Nhiều chỉ dấu cho
thấy sẽ có thêm đột phá về chất trong quan hệ Mỹ—Việt. Đồng vọng của
chuyến công du trong trường hợp ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu
vực.
Hôm 10/5, các Trợ lý cao cấp về ngoại giao như Daniel Russel hay Tom Malinowski đã thông báo khá cụ thể về các ưu tiên của Tổng thống Obama trong nghị trình sắp tới. Đích thân Ngoại trưởng John Kerry cũng truyền đi thông điệp khá lạc quan tại Hội nghị về Chiến tranh Việt Nam ngày 27/4 (Texas).
Người viết bài này chia sẻ tinh thần lạc quan ấy của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Nhưng bài “Tháng Năm lại về…” của tác giả được báo chí trong nước đăng một phiên bản và Viet-Studies đăng bản gốc , vẫn còn phản ánh phần nào tình thế lưỡng nan trong bang giao Việt—Mỹ trước chuyến thăm của ông Obama.
Duyên hay nợ?
Ông Obama thăm Hà Nội cho thấy cái “DUYÊN” cuối nhiệm kỳ của Tổng thống đối với Việt Nam chưa phải đã hết. Cho dù nước này gần như là thành viên cuối cùng của ASEAN (nhưng trước Lào) ông đặt chân tới sau tám năm làm việc ở Nhà Trắng.Bang giao Việt—Mỹ sẽ có đột phá mới về chất? Quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước sẽ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược”? Cấm vận vũ khí sẽ được giở bỏ? Và nhiều thỏa thuận khác đang chờ để được ký? Tất cả xem ra còn tùy duyên do một chữ “NỢ” quyết định.
Duyên hay nợ ở đây là nhìn trên tương quan duyên—khởi. Một tập hợp vừa là cái mầm, cái gốc, vừa là những điều kiện, nguyên do xúc tác, thúc đẩy cái mầm ấy đơm hoa kết trái.
Duyên hay nợ thì Tổng thống cũng sẽ đến một miền đất đã từng mang trên mình nó cả pho lịch sử oanh liệt nhưng cũng đầy bi tráng. Và giờ đây, dân tộc ấy vẫn đang phải vật vã với hiện tại.
Ngày 2/9/1945, sau Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn văn tiếp theo từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong việc đánh bại kẻ thù của ta… nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt”, theo tư liệu Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Tập 1 (1945—1955), NXB Chính trị Quốc gia.
Giờ đây, “vạn lý trường thành” do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông đang chặn đứng “đường sinh mệnh” của Việt Nam. Thảm họa môi trường khắp cả ba miền Bắc—Trung—Nam đang báo động về nguy cơ tiệt chủng và diệt chủng đối với thủy sinh cũng như con người. Tất cả liệu đã đủ để lay động nước Mỹ và thế giới tự do?
Hãy cảnh giác! Ở đây, chuông không chỉ nguyện hồn của Việt tộc. Trong diễn văn nhậm chức năm 1944, Tổng thống Roosevelt có nói, nước Mỹ không thể sống cô độc trong hòa bình. Hạnh phúc và thịnh vượng của người Mỹ tùy thuộc vào hạnh phúc và thịnh vượng từ nhiều miền đất xa xôi trên trái đất này.
Sau bao thăng trầm, nhiều chỉ dấu cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đang đứng trước cơ hội lớn để nâng tầm bang giao lên cấp độ chiến lược trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đầy bất trắc, biến động.
“Bao máu xương và hy vọng của những lớp người ngã xuống hôm qua trong cuộc chiến, từ tất cả mọi phía, đòi hỏi phải thăng hoa mối quan hệ này... Ở đây và ngay bây giờ!” Năm 2010, người viết bài này đưa ra khuyến nghị ấy. Nhưng từ đấy, hơn 6 năm đã trôi qua…
Trật tự Thái Bình Dương
Trải bao biến thiên, ông John Kerry không che dấu sự ngạc nhiên: “Không ai có thể tưởng tượng nổi Hoa Kỳ và Việt Nam bắt tay cùng mười quốc gia khác để đạt được một cơ hội giao thương vô giá”, ông nói về Hiệp định TPP như thế.Từng là lực đẩy cho các trào lưu tiến bộ xuyên suốt lịch sử, nước Mỹ giống như thần Atlas, mang vác công việc của thế giới trên đôi vai của mình. Và đấy là một sứ mệnh đặc biệt gánh vác trách nhiệm toàn cầu.
Mới đây, các thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Obama hãy ra lệnh FONOP hàng tuần trên Biển Đông. Tỷ phú Donald Trump lớn tiếng, không được để Trung Quốc “cưỡng hiếp” Hoa Kỳ, khi nói về giao thương với Bắc Kinh. Bà Hillary Clinton thì khẳng định, bà hiểu rõ Trung Quốc đang chơi trò gì và biết cách làm thế nào để chặn lại.
Trên Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng những hạm đội tàu cá để thu thập thông tin về các tàu nước ngoài hoạt động trong khu vực, trong đó có các chuyến FONOP của Mỹ. Các tàu này được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển, nhiều tàu mang theo cả vũ khí.
Vậy, thông điệp của ông Obama tới đây là gì? Mỹ sẽ ưu tiên sức mạnh vũ trang hay luật pháp quốc tế để đối phó với Trung Quốc? Hay ông Obama sẽ nói về một chiến lược tái cân bằng khi “xoay trục”: vừa thúc đẩy “thể chế hóa”, thông qua UNCLOS, vừa tạo thế để “răn đe có giới hạn” bằng sức mạnh quân sự?
“Trật tự Thái Bình Dương” (Pax Pacifica)—một trong những di sản Obama để lại cho hậu thế—sẽ tiến triển theo hướng tái cân bằng nói trên?
Cũng có ngộ nhận cho rằng, nước Mỹ đã mỏi mệt với thế giới. Hơn 50% người dân Mỹ cho là Hoa Kỳ chỉ nên quan tâm tới các vấn đề của chính mình và hãy phó mặc cho các quốc gia khác tự giải quyết lấy công việc của họ. Đây là tỷ lệ cao chưa từng có trong lịch sử thăm dò dư luận ở Mỹ.
Nhưng rồi chính quyền và quốc hội Mỹ thời nào cũng buộc phải nắm quyền thống lĩnh trong quan hệ không chỉ với Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên, nước Nga đang toa rập: “Mỹ tránh xa khỏi Biển Đông” và ủng hộ Trung Quốc “luộc” từng nước trong khu vực bằng con bài song phương.
Vì tương lai của Pax Pacifica, Mỹ phải vừa áp chế, vừa thỏa hiệp với đế chế Nga của ông Putin để tránh một trục Bắc Kinh—Mạc Tư Khoa bất đắc dĩ. Bởi vì, nếu không duy trì được trật tự vận hành trên luật pháp quốc tế, nước Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên gánh chịu sự mất mát khi trật tự hiện hữu sụp đổ.
Một duyên, hai nợ, ba tình. Nếu vượt qua được các thế lưỡng nan nói trên, chuyến thăm của ông Obama sẽ là tiếng sấm đầu mùa, báo hiệu một kỷ nguyên mới trong cả quan hệ song phương lẫn khu vực. Bằng không, chuyến công du của ông chỉ là cơn mưa cuối vụ, chưa đủ để thấm đất!
Cho dù sau Obama, tỷ phú Trump hay quý bà Clinton sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao Việt Nam và hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS).
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét