Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

18310 - Lùi thời hạn ghi âm, ghi hình trong hỏi cung đến bao giờ?



Ảnh minh họa: Hỏi cung có ghi âm, ghi hình.
Ảnh minh họa: Hỏi cung có ghi âm, ghi hình.

Tại cuộc họp báo hôm 24/12/2019, Bộ Công an cho biết sẽ lùi thời hạn thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi công an hỏi cung, điều tra tội phạm so với kế hoạch. Lý do được Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, thuộc Bộ Công an đưa ra, vì chưa chuẩn bị được thiết bị và tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình. Nhưng Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh không nói rõ sẽ lùi thời hạn thực hiện đề án này đến bao giờ.
Trả lời RFA hôm 26/12, Luật sư Phạm Công Út, một luật sư từng tham gia đóng góp ý kiến đề nghị đưa quy định lắp hệ thống ghi âm, ghi hình trong phòng hỏi cung vào luật, trình bày ý kiến về thực trạng tương thích giữa việc ban hành luật và cơ sở để thi hành:
“Luật quy định kể từ 1/1/2020 thì tất cả các cuộc lấy cung trên toàn quốc phải ghi âm, ghi hình. Theo luật là một chuyện, còn chuyện cơ sở hạ tầng, kinh phí ngân sách đáp ứng được hay không là chuyện khác, bởi cần nguồn ngân sách khá lớn. Tuy nhiên tất cả các cuộc hỏi cung dù thành án hay không đều phải ghi âm ghi hình. Vấn đề lưu trữ cũng tốn kém gấp nhiều lần cho với việc mua thiết bị ghi âm ghi hình, vì khối lượng lưu trữ sẽ rất khổng lồ. Do đó để đáp ứng được kinh phí cho việc trang bị này cần có dự án để định trước là bao nhiêu để từ đó quốc hội thông qua ngân sách trang bị. Nhưng khi chưa có dự toán này mà ra luật, thì điều đó theo tôi cũng khó áp dụng vào thực tiễn.”
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1172/QĐ-TTg, phê duyệt đề án về cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Cơ quan chức năng Việt Nam gồm Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và Bộ Quốc Phòng, sau đó đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018 về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đề án, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có đủ điều kiện để thực hiện ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can kể từ ngày 1/1/2018, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện thống nhất ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên sau gần hai năm, theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, cho đến thời điểm hiện tại chỉ có 5 cơ quan công an địa phương thực hiện ghi âm ghi hình các cuộc hỏi cung.
Luật sư Phạm Công Út nói tiếp:
“Thực tiễn các hoạt động tố tụng trong quá trình điều tra ở Việt Nam, nếu nói là vụ nào cũng dụ cung, bức cung, nhục hình thì là cực đoan. Nhưng mà nhiều vụ án oan xảy ra liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, hay lời khai của các bị cáo khi ra tòa khác theo vụ án… điều đó chứng tỏ trong quá trình điều tra không được trung thực, mà có những biện pháp “nghiệp vụ”, không trong sáng.Chẳng hạn phạm tôi quả tang thì nó khác, còn suy xét thì không được gọi là quả tang, mà suy xét nó không có chứng cứ chống lại bị can, vì vậy nếu không dùng biện pháp “nghiệp vụ” thì không thể kết thúc vụ án. Do đó “nghiệp vụ” trong quá trình điều tra không đảm bảo được quyền con người.
Chính vì vậy, theo Luật sư Út, Bộ luật Hình sự Việt Nam có một chương riêng quy định các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có các hành vi bức cung, nhục hình…
Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 26/12 liên lạc cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, người từng bị bắt và kết án tù vì bày tỏ chính kiến về những vụ việc diễn ra liên quan đến bắt bớ các thành phần đấu tranh, ủng hộ dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam, và được bà cho biết như sau:
“Là một nhân chứng sống trong các vụ án chụp mũ, vu khống các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, thì theo tôi đã nói nhiều lần, Việt Nam là một thể chế ‘Quân hồi vô phèng’, kể cả họ có ra luật thì họ cũng không nghiêm túc thực hiện luật đó.”
Theo bà Hằng, vấn đề ép cung nhục hình thì có thể nói là chính quyền tùy đối tượng, nhưng có thể nói rằng, hếu hết các vụ án dù là hình sự hay chính trị, họ đều có mục tiêu ban đầu là “ép cung”, vì chính quyền làm án mà như giao chỉ tiêu, kế hoạch 6 tháng, 1 năm… từ đó nó không có được sự vô tư của những người làm án, người thi hành luật pháp… Chị Hằng nói tiếp:
“Riêng trường hợp Minh Hằng, thì cuộc hỏi cung tại trại giam An Bình của Đồng Tháp có đặt máy quay, nhưng những đoạn video đó không được trưng ra khi trước tòa Minh Hằng phản đối những vấn đề trong lúc hỏi cung, thì tòa không biết họ có được xem không? Nhưng đúng ra khi có mâu thuẫn như vậy thì họ phải trưng những cái đó ra để làm bằng chứng, nhưng thực tế là họ không đưa ra.”
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, thuộc Bộ Công an. (Ảnh minh họa chụp trước đây)
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, thuộc Bộ Công an. (Ảnh minh họa chụp trước đây) Courtesy bocongan.gov.vn
Trở lại việc Bộ Công an lùi thời hạn ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, một trong những lý do là phải tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình.
Vì sao phải tập huấn cán bộ cho công việc hỏi cung có ghi âm, ghi hình? Luật sư Phạm Công Út giải thích:
“Việc hỏi cung có ghi hình và không ghi hình khác nhau rất nhiều. Vì trong quá trình hỏi cung có ghi hình, nếu cán bộ được tập huấn sẽ không dụ cung, không mớm cung, không bức cung, không nhục hình… để làm sao hình ảnh lưu trữ hoàn toàn chỉ hỏi giống như trong phim ảnh nước ngoài nói về những buổi hỏi cung văn minh. Còn Việt Nam, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì các buổi hỏi cung đôi khi cũng mang tính chất dụ cung, mớm cung, ví dụ như cán bộ nói thành khẩn khai báo thì sẽ được gặp gia đình vợ con, đó là dụ cung… những lời hứa hẹn đó nếu ghi lại, khi ra tòa bị cáo nói tôi bị dụ, nên tôi nhận đại để được về thì chính những lời khai đó sẽ chống lại cán bộ hỏi cung. Cho nên nếu ghi âm ghi hình thì họ phải được đào tạo lại.”
Với lý do chưa đủ trang thiết bị để thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, theo Luật sư Đinh Anh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội khi trả lời báo chí thì  hiện nay người dân đều tự trang bị đầy đủ các phương tiện nghe nhìn. Như vậy, các buồng hỏi cung, phòng xét xử được trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình không phải vấn đề khó!
Trả lời RFA hôm 26/12, đại diện công ty Camera Tiến Thành ở Sài Gòn, cho biết giá cả của những trang thiết bị để ghi âm, ghi hình:
“Không mắc, giá cũng bình thường, tùy theo chất lượng hình ảnh mình trang bị, nếu vừa ghi âm vừa ghi hình, thì giá cho bàn hai người tầm 2 triệu hay 2,5 triệu gì đó, cái đó là CAM chứ chưa tính phí lưu trữ, còn tùy theo mình muốn lưa trữ bao nhiêu ngày nữa, nếu lưu một tháng một chỗ tầm 1 TB thì khoảng thêm 2 triệu nữa.”
Vào cuối tháng 8 vừa qua, trung tá Công an Nguyễn Việt Cường , một cựu điều tra viên thuộc Công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bị khởi tố về tội ‘làm sai lệch hồ sơ vụ án do tự ý viết thêm vào nội dung biên bản hỏi cung trong vụ án hình sự liên quan vận chuyển, buôn bán ma túy vào tháng 7 năm 2012. Đây là một trường hợp được truyền thông trong nước loan đi. Theo nhiều người Việt Nam, thì đây không phải là trường hợp cá biệt. Do đó họ  ủng hộ biện pháp cho ghi âm, ghi hình để việc hỏi cung được minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét