Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Từ Che Guevara đến Obama



Nguyễn Giang BBC

                                        Hai cô con gái nhà Obama thăm Cuba cùng cha mẹ

Trước khi xuống cầu thang máy bay, ông Obama đã nhắm trên Twitter lời chào bằng tiếng Tây Ban Nha 'Que bola Cuba?' và hứa 'sẽ gặp và nghe trực tiếp người dân' ở thủ đô nước láng giềng vẫn còn là cộng sản.

Cầm ô đưa vợ và hai cô con gái đã lớn tướng đến thăm phố Havana trong mưa, ông cũng không quên nhắc lại lần trước, cách đây những 88 năm, tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge đến 'trên tàu chiến' và phải đi mấy ngày trên biển.


Lần này, ông nói chuyến bay chỉ mất có vài tiếng, hàm ý hai bên rất gần nhau.

Ông cũng nói Cuba 'chắc chắn sẽ thay đổi', điều chẳng ai phủ nhận vì quá hiển nhiên.

Hồi tháng 12/2014, khi nghe tin Hoa Kỳ và Cuba sắp bình thường hóa quan hệ, tôi có viết một bài blog đại ý rằng tương lai Cuba có nhiều khả năng sẽ sáng sủa hơn Việt Nam những năm tới.

Nếu như Việt Nam có dân số quá đông (thứ 13 thế giới), Cuba chỉ có trên 11 triệu người nên đầu tư nước ngoài ồ ạt sẽ rất dễ tạo hiệu ứng cất cánh trong chốc lát.

                                                 Dân Cuba đón chào tổng thống Hoa Kỳ

Khi ấy đã có một số nhà kinh tế so sánh Cuba với Costa Rica, nước có cấu trúc dân số tương tự (đa số gốc Âu) và có hệ thống giáo dục tốt, cộng thêm lợi thế du lịch vì gần Hoa Kỳ.

Vào cuối 2014, Costa Rica đã có thu nhập 18 nghìn USD bình quân đầu dân và Cuba chỉ cần một cú hích chừng 100-200 tỷ USD, là có thể đẩy thu nhập bình quân 6000 đô la lên cao.

Vai trò của trên 2 triệu kiều dân Cuba ở Hoa Kỳ cũng rất mạnh, với chính khách trong Hạ viện, Thượng viện và cả ứng viên tổng thống, nên tiếng nói của họ về tương lai Cuba sẽ không ai bác bỏ nổi.

Mà các yếu tố bên ngoài vốn luôn tác động mạnh đến Cuba khiến nỗ lực đóng cửa đảo quốc sớm muộn cũng sẽ thất bại.

Từ Che Guevara đến Obama

Thật vậy, vì Cuba nhỏ hơn nhiều so với tham vọng cách mạng quá to của Fidel Castro nên trong suốt nhiều thập niên, ông phải dựa vào giới trí thức thiên tả chống Mỹ ở châu Âu, chủ yếu là Pháp.
Image copyright Reuters Image caption Du khách mặc áo thun có hình ông Obama như là nhà cách mạng Che Guevara

Sự ủng hộ cho cách mạng Cuba cũng đến từ các nhóm cánh tả Argentina, Nicaragua, Chile...mà biểu tượng là nhân vật Che Guevara.

Sinh năm 1928 tại Argentina với cái tên Ernesto Guevara de la Serna, ông trở thành công dân Cuba và là nhân vật hàng đầu trong phong trào Marxist châu Mỹ La Tinh, chống lại "mọi hình thức của chủ nghĩa đế quốc".

Nhưng sau khủng hoảng tên lửa năm 1962, ông bắt đầu thất vọng về đường lối của Fidel Castro đưa Cuba vào quỹ đạo của Liên Xô, quốc gia cũng 'khổng lồ' chẳng kém gì Mỹ.

Từ tháng 4/1965, Che Guevara bỏ mọi chức vụ trong chính quyền Fidel, sau đó tuyên bố bỏ quốc tịch Cuba và sang châu Phi giúp du kích Congo.

                                                          Hình Che ở Cuba ngày nay

Cuối cùng ông về Bolivia chiến đấu vũ trang trong rừng cho đến khi bị giết năm 1967.

'Mối tình cách mạng' của Che với Cuba cũng đánh dấu sự thất bại của phe tả lý tưởng muốn cải tạo thế giới bằng súng, bằng cải cách ruộng đất, bằng cả thơ ca, diễn thuyết và cả 'sex appeal' ngạo nghễ' đầy nam tính.

Che từng khinh bỉ chủ nghĩa tư bản kể cả khi giữ chức Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Cuba.

Nhưng ngày nay thì Cuba rất cần đồng tiền Mỹ và những lời hứa về các hợp đồng béo bở đang bay đến cùng cánh chuyên cơ Air Force One.

Từ năm 1928 đến tận sau Thế Chiến 2 chẳng có tổng thống đương nhiệm nào của Hoa Kỳ buồn tới thăm Cuba.

Phải chăng vì bị 'bỏ quên' nhiều năm nên Cuba trở thành mảnh đất màu mỡ cho cách mạng vô sản 1953-1959?

Trong Chiến tranh Lạnh người Mỹ lại xoay qua thái cực ngược lại là quan tâm để bao vây, trừng phạt nước láng giềng 'trái chiều'.


 Ngày nay thì cả hai quốc gia đều có những ưu tiên khác và người Mỹ trở lại như một yếu tố tạo biến đổi.

Cuba từng mơ giấc mơ Che Guevara và nay vui mừng với nụ cười Obama, vị tổng thống dù sao cũng gần gũi họ về mặt con người và quan điểm hơn các 'US Presidents' từ trước tới nay.

Người Cuba chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét