Hoàng Nguyễn, Thanh
Hà
Cựu Thủ tướng
Hungary Németh Miklós (trái), Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit (giữa) và Thủ tướng
Đức Angela Merkel, tại lễ tưởng niệm 25 phá vỡ bức tường Berlin, ngày
09/11/2014.REUTERS/Michael Dalder
Là một quốc gia nhỏ ở
Đông - Trung Âu không có biên giới với Đức, nhưng trong năm 1989 lịch sử, những
biến chuyển dân chủ và một số quyết định của giới lãnh đạo cộng sản cấp tiến tại
Hungary, vô hình chung lại có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến quá trình phá bỏ
bức tường Berlin và thống nhất nước Đức.
Vai trò trọng đại của Hungary và cựu thủ tướng
Németh Miklós
Andreas Oplatka ký giả
Thụy Sĩ trong cuốn sách tựa đề “Vết rạn đầu tiên trong bức tường” đã nhận xét:
quyết định của Hungary cách đây một phần tư thế kỷ đã khởi động một “phản ứng
dây chuyền mang tính cách mạng”, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức và khiến
các quốc gia Đông Âu có cơ hội trở về với “mái nhà chung”, Liên Hiệp Châu Âu.
Đây cũng là ý kiến của
thủ tướng Helmut Kohl trong diễn văn tại buổi lễ trọng thể ngày thống nhất nước
Đức 03/10/1990. Ông nhấn mạnh với người Đức rằng: “Chúng ta hãy đừng quên rằng
đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary.Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu
tiên của bức tường Berlin…”. Người đồng nhiệm của ông ở nước Đức cộng sản, Thủ
tướng cuối cùng của Đông Đức là ông Lothar de Maiziere, trong một phát biểu
cùng thời gian ấy, cũng thừa nhận: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở
Hungary".
Ở đây, các chính
khách kể trên có ý nhắc tới một chuỗi động thái của chính phủ Hungary, diễn ra
từ mùa xuân năm 1989 và kéo dài tới mùa thu năm ấy. Được thực hiện từ từ, từng
bước một, nhiều khi phải theo hướng dò dẫm, nhưng rốt cục đây là sự lựa chọn
sáng suốt những giá trị Châu Âu và nhân bản, dũng cảm gạt bỏ tư duy cũ kỹ, sáo
mòn, để tiến bước trong thời đại hòa dịu và hội nhập. Phải kể đến những quyết định
quan trọng và táo bạo nhất của Hungary, như dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách Áo -
Hung thời Chiến tranh lạnh, mở cửa biên giới tạm thời và sau đó, trong thời
gian dài cho chừng 60-80 ngàn người tỵ nạn Đông Đức tràn sang phía Tây, dẫn đến
sự rạn nứt của bức tường Berlin sau đó ít ngày.
Trong những nỗ lực
đó, cần ghi nhận nỗ lực của những người cộng sản theo hướng cải tổ của Hungary
thời ấy, trong đó có ông Németh Miklós, Thủ tướng cuối cùng của Hungary thời cộng
sản, đồng thời cũng là Thủ tướng đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary kể từ cuối
tháng 10/1989. Sinh năm 1948, được đào tạo để trở thành một nhà kinh tế học,
nhưng tên tuổi của Németh Miklós được biết đến nhiều nhất là hoạt động chính trị
của ông trong thời gian đứng đầu nội các Hungary thời kỳ 1988-1990. Từ năm
1991, ông rời chính trường Hungary để giữ cương vị Phó Chủ tịch Ngân hàng Tái
thiết và Phát triển Châu Âu.
Với bản tính thầm lặng,
công lao và vai trò nổi bật của Németh Miklós ít được biết tới hơn so với các
chính khách thượng đỉnh khác cùng trong nhóm cải tổ của ông, đặc biệt là của cựu
Ngoại trưởng Horn Gyula. Tuy nhiên, vào năm 2001, ông cũng đã được nhận Huân
chương Chữ thập lớn của CHLB Đức cho công trạng mở biên giới Hung - Áo đối với
người tỵ nạn Đông Đức.
Năm 2009, Németh
Miklós là một trong hai cựu lãnh tụ Đông Âu (người kia là thủ lĩnh Nghiệp đoàn
Đoàn kết, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa) có vinh dự được đẩy tảng dimono đầu
tiên xuất phát từ Nhà Quốc hội Đức trong Lễ hội Tự do, kỷ niệm hai mươi năm sự
sụp đổ của bức tường Berlin. Mới đây, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Quốc gia
Hungary MTI, cựu Thủ tướng Hungary đã có một hồi tưởng dài về những quyết định
mà ông và nội các đã đưa ra cách đây một phần tư thế kỷ. Đồng thời, một bộ phim
tư liệu cũng được thực hiện về ông và công chiếu ra mắt tại Đức một ngày trước
đại lễ kỷ niệm 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.
Hungary “không cần
xin phép Matxcơva” dỡ bỏ “bức màn sắt”
Đó là khẳng định của
ông Németh, theo đó, vào thời điểm ấy, mọi thứ đều thuận lợi cho những chuyển đổi
ôn hòa, đặc biệt là trên chính trường thế giới khi ấy đã có với những gương mặt
lớn, làm việc cùng nhau một cách tin cậy và trên tinh thần hợp tác, như người đứng
đầu Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, Thủ tướng CHLB Đức Hemut Kohl, Tổng
thống Mỹ George Bush và cố Đức Giáo hoàng Phao-lồ Đệ nhị. Theo ông, đó là điều
mà trong cả một thế kỷ, chỉ có thể diễn ra một hoặc hai lần!
Tuy nhiên, “không cần
xin phép” không có nghĩa là mọi việc tự đến, mà Németh Miklós và nội các ông của
ông đã phải liên tục “thử phản ứng” của Matxcơva trong mọi nỗ lực dân chủ theo
hướng mới của mình. Chẳng hạn, khi ông muốn dỡ bỏ “bức màn sắt” phân cách Đông
- Tây một cách nhân tạo, vào thời điểm đó đã quá lạc hậu kể cả về mặt kỹ thuật.Là
người trước sau đều phản đối việc gìn giữ biên giới theo cách dựng một “bức màn
sắt” như thế, Németh Miklós chủ trương phải giải quyết vấn đề theo cách mới,
phù hợp với bước tiến của thế giới. Cuối năm 1988, ông quyết định từ bỏ ý định
trùng tu và gia cố lại “bức màn sắt”, vì những lý do đạo đức và thực tiễn (khó
khăn về kinh tế và tài chính).
Do đó, ngay sau khi
nhậm chức thủ tướng, trái với “thông lệ” là cần sang Liên Xô trong chuyến công
du ngoại quốc đầu tiên, Németh Miklós đã qua Vienna vào đầu năm 1989 để gặp Thủ
tướng Áo Franz Vranitzky và trình bày “sáng kiến” dỡ bỏ “bức màn sắt”. Theo hồi
tưởng của ông, người đồng nhiệm Áo đã “bất ngờ, nhưng mừng vui” vì ý tưởng ấy.
Bước tiếp tới, Németh Miklós sang Moscow hội kiến với lãnh tụ Mikhail Gorbachev
vào đầu tháng 03/1989. Theo lời kể của ông, ông đã không đi để xin phép, mà để
thông báo về chuyện cuối thể kỷ 20, sự tồn tại của một “bức màn sắt” như thế
trong lòng Châu Âu là “bất đồng điệu”, do đó Hungary sẽ “giải quyết vấn đề bảo
vệ biên giới theo cách khác”.
Ngoài ra, thời đó
Budapest có dự định cùng Vienna đăng cai kỳ Triển lãm Thế giới năm 1995, và Thủ
tướng Hungary muốn tránh việc ngoại quốc coi nước này như một xứ sở nằm sau “bức
màn sắt”. Gorbachev cám ơn thông tin đó và quay sang nói ngắn gọn với người cố vấn:
“Miklós sẽ giải quyết việc này”, với hàm ý để cho Hungary tự làm theo ý của
mình. Trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến trong 20 phút nhưng đã
được kéo dài tới hai tiếng, Németh Miklós còn nhắc tới ý định của ông trong việc
xây dựng một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng ở Hungary, cũng như sự cần
thiết của việc rút các đạo quân Liên Xô đồn trú tại Hungary về nước.
Németh Miklós thuật lại
rằng trên cương vị thủ tướng, lần đầu tiên ông được biết rằng tại đất Hungary
còn những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô, khi ấy đang hướng về phía
Bắc nước Ý. Trong cuộc trao đổi, Gorbachev đập tay xuống ghế và nói, “Miklós,
chừng nào tôi còn ngồi ở chiếc ghế này, thì những chuyện nhục nhã như 1956 sẽ
không tái diễn!”. Đây là một “khoảnh khắc nổi tiếng” như hồi tưởng của Németh
Miklós, vì ông đã đạt được mong muốn của mình và thử phản ứng người đồng nhiệm,
xem vị thế của Gorbachev cũng như “hảo tâm” của ông ta đối với Hungary bền vững
tới mức nào. Quyết định dỡ “bức màn sắt” được phía Budapest đưa ra!
Cuối tháng 03/1989,
chỉ trong vòng gần hai tuần, một đoạn của “bức màn sắt” đã được dỡ ở vùng Rakja
và Đại sứ Liên Xô tại Hungary không có phản ứng gì và “đường dây nóng” từ
Matxcơva cũng không. Bước thử tiếp tới, ngày 20/05/1989, tại cửa khẩu chính
Hegyeshalom ở biên giới Hung - Áo, Budapest chính thức tuyên bố trước thế giới
về việc dỡ bỏ “bức màn sắt”, và cũng không bị phía Liên Xô phản đối.
Tất cả những “phép thử”
đó cho phép Hungary thực hiện một trong những sự kiện được báo chí quốc tế đánh
giá là ngoạn mục nhất trong mùa hè 1989: ngày 27/06/1989, Ngoại trưởng Hungary
Horn Gyula cùng người đồng nhiệm Áo dùng kìm cộng lực cắt “bức màn sắt” trước sự
hiện diện và đưa tin nhanh chóng của đại diện báo chí, truyền thông ngoại quốc.
"Hungary chấm dứt
Chiến tranh lạnh, hòa dịu Đông - Tây"... là tựa đề vô số bài báo mà Phương
Tây đã đăng kèm ảnh trong ngày hôm sau, nhưng ít ai biết rằng tính đến lúc đó,
“bức màn sắt” đã được dỡ hết trên đoạn biên giới ấy, nên người ta đã phải dựng
lại một đoạn chừng 30m để phục vụ cho buổi lễ trọng đại này!
“Quyết định lựa chọn
Châu Âu”: mở biên giới cho người tỵ nạn Đông Đức
Được cổ vũ bởi những
biến chuyển dân chủ tại Hungary, mùa hè 1989, chừng 60-80 ngàn người Đông Đức
đã tràn sang Budapest, chầu chực trước các tòa đại sứ nước ngoài - đặc biệt là
Tòa Đại Sứ CHLB Đức - để tìm cách sang phương Tây. Việc Budapest dỡ bỏ “bức màn
sắt” càng là một cú hích cho các công dân CHDC tìm đường đến tự do theo ngả
Hungary.
Để giải quyết vấn đề
người tỵ nạn Đông Đức, Németh Miklós đã thai nghén một phép thử được ông coi là
lớn nhất đối với Ban lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô: cùng phía Áo tổ chức một hoạt
động mang tên “Picnic Toàn Âu” tại biên giới Hung - Áo và trong đó, biên giới sẽ
được mở một cách tượng trưng trong vòng ba giờ. Được dự định vào ngày
19/08/1989, tức một ngày trước Quốc khánh Hungary, Németh Miklós đã đề nghị Bộ
Nội vụ, cơ quan biên phòng và cảnh sát hỗ trợ ông trong công việc tổ chức. Theo
hồi tưởng, càng đến thời điểm của cuộc dã ngoại, dân tỵ nạn Đông Đức càng tập
trung hết sức đông đảo trên trục đường dẫn tới biên giới Hung - Áo.
Thậm chí, còn có cả tờ
rơi hướng dẫn đường tới địa điểm diễn ra cuộc picnic, khả năng là do tòa đại sứ
Tây Đức ở Budapest thực hiện. Trong vòng bán kính 5km, Németh Miklós ra chỉ thị
cho quân đội rút về các doanh trại và chấm dứt tuần tra, còn lực lượng biên
phòng thì chỉ cần cử tới hiện trường một lượng người đủ để kiểm tra hộ chiếu.
Trong vòng ba tiếng đó, hàng ngàn người tỵ nạn Đông Đức đã qua biên giới Hung -
Áo và không có gì đáng tiếc xảy ra. Đây là cuộc “tổng diễn tập” cho sự kiện
11/09/1989, khi biên giới Hung - Áo chính thức được mở trong thời gian dài, một
quyết định mà Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher đánh giá là “một
hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo, phản ánh nghệ
thuật trị nước”.
Vốn vẫn được coi là
“tác phẩm” của cố Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula, nhưng trong thực tế đây là
quyết định chung của một vài thành viên trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Hungary,
trong đó vai trò quyết định thuộc về Thủ tướng Németh Miklós, người đã suy ngẫm
và đưa ra quyết định trong dịp “Picnic Toàn Âu”. Ngay sau khi lần mở biên giới
tạm thời diễn ra trót lọt, Németh Miklós đã đề xuất một cuộc hội kiến với Thủ
tướng Đức Helmuth Kohl, với sự hiện diện của các vị Ngoại trưởng hai nước.
Trong dịp đó, như hồi tưởng của cựu Thủ tướng Hungary, Helmuth Kohl đã khóc khi
người đồng nhiệm của ông trình bày ý tưởng mở biên giới cho người tỵ nạn Đông Đức.
Trong cuộc gặp mặt,
ông Helmuth Kohl nhiều lần hỏi phía Hungary yêu cầu Đức điều gì cho quyết định
lớn đó, nhưng Németh Miklós đáp rằng đây không phải là chuyện mua bán con người.
Thủ tướng Hungary chỉ đề nghị phía Đức giúp đỡ Hungary trong quá trình xích lại
gần Cộng đồng Châu Âu, và ủng hộ Budapest nếu phía Liên Xô ngừng chuyên chở khí
đốt và dầu lửa. Cùng lúc đó, phía Đông Đức khi biết về quyết định của Hungary,
đã tìm mọi cách để ngăn chặn. Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula được cử sang
Berlin để thông báo cho ban lãnh đạo CHDC Đức về quyết định mở biên giới, và
theo hồi tưởng của ông, đôi bên đã to tiếng với nhau đến mức chỉ thiếu chút nữa
thì nảy sinh ẩu đả.
Hungary và Tây Đức thỏa
thuận với nhau rằng thời điểm mở biên giới sẽ do Bonn đề xuất. Phía Tây Đức cho
rằng việc tiếp nhận 50-150 ngàn người tỵ nạn Đông Đức là hết sức khó khăn, do
đó Bonn sẽ chuẩn bị và “nhắn sau” cho Budapest khi mọi việc đã xong xuôi. Thoạt
đầu, ngày được lựa chọn là 06/09/1989, tuy nhiên, nó đã bị làm lộ bởi một số
chính khách của đôi bên. Do đó, sau khi bàn bạc với cố vấn của Thủ tướng Helmut
Kohl, Németh Miklós quyết định dời thời điểm mở biên giới sang rạng sáng 11/09,
nhưng lần này ông giữ bí mật đến mức ngay Ngoại trưởng Horn Gyula cũng chỉ biết
trước đó nửa ngày, khi ông nhận nhiệm vụ thông báo trước truyền hình Hungary
cho thế giới về biến cố trọng đại này.
Một quyết định mang
tính nhân bản
Trả lời câu hỏi trong
thực tế, điều gì đã dẫn dắt cựu Thủ tướng Hungary tới quyết định mở biên giới,
ông Németh Miklós đáp rằng, trước hết ông đã suy nghĩ và hành động trên cơ sở của
sự nhân bản và ông đã tuyên bố điều này với người đồng nhiệm Helmuth Kohl trong
các cuộc bàn thảo. Cựu Thủ tướng Hungary cũng nhắc lại rằng, ngay từ cuối năm
1988, khi trả lời báo chí nước ngoài, ông đã khẳng định rằng ông hy vọng
Hungary sẽ được bước vào thế kỷ 21 trong một Châu Âu thống nhất, và ông bày tỏ
mong muốn nước Đức sẽ thống nhất trong một khoảng thời gian không lâu.
Đồng ý với nhận định
của quốc tế, rằng với việc mở biên giới Hung - Áo, nước Hung đã góp phần đáng kể
vào sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự thống nhất của nước Đức sau đó một
năm, nhưng Németh Miklós cũng nói thêm rằng, ông không thể nói rằng mình đã thấy
trước tất cả những điều này, cũng như, không ai có thể tiên đoán trước những sự
kiện khi đó, kể cả Helmuth Kohl. “Sẽ là nói dối nếu ai đó cho rằng họ đã thấy
trước mọi điều”, Németh Miklós khẳng định, và ý kiến này của ông cũng trùng với
quan điểm của Thủ tướng Áo thời đó, ông Franz Vranitzky, trong một phát biểu
nhân dịp này.
Trong dịp công chiếu
ra mắt bộ phim tư liệu về mình tại thủ đô Berlin, khi nhắc đến những quyết định
được thế giới ca ngợi của mình cách đây một phần tư thế kỷ, Németh Miklós nói rằng
đó không phải là công lao của mình ông, mà là của cả dân tộc Hungary. “Và đây
là điều tất cả mọi người Hung cần tự hào sau 25 năm”, ông nhấn mạnh.
Điều đó cũng phù hợp
với nhận định của một ký giả, rằng trong thời gian đó, “Nếu nước Hungary quyết
định khác đi, nếu chính phủ Hungary không đủ quả cảm và cứng cáp, nếu xã hội
Hungary không hoàn toàn đồng thuận với quyết định của chính phủ, lịch sử của toàn
Châu Âu sẽ đi theo một hướng khác. Từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống
hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét