Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ông Lý Quang Diệu là một vĩ nhân. Và ông là một người bạn thân của tôi,
một điều mà tôi coi là diễm phúc lớn của đời mình. Một thế giới vốn đang cần chắt
lọc sự trật tự từ hỗn mang ban sơ chắc chắn sẽ nhớ đến tài lãnh đạo của ông.
Ông Lý nổi lên trên sân khấu quốc tế như là tổ phụ của quốc gia
Singapore, khi đó là một thành phố có khoảng 1 triệu dân. Ông tỏ rõ là một
chính khách tầm cỡ thế giới, người đóng vai trò như một dạng thức lương tâm đối
với các nhà lãnh đạo khắp toàn cầu.
Ban đầu số phận dường như đã không ban cho ông một khởi điểm để ông có
thể đạt được sự thành công vượt ra phạm vi địa phương khiêm tốn. Trong giai đoạn
đầu tiên của quá trình phi thực dân hóa, Singapore là một phần của xứ Malaya
(tên gọi của Malaysia lúc đó – NBT). Nó bị buộc tách ra vì căng thẳng giữa
Singapore chủ yếu gồm người Hoa và Malaya có người Malay chiếm đa số, và đặc biệt,
Malaya muốn dạy cho thành phố cứng đầu này một bài học về sự phụ thuộc. Malaya
tin chắc rằng thực tế sẽ làm Singapore mất hết tinh thần muốn độc lập.
Nhưng những con người vĩ đại trở nên vĩ đại như vậy là nhờ nhãn quan vượt
trên những toan tính vật chất tầm thường. Ông Lý thách thức lý trí thông thường
bằng cách chọn con đường độc lập. Sự lựa chọn phản ánh niềm tin sâu sắc của ông
vào các đức tính của người dân Singapore. Ông khẳng định rằng một thành phố nằm
trên một bãi cát không chút tài nguyên kinh tế để khai thác với nền công nghiệp
chính là một căn cứ hải quân thuộc địa đã biến mất nhưng vẫn có thể trở nên thịnh
vượng và đạt được tầm vóc quốc tế bằng cách dựa vào nguồn vốn quý chủ yếu: sự
thông minh, cần cù và tận tụy của người dân.
Một nhà lãnh đạo vĩ đại đưa xã hội của mình từ hiện tồn đến nơi chưa từng
đến – thực sự là nơi họ vẫn chưa từng tưởng tượng tới. Bằng cách nhấn mạnh giáo
dục chất lượng cao, bằng cách ngăn cấm tham nhũng và quản trị chính quyền bằng
nhân tài, ông Lý và các đồng sự đã nâng mức thu nhập hàng năm theo đầu người của
dân chúng từ 500 USD khi mới độc lập vào năm 1965 lên khoảng 55.000 USD ngày
nay. Trong vòng một thế hệ, Singapore đã trở thành một trung tâm tài chính quốc
tế, thủ phủ trí tuệ hàng đầu Đông Nam Á, nơi đặt các bệnh viện lớn của khu vực
và một địa điểm được yêu thích để tổ chức các hội nghị về các vấn đề quốc tế.
Thành phố đạt được như vậy bằng cách tôn trọng triệt để một chủ nghĩa thực dụng
đặc biệt: mở rộng cơ hội nghề nghiệp để đón nhận các tài năng tốt nhất và khuyến
khích họ áp dụng các thông lệ tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Hiệu suất vượt trội là một bộ phận cấu thành của thành tựu đó. Tài lãnh
đạo thượng hạng thậm chí còn quan trọng hơn. Nhiều thập niên trôi qua, thật cảm
động và đầy cảm hứng khi chứng kiến ông Lý dù chỉ là thị trưởng của một thành
phố bậc trung nhưng lại sải bước trên trường quốc tế trong vai trò một cố vấn
thông thái về trật tự chiến lược toàn cầu. Mỗi chuyến thăm của ông Lý đến
Washington thực sự là một sự kiện quốc gia. Gần như tự động chắc chắn sẽ có một
cuộc hội đàm cấp tổng thống; các thành viên tiêu biểu của Nội các và Quốc hội
(Hoa Kỳ) sẽ tìm cách diện kiến ông. Họ làm thế không phải để nghe nói về các vấn
đề quốc gia của Singapore; ông Lý hiếm khi, đúng hơn chẳng bao giờ, vận động
hành lang giới hoạch định chính sách để tìm sự hỗ trợ. Đề tài của ông là về sự
đóng góp không thể thiếu của Hoa Kỳ vào việc bảo vệ và phát triển một thế giới
hòa bình. Người đối thoại với ông tham dự không phải để nghe ông xin xỏ mà để học
hỏi từ một trong những nhà tư tưởng toàn cầu uyên thâm thực sự của thời đại
chúng ta.
Quá trình này bắt đầu với tôi khi ông Lý đến thăm Harvard vào năm 1967,
ngay sau khi trở thành thủ tướng của một Singapore độc lập. Ông Lý bắt đầu cuộc
gặp với các giảng viên cao cấp của Trường Quản trị Công (nay là Trường Kennedy)
bằng các bình luận hấp dẫn về chiến tranh Việt Nam. Các giảng viên, mà tôi là một
thành viên bất đồng, cơ bản bị chia rẽ trước câu hỏi liệu Tổng thống Lyndon
Johnson là một tội phạm chiến tranh hay một kẻ tâm thần. Ông Lý trả lời: “Các
ngài làm tôi phát bệnh” – không phải vì ông chủ chiến trong ý thức cá nhân mà
vì nền độc lập và thịnh vượng của đất nước ông phụ thuộc vào sự kiên cường, thống
nhất và quyết tâm của Hoa Kỳ. Singapore không đòi hỏi Hoa Kỳ làm điều gì mà
ngay bản thân Singapore chưa thực hiện tối đa khả năng của mình. Nhưng sự lãnh
đạo của Hoa Kỳ là cần thiết để bổ sung và tạo nên một khuôn khổ cho trật tự thế
giới.
Ông Lý nói kỹ về các đề tài này ở hàng trăm cuộc gặp gỡ giữa tôi với
ông tại các hội nghị quốc tế, các nhóm nghiên cứu, các cuộc họp hội đồng trị sự,
thảo luận trực diện và các chuyến thăm nhà nhau trong hơn 45 năm. Ông không hô
hào; ông không bao giờ theo cảm tính; ông không phải là một chiến binh Chiến
tranh Lạnh; ông là một người lữ hành tìm kiếm trật tự thế giới và sự lãnh đạo
có trách nhiệm. Ông hiểu tầm quan trọng của Trung Quốc và tiềm năng tương lai của
nước này và thường xuyên góp phần giúp thế giới hiểu thêm về đề tài này. Nhưng
cuối cùng, ông nhấn mạnh rằng nếu không có Hoa Kỳ thì sẽ không thể có sự ổn định.
Phương pháp nội trị của ông Lý không có đủ các phương thức mà lý thuyết
hiến pháp của Hoa Kỳ hiện nay đề ra. Song, công bằng mà nói, nền dân chủ thời
Thomas Jefferson cũng vậy, với quyền bầu cử bị hạn chế, các tiêu chuẩn về tài sản
trong bầu cử rồi chế độ nô lệ. Đây không phải là dịp để tranh luận về những lựa
chọn khả dĩ khác. Nếu Singapore đã chọn con đường mà những người phê phán họ đề
ra, nước này có thể đã sụp đổ thành các nhóm sắc tộc, như ví dụ Syria cho ta thấy
hôm nay. Liệu các cấu trúc thiết yếu cho sự tồn tại độc lập của Singapore mấy
thập niên trước có nên được kéo dài hay không có thể là chủ đề của cuộc thảo luận
khác.
Tôi bắt đầu bài điếu văn này bằng cách nhắc lại tình bạn của tôi với
ông Lý. Ông không phải là một người của những ngôn từ ủy mị. Và ông gần như
luôn nói về những vấn đề thực chất. Nhưng người ta có thể cảm nhận được sự gần
gũi của ông. Một cuộc đàm luận với ông Lý, người đã dành cả cuộc đời cho hiến
dâng công vụ và là người đã dành rất nhiều thời gian cho việc cùng khám phá với
người đàm đạo, giúp người đối thoại với ông duy trì niềm tin và ý thức về mục
đích sống của mình.
Bi kịch lớn của cuộc đời ông Lý là người vợ yêu quý của ông bị một cơn
đột quỵ quật ngã khiến bà trở thành một tù nhân trong chính thể xác của mình,
không thể giao tiếp hoặc trao đổi. Suốt thời gian đó, buổi tối ông Lý thường ngồi
bên giường bệnh đọc sách cho bà nghe. Ông tin rằng bà hiểu được bất chấp các bằng
chứng ngược lại.
Có lẽ đó chính là vai trò của Lý Quang Diệu trong thời đại của ông. Ông
có cùng hy vọng như thế về thế giới chúng ta. Ông chiến đấu cho một thế giới tốt
hơn ngay cả khi bằng chứng cho điều đó còn mơ hồ. Nhưng nhiều người chúng ta đã
lắng nghe ông và sẽ không bao giờ quên ông.
Henry A. Kissinger là ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 1973 đến 1977.
Nguồn: Henry A. Kissinger, “The World Will Miss Lee Kuan Yew”, The
Washington Post, 23/03/2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét