Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

18267 - Kêu gọi khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ vì làm từ thiện: nên hay không?



Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ

Trong phiên tòa xử vụ tham nhũng - Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu – AVG ngày 23/12, Luật sư bào chữa cho Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ cho biết tính đến ngày 31/10/2019, đã có 2.000 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho ông Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân và tổ chức có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước.
Theo báo trong nước dẫn thông tin từ phiên xử, Luật sư Hoàng Anh đã liệt kê những người đứng ra viết đơn xin khoan hồng đa số cho rằng ông Phạm Nhật Vũ có nhiều công sức trong việc thiện nguyện. Cụ thể gồm có Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010); ông Konstantin Vasilievich Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Atkov Oleg Yurevich - Phi công vũ trụ, Giáo sư, Anh hùng Liên bang Xô-Viết; Thượng toạ, Tiến sỹ Manor Kumar - phó Trụ trì Thánh tích Bồ đề đạo tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn độ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản...
Nhận xét về việc viết đơn xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ của 2.000 cá nhân và tổ chức vừa nêu, Nhà báo Võ An Dân cho rằng:
“Thật ra có hai vấn đề. Những người trong nước đánh giá vụ án muốn xin khoan hồng thì đó là thiện cảm người ta dành cho ông Vũ. Công dân Việt Nam có quyền làm điều đó cho một công dân khác. Còn đối với những người nước ngoài thì tôi nghĩ họ làm điều này không hợp lý vì nó không đứng trên cơ sở pháp lý nào hết. Thí dụ như các tổ chức dân chủ, nhân quyền vận động trả tự do cho những người tù thì đó là chức năng của họ, còn những người nước ngoài khác tôi nghĩ không có cơ sở pháp lý làm điều này.”
Từ Hà Nội,  Giáo sư Mạc Văn Trang cho rằng đây không phải lần đầu nhiều cá nhân và tổ chức gửi đơn yêu cầu giảm án, tuy nhiên đây là lần đầu một người đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ, gây ra vụ đại án tham nhũng lại được nhiều người kêu gọi giảm án. Ông nói:
“Trước đây có nhiều tù nhân lương tâm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, thậm chí đấu tranh chống sự xâm lược của Trung Quốc cũng bị đưa ra tòa. Như vậy có rất nhiều người ký tên xin giảm án, chẳng hạn như ông nông dân ở trong Tây Nguyên bắn chết người đến giải tỏa, cướp đất, ông Hiến bị tuyên án tử hình. Có rất nhiều đơn từ, chữ ký gửi lên nhưng hầu như ra tòa người ta không tính gì đến cái đó cả, kỳ lạ như vậy.”
Vào ngày 29/6 vừa qua, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội.
Vì vậy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, một chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết dù thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng ông cũng không hay biết gì vì thực chất Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều cấp: cấp Trung ương đại diện cho toàn quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh thành gồm 63 tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp quận, huyện, phường, xã.
“Tôi chưa biết rõ và cũng chưa từng thấy biên bản đó. Còn 2.000 cá nhân và tập thể trong đó không có tôi. Tôi không có ký đơn vào những thứ này. Tôi thấy cái đó không có giá trị pháp lý để xem xét bản chất một vụ án.”
Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng cho rằng hành động lên tiếng của những người tham gia viết đơn kêu gọi giảm án cho ông Phạm Nhật Vũ xuất phát từ tình cảm trái tim con người dành cho con người. Ông cũng cho rằng họ được quyền kêu gọi và việc này không sai do những gì luật pháp không cấm thì người ta được quyền làm, còn tính hợp lý để được xem xét giảm án hay không là câu chuyện khác.
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà báo Võ An Dân lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng nếu nói cho kỹ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho dù với mục đích gì cũng không nên lên tiếng. Nhà báo lý giải:
“Thứ nhất là các tổ chức tôn giáo không nên can dự vào chuyện thế quyền. Thứ hai, về mặt chính trị thì tổ chức tôn giáo không thể can dự vào việc xét xử và tuyên án của tòa án. Còn tiền có hợp pháp hay không hợp pháp thì cũng không quan trọng nữa. Một góc độ khác là nếu đảng, hay chính phủ, hệ thống tư pháp Việt Nam chấp nhận việc một tổ chức tôn giáo can thiệp vào việc xử án của Việt Nam thì dần dần ở Việt Nam sẽ hình thành mầm mống nhà nước tôn giáo, như vậy không phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. Thành ra xét về mặt pháp lý hay chính trị, một tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm điều này hoàn toàn sai nguyên tắc.”
Báo trong nước dẫn lời Luật sư bào chữa cho Cựu Chủ tịch AVG cho biết trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Phạm Nhật Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Do đó, trong bài viết trên trang cá nhân, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến đưa ra câu hỏi cho rằng tiền phạm tội để làm công đức thì có được coi như tiêu thụ đồ gian hay không?
Trả lời câu hỏi vừa nêu, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định:
“Tiền sai quấy mà làm công đức thì không phù hợp với luật Phật nhưng vẫn tốt hơn tiền sai quấy đi làm chuyện sai quấy. Về vấn đề tiền công đức anh Phạm Nhật Vũ đóng góp thực ra anh đi làm từ thiện nhiều chúng ta phải chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn trước và sau khi bán AVG cho MobiFone. Tất cả những khoản tiền trước khi bán thì không thể gộp chung vô nói là tiền sai quấy được. Còn chuyện làm công đức sau lúc bán AVG thì có thể nói đó là một phần có liên hệ hoặc không liên hệ thuộc vào cơ quan điều tra của pháp luật. Chúng ta phải chờ cơ quan điều tra ra phán quyết cuối cùng tổng số tiền đó có đem đi làm công đức ở đâu hay không. Cho nên khi chưa có phán quyết tòa án thì các thông tin báo chí chỉ là giả định nên tôi không muốn lạm bàn. Đến khi nào thông tin báo chí đưa ra sau khi bán (AVG) tiền đi làm công đức là làm ở đâu thì tiền đó mới được đánh giá đúng hay sai. Còn trước khi anh (Vũ) làm (bán AVG) thì đáng được tán dương vì chúng ta cần cái thiện được xã hội hóa.”
Còn theo Giáo sư Mạc Văn Trang, nguồn gốc số tiền ông Vũ có để đem đi làm từ thiện mới đang là câu hỏi mà người dân quan tâm bàn luận:
“Có điều đặc biệt là không hiểu ông ấy (Phạm Nhật Vũ) có nhiều tiền bằng cách nào. Rồi tiền mờ ám như thế lại đem đi làm từ thiện, cúng đình, chùa, cho người này người kia... để tạo ra uy tín của mình bằng cách không thật rõ ràng và minh bạch. Thành ra người ta thấy ông này đem mấy triệu đô la đi hối lộ, làm lũng đoạn quan chức nhà nước, gây ra bao nhiêu tai họa như thế mà xin miễn giảm (án) bằng cách ông ấy có nhiều tiền chuộc lại lỗi lầm. Dân bình luận rằng vậy ai có nhiều tiền đi hối lộ khắp nơi rồi đi chuộc lại lỗi lầm bằng tiền thì sẽ không còn công lý, pháp luật gì nữa.”
Vụ việc Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG gây thất thoát hơn 7.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Những người liên quan đến vụ việc nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ đều bị đề nghị mức án khá cao, thậm chí cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son còn bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ.
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mức án cho tội “Đưa hối lộ” là 3-4 năm tù giam, dù ông này đưa hối lộ cho các quan chức lên đến 6,2 triệu đô la Mỹ.
Dưới góc nhìn của người trong ngành luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng mức án Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đối với ông Phạm Nhật Vũ là một thực tế cho thấy rõ ràng luật pháp Việt Nam không đảm bảo nguyên tắc công bằng và việc này sẽ khiến người dân không còn tin tưởng vào pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét