Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

17864 - Tại sao tự do báo chí quan trọng?

"Ở bản tu chính án thứ nhất, những tổ phụ của chúng ta đã trao sự bảo vệ cần thiết để nền tự do báo chí hoàn thành vai trò quan trọng của mình trong một nền dân chủ. Báo chí, sinh ra là để phụng sự người bị trị, chứ không phải kẻ cai trị".
Đây là trích đoạn trong tuyên bố của thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ, Hugo Black, khi xử thắng cho tờ The New York Time và Washington Post, khi họ bị chính quyền của tổng thống Richard Nixon kiện vì đã đăng tải các tài liệu thuộc dạng bí mật quân sự liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
Bối cảnh lúc đó là chính quyền Mỹ, bất chấp các nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc chiến ở Việt Nam sẽ không đi tới đâu cả, nhưng vì toan tính chính trị riêng của mỗi đời tổng thống, và những học thuyết chính trị phổ biến ở thời đó, đã nhắm mắt gửi quân tới Việt Nam.
Khi các tài liệu bị rò rỉ, tờ The New York Time là tờ đầu tiên đăng tải và ngay tức thì, chính quyền của tổng thống Nixon doạ bỏ tù ông chủ của tờ báo này và đưa vụ việc ra toà. Vì sợ hãi, ông chủ của The New York Time ra lệnh đình chỉ việc tiếp tục đăng tải các thông tin liên quan đến vụ việc này.
Bóng được chuyền tới chân tờ Washington Post khi một trong những phóng viên kì cựu của tờ này tiếp xúc được với Whistleblower (lược dịch là nguồn tin). Một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt xảy ra bên trong toà soạn của tờ Washington Post, một bên không muốn đăng tải các thông tin này vì sợ sẽ bị tổng thống trả thù, bên còn lại, nhất quyết muốn ra bài vì họ cho rằng đó là bổn phận của báo chí. Cuối cùng, người sở hữu tờ Washington Post lúc bấy giờ, bà Katherine Graham, trong những giây phút chót đã quyết định rằng, tờ báo sẽ theo đuổi vụ này bất dù hậu quả có ra sao.
Sáng hôm sau, trang nhất của tờ Washington Post đăng tải các thông tin gây rúng động nước Mỹ về việc các đời tổng thống đã lừa dối dân chúng thế nào trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Và tương tự, tổng thống Nixon lệnh cho tổng chưởng lý đe doạ bỏ tù chủ sở hữu của tờ Washington Post. Vụ việc được đưa lên tới Tối cao Pháp viện, và cuối cùng, trong tổng số 9 thẩm phán của toà tối cao, 6 người bỏ phiếu ủng hộ lập luận của hai tờ báo. Và kết cục, chính quyền của tống Nixon thất bại trong việc bịt miệng báo chí.
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc tất nhiên có phần của sự ngoan cường từ phía Bắc Việt, khi bất chấp việc bị ném bom ác liệt, vẫn không chịu nhượng bộ. Nhưng còn một yếu tố vô cùng quan trọng khác nữa mà người Việt Nam không biết, đó chính là nền tự do báo chí ở chính nước Mỹ. Các phóng viên, tờ báo, kênh truyền hình ở Mỹ, nhờ có sự tự do nên đã không ngần ngại vạch trần các sai trái do chính quyền gây ra. Nên nhớ, đó đang là thời chiến, và người mà họ phải đối đầu là các vị tổng thống. Nhưng họ khước từ sợ hãi, khước từ thoả hiệp. Để rồi, dư luận Hoa Kỳ được tiếp cận với những thông tin gây chấn động, và gây sức ép để các tổng thống sau này phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày hôm nay, ngay tại thời điểm những dòng này được viết, Phạm Đoan Trang, một nhà báo và một tác giả, vẫn đang phải sống trong cảnh trốn chui trốn lủi ngay chính trên quê hương Việt Nam, bởi vì cô không chịu đầu hàng chính quyền, bất chấp việc bị đàn áp, bị đánh đập, cô vẫn tiếp tục viết.
Nước Mỹ tự hào rằng chính tự do đã làm nên sự vĩ đại cho quốc gia của họ, chứ không phải ở sức mạnh quân sự. Còn Việt Nam ta, chúng ta mưu cầu sự vĩ đại gì đây?

Báo Mỹ đăng tin Tổng thống Nixon từ nhiệm sau vụ Watergate.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét