Ngô Nhân Dụng
Tòa án ở Hà Nội dùng
điều 258 Luật Hình Sự để xử Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) và cô Nguyễn Thị Minh
Thúy 5 năm và 3 năm tù giam; kết tội họ đã “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Ðâu có quyền tự do dân chủ nào đâu mà lợi dụng? Chế độ Cộng Sản đã vi phạm
chính bản Hiến Pháp của họ, đồng thời cũng tiếp tục một chính sách làm cho
chính chế độ suy yếu về lâu về dài, kết quả chỉ làm đất nước xuống dốc thê thảm
hơn.
Về luật pháp, anh Ðỗ
Nam Trung, một tù nhân lương tâm nhận xét, “họ đang ngồi xổm trên pháp luật, họ
giẫm đạp lên Hiến Pháp, họ thích bắt thì bắt, thích thả thì thả, không có áp dụng
điều nào, khoản nào của bộ luật nào về việc đó cả...” Nhà tranh đấu Nguyễn Chí
Tuyến, theo dõi phiên tòa từ đầu, đặt câu hỏi tại sao cô Ðoan Trang, anh Nguyễn
Tuấn Anh, anh Trịnh Hữu Long là những tác giả trong 24 bài viết nêu trong bản
cáo trạng, cũng bị ngăn cản không được vào dự phiên tòa?
Tổ chức Phóng Viên
Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières - RSF) lên tiếng yêu cầu cộng đồng
quốc tế làm áp lực bắt nhà cầm quyền Hà Nội xóa bỏ bản án tù các “nhà báo công
dân” (journalistes citoyens) Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Họ nhắc
nhở dư luận rằng chính quyền Việt Nam đang đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia
trong bảng xếp hạng về thi hành quyền tự do báo chí.
Những lời lên án trên
đây chắc sẽ không khiến ai trong chế độ Cộng Sản động lòng. Họ đã quen ngồi
trên đầu dân chúng, điều khiển một đám gia nô, không bao giờ chấp nhận cho ai
bày tỏ ý kiến đối nghịch. Nhưng nếu báo cho ông Nguyễn Phú Trọng biết rằng
chính ông Tập Cận Bình ở bên Tàu cũng đang được khuyến cáo hãy thay đổi chính
sách đó, thì chắc Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ bắt đầu nghĩ lại.
Chắc ông Nguyễn Phú
Trọng cũng biết mới có một bài viết đăng trên trang mạng của Ủy Ban Trung Ương
Kỷ Luật Thanh Tra của đảng Cộng Sản Trung Quốc (中央纪律检查委员会), do ông Vương Kỳ San (王岐山) cầm đầu; sau đó được đưa lên rất
nhiều mạng khác. Vương Kỳ San là cánh tay mặt của Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ của
nước Tàu bây giờ, trong chiến dịch đánh tham nhũng từ mấy năm nay. Bài báo mang
tựa là “Một nghìn người vâng dạ, không bằng một kẻ sĩ nói thẳng” (Thiên nhân
chi nặc nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc 千人之諾諾,不如一士之諤諤.)
Nội dung của bài
“Thiên nhân chi nặc nặc” là kể chuyện đời xưa để khuyên bảo “hoàng đế đỏ” thời
nay: Hãy biết nghe những lời can gián thẳng thắn của kẻ sĩ, đừng mê ngủ chỉ
nghe những lời vâng vâng, dạ dạ của đám đàn em chung quanh mình.
Câu “Thiên nhân chi nặc
nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc” được bài báo dẫn ra từ lời tuyên bố của
chính ông Tập Cận Bình, trong một cuộc “giảng thoại” nói với ủy ban “chuyên đề
về sinh hoạt dân chủ” của thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc. Ông nói rằng nhiều cán bộ bị
truy tố cãi rằng nếu họ được ai nói cho biết những việc mình làm là có tội thì
họ đã không vi phạm. Ông nói thêm: Không biết tội là chuyện nhỏ; vấn đề lớn
hơn, gây nhiều sai lầm hơn là người ta không biết, “Một nghìn người vâng dạ,
không bằng một kẻ sĩ nói thẳng,” Tập Cận Bình nói như vậy.
Dựa vào lời tuyên bố
đó, bài báo đã triển khai, kể chuyện đời xưa, cho biết câu nói trên trích từ
chuyện Thương Ưởng trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (史記·商君列傳). Thương Ưởng lúc đã được vua Tần
Hiếu Công trọng dụng, muốn dụ Triệu Lương theo mình. Triệu Lương yêu cầu phải
được cho phép nói bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt, bởi vì: “Một nghìn tấm
da dê không bằng cái nách của một con cáo, một nghìn người vâng dạ, không bằng
một kẻ sĩ nói thẳng." (千羊之皮,不如一狐之掖;千人之諾諾,不如一士之諤諤).
Ưởng đồng ý.
Sau đó, tới tấm gương
Lý Thế Dân, tức Ðường Thái Tông, dùng Ngụy Chủy (Wei Zheng), đem so sánh với
chuyện Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng. Ngụy Chủy (580-643) từng là quân sư cho Lý
Kiến Thành (Li Jiancheng, 李建成),
đã xúi Kiến Thành giết Thế Dân. Sau ông ta đổi chủ, khi Thế Dân giết Kiến
Thành. Trong 13 năm làm tể tướng, Ngụy Chủy luôn luôn can gián vua, có khi ép
Thái Tông phải bãi bỏ lệnh bắt lính tất cả những con trai trên 18 tuổi mà không
phải con đầu lòng. Ngụy Chủy can thiệp cả vào việc gia đình của ông chủ, như vấn
đề của hồi môn cho con gái. Về sau ông ta còn chỉ trích vua hồi xưa vui vẻ nghe
lời can gián nhưng càng về sau tai nghe mặt càng không vui. Cứ thế, nhiều lần
Thái Tông giận đỏ mặt. Có lần ông vua vào hậu cung rồi vẫn còn lầu bầu mắng chửi
Ngụy Chủy. Hoàng Hậu Trưởng Tôn (Zhangsun, 長孫皇后)
bèn mặc triều phục quỳ xuống, chúc mừng Thái Tông có được trung thần dám nói thẳng,
điều đó chứng tỏ ông là một minh quân. Bấy giờ ông ta mới nguôi. Sau khi Ngụy
Chủy chết, Ðường Thái Tông cử binh đánh Hàn Quốc và thua trận, ông than rằng “Nếu
Ngụy Chủy còn sống chắc thế nào cũng đã can gián ta!”
Bài báo ca ngợi Ðường
Thái Tông như một ông vua thành công bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, ngụ ý
khuyên răn ông hoàng đế đỏ Tập Cận Bình! Sau đó, còn nêu “chủ trương” của Khổng
Tử “Ði ba người thế nào cũng có một người đáng dậy mình” (Tam nhân hành tất hữu
ngã sư, 三人行必有我师); nêu tấm gương Khổng Tử tôn kính cả những
ẩn sĩ như Tiếp Dư, người cuồng nước Sở (楚狂接舆), và ông già ẩn sĩ Hà Ðịch (荷蓧老人). Ðến ông cụ Khổng cũng biết kính
trọng kẻ sĩ không theo mình, sao không bắt chước?
Nói chung, bài báo
“Thiên nhân chi nặc nặc” có thể coi là một lời khuyên bảo, hay là “can gián” gửi
tới Tập Cận Bình. Người ta không biết Vương Kỳ Sanh có chủ mưu đưa bài báo này
lên mạng của ủy ban chống tham nhũng của ông ta không, nhưng bài báo đã được
loan truyền khắp trên các mạng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, tất cả những
câu chuyện cổ nêu trên đều diễn ra trong thời quân chủ chuyên chế. Những “trung
thần” can đảm can gián vua đều nhắm một mục đích là củng cố uy quyền của ông
vua, chứ không phải vì ích lợi cho dân. Nghĩa là Vương Kỳ Sanh chỉ muốn giúp Tập
Cận Bình trở thành một “minh quân đỏ” trong chế độ Cộng Sản!
Nhưng người đọc, ở
Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, phải tự hỏi: Tại sao người cầm đầu guồng máy
cai trị không biết lắng nghe tất cả các “kẻ sĩ nói thẳng” trong thiên hạ, mà lại
chỉ giới hạn trong đám cận thần của mình? Ai cũng biết, dưới chế độ độc tài,
chung quanh các “hoàng đế” sẽ chỉ còn những bọn vâng vâng, dạ dạ! Chỉ những đảng
viên biết luồn cúi mới có cơ hội thăng quan tiến chức, các kẻ sĩ đâu còn ai muốn
chui vào ngồi trong đám gia nô đó? Những xung đột nội bộ của các đảng Cộng Sản
đều vì phe cánh tranh giành địa vị, chứ không phải vì những “gián quan” can đảm
bác bỏ ý kiến, chính sách của các hoàng đế đỏ!
Thời quân chủ, tất cả
phục vụ cho ông vua và gia đình ông ta. Thời nay, trên lý thuyết chủ quyền thuộc
về toàn dân, những ý kiến ích lợi cho dân chúng, dù của những người như Tiếp
Dư, Hà Ðịch, cũng phải được tôn trọng nếu đem lại lợi ích chung! Trong nước Việt
Nam và Trung Quốc, biết bao nhiêu kẻ sĩ đang bày tỏ ý kiến trái ngược với đường
lối đảng, tại sao không để cho họ được lên tiếng?
Ðọc xong và biết nội
dung bài “Thiên nhân chi nặc nặc” ai cũng sẽ phải nhìn ra: Những người như Anh
Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Quang A, Ðoan Trang, Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh
Hữu Long, vân vân, đều là những “kẻ sĩ” trong thời đại này. Họ lên tiếng đòi tự
do dân chủ vì đó là khát vọng của người Việt Nam cũng như của cả nhân loại. Tại
sao không lắng nghe họ nói mà chỉ biết nghe nịnh hót, như đám gia nô trong cái
quốc hội bù nhìn? Nước Việt Nam cần thêm rất nhiều lời thẳng thắn của Anh Ba
Sàm hay chỉ biết nghe ngàn lời vâng vâng, dạ dạ?
Tiếp tục ngăn cấm những
người như Anh Ba Sàm lên tiếng, thì chỉ khiến cho dân càng khinh, càng ghét chế
độ độc tài. Mà về lâu về dài, chính sách đó sẽ khiến đất nước xuống dốc không
dám ngẩng mặt nhìn các nước Á Ðông chung quanh.
Dân Việt Nam đã ý thức
quyền tự do sống làm người của họ. Cho nên dù chính quyền Cộng Sản có đàn áp những
Anh Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy bằng những bản án phi lý, dân Việt không còn sợ
nữa. Các nhà tranh đấu dân chủ sẽ còn tiếp tục, dù Anh Ba Sàm đã bị tù. Có thể
kết luận bằng nhận xét của Linh Mục Lê Ngọc Thanh, rằng các bản án tù “không
còn tác dụng như nhà cầm quyền mong muốn là ‘răn đe’ dân chúng nữa.” Do đó,
linh mục khuyến cáo, chỉ còn một con đường là, “hãy thay đổi cơ chế xã hội,” chấm
dứt độc tài chuyên chế!
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét