Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Khủng bố đa diện

Hùng Tâm/Người Việt


Những điểm chung và riêng của khủng bố

Như thường lệ, vụ khủng bố sáng 22 tại thủ đô Brussels của Vương Quốc Bỉ - và là trụ sở hành chánh của Liên Hiệp Âu Châu - khiến mọi người bị chấn động. Trong cơn chấn động, người ta liền nhớ tới vụ khủng bố ngày 13 tháng 11 tại Paris và thị xã Saint Denis, với kết luận về mối liên hệ giữa hai vụ, hình như là có cùng một gốc là tổ chức xưng danh Nhà Nước Hồi Giáo ISIL.

Người ta có thể quên một số chi tiết.

Ngày 18, nghi can Salah Abdeslam, kẻ chủ mưu của vụ khủng bố tháng 11 tại Paris, bị bắt tại Brussels sau 127 ngày lẩn trốn trong khu Molenbeek ai cũng biết là có nhiều người theo Hồi giáo. Hôm sau, ngày 19, thành phố Istanbul của xứ Turkey bị khủng bố tấn công và hung thủ là một thành viên người Thổ của Tổ Chức ISIL. Trước đấy, ngày 13, xứ Turkey còn bị quân khủng bố tấn công tại thủ đô Ankara khiến 37 người thiệt mạng. Lần này, nghi can là thành viên người Kurd của tổ chức Kurdistan Freedom Falcons (viết tắt theo tiếng Thổ là TAK). Và ngày ba tháng 3, hai phụ nữ đã đột kích một xe buýt của cảnh sát Thổ, gần trụ sở cảnh sát tại quận Bayrampasa của Istanbul và bị hạ sát. Họ là đặc công của một tổ chức khủng bố... cộng sản, có tên là Marxist Revolutionary People's Liberation Party-Front (DHKP-C). Như nhiều thứ cộng sản khác, tên gọi rất dài bao gồm đủ chuyện từ Mặt Trận Giải Phóng đến Đảng Mác-Xít, cho thấy tổ chức này đang tự lỗi thời hóa. Nhưng võ khí của họ thì không. Vẫn là chất nổ.


Chúng ta nghĩ sao về ngần ấy chuyện quá khác biệt mà vẫn có chung một nét, là khủng bố? Hồ sơ Người Việt xin gỡ mối tơ vò của hiện tượng này...

Khủng bố vào trái tim Âu châu?

Khi thủ đô Brussels bị khủng bố tấn công hôm 22, ai ai cũng có thể kết luận rằng Âu Châu bị đánh trúng tim vì Brussels là trụ sở hành chánh của Liên Hiệp Âu Châu. Đấy là kết luận sai. Liên Âu là một tổ chức có trung tâm mà chẳng có tâm hay có tầm!

Với nhiều người, Paris mới là trái tim của một quốc gia và một nền văn hóa.

Vụ khủng bố tháng 11 tại Paris mới thật sự gây xúc động khi 130 người bị thiệt mạng. Ngay sau đó, Paris như trung tâm của một quốc gia đã lập tức phản ứng. Từ Tổng Thống Francois Hollande đến nội các và mọi cơ quan hữu trách đều nhập cuộc, rồi nước Pháp lập tức trả đòn bằng quyết định tham gia mạnh mẽ hơn vào chiến dịch diệt trừ khủng bố tại Trung Đông. Luật lệ của Pháp cũng được tu chỉnh với những quy định kiểm soát khắt khe hơn và ngân sách an ninh được tăng chi cho nhu cầu bảo vệ. Nước Pháp có thay đổi sau vụ khủng bố.

Liên Âu không được như vậy.

Brussels chỉ là biểu tượng của xứ Bỉ ngơ ngác bại xụi trước sự kiện là quân khủng bố có thể từ thủ đô của mình ra tay sau khi đã đạt thành tích đánh vào bộ não của nước Pháp. Liên Âu cũng không thể yêu cầu Brussels tu chỉnh luật lệ của Vương Quốc Bỉ để tảo thanh và làm sạch khu Molenbeek, một hang ổ của khủng bố. Liên Âu chẳng có bộ máy an ninh, tình báo hay quân sự thống nhất để thực hiện một kế hoạch chung của cả tập thể nhằm giải trừ mối nguy khủng bố. Liên Âu chỉ là một câu lạc bộ kinh tế không có thẩm quyền chính trị để giải quyết khủng hoảng kinh tế trong thời bình, huống hồ đối phó với nạn khủng bố.

Do đó, từng nước Âu Châu tiếp tục đối phó với nạn khủng bố một cách riêng lẻ, với những dị biệt càng làm Liên Âu thêm rạn nứt về quy chế tự do di trú, về thể thức thanh lọc di dân hay nạn dân... Chẳng lẽ lực lượng ISIL lại nhìn thấu tới đó khi tấn công Brussels? Dù không thể có câu trả lời cho câu hỏi này, Liên Âu vẫn phải nghĩ lại về lẽ tồn vong của mình. Nhiều phần thì chỉ nghĩ thôi chứ không thể làm gì! Khủng bố sẽ tiếp tục cho tới ngày Liên Âu gục ngã.

Chiến tuyến Âu-Thổ

Sau khi nhìn vào cái chung và riêng của hai vụ khủng bố tại Pháp và Bỉ, với kết luận không lạc quan, hãy bước qua lằn ranh chia cắt xứ Turkey của dân Thổ với Âu Châu.

Quốc gia Hồi Giáo này từng xin gia nhập Liên Âu mà bị nhiều nước Âu Châu từ chối. Bây giờ, Turkey có chung số phận với Âu Châu khi bị ISIL tấn công, cách nhau có ba ngày.

Chúng ta có thể suy đoán rằng ISIL nhắm vào hai đối tượng Âu-Thổ như những kẻ thù phải tiêu diệt. Lý do thật ra cũng dễ hiểu. Turkey có cộng đồng Hồi Giáo bên trong có nhiều phần tử mà ISIL kết nạp được. Âu Châu cũng vậy, nhưng dễ kết nạp nhất là thành phần Hồi giáo tại Bỉ, mắt xích yếu nhất mà cũng là cái cửa dễ gõ nhất để gây chấn động cho cả tập thể Liên Âu.

Khi đánh vào Turkey, ISIL muốn chứng tỏ cho thế giới Hồi giáo biết khả năng của mình vì Turkey là một cường quốc Hồi giáo vừa quyết định nhập trận tại Syria. Đòn tấn công này sẽ khích động nhiều nhóm khủng bố khác, từ Hồi giáo đến dân Kurd đòi tự trị và thậm chí cộng sản, để làm suy yếu khả năng của chính quyền Ankara trên chiến trường Syria. Khi đánh vào nước Bỉ, tại thủ đô hành chánh mà bất lực của Liên Âu, ISIL cũng muốn khích động tập thể Hồi Giáo của Âu Châu. Bốn tháng sau khi phô diễn thành tích tại Pháp, ISIL vừa biểu dương khí thế một cách tương đối dễ dàng vì đánh vào những mục tiêu mềm rất khó bảo vệ.

Trong vụ Brussels, ISIL còn chứng tỏ được việc khác nữa. Đấy là vị trí gần bộ chỉ huy của Minh Ước NATO, tấm khiên bảo vệ Âu Châu và cánh tay nối dài của Hoa Kỳ. Tại phi trường quốc tế Zaventem của Brussels, quân khủng bố đặt bom trước quầy vé của hãng American Airlines và quán cà phê Starbucks, hai biểu tượng dân sự - rất “mềm” - của nước Mỹ.

Nghĩa là dù đang bị liên quân quốc tế tấn công bằng hình thái chiến tranh quy ước tại Syria và Iraq, ISIL vẫn phản đòn và vừa tuyên chiến với liên minh Âu-Thổ lại còn gửi tín hiệu cho dân Mỹ. Hậu quả sẽ là gì?

Turkey đang giữ vai trò thanh lọc di dân Hồi Giáo cho Âu Châu. Vụ khủng bố khiến quan hệ Âu-Thổ sẽ khắng khít hơn và chương trình thanh lọc sẽ tốn kém hơn cho Âu Châu và tạo thế mạnh cho Ankara khi thương thảo về cái giá của việc canh cửa. Mà Liên Âu càng suy yếu thì Turkey lại càng quyết liệt hơn trên chiến tuyến chống khủng bố ISIL. Trước sự bàng hoàng rời rạc của Liên Âu thì phản ứng của Turkey cũng dứt khoát như phản ứng của Pháp. Đằng sau là hai nước có tinh thần “quốc gia” cũng triệt để không kém là Ba Lan và Hungary.

Còn Hoa Kỳ? Tổng Thống Barack Obama đang bận khoác vai Raul Castro và thưởng lãm trận banh hữu nghị baseball giữa hai đội Cuba và Hoa Kỳ. Trong khi ấy, dân Mỹ bày tỏ tình liên đới với dân Bỉ, còn các ứng viên của cuộc tranh cử tổng thống thì tiếp tục phát biểu lung tung và các cơ quan an ninh thì tăng cường phòng thủ mà chẳng dám nói ra phương pháp để khỏi vẽ đường cho hươu chạy.

Kết luận ở đây là gì?

Sau vụ khủng bố 9-11 năm 2001, dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh và quên dần mối nguy khủng bố. Hoàng loạt những vụ bạo động ở rất xa, bên Pháp, bên Bỉ và trong xứ Thổ, là hồi chuông cảnh báo.

Phản ứng rời rạc và mâu thuẫn của Âu Châu khiến người ta có thể thông cảm với những lập trường đôi khi quái đản của các ứng cử viên đang ra tranh cử tổng thống.

Còn lại, thế giới sẽ chưa yên bình vì khủng bố là điều dễ làm khi người ta không khó tìm võ khí, lại sẵn sàng tự sát vì những tư tưởng sát nhân.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét