Trong hai ngày 24 và 25, ông sẽ thăm Thái Lan, gặp gỡ thành viên các cộng đồng tôn giáo, kể cả những người tị nạn và xin tị nạn đã chạy trốn khỏi nước họ vì bị ngược đãi bởi lý do tôn giáo.
Đại sứ Saperstein sẽ thăm Việt Nam từ ngày 26 đến 31/3. Trong chuyến thăm, ông sẽ gặp các quan chức chính phủ, cũng như các lãnh tụ tôn giáo và xã hội dân sự để bàn thảo về các cơ hội và thách thức đối với việc cải thiện tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Giữa tháng 10 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo tự do tôn giáo toàn cầu 2014, trong đó phần nói về Việt Nam cáo buộc rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế các hoạt động tự do tôn giáo, tấn công, bắt giữ, giám sát, truy tố thậm chí cấm đi lại đối với một số thành viên của những nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận.
Báo cáo nói tuy những nhóm tôn giáo được nhà nước thừa nhận không gặp các trở ngại trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng tôn giáo, song các nhóm này vẫn bị nhà nước hạn chế trong các hoạt động liên quan đến giáo dục, y tế và một số các hoạt động khác. Hiện Việt Nam có 38 tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận.
Theo báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ, hiến pháp 2013 của Việt Nam đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân, và khẳng định sự bình đẳng trước pháp luật giữa các tôn giáo, tuy nhiên Việt Nam có những nghị định và thông tư cho phép chính phủ giám sát các nhóm tôn giáo, bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đã lên tiếng mô tả báo cáo của Mỹ “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”. Người phát ngôn nói: “Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng”.
Theo Newsroom America, Imperial Valley News.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét