Chỉ thị 15, cùng nhận định của nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đã lột tả từ “chân tơ, kẽ tóc” bản chất và hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta, vẫn còn nặng tính hô hào, hình thức.
Nói theo cách nói của Nhà báo Kỳ Duyên trên tờ Vietnamnet.vn, trong bài “Cá lớn…nuốt dân và phát ngôn tướng Công an” (hôm 12/3), thì Chỉ thị 15 phản chiếu tư tưởng Đảng lãnh đạo toàn diện đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, ngăn ngừa hiện tượng chạy án, tiêu cực…
Nhưng cũng chính vì thế trong thực tế, rất nhanh, có không ít kẻ ở cơ sở đã biến Chỉ thị này thành “bảo bối” để… bảo kê cho những hành vi tham nhũng tội lỗi.
Thế là xong. Tướng Công an “bó tay”, Cục chống tham nhũng “lo”… tham nhũng, đối tượng tham nhũng lợi dụng Chị thị 15, trang bị “áo giáp” để bảo vệ hành vi tham nhũng.
Thế thì chống tham nhũng kiểu gì?
Quốc Toản/GDVN
https://chantroimoimedia.com/2016/03/16/tuong-cong-gap-kho-cuc-truong-cuc-chong-tham-nhung-lo-tham-nhung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét